Chuyên gia giao thông lý giải việc ban hành Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ

Chủ Nhật, 27/02/2022, 09:19

Dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB) được Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì soạn thảo, hiện đang lấy ý kiến các cơ quan, ban, ngành hữu quan và ý kiến nhân dân. Để bạn đọc có góc nhìn khách quan, đầy đủ, Báo CAND giới thiệu bài viết của ông Trần Mạnh Tú - người có kinh nghiệm pháp lý và thực tiễn về lĩnh vực an toàn giao thông, đưa ra những luận giải về vấn đề này.

Qua theo dõi trên báo đài, dư luận xã hội cũng như tại các hội thảo, tôi thấy đa số ý kiến tán thành việc cần thiết ban hành dự án luật, nhất là trong điều kiện giao thông đường bộ và việc chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ ở nước ta còn nhiều bất cập, cần có đạo luật cụ thể để điều chỉnh hành vi, nâng cao ý thức, hướng tới xây dựng “văn hóa giao thông” văn minh, hiện đại.

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến còn băn khoăn, chưa thấy rõ sự cần thiết, tính tất yếu khách quan việc ban hành dự án luật, cho rằng cần giữ nguyên như Luật GTĐB hiện hành. Trong bài viết này, chúng tôi phân tích các yếu tố để thấy rõ việc ban hành Luật TTATGTĐB là cần thiết, mang tính tất yếu khách quan, phù hợp tình hình thực tiễn ở Việt Nam cũng như pháp luật ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Giải quyết có hiệu quả những vấn đề cấp bách thực tiễn

Hiện nay, Luật GTĐB năm 2008 đồng thời điều chỉnh hai lĩnh vực khác nhau là TTATGTĐB (thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội) và xây dựng, phát triển, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, quản lý vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ (thuộc lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật). Đây là hai lĩnh vực rất lớn và khác nhau nhưng lại được điều chỉnh trong cùng một đạo luật dẫn đến không thể quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng nhiều nội dung quan trọng thuộc cả hai lĩnh vực, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhiều vấn đề chồng chéo trong luật. 

Cụ thể, quy tắc giao thông còn thiếu, chung chung, chưa cụ thể, rõ ràng và sát thực tiễn, như: Thiếu quy định phải dừng lại quan sát trước khi nhập từ đường nhánh vào đường chính. Chưa quy định hoặc quy định không cụ thể, không đầy đủ về quy tắc ưu tiên "rẽ phải - đi thẳng - rẽ trái"; dừng, đỗ xe; nhường đường cho các xe đi cùng chiều phía sau, khi chuyển hướng… Thiếu các khái niệm liên quan đến an toàn giao thông, như ùn, tắc, đi theo làn, chuyển làn, chuyển hướng… dẫn đến khó khăn về nhận thức, thực hiện và áp dụng pháp luật.

Quy định về quản lý an toàn phương tiện và người điều khiển phương tiện còn thiếu và bất cập, như: Chưa có cơ chế quản lý quá trình chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện sau khi được cấp giấy phép lái xe; chưa có các chính sách, kế hoạch cụ thể về phát triển phương tiện để đảm bảo đồng bộ với sự phát triển của cơ sở hạ tầng, điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam; chưa có chế tài đủ mạnh đối với các trường hợp mua, bán, cho, tặng xe nhưng không làm thủ tục chuyển quyền sở hữu; chưa gắn trách nhiệm của chủ phương tiện đối với việc đảm bảo an toàn kỹ thuật của phương tiện giữa 2 kỳ kiểm định… dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý.

Chưa quy định cụ thể các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông, như: tổ chức chỉ huy điều khiển giao thông, phòng ngừa, giải quyết tai nạn giao thông, về quản lý, sử dụng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, ứng dụng khoa học công nghệ …

Chưa quy định cụ thể, đầy đủ, rõ ràng về biện pháp, trách nhiệm giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của cơ quan Công an, y tế, bảo hiểm, cơ quan khai thác, bảo trì đường bộ, UBND các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Một số vấn đề mới về ứng dụng khoa học công nghệ nhưng luật chưa điều chỉnh như việc xem xét các thiết bị giám sát hành trình trên phương tiện, cũng như các camera giám sát giao thông và hình ảnh thu thập được từ các nguồn khác làm tài liệu bổ sung, hỗ trợ cho việc giải quyết tai nạn giao thông.

t333.jpg -0
Chuyên gia khẳng định việc ban hành Luật TTATGTĐB là phù hợp thực tiễn khách quan.

Luật hiện hành có quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, các quy định phải chấp hành nhưng thiếu các biện pháp cưỡng chế hiệu quả. Các quy định về đầu tư, xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong Luật GTĐB năm 2008 còn rất thiếu và chủ yếu chịu sự điều chỉnh của nhiều luật khác có liên quan. Do đó, việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ còn hạn chế so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Để tổ chức thực hiện luật, phải ban hành nhiều văn bản dưới luật (164 văn bản), đến nay đã có những văn bản hết hiệu lực, có nhiều văn bản phải sửa đổi, bổ sung, thay thế thường xuyên (như các nghị định xử phạt vi phạm hành chính) và còn một số văn bản chưa ban hành được, thể hiện thiếu tính ổn định, không tập trung, thống nhất.

Trong Luật GTĐB hiện hành, việc xác định cơ quan chịu trách nhiệm chính, cơ quan chịu trách nhiệm phối hợp và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ chưa rõ ràng, rành mạch, dẫn đến chồng chéo khi tổ chức thực hiện, làm tăng tổ chức bộ máy và tăng biên chế, giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Trên thực tế, Công an là lực lượng trực tiếp, thường xuyên thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và phân tích, thống kê, tổng hợp, báo cáo tình hình, số liệu về trật tự, an toàn giao thông.

Hiện nay, ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông của nhiều người còn rất kém; vi phạm trật tự, an toàn giao thông vẫn diễn ra phổ biến; tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông và chống người thi hành công vụ diễn biến hết sức phức tạp. Theo thống kê, nguyên nhân gây tai nạn giao thông đường bộ do lỗi vi phạm của người tham gia giao thông là chủ yếu chiếm trên 90% số vụ; do an toàn kỹ thuật phương tiện và công trình giao thông đường bộ chỉ chiếm gần 10% số vụ.

Những tồn tại trên cho thấy, Luật GTĐB năm 2008 hiện nay không thể giải quyết có hiệu quả đồng thời cả hai vấn đề lớn là TTATGTĐB và xây dựng, phát triển, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ. Do đó, phải xây dựng Luật TTATGTĐB tách bạch với Luật GTĐB để điều chỉnh chuyên sâu, đủ sức giải quyết có hiệu quả những vấn đề cấp bách thực tiễn đang đặt ra đối với cả hai lĩnh vực.

Việc xây dựng đạo luật riêng nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, căn cứ các quy định của pháp luật, trên cơ sở khoa học và thực tiễn xác định công tác giữ gìn TTATGT là một nội dung của công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Phải xác định đúng chức năng, nhiệm vụ trong quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông phù hợp với tổ chức bộ máy hành chính trong giai đoạn hiện nay để bảo đảm thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, nội dung quản lý nhà nước về an ninh, trật tự. Vì vậy, phải hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về TTATGTĐB.

Không gây chồng  chéo chức năng, nhiệm vụ mà đảm bảo tính thống nhất

Qua nghiên cứu cho thấy, việc ban hành 2 đạo luật không gây chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, mà đảm bảo tính thống nhất, khi áp dụng sẽ phát huy hiệu lực, hiệu quả.

Về phạm vi điều chỉnh, Luật TTATGTĐB điều chỉnh các nhóm vấn đề cơ bản, gồm: (1) Quy tắc giao thông đường bộ, hệ thống báo hiệu đường bộ, tốc độ và khoảng cách giữa các xe; (2) quản lý về an toàn phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông; (3) tổ chức, chỉ huy, điều khiển giao thông và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ; (4) giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; (5) thực thi pháp luật và trách nhiệm pháp lý.

Theo đó, phạm vi điều chỉnh của luật chỉ quy định những vấn đề về trật tự, an toàn giao thông (an toàn động), không quy định những nội dung thuộc về kỹ thuật an toàn giao thông. Dự án luật quy định nhiều vấn đề đang tồn tại ở các văn bản dưới luật để bổ sung vào các nội dung trên. Trong khi đó, dự án Luật GTĐB do Bộ GTVT soạn thảo sẽ điều chỉnh các quy định về: xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ; quản lý hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Như vậy, phạm vi điều chỉnh như trên của 2 luật không trùng nhau, không chồng chéo.

Việc phân công trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về TTATGTĐB đảm bảo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn về pháp luật tổ chức bộ máy và sẽ do Chính phủ quy định, bảo đảm tính thống nhất, hiệu quả, sự phù hợp và có tính khả thi. Về đối tượng điều chỉnh, dự án Luật TTATGTĐB chủ yếu điều chỉnh mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với người tham gia giao thông, bảo đảm cho việc đi lại của người dân trong trạng thái trật tự và an toàn.

Trong khi đó, Luật GTĐB chủ yếu điều chỉnh mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước ở Trung ương với cơ quan nhà nước ở địa phương trong việc huy động các nguồn lực đầu tư, xây dựng, phát triển, quản lý hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, kết nối hạ tầng đường bộ với hạ tầng đường sắt, đường thủy nội địa, đường hàng không và hàng hải; giữa nhà nước với các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.           

Về tên gọi dự án luật

Trước đây, dự án luật có tên là: Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ. Nay, dự thảo mới bỏ chữ “đảm bảo”, thành “Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ”.

Tuy nhiên, theo ông Trần Mạnh Tú, việc viết như vậy vẫn khá dài. Tên gọi của luật cần gọn, dễ nhớ. Chữ “bảo đảm” và “trật tự” trong cụm từ trên có thể lược bỏ, chỉ cần ghi “Luật An toàn giao thông đường bộ”. Chữ “bảo đảm” là nói đến mục đích hướng đến, còn “trật tự” là bao hàm chung các nội dung về trật tự giao thông. Trong cụm từ này, chỉ cần dùng chữ “Luật An toàn giao thông đường bộ” là đủ.

Theo từ điển tiếng Việt: An toàn được hiểu là trạng thái mà con người, thiết bị, môi trường được bảo vệ, phòng chống lại những tác nhân nguy hại có thể phát sinh (hoặc tiềm ẩn) do các nguyên nhân chủ quan, khách quan trong cuộc sống. Theo nghĩa đó, an toàn giao thông là đảm bảo cho người tham gia giao thông giảm thiểu tình trạng phát sinh tai nạn giao thông và hạn chế tổn thất về vật chất, tính mạng, tinh thần của con người khi xảy ra tai nạn giao thông.

Hiện, một số luật chuyên ngành cũng viết gọn như trên mà không cần cụm từ “bảo đảm”, “trật tự”, như: Luật An toàn thông tin mạng; Luật An toàn vệ sinh thực phẩm…

Trần Mạnh Tú
.
.