Nhật Bản đảo ngược chính sách đại dương

Thứ Tư, 23/05/2018, 10:40
Chính phủ Nhật Bản đã hoàn thành kế hoạch cơ bản về chính sách đại dương cho giai đoạn 2018-2022 tại một cuộc họp nội các hôm 15-5.Chính sách đại dương mới nhấn mạnh vấn đề an ninh biển, trong đó có an ninh khu vực và bảo vệ quốc phòng đối với các hòn đảo ở xa, theo Hãng thông tấn Kyodo đưa tin.


Đây là sự đảo ngược chính sách trước đây của nước này vốn tập trung chủ yếu vào phát triển tài nguyên. Việc chuyển đổi chính sách biển của Nhật Bản phản ánh các mối đe dọa ngày càng tăng từ CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc, theo Nikkei. Chính sách đại dương mới nêu lên các đe dọa từ việc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo và các hoạt động của tàu Trung Quốc xung quanh quần đảo Senkaku mà Nhật kiểm soát nhưng Trung Quốc nói thuộc sở hữu của họ với tên gọi Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông.

Trước cuộc họp nội các, Thủ tướng Shinzo Abe, cũng là Chủ tịch Ủy ban Điều phối chính sách hàng hải, phát biểu: “Trong bối cảnh căng thẳng về hoàn cảnh đại dương, chính phủ nên làm việc cùng nhau để bảo vệ các lãnh thổ và quyền lợi hàng hải của chúng ta, cũng như duy trì và phát triển sự cởi mở và ổn định của các vùng biển”. 

Nhật Bản có tranh chấp lãnh thổ với tất cả các nước láng giềng: trên quần đảo Kuril với Nga; với Hàn Quốc trên các đảo nhỏ được gọi là Dokdo hoặc Takeshima; và với Trung Quốc trên các đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Một tàu giám sát của Trung Quốc đi qua một chiếc thuyền đánh cá của Nhật Bản gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào tháng 7-2013.

Theo Hãng Financial Times (Anh), mặc dù mối quan hệ của Nhật Bản với Trung Quốc đang trên đà ấm lên, các tàu Trung Quốc vẫn thường xuyên đi vào các vùng biển quanh các đảo do Nhật Bản quản lý, và Tokyo lo ngại trước sự tăng trưởng của sức mạnh hải quân của Bắc Kinh. 

Chính sách đại dương không phải là một văn kiện quốc phòng mà là một tuyên bố rộng hơn về cách Nhật Bản sẽ quản lý vùng biển quanh quần đảo. Trong ấn bản mới nhất, việc bảo tồn và thăm dò hàng hải đối với mêtan hydrat được đẩy xuống hàng thứ yếu do các vấn đề an ninh.

Kế hoạch chi tiết về chính sách đại dương sẽ được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Chính phủ Nhật Bản. Theo kế hoạch, chính phủ sẽ phát triển một nền tảng để cho phép họ nhanh chóng truyền đạt thông tin với các tàu trong vùng biển gần Nhật Bản, và sẵn sàng ứng phó với các vụ phóng tên lửa có thể xảy ra từ Triều Tiên. Nhật Bản cũng sẽ tăng cường năng lực của các tàu biển, máy bay và radar của Lực lượng Phòng vệ và Lực lượng Cảnh sát Biển.

Chính phủ nước này có kế hoạch tăng cường giám sát các tàu biển không xác định bằng cách sử dụng các vệ tinh của Cơ quan Thám hiểm Hàng không vũ trụ Nhật Bản, chia sẻ thông tin với các lực lượng Hoa Kỳ và các tổ chức khác. 

Nhật Bản cũng sẽ xây dựng một hệ thống để củng cố thông tin hàng hải được thu thập bởi Lực lượng Phòng vệ và Cảnh sát Biển. Kế hoạch cũng đã triển khai các hệ thống an ninh khẩn cấp gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, khu vực tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc.

Để đảm bảo an toàn cho tuyến hàng hải, chính sách này cũng quy định chính phủ sẽ thúc đẩy “chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do” mà ông Abe ủng hộ để duy trì và củng cố trật tự trong khu vực dựa trên pháp trị. 

Chính sách đại dương mới của Nhật Bản lần đầu tiên bao gồm các chính sách liên quan đến Bắc Cực nhằm giúp các công ty Nhật Bản dễ dàng sử dụng tuyến đường biển phía bắc thông qua Bắc Băng Dương, phía bắc nước Nga, theo Nikkei.

"Đây là lần đầu tiên chính sách đại dương đề cập rõ ràng đến an ninh hàng hải", Tomohiko Tsunoda, nghiên cứu viên cao cấp về nghiên cứu chính sách đại dương thuộc Quỹ Hòa bình Sasakawa cho biết.

Kể từ khi được đưa ra lần đầu tiên vào năm 2008, chính sách đại dương của Nhật đã được xem xét lại mỗi 5 năm. Nội dung của chính sách đại dương lần thứ ba này dự trù sẽ được phản ánh trong hướng dẫn xây dựng lực lượng phòng vệ của Nhật vốn sẽ được điều chỉnh vào tháng 12 năm nay.

Thùy Dương
.
.