Hà Nội: Giật mình với tần suất vi phạm tốc độ của xe kinh doanh vận tải

Chủ Nhật, 03/09/2023, 08:59

Qua trích xuất dữ liệu trên hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của Cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội đã phát hiện nhiều trường hợp phương tiện vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT). Cuối tháng 8, cơ quan này đã ra quyết định tước phù hiệu, biển hiệu hơn 750 phương tiện, trong đó có nhiều phương tiện vi phạm tốc độ với con số hàng trăm, hàng nghìn lần/tháng.

Từ taxi đến xe tải, xe container… đều vi phạm tốc độ liên tiếp

Sở GTVT Hà Nội vừa quyết định thu hồi phù hiệu, biển hiệu 750 phương tiện của 239 đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh vận tải vi phạm tốc độ thông qua trích xuất dữ liệu trên Hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của Cục Đường bộ Việt Nam. Đây là các phương tiện trong 1 tháng có từ 5 lần vi phạm tốc độ tính trên 1.000km xe chạy (không tính các trường hợp vi phạm tốc độ từ 5km/h trở xuống) theo quy định của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17-1-2020 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô.

Hà Nội: Giật mình với tần suất vi phạm tốc độ của xe kinh doanh vận tải -0
Sở GTVT Hà Nội tăng cường kiểm tra việc thực hiện lượt tuyến của các doanh nghiệp có xe đăng ký hoạt động tại bến.

Nhìn vào danh sách thu hồi và con số thống kê số lần vi phạm, không ít người sẽ giật mình bởi nguy cơ tai nạn luôn hiện hữu. Đứng đầu danh sách vi phạm phải kể đến Hợp tác xã dịch vụ vận tải Trường Hải, có 88 phương tiện xe container, đầu kéo thường xuyên vi phạm tốc độ, trong đó có xe đầu kéo 37H.04056 vi phạm tốc độ tới 1449 lần/tháng; 37C. 35129  vi phạm 1290 lần/tháng; xe 37C.30675 vi phạm 1105 lần/tháng. Đứng thứ 2 trong danh sách là Hợp tác xã Đỗ Thành có 31 xe vi phạm trong đó có xe vi phạm tới 784 lần/tháng; và nhiều xe vi phạm từ 100 lần trở lên.

Với Hợp tác xã dịch vụ vận tải Đại Nam thường xuyên chạy xe hợp đồng, sai phạm về tốc độ cũng diễn ra như “cơm bữa” như xe mang biển kiểm soát 18F.00150 vi phạm tới 299 lần/tháng; 29F.00390 vi phạm 206 lần/tháng; xe 14B.02026 vi phạm 170 lần. Hộ kinh doanh Nguyên Văn Điệp có xe 29B.30083 chạy hợp đồng cũng vi phạm tới 387 lần; xe 29H.87054 của hộ kinh doanh Nguyễn Văn Hiếu cũng vi phạm tới 393 lần. Bên cạnh đó, theo danh sách vi phạm, hàng loạt xe taxi cũng có số lần vượt tốc độ khủng. Như xe 29E.001352 của Công ty di chuyển xanh và thông minh GSH số lần vi phạm cao nhất tới con số 140 lần/tháng. Cũng ở công ty này, còn tới hơn 10 xe taxi khác thường xuyên vi phạm tốc độ với mức thấp nhất là 7 lần tới 48 lần rồi 60 lần/tháng.

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long đã yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải có phương tiện vi phạm nộp lại phù hiệu, biển hiệu; không sử dụng các phương tiện đã vi phạm để tham gia hoạt động kinh doanh vận tải trong thời gian bị thu hồi phù hiệu; tổ chức kiểm điểm, chấn chỉnh công tác quản lý của bộ phận theo dõi an toàn giao thông, đội ngũ lái xe và báo cáo về sở công tác chấn chỉnh, xử lý vi phạm.

Kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm

Theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức y tế thế giới, có tới 40-50% lái xe vi phạm quy định về tốc độ. Tại các nước có thu nhập cao, tốc độ có liên quan đến 30% số người tử vong trong các vụ tai nạn giao thông (TNGT), trong khi tại các nước có thu nhập thấp, tốc độ là nguyên nhân chính của số vụ TNGT. Bởi vậy, việc đặt ra giới hạn tốc độ và cưỡng chế các lái xe thực hiện theo quy định về tốc độ là những giải pháp quan trọng nhằm giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông và thương tích liên quan đến tốc độ.

Cùng với uống rượu bia khi lái xe, không thắt dây an toàn, không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy…, tốc độ cũng là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ mất an toàn giao thông. Tốc độ phương tiện và nguy cơ xảy ra TNGT tỷ lệ thuận với nhau, tốc độ phương tiện càng cao, nguy cơ xảy ra TNGT càng lớn. Ngoài ra, tốc độ phương tiện cũng có mối quan hệ với hậu quả của vụ tai nạn và tỷ lệ thương tích đối với các nạn nhân.

Tốc độ phương tiện tăng cao làm tăng khả năng bị chấn thương đối với bản thân lái xe và những người cùng tham gia giao thông. Kết quả nghiên cứu của các tổ chức thế giới cho thấy, đối với một hành khách ngồi trong xe ô tô con có tốc độ 80km/h, khi xảy ra va chạm khả năng tử vong cao hơn gấp 20 lần so với va chạm xảy ra ở tốc độ 30km/h. Đối với những người cùng tham gia giao thông dễ bị tổn thương như đi xe máy, đi xe đạp, đi bộ, mối quan hệ giữa tốc độ và tỷ lệ thương tích càng được thể hiện rõ.

Mới đây, tại lễ ra quân thực hiện Kế hoạch tổng kiểm soát xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách và xe ôtô vận tải hàng hoá bằng container, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, đây là kế hoạch lớn, kỳ vọng sẽ tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của chủ phương tiện và đội ngũ lái xe; đưa hoạt động vận tải hành khách bằng xe ôtô, vận tải hàng hoá bằng container trên địa bàn thành phố vào nền nếp.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky nhấn mạnh sáu nội dung trọng tâm cần thực hiện, trong đó thường xuyên tổ chức điều tra cơ bản về hình thức hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, hàng hoá; xác định rõ tuyến, địa bàn tập trung phương tiện kinh doanh vận tải hoạt động thường xuyên, tiềm ẩn vi phạm, có nguy cơ gây ùn tắc và tai nạn giao thông, gây bức xúc trong dư luận để tập trung bố trí lực lượng kiểm tra, xử lý. Bên cạnh đó, trong đợt tổng kiểm soát yêu cầu 100% chủ doanh nghiệp, chủ phương tiện và đội ngũ lái xe kinh doanh vận tải hành khách, hàng hoá bằng container ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định về trật tự an toàn giao thông, vận tải đường bộ.

Thu hồi 11 phù hiệu của các nhà xe bỏ bến

Cũng vào cuối tháng 8, Sở GTVT Hà Nội đã ban hành Quyết định 4065/QĐ-SGTVT về việc thu hồi phù hiệu, biển hiệu của 11 xe ôtô và đình chỉ khai thác chuyến xe (nốt xe) của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải theo tuyến cố định hoạt động trên địa bàn Hà Nội. Cụ thể gồm các xe 24B 006.38; 24F 000.19; 24B 005.69; 29B 078.43; 29B 624.43; 51B 109.85; 29B 616.33; 24B 006.86; 29B 060.11; 29B 198.97; 29F 035.07.  Lý do là do các xe quay vòng, bỏ bến, vi phạm theo quy định. Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội yêu cầu các đơn vị vận tải có tên trong danh sách Phụ lục kèm theo nộp lại phù hiệu “xe tuyến cố định” đã được Sở cấp về địa chỉ: Phòng Quản lý vận tải - Sở GGTV Hà Nội. Trong thời gian thi hành Quyết định, đơn vị vận tải không được tự ý đưa xe vào khai thác tuyến trong danh sách nêu trên và có báo cáo cụ thể về lý do phương tiện không vào bến hoạt động. Sở GTVT cũng sẽ từ chối thực hiện các thủ tục hành chính liên quan khi đơn vị không chấp hành thực hiện nghiêm túc việc xử lý vi phạm; cam kết chấn chỉnh, khắc phục vi phạm theo quy định.

Đặng Nhật
.
.