Chết vì bị tịch thu cá

Thứ Bảy, 17/12/2016, 17:43
Ngày 7-11 vừa qua, Tổng cục An ninh quốc gia (DGSN) kêu gọi chính quyền Morocco bảo đảm minh bạch hơn và sớm công bố kết quả điều tra vụ một người bán cá bị ép chết trong xe gom rác, khi nạn nhân cố lấy lại số cá bị cảnh sát tịch thu.

Trước đó, ngành công tố gọi cái chết của người bán cá Mouhcine Fikri, 31 tuổi, là “án mạng không chủ ý”, và 11 người sẽ bị đưa ra tòa, như một phần cuộc điều tra hình sự. Các nhà điều tra đã lấy lời khai của 20 người, và 11 người phải hầu tòa, 8 người bị bắt.

Cảnh sát ra lệnh “Nghiền nó” vì…

Theo một tuyên bố của ngành công tố Morocco, vụ việc đáng tiếc xảy ra vào ngày 28-10 ở thành phố cảng Al Hoceima. Lúc đó, Fikri chuyên bán hàng sỉ, vừa mua lại 500 kg cá kiếm từ các ngư dân. Đây là loài cá được bảo vệ khỏi bị tuyệt chủng, nên có lệnh cấm đánh bắt từ ngày 1-10 đến 30-11.

Fikri đã nhờ ai đó chuyển số cá ra khỏi cảng. Chiếc xe này không bị kiểm tra khi rời cảng, nhưng bỗng nhiên cảnh sát chặn xe để khám xét. Một đại diện của Bộ Nông-ngư nghiệp Morocco đến, giải thích những vi phạm cho tài xế biết. Cảnh sát báo cho Văn phòng công tố, nơi ra lệnh tịch thu số cá và bắt giam tài xế. 

Những cuộc biểu tình phản đối cảnh sát ở nhiều thành phố, với sự tham gia của hàng ngàn người.

Sau đó, một nhân viên thú y phát hiện số cá Fikri mua không thể ăn được, vì không có nguồn gốc xuất xứ của chúng. Có lệnh tiêu hủy số cá này, nên lúc 22 giờ đêm 28-10, cảnh sát gọi xe gom rác đến thực hiện nhiệm vụ tiêu hủy.  Công ty thu gom rác yêu cầu có lệnh chính thức trước khi họ nhận việc, nên các quan chức cấp lệnh này cho lãnh đạo công ty. Tuy nhiên, sau này các nhà điều tra phát hiện tờ lệnh cho phép tiêu hủy số cá kiếm là giả.

Khi xe gom rác đã nhận số cá, Fikri cùng hai người bạn nhảy lên thùng ép rác của xe để cố giật lại số hàng. Tuyên bố của ngành công tố viết: “Lúc ấy, thiết bị ép rác bắt đầu hoạt động, điều đó dẫn đến cái chết của nạn nhân. Không rõ vì sao thiết bị này lại được kích hoạt. Văn phòng công tố kết luận cái chết là một hành động giết người không chủ ý”.

Những hình ảnh video khủng khiếp quay được, chiếu cảnh hai người bạn nhảy khỏi xe gom rác, trong khi Fikri sợ hãi gào thét trước khi bị máy ép rác nghiền chết.

Nhưng những nghi ngờ cảnh sát sai phạm nổi lên, sau khi vài tờ báo Morocco đưa tin một nhân chứng nói đã nghe một sĩ quan ra lệnh “Nghiền nó, nghiền bọn nó”, buộc tài xế xe rác khởi động máy ép rác để hù dọa nhóm người đang cố giành lại số cá bị tịch thu.

…Vì nạn nhân không chịu hối lộ

Vụ việc cũng khiến người Morocco đề cập nhiều đến “hogra”, chữ dùng để chỉ những hành vi lạm quyền, thiên vị của quan chức chính quyền, như nhận hối lộ và hành động bạo lực. Theo một câu chuyện lan truyền trên mạng xã hội (nhưng cảnh sát phủ nhận kịch liệt) thì một sĩ quan cảnh sát đã đòi tiền hối lộ thì mới cho hàng đi, nhưng vì Fikri không chịu “đút lót”, sĩ quan này ra lệnh tiêu hủy số cá.

Theo tuyên bố của ngành công tố, cuộc điều tra sơ bộ đã tạm kết luận không hề có lệnh giết Fikri. Trước đó, cảnh sát đã thẩm vấn 5 người (gồm 1 trong 2 người bạn của nạn nhân)  rằng có phải họ đã nghe một sĩ quan cảnh sát ra lệnh khởi động máy ép rác dù có Fikri ở trong. Những người này đều khai không có vụ cảnh sát ra lệnh.

Cảnh sát cho rằng Fikri không chịu dừng xe để kiểm soát, và toan giành lại số cá buôn lậu khi đã có quyết định tiêu hủy, nhưng họ không giải thích vì sao máy ép rác khởi động và ai là người khởi động thiết bị này.

Vụ việc đã khiến bùng nổ những cuộc biểu tình phản đối cảnh sát ở nhiều thành phố, với sự tham gia của hàng ngàn người. Họ đòi phải xử lý những người có trách nhiệm liên quan đến cái chết của Fikri. Trước Tòa thị chính Al Hoceima: diễn ra những cuộc biểu tình rầm rộ nhất.Hàng trăm người ở quảng trường trung tâm đã thét to “Đả đảo Makhzen”, chữ để chỉ hệ thống chính trị của Morocco, một quốc gia quân chủ lập hiến ở châu Phi.

Người dân Morocco biểu tình phản đối cảnh sát dính líu đến cái chết của Fikri.

Tổng cục An ninh quốc gia Marocco ra tuyên bố bác bỏ thông tin cảnh sát địa phương liên quan đến cái chết của Fikri. Bộ Nội vụ cho biết Nhà vua Mohammed VI đã yêu cầu Bộ trưởng Nội vụ Mohammed Hassad đến chia buồn với gia đình Fikri và “điều tra triệt để” vụ việc. Thủ tướng Abdelilah Benkirane cũng đã gởi lời chia buồn, và kêu gọi các thành viên trong ðảng ông ngýng tham gia các cuộc biểu tình.

Vụ việc dẫn đến sự so sánh với cái chết của Mohammed al-Bouazizi, một người Tunisia bán rau đã tự thiêu, sau khi bị một nữ cảnh sát tát vào mặt và tịch thu số rau của ông. Vụ này dẫn đến chuyện dân Morocco hưởng ứng “mùa xuân Ả Rập” ngày 20-2-2011. Lúc đó, Bouazizi trở thành biểu tượng đấu tranh chống thất nghiệp, tham nhũng, chính phủ độc tài và cảnh sát lạm quyền. Họ đòi dân chủ và công lý xã hội, nhưng không hề muốn lật đổ hoàng gia.

Đáp lại, Nhà vua Mohammed VI đã hứa sửa đổi hiến pháp và dân chủ hơn. Cái chết của Fikri xảy ra chỉ vài tuần sau cuộc bầu cử quốc hội, và vào lúc người dân vỡ mộng trước tiến độ cải cách chính trị mà Nhà vua đưa ra từ năm 2011. Các cải cách này nhằm chuyển Morocco từ một chế độ hoàng gia tập quyền sang một nền dân chủ do quốc hội điều hành. Dù cải cách hiến pháp, quyền hành pháp vẫn tập trung vào hoàng gia, nơi nắm cả lực lượng an ninh, quân đội và tôn giáo.

Bảo Vĩnh (theo Guardian)
.
.