Những mốc son lịch sử

Ổn định trật tự ở miền Bắc, chống địch đàn áp cách mạng ở miền Nam

Thứ Ba, 04/08/2015, 10:14
Trước khi vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho bộ đội, Công an và cán bộ. Người nhắc nhở: “Có thể những người khi kháng chiến thì rất anh dũng, trước bom đạn không chịu khuất phục nhưng khi về đến thành thị lại bị tiền bạc, gái đẹp quyến rũ, mất lập trường, sa vào tội lỗi. Cho nên bom đạn của địch không nguy hiểm bằng “đạn bọc đường” vì nó làm hại mình và mình không thấy”.


Ngày 19/7/1954, Hội đồng Chính phủ thông qua 8 chính sách và 10 điều kỷ luật của bộ đội, cán bộ và nhân viên Công an khi vào thành phố.

Trong cuộc đấu tranh chống địch dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào ta di cư vào Nam, lực lượng Công an đã cử cán bộ tham gia ban chỉ đạo, thành lập nhiều đoàn cán bộ xuống cơ sở, địa bàn trọng điểm, đi sâu vào quần chúng, kiên trì giải thích đường lối, chính sách của Đảng, vạch rõ âm mưu, thủ đoạn của kẻ địch. 

Lực lượng Công an vây bắt bọn phỉ hoạt động tại miền núi phía Bắc.

Công an các địa phương đã ngăn chặn, giải tán nhiều vụ tập trung giáo dân di cư, dập tắt hàng trăm vụ gây rối an ninh, vận động quần chúng ở lại quê hương lao động, sản xuất. Tháng 4/1955, Bộ Công an tổ chức hội nghị bảo vệ chính trị lần thứ hai, xác định nhiệm vụ đánh mạnh vào hoạt động gián điệp miền Bắc của đế quốc Mỹ, Pháp.

Việc khám phá thành công các vụ gián điệp Mỹ, Pháp cài lại sau chiến tranh thể hiện sự cố gắng, trưởng thành về nghiệp vụ của lực lượng Công an.

Tháng 6/1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào, nêu rõ thắng lợi và những sai lầm trong cải cách ruộng đất. Sau đó, Trung ương Đảng ra chỉ thị về việc giữ vững an ninh nông thôn, ngăn ngừa những hành động tự phát, báo thù, tạo điều kiện để sửa chữa sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức. Ở các vùng nông thôn, lực lượng Công an phối hợp các ngành xử lý thích đáng những đối tượng cố ý phá hoại. Cũng thời gian này, vấn đề lớn đặt ra ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là địch lợi dụng trình độ nhận thức để lừa bịp, gây ra những vụ “xưng vua, đón vua”.

Từ 1954 đến 1959, đã xảy ra 26 vụ “xưng vua, đón vua” ở các tỉnh miền núi. Nghị quyết Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 13 (tháng 1-1959) nêu rõ việc nghiên cứu, phân tích sâu các đối tượng, nếu là quần chúng lạc hậu phải giải thích, giáo dục; nếu là phần tử phản cách mạng, phần tử xấu thì phải trấn áp. Lực lượng Công an tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh với hoạt động của nhóm Nhân văn - Giai phẩm, lợi dụng văn học nghệ thuật chống phá cách mạng.

Ở miền Nam, Mỹ - Diệm đàn áp cách mạng, phát động chiến dịch tố Cộng, diệt Cộng, gây ra những vụ thảm sát đẫm máu. Các lực lượng Công an ở miền Nam chuyển hướng hoạt động. Giữa năm 1959, Bộ Công an cử đoàn cán bộ đầu tiên chi viện cho chiến trường Khu V. 

Từ cuối 1960, ban bảo vệ an ninh các tỉnh, thành phố được thành lập. Ngày 5/9/1960, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng khai mạc. Đại hội xác định nhiệm vụ mới của cách mạng, trong đó vạch rõ công tác đấu tranh chống phản cách mạng.

CAND
.
.