Nguy cơ bùng phát chiến tranh hạt nhân?

Chủ Nhật, 22/10/2017, 11:52
Ngày 16-10 vừa qua, Phó đại sứ CHDCND Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) cảnh báo “một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể nổ ra bất cứ lúc nào”, trong bối cảnh căng thẳng giữa Bình Nhưỡng và Mỹ cùng các đồng minh trong khu vực đang tăng cao.


Tuyên bố “cứng”

Phát biểu trước Ủy ban Giải trừ quân bị và An ninh quốc tế của LHQ, ông Kim In Ryong tuyên bố Triều Tiên là nước duy nhất trên thế giới đã bị “đe dọa hạt nhân một cách cực đoan và trực tiếp” từ Mỹ từ những năm 1970 nên “có quyền sở hữu vũ khí hạt nhân để tự vệ”.

Ông Kim tập trung chỉ trích các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn hàng năm bằng cách sử dụng “tài sản hạt nhân”, và điều nguy hiểm hơn là cái mà ông gọi là kế hoạch của Mỹ để tiến hành một “hoạt động bí mật nhằm loại bỏ sự lãnh đạo tối cao của Triều Tiên”.

Theo lời ông Kim, Triều Tiên đã hoàn thành công tác chuẩn bị và phát triển “vũ khí hạt nhân một cách chính thức, có khả năng chuyên chở các loại bom nguyên tử, bom H và tên lửa đạn đạo liên lục địa. Toàn bộ lục địa Hoa Kỳ nằm trong tầm bắn của chúng tôi và nếu Mỹ dám xâm phạm lãnh thổ thiêng liêng của chúng tôi thậm chí chỉ một chút thì nước này cũng sẽ không thoát khỏi sự trừng phạt mạnh mẽ của chúng tôi”.

Ông Kim một mặt bảo vệ quyền phát triển và sở hữu vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, gọi kho vũ khí hạt nhân và hỏa lực của nước này là “một tài sản chiến lược quý báu không thể đảo ngược hoặc trao đổi với bất cứ điều gì”. Một mặt, ông lên tiếng khẳng định rằng Triều Tiên hy vọng về một thế giới không vũ khí hạt nhân. “CHDCND Triều Tiên luôn ủng hộ việc loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân và những nỗ lực phi hạt nhân hoá trên toàn thế giới”.

Triều Tiên hôm 16-10 cũng tuyên bố không quan tâm đến các giải pháp ngoại giao để giảm căng thẳng với Mỹ cho đến khi nước này phát triển thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng đánh đến bờ biển phía đông của Mỹ. “Trước khi có thể tham gia vào các biện pháp ngoại giao với chính quyền Trump, chúng tôi muốn gửi một thông điệp rõ ràng rằng Triều Tiên có khả năng phòng thủ và tấn công đáng tin cậy để chống lại bất kỳ sự xâm lược nào”, một quan chức Triều Tiên nói với CNN.

Siết chặt vòng vây

Bài phát biểu cứng rắn của ông Kim diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên đang ngày càng bị cô lập, không chỉ từ Mỹ và châu Âu, mà còn từ những đồng mình thân cận truyền thống của nước này như Trung Quốc và Nga.

Trong cuộc họp ở Luxembourg ngày 16-10, Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý cấm bán dầu mỏ và các sản phẩm lọc dầu cho Triều Tiên, cho rằng Bình Nhưỡng vẫn đặt ra mối đe dọa thường trực cho hòa bình và ổn định quốc tế, theo Reuters. 

Hơn nữa, EU cũng quyết định sẽ không tái cấp giấy phép lao động cho người Triều Tiên tại các nước EU; đồng thời giảm mức tiền mà những lao động này có thể gửi về nước từ 15.000 euro xuống còn 5.000 euro, theo Yonhap. 

Hiện tại, có khoảng 400 người Triều Tiên làm việc tại các nước EU, chủ yếu là ở Ba Lan. Bên cạnh đó, EU cũng đóng băng tài sản của quân đội Triều Tiên tại khối này, đưa 3 quan chức và 6 doanh nhân vào danh sách đen bị cấm đến EU. Tính tổng cộng, có 41 cá nhân cùng 10 công ty Triều Tiên nằm trong diện trừng phạt của EU.

Tàu sân bay Mỹ đã được điều tới vùng biển Triều Tiên.

Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh áp đặt một số lệnh cấm vận đối với CHDCND Triều Tiên theo Nghị quyết 2321 của Hội đồng Bảo an LHQ. Theo đó, Nga áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 11 cá nhân Triều Tiên và 10 công ty có liên quan đến các chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Nga cũng cấm xuất khẩu sang Triều Tiên 80 chất hóa học và các loại thiết bị và phần mềm có thể được sử dụng để sản xuất vũ khí hạt nhân, hóa học hoặc sinh học. Sắc lệnh cũng đã cắt giảm một số tài khoản ngân hàng của các cơ quan đại diện ngoại giao của Triều Tiên ở Nga và cấm xuất khẩu các mặt hàng xa xỉ, bao gồm thảm trang trí đắt tiền, đồ gia dụng bằng sứ có giá trị hơn 500 USD và 100 USD tương ứng.

Tổng thống Nga Putin yêu cầu các tàu biển liên quan đến chương trình hạt nhân ngoại trừ trường hợp khẩn cấp sẽ bị tước đăng ký và cấm nhập cảnh vào các cảng của Nga. Triều Tiên sẽ không được sử dụng bất kỳ tài sản nào ở Nga, trừ các cơ sở ngoại giao và cơ quan lãnh sự. Theo lệnh trừng phạt, tất cả các hoạt động bán khí đốt tự nhiên cho Triều Tiên đều bị cấm và chỉ có thể bán số lượng dầu hạn chế. Các biện pháp trừng phạt còn cấm nhập khẩu các sản phẩm dệt từ nước này. Các biện pháp khác cũng đã được đưa vào trong sắc lệnh dài 39 trang.

Tháng trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã chỉ thị cho các ngân hàng trong nước ngừng cung cấp tài chính cho CHDCND Triều Tiên. Bắc Kinh cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp Triều Tiên hoạt động tại Trung Quốc phải đóng cửa trong vòng 120 ngày. Một loạt lệnh trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an LHQ có hiệu lực từ tháng 9 đã cấm Triều Tiên xuất khẩu các sản phẩm dệt may, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến một trong các nguồn thu ngoại tệ chính của nước này. Trung Quốc cũng đã cấm nhập khẩu than, sắt và chì từ Triều Tiên.

Mỹ đã có “lịch trình chiến tranh”

Trong khi đó, một vị tướng Mỹ nổi tiếng với những bình luận thận trọng tiết lộ Lầu Năm Góc đã có sẵn “lịch trình chiến tranh” với Triều Tiên. Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình NBC tối 15-10, tướng Barry McCaffrey tuyên bố Mỹ sẽ "chìm trong chiến tranh" với Triều Tiên vào mùa hè năm tới.

Cựu tướng lục quân này đã bác bỏ khả năng có thể đưa Triều Tiên quay lại bàn đàm phán. "Vấn đề hiện nay là chúng ta đang phải đương đầu với quá nhiều cuộc khủng hoảng đang tiếp diễn, và Tổng thống Trump đang gây quá tải cho lực lượng vũ trang lẫn những nỗ lực ngoại giao... Tôi không muốn chúng ta rời mắt khỏi Triều Tiên. Kiểu ngôn ngữ hiện thời của chính quyền, việc thiếu hụt ngoại giao và các chiến lược nghiêm túc, đang đẩy chúng ta tới một cuộc chiến vào hè năm tới. Với chính quyền Mỹ hiện giờ, chiến tranh đã được lên kế hoạch", Tướng McCaffrey nói.

Theo báo Australia News, người dẫn chương trình Brian Williams ngay lập tức nhấn mạnh rằng tướng McCaffrey không phải là người hay đưa ra những tuyên bố kích động, nên cảnh báo của ông càng gây chú ý hơn. "Tôi biết tướng McCaffrey đã nhiều năm. Ông là một người không thích cường điệu", Williams nói. Cũng trong ngày 15-10, Triều Tiên đưa ra tuyên bố sẽ tấn công nhằm vào Australia  nếu nước này tiếp tục đi theo Mỹ.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã nhấn mạnh rằng các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên “sẽ tiếp tục cho đến khi các quả bom đầu tiên rơi xuống.” Ông Tillerson cho biết, ưu tiên ngoại giao nhằm kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên là con đường ưu tiên của Tổng thống Trump mặc dù tuyên bố trên Twitter rằng giải pháp ngoại giao sẽ không hiệu quả.

Trả lời phỏng vấn Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc ngày 16 vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nói Triều Tiên không muốn đối thoại khi nước này tiếp tục tiến hành các vụ phóng tên lửa đạn đạo và thử vũ khí hạt nhân. Bà Heather Nauert khẳng định thông qua “chiến dịch áp lực hòa bình”, Mỹ sẽ tiếp tục gây sức ép và áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên để có thể đưa nước này quay trở lại bàn đàm phán.

Bàng Cương
.
.