Cục sắt ném đi, cục chì ném lại

Thứ Năm, 10/08/2017, 10:39
Lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm mục đích gây tổn hại cho Nga, nhưng nó cũng có thể mang lại hậu quả không mong đợi cho Mỹ.


Vào cuối tháng trước, Bộ Ngoại giao Nga đã gây sốc khi tuyên bố lệnh trục xuất đối với 755 nhà ngoại giao và đặc sứ Mỹ. Tuy nhiên, điều khiến giới quan sát ngạc nhiên hơn là họ đã không làm điều này sớm hơn.

Vì thông thường trong chiến tranh lạnh, bất kỳ lệnh trục xuất ngoại giao nào cũng ngay lập tức bị đáp trả bởi biện pháp đối ứng. Thật vậy, vào tháng 12-2016, sau khi chính quyền Obama trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga và đóng cửa 2 cơ quan đại sứ quán để trừng phạt Nga vì can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016, Ngoại trưởng Lavrov đã xuất hiện vào ngày hôm sau trên truyền hình với danh sách 35 nhà ngoại giao Mỹ cần trục xuất.

Nhưng Tổng thống Putin đã làm thế giới ngạc nhiên khi tuyên bố: “Mặc dù chúng ta bảo lưu quyền thực thi các biện pháp đối ứng, chúng ta sẽ không hạ cấp xuống mức ‘ngoại giao nhà bếp’ vô trách nhiệm”. Có thể Kremlin tin rằng một khi Tổng thống Trump lên nắm quyền, việc trục xuất ngoại giao sẽ bị huỷ bỏ và các mối quan hệ sẽ được cải thiện.

Sau khi ông Putin và Trump hội kiến song phương ở Hamburg (Đức), người ta tưởng rằng Nga - Mỹ sẽ bắt đầu quá trình bình thường hóa quan hệ. Tuy nhiên, những diễn biến tới nay cho thấy triển vọng cải thiện quan hệ đang ngày càng mờ nhạt, nếu không nói là còn tệ hơn hồi tháng 12 năm ngoái. Hoa Kỳ sẽ phải giảm 60% nhân viên ngoại giao ở Nga để tuân thủ các lệnh trừng phạt của Nga.

Sự suy thoái này chủ yếu xuất phát từ những nguyên nhân nội tại ở cả 2 nước. Những cuộc điều tra liên tục về các mối quan hệ giữa gia đình Tổng thống Mỹ và các cố vấn thân cận của ông với những người Nga, cộng với cuộc bầu cử năm 2016, đã khiến Nga trở thành một chủ đề độc hại ở Washington DC.

Trong một sự đồng thuận bất thường giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ, Thượng viện cuối tháng 7 vừa qua đã thông qua một dự luật hệ thống hóa và mở rộng các biện pháp trừng phạt hiện có, vốn được áp đặt từ thời Obama sau khi Nga sáp nhập Crimea dưới dạng các lệnh hành pháp. Sở dĩ Quốc hội Mỹ phải luật hóa các lệnh hành pháp này, vì sợ ông Trump có thể đơn phương dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.

Quốc hội bây giờ sẽ phải phê chuẩn bất kỳ sửa đổi nào liên quan đến việc trừng phạt Nga. Loại luật này là một công cụ cộc cằn. Một khi đã được thông qua, như lịch sử Luật Jackson-Vanik năm 1974 cho thấy, có lẽ nó sẽ tồn tại lâu hơn cần thiết và khiến một tổng thống không còn khả năng linh hoạt trong việc giải quyết các vấn đề với Nga.

Các yếu tố trong nước cũng đã ảnh hưởng đến phản ứng của Nga. Chủ nghĩa dân tộc Nga đã trở thành một thế lực mạnh mẽ. Tổng thống Putin phải đối mặt với tái bầu cử vào tháng 3 tới, và dù sự ủng hộ dành cho ông vẫn còn cao, sự ủng hộ đó phần lớn dựa vào những thành tựu chính sách đối ngoại, cho thấy Nga là một cường quốc được kính trọng và Putin là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ.

Tổng thống Putin có thể chịu sức ép phải chứng minh Nga không thể tiếp tục đáp trả một cách thụ động trước những động thái xúc phạm từ Hoa Kỳ. Dĩ nhiên, không phải vô cơ mà Mỹ áp các lệnh trừng phạt, mà chủ yếu vì hành động của Moscow ở Ukraine và trong chiến dịch bầu cử của Mỹ - ít nhất là theo cáo buộc của Washington.

Luật trừng phạt của Mỹ, được thiết kế để làm tổn thương Nga, có thể có những hậu quả không mong đợi đối với Washington. Trước tiên, luật không chỉ tiếp tục trừng phạt Nga mà còn sẽ phạt các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu vi phạm những hạn chế đối với các dự án năng lượng liên quan đến các công ty Nga.

Cụ thể, dự luật này nhằm ngăn chặn việc xây dựng đường ống dẫn Nord Stream 2 có thể xuất khẩu khí đốt Nga dưới biển Baltic tới châu Âu. Đức, cũng như hầu hết EU, đều ủng hộ dự án này, vì nó được xem là rất quan trọng để đáp ứng nhu cầu khí đốt của lục địa già trong tương lai.

Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, đã cảnh báo đạo luật về các biện pháp trừng phạt "có thể có những tác động đơn phương ngoài mong muốn, tác động đến lợi ích an ninh năng lượng của EU". Ông Jean-Claude Juncker cảnh báo châu Âu sẽ có hành động thích ứng "nếu mối quan tâm của chúng tôi không được tính đến đầy đủ”.

Thêm nữa, các quan chức Đức, cũng như những người Nga còn cho rằng chương trình nghị sự thực sau các biện pháp trừng phạt là đẩy mạnh xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Mỹ sang châu Âu. Một số quan chức EU đã cảnh báo rằng EU có thể xem xét lại chế độ trừng phạt của chính họ - vốn được thiết kế cẩn thận để phù hợp với các biện pháp trừng phạt thời chính quyền Obama - nếu Mỹ tiếp tục với dự luật. Điều này tất nhiên sẽ là tin tốt cho Kremlin.

Những động thái mới nhất của Kremlin có thể báo trước sự bắt đầu của một loạt các lệnh trừng phạt và biện pháp trừng phạt mới của cả 2 bên. Nga và Mỹ vẫn có thể làm việc cùng nhau ở Syria, nhưng đó có thể là một trong số ít các lĩnh vực hợp tác còn lại. Nếu vậy, mối quan hệ Mỹ - Nga có thể tiếp tục xấu đi trước khi nó bắt đầu cải thiện - và với tình trạng bất ổn hiện tại của Washington, có thể phải mất một thời gian dài.

Nam Tiên
.
.