Tràn lan quảng cáo "bẩn", vi phạm pháp luật trên không gian mạng

Thứ Năm, 21/12/2023, 07:51

Với nhiều lợi thế lớn như công nghệ hiện đại, lượng người dùng lớn, có nhiều dữ liệu về hành vi người dùng phục vụ bán quảng cáo hiệu quả nên các nền tảng xuyên biên giới như Google, Youtube, Facebook, TikTok đang chiếm ưu thế trong hoạt động quảng cáo so với các kênh truyền thống. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm quảng cáo các nền tảng này vẫn nhức nhối, tràn lan mặc dù cơ quan quản lý Nhà nước đã có nhiều giải pháp chấn chỉnh và ngăn chặn.

Nhiều sản phẩm quảng cáo bị gắn vào các nội dung xấu, độc

Hiện nay, không ít người tiêu dùng bức xúc khi bắt gặp các quảng cáo lệch lạc, sai sự thật, gây nhiễu thông tin xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội. Một trong những trào lưu dễ nhận thấy nhất là các video quảng cáo sản phẩm được gắn "mác" hoặc logo của Đài Truyền hình Việt Nam để tạo lập lòng tin, đánh lừa người dùng; vấn nạn quảng cáo thuốc đông y, thực phẩm chức năng, sữa... được phóng đại giống như "thần dược" dễ gây ngộ nhận về tác dụng thực sự của sản phẩm.

Đáng chú ý, quảng cáo thông qua người dẫn dắt dư luận chủ chốt (KOL) hiện vẫn là một mắt xích trong các chiến dịch quảng cáo của các nhãn hàng. Nhiều nghệ sĩ và người nổi tiếng cũng đã tham gia thực hiện các quảng cáo này và với sức hút, sự ảnh hưởng của họ, người tiêu dùng dễ dàng tin tưởng và chọn mua sản phẩm theo gợi ý.

Cùng với việc quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, vi phạm bản quyền tràn lan tạo ra ma trận sản phẩm gây nhiễu cho người dùng thì các đối tượng còn lợi dụng dịch vụ quảng cáo của Facebook, Google, Youtube để phát tán các sản phẩm cờ bạc, cá độ. Chúng xây dựng các video clip ngắn có nhiều phần thưởng hấp dẫn, giá trị cao để chạy trên các nhóm (Fanpage), kênh trên Youtube nhằm thu hút người tham gia, tặng mã khuyến mại (code) lôi kéo người chơi. Đồng thời tuyển đại lý, kênh quảng cáo vệ tinh, trung gian để khuếch tán sản phẩm cờ bạc của mình và đã có rất nhiều người dùng bị dụ dỗ tham gia đánh bạc trên mạng thông qua hình thức quảng cáo này.

Các đối tượng còn lợi dụng hình thức quảng cáo trên để lôi kéo, dụ dỗ người dùng vay tiền trực tuyến với lãi suất cao. Trên nhiều web, mạng xã hội, app nhan nhản thông tin quảng cáo cho vay với thủ tục trực tuyến, đơn giản nhưng lãi suất thì "cắt cổ"…

Ngoài ra, lợi dụng tình trạng các đơn vị đặt quảng cáo chỉ yêu cầu số lượng view và khá dễ dãi... nên các đại lý quảng cáo thả lỏng và nhiều sản phẩm quảng cáo bị gắn với các nội dung xấu độc, chống phá Đảng và Nhà nước, sai sự thật, khiêu dâm, trái thuần phong mỹ tục, giật gân, câu view, vi phạm bản quyền, vi phạm nghiêm trọng khoản 1 Điều 1 Nghị định số 70/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo.

Theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), Bộ TT&TT, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trước hết, đó là người kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài chưa nghiêm túc tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam; trong đó, Youtube, Facebook, TikTok cho người sử dụng mạng xã hội đăng tải tràn lan nội dung vi phạm pháp luật và bật tính năng kiếm tiền cho phép cài đặt quảng cáo trên các kênh, trang, tài khoản đó. Bên cạnh đó, công cụ để kiểm soát nội dung quảng cáo, vi phạm quảng cáo chưa đảm bảo hiệu quả.

Cơ chế quản lý nội dung, bật kênh kiếm tiền cho kênh, tài khoản mạng xã hội lỏng lẻo, chạy theo lợi nhuận, chưa coi trọng việc đảm bảo an toàn cho thương hiệu và tuân thủ các quy định pháp luật; cơ chế xử lý vi phạm thiếu trách nhiệm, không triệt để. Trong khi đó, các nhãn hàng, đại lý quảng cáo thì chủ quan, chạy theo lợi nhuận, có xu hướng quảng cáo tràn lan trên các trang thông tin điện tử vi phạm, kém chất lượng; không sử dụng hoặc không cập nhật thường xuyên danh sách loại trừ hiển thị quảng cáo khỏi vị trí vi phạm.

4.jpg -0
Sản phẩm quảng cáo bị gắn vào các nội dung xấu, độc vẫn tràn lan trên mạng. Ảnh minh họa.

Tạo lập môi trường quảng cáo lành mạnh

Sau khi Nghị định 70 về quy định quảng cáo trên mạng được ban hành tháng 7/2021 và có hiệu lực thi hành, Cục PTTH&TTĐT, Bộ TT&TT đã thực hiện xử phạt hành chính đối với nhiều cá nhân, tổ chức vi phạm. Gần đây nhất là vào ngày 28/11, Cục PTTH&TTĐT đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Truyền thông WPP (GroupM) do doanh nghiệp này đã đặt sản phẩm quảng cáo của các đối tác vào kênh mạng xã hội Youtube có nội dung vi phạm pháp luật được quy định tại khoản 01, Điều 8 Luật An ninh mạng. Đáng chú ý, đây là lần thứ 3 trong năm, doanh nghiệp này bị xử phạt cùng với một hành vi phạm.

Lãnh đạo Cục PTTH&TTĐT thừa nhận, trên các nền tảng xuyên biên giới hiện tồn tại nhiều nội dung quảng cáo "bẩn" thu hút được rất nhiều người xem dẫn đến nhiều hệ lụy. Trong khi đó, sự tuân thủ pháp luật Việt Nam của các nền tảng này vẫn còn những hạn chế nhất định. Do đó, trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ sử dụng đồng bộ các giải pháp nhằm tạo lập môi trường quảng cáo sạch, ngăn chặn quảng cáo vi phạm.

Cụ thể, đối với người kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài không thông báo thông tin liên hệ theo Nghị định số 70/2021/NĐ-QĐ, có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn. Đối với doanh nghiệp không đặt máy chủ tại Việt Nam, Cục sẽ phối hợp với các nhà mạng viễn thông để xác minh và xử lý nếu có sai phạm.

Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng sẽ tăng cường rà quét và xử lý vi phạm quảng cáo trên mạng, nhất là các nền tảng phát hành quảng cáo xuyên biên giới; công bố công khai các nhãn hàng, đại lý quảng cáo, các nền tảng phát hành quảng cáo, trang thông tin điện tử vi phạm bao gồm website, tài khoản mạng xã hội, kênh nội dung, trang cộng đồng và khuyến cáo không hợp tác quảng cáo với các đối tượng đó.

Ngoài ra, Bộ TT&TT sẽ phối hợp với Sở TT&TT và lực lượng Công an để tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra đối với các đại lý quảng cáo và nền tảng phát hành quảng cáo có nhiều vi phạm; tiếp tục cập nhật danh sách White List để các nhãn hàng, đại lý quảng cáo ưu tiên quảng cáo. White List sẽ gồm báo điện tử, tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội được cấp giấy phép hoạt động; các website, tài khoản, kênh nội dung, trang cộng đồng không thuộc đối tượng phải cấp phép nhưng đã đăng ký thông tin đối với Bộ TT&TT và được xác nhận.

Bộ TT&TT khuyến khích các nhãn hàng, đại lý quảng cáo ưu tiên quảng cáo trong White List, đồng thời tiếp tục bổ sung, cập nhật trên website, tài khoản mạng xã hội, kênh nội dung, trang cộng đồng vi phạm, nhảm nhí, ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng, xã hội để yêu cầu không quảng cáo và đưa vào danh sách phải ngăn chặn.

Hùng Quân
.
.