Có hay không chuyện DN bắt tay nhau chây ỳ giảm cước vận tải?

Thứ Ba, 23/02/2016, 08:55
Giá xăng tiếp tục giảm đến gần 1.000 đồng/lít vào chiều 18-2 đã hình thành tâm lý mong chờ giảm cước vận tải. Đặc biệt là cước taxi giảm giá, giúp giảm giá các mặt hàng tiêu dùng khác. Tuy nhiên, đến thời điểm này, gần một tuần trôi qua, câu trả lời của các hãng taxi vẫn là: Sẽ cân đối và giảm cước, khả năng cũng phải bắt đầu từ tháng 3-2016.


Một câu hỏi được đặt ra, liệu sự chây ỳ này có phải là một chiêu “móc túi” người tiêu dùng? Cơ quan chức năng quản lý ra sao vấn đề này?

Taxi phải giảm ít nhất 500-600đ/km mới hợp lý

Tính đến chiều 22-2, trao đổi với phóng viên, nhiều đơn vị taxi tại Hà Nội cho biết vẫn đang lên phương án giảm giá. Cụ thể, đại diện của taxi Mai Linh cho hay, hiện tại đơn vị đang lên phương án giảm giá với mức giảm thấp nhất là 350đ-400đ/km, với dòng xe cao cấp, hãng dự định sẽ giảm khoảng 600đ/km (từ 17.5000đ xuống còn 16.900đ). “Tuy nhiên với số lượng xe lên tới hàng nghìn chiếc, thì việc hoàn tất các thủ tục kiểm định đồng hồ không thể một sớm một chiều là xong ngay được, mà chúng tôi cần ít nhất khoảng 1 tuần”, lãnh đạo taxi hãng Mai Linh cho hay.           

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Anh Quân, Chủ tịch Hội đồng quản lý Công ty TNHH Thiên Phong (Taxi Thành Công) cũng chia sẻ: Với lần giảm giá xăng dầu sâu vừa qua, chắc chắn các hãng taxi sẽ phải tính toán để giảm giá cước. Theo đó, phía Taxi Thành Công đã họp bàn và quyết định sẽ giảm khoảng 500 đồng/km, như vậy giá cước trung bình của hãng rơi vào khoảng 10.500 đồng/km. 

“Tuy nhiên, hồ sơ, thủ tục thông báo giảm giá cước và phải được Sở Tài chính cũng như Sở GTVT thông qua thì mới tiến hành trong thực tế được. Do đó, việc giảm giá cước thực tế cũng phải từ đầu tháng 3 tới đây”, ông Nguyễn Anh Quân thông tin.

Trên thực tế, nhiều người dân phản ảnh, trong các lần xăng dầu tăng giá, chỉ cần 2-3 ngày sau là giá cước vận tải đã lập tức tăng theo. Vậy với việc giảm giá này, các doanh nghiệp đều kéo dài thời gian giảm giá hàng tuần, thậm chí hai tuần, liệu có phải là một chiêu “móc túi” người tiêu dùng? Vào năm 2009, khi giá xăng ở mức 15.200 đồng/lít thì cước taxi là 9.000 đồng, vậy hiện nay khi xăng chỉ còn 13.700 đồng/lít thì doanh nghiệp dự kiến giảm cước taxi từ 300-500đ/km, tức là giá vẫn trên 10.000đ/km, liệu có hợp lý hay chưa?

Sau 5 ngày xăng giảm giá, cước taxi vẫn “án binh bất động”.

Trả lời những thắc mắc này, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, việc so sánh giá cước hiện nay và năm 2009 chỉ lấy yếu tố duy nhất là giá xăng dầu để so sánh là chưa thật hợp lý... Chỉ tính từ đầu năm 2016 đến nay, các yếu tố hình thành giá khác không thay đổi thì xe chạy xăng phải giảm khoảng 500-600đ/km hành khách - tức giảm 5%-6% vì 4 lần giá xăng đã giảm 16%, xe chạy dầu phải giảm khoảng: 7% vì giá dầu đã giảm khoảng 20%. Nếu tính cả các mức giảm giá xăng, dầu của cuối năm 2015 thì mức giảm giá cước phải cao hơn nữa.

“Tôi rất tiếc là “quả bóng” giảm giá chậm được các doanh nghiệp “đá” sang cho các cơ quan quản lý liên quan (kiểm định xe, kiểm định đồng hồ…) mà các cơ quan này không lên tiếng về những lý do chậm trễ do các cơ quan này gây ra theo ý kiến của doanh nghiệp”, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam nhấn mạnh.

Sẽ điều chỉnh thông tư để quản lý

Trước sức ép về việc giảm giá cước, ngày 22-2, Bộ GTVT đã tổ chức cuộc họp với các đơn vị vận tải nhằm có biện pháp điều chỉnh giá cước vận tải phù hợp. Chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng, trong thời gian qua, giá xăng, dầu giảm mạnh nhưng việc điều chỉnh giá cước vận tải chưa theo kịp, đặc biệt là loại hình vận tải bằng taxi gây bức xúc dư luận.

Vì thế, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đề nghị các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp có sự phân tích, đánh giá để đưa ra định hướng cụ thể trong việc điều chỉnh giá cước vận tải tương ứng với mức dao động của giá xăng dầu.

Mở đầu phần phát biểu ý, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam cho biết: “Mấy ngày nay đài báo nói nhiều rát tai lắm. Báo chí nói là doanh nghiệp vận tải chây ỳ, móc túi người tiêu dùng khiến chúng tôi rất đau lòng. Sao mình (các DN vận tải) lại giống tội phạm như thế được. Như thế cảm thấy bị xúc phạm. Thực ra có những doanh nghiệp làm ăn rất bậy bạ nhưng đa số doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc nhưng lại đang chịu chung một cái rọ. Vì thế cần phải làm sao để phân loại, chỉ mặt đặt tên. Có những Sở GTVT yêu cầu các doanh nghiệp giảm giá đồng loạt nhưng sao thế được vì mỗi doanh nghiệp có phương thức quản lý và đầu tư khác nhau”.

Sau nhiều ý kiến phát biểu của các doanh nghiệp cho rằng việc chậm giảm giá cước là do cơ chế khoán cho lái xe nên khi giá xăng dầu giảm thì chỉ lái xe được lợi chứ doanh nghiệp không được gì, ông Thanh đã xin ngắt lời và thẳng thắn nói: “Cái dở nhất của các doanh nghiệp taxi là cơ chế khoán cho lái xe. Chính cơ chế đó nên giá xăng giảm thì lái xe có lợi còn xăng dầu tăng thì họ đình công. Việt Nam có trên 80 triệu dân nên số người đi taxi rất lớn. Để phục vụ người dân tốt hơn thì doanh nghiệp phải thay đổi phương thức quản lý chứ không thể khoán trắng cho lái xe. Doanh nghiệp phải đổi mới để thu hút khách hàng, để giảm chi phí đi. Taxi kêu 50% chạy “rỗng” sao không đặt câu hỏi tại sao để chạy “rỗng”? Các anh phải thay đổi, chứ cứ để báo chí nói chây ỳ, móc túi tôi thấy nhục lắm”.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định giá cước vận tải là theo cơ chế thị trường và dựa trên cơ chế cạnh tranh, nhưng có sự điều tiết của cơ quan quản lý Nhà nước. Tuy nhiên lâu nay sau khi báo chí phản ánh thì cơ quan quản lý cũng chỉ đi kiểm tra xem kê khai, niêm yết có đúng không. Tuy nhiên có thể khẳng định, chi phí nhiên liệu chiếm 25 – 35% thì dứt khoát khi giá xăng dầu giảm, giá cước cũng phải giảm. Chỉ có biên độ như thế nào cho hợp lý.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng, giá xăng dầu đã giảm sâu. Thực tế có nhiều doanh nghiệp đã kê khai giảm giá, nhưng người dân nhìn nhận chưa như kỳ vọng. Bộ GTVT và Bộ Tài chính cũng thấy có trách nhiệm trong vấn đề này, trong đó có việc quản lý chưa tốt như: việc kê khai giá thủ tục còn phức tạp, điều chỉnh đồng hồ taximet còn mất nhiều thời gian, chi phí… nên cần khắc phục ngay trong thời gian tới, bằng cách điều chỉnh các quy định khi xây dựng Thông tư mới thay thế Thông tư 152 hiện nay.

Phạm Huyền
.
.