Tiến độ các dự án giao thông trọng điểm:

Vật liệu xây dựng, giải phóng mặt bằng vẫn là rào cản

Thứ Sáu, 21/07/2023, 06:03

Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình cung ứng vật liệu cho dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. Tại đây, Bộ GTVT cũng thừa nhận, khối lượng cát cần lấy từ các mỏ mới là rất lớn, thủ tục khai thác đang chậm, trong khi mùa mưa, lũ đã đến gần, nếu không khai thác được ngay sẽ làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án…

Tình trạng người chờ việc, việc chờ thủ tục

Theo Bộ GTVT, đến nay, 12 địa phương có dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đi qua đã bàn giao mặt bằng 624,34/721,2km (87%); đã hoàn thành 38 khu tái định cư, đang xây dựng 106 khu…Các địa phương đã tổng hợp để trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua trong tháng 7/2023 chuyển đổi mục địch sử dụng rừng, sử dụng đất các khu vực liên quan đến mỏ vật liệu xây dựng, để các nhà thầu triển khai khai thác vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8/2023. Cùng đó, 14 địa phương có 3 dự án cao tốc Đông-Tây và 2 đường vành đai đã triển khai giải phóng mặt bằng (GPMB) đáp ứng tiến độ khởi công, trong đó một số địa phương triển khai tốt như Hà Nội, Đồng Nai, Hậu Giang và TP Hồ Chí Minh đạt trên 85%; đang tích cực triển khai GPMB phần còn lại để hoàn thành trước 31/12/2023.

Phía Bộ GTVT nhìn nhận, phần lớn người dân khu vực dự án đồng tình, ủng hộ với các chính sách GPMB, sẵn sàng di dời để bàn giao mặt bằng cho dự án. Như vậy, có thể coi như các vướng mắc trong triển khai các dự án từng bước đã được tháo gỡ. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GTVT vẫn phải thừa nhận, khâu tổ chức thực hiện vẫn chưa đáp ứng được như kỳ vọng. Nếu không tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết, khoa học, khả thi sẽ xảy ra tình trạng người chờ việc, việc chờ thủ tục, sẽ không đáp ứng yêu cầu tiến độ thi công và kế hoạch giải ngân đã đề ra.

Từ đây, Bộ GTVT cũng chỉ ra những khó khăn cần nhận diện. Cụ thể, hiện nay các mỏ VLXD cho dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 đã được các chủ đầu tư, địa phương và nhà thầu xác định vị trí, đủ trữ lượng; tuy nhiên một số mỏ còn chưa đủ điều kiện, thủ tục để khai thác, bảo đảm yêu cầu cho công tác triển khai thi công.

1.jpg -0
Các dự án thành phần đoạn từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa cần hơn 17 triệu m3 đá. Ảnh minh hoạ.

Vẫn gặp khó trong thương thảo chuyển nhượng đất, khai thác mỏ

Theo báo cáo, hiện nay, các dự án thành phần đoạn từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa cần hơn 17 triệu m3 đá, chủ yếu lấy từ các mỏ đang khai thác với tổng công suất khai thác hiện nay khoảng gần 9,6 triệu m3/năm. Công suất khai thác hiện nay của các mỏ cơ bản đáp ứng. Về vật liệu cát, tổng nhu cầu cần gần 9,7 triệu m3. Trong đó, hơn 4 triệu m3 được sử dụng từ 82 mỏ đang khai thác với tổng trữ lượng hơn 11 triệu m3. Tổng công suất khai thác khoảng 1,7 triệu m3/năm. Còn lại gần 5,4 triệu m3 được sử dụng từ 16 mỏ chưa khai thác có tổng trữ lượng hơn 10 triệu m3. Đối với các mỏ đang khai thác, công suất các mỏ trên địa phận một số tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu. Riêng các mỏ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Bình Định, Phú Yên (sử dụng cho công tác xử lý nền đất yếu) và một số mỏ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã hết hạn thời gian khai thác, tạm dừng khai thác, chưa đáp ứng do còn cung cấp cho các dự án của địa phương.

Bộ GTVT cũng thẳng thắn nhìn nhận, khối lượng cát cần lấy từ các mỏ mới là rất lớn, chủ yếu phục vụ cho công tác xử lý nền đất yếu, thủ tục khai thác mỏ đang chậm, trong khi mùa mưa, lũ đã đến gần, nếu không khai thác được ngay sẽ làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ, kế hoạch triển khai thi công của các nhà thầu", Bộ GTVT nhấn mạnh.

Thông tin về việc bố trí nguồn vật liệu với các dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau, Bộ GTVT cho biết, tổng khối lượng đá các loại khoảng gần 1,4 triệu m3; tổng khối lượng đất đắp khoảng 1,7 triệu m3; tổng khối lượng cát đắp nền khoảng hơn 18 triệu m3. Với vật liệu đá, đất đã khảo sát đủ trữ lượng, chất lượng, công suất khai thác đáp ứng nhu cầu các dự án thành phần. Đối với vật liệu cát, trên cơ sở đề nghị của Bộ GTVT, UBND tỉnh An Giang đã thống nhất cung cấp cho dự án 1,1 triệu m3 từ các mỏ đang khai thác, tỉnh Đồng Tháp thống nhất cung cấp 1,89 triệu m3.

Đối với 2,2 triệu m3 cát còn lại của năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh An Giang đã có văn bản gửi UBND tỉnh đề xuất lấy từ các mỏ đang khai thác, UBND tỉnh đang xem xét để quyết định. Tỉnh Đồng Tháp đã có văn bản thống nhất cấp đủ cho dự án 7 triệu m3. Trong đó, đã cấp cho dự án gần 0,4 triệu m3 từ nguồn tăng 50% công suất các mỏ đang khai thác và sẽ tiếp tục cấp 0,5 triệu m3 từ các mỏ đang khai thác.

Tỉnh Vĩnh Long hiện có 5 mỏ với trữ lượng khoảng 5 triệu m3 đảm bảo chất lượng yêu cầu. Sở TN&MT đã trình UBND tỉnh đề xuất giao hai mỏ có trữ lượng khoảng 1,8 triệu m3 cho dự án. Ba mỏ còn lại đang được Sở TN&MT xem xét trình UBND tỉnh Vĩnh Long quyết định, dự kiến có thể cấp cho dự án trong tháng 10/2023. Để đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng phục vụ thi công dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, Tổ công tác kiến nghị Bộ TN&MT tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 18.

Bộ GTVT chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu thi công phối hợp chặt chẽ với địa phương, cơ quan liên quan trong quá trình lập, trình, hoàn thiện hồ sơ khai thác mỏ; thủ tục đất đai và thương thảo với các chủ đất khu vực mỏ; hoàn thiện thủ tục để khai thác các mỏ đã trình vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8/2023; hoàn thành thủ tục với các mỏ còn lại chậm nhất trong tháng 10/2023.

Bên cạnh đó, Tổ công tác cũng yêu cầu các địa phương cần thành lập tổ công tác tổ chức thỏa thuận với các chủ sở hữu về giá chuyển nhượng, thuê đất bảo đảm phù hợp với mặt bằng giá bồi thường của nhà nước quy định, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, nâng giá, ép giá; có chế tài để xử lý các trường hợp cố tình nâng giá, ép giá, đầu cơ đất khu vực mỏ. Đồng thời, khẩn trương gia hạn thời gian khai thác đối với các mỏ đã hết hạn, hoàn thiện thủ tục để khai thác trở lại các mỏ đang tạm dừng khai thác để đáp ứng nhu cầu các dự án.

Đặng Nhật
.
.