Cùng nhau viết tiếp trang sử vàng truyền thống

Thứ Hai, 01/05/2023, 13:02

Chiều muộn, giữa những ngày Hà Nội gió lạnh cuối mùa tràn về, tôi có hẹn với Trung tướng Nguyễn Đình Thuận, Cục trưởng Cục An ninh kinh tế (ANKT), Bộ Công an. Phòng làm việc của anh nằm liền kề với phòng truyền thống của đơn vị.

Trên những bức tường là lá cờ đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Hồ Chí Minh…, cùng các bức ảnh được sắp xếp theo thứ tự thời gian, ghi lại những dấu ấn, từng chiến công của lãnh đạo và cán bộ, chiến sĩ Cục ANKT qua các thời kỳ.

7-1.jpg -0
Thượng tướng Lương Tam Quang , Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an trao Bằng khen của Bộ Công an tặng lãnh đạo Cục An ninh kinh tế.

1. “Trận tuyến” đấu tranh của lực lượng ANKT không chỉ phức tạp mà ở đó còn là sự cám dỗ, mua chuộc. Người chiến sĩ ANKT phải vượt qua hoàn cảnh, vượt qua chính mình, đặt quyền lợi của quốc gia, dân tộc lên trên hết… Đấu tranh phòng, chống tội phạm trên mặt trận này, quan trọng hơn hết là phải tham mưu với Đảng, Nhà nước đề ra chủ trương, đề ra chính sách và điều hành nền kinh tế có hiệu quả mà vẫn đảm bảo an ninh chính trị bền vững.

Lịch sử ANKT là dòng chảy, dòng chảy ấy tích tụ thành truyền thống. Truyền thống vẻ vang ấy lại được xây dựng, bồi đắp bằng sự phấn đấu không mệt mỏi của các thế hệ cha anh, kể cả sự hy sinh hữu hình, hy sinh vô hình. Qua mỗi bước chuyển, bộ máy tổ chức của lực lượng ANKT cũng biến động theo… Đặc biệt trong thời kỳ đổi mới, quy luật kinh tế thị trường chi phối nhiều mặt của đời sống xã hội; những hiện tượng tiêu cực từ ngoại cảnh, từ chủ ý tác động trực tiếp đến công việc hằng ngày, hằng giờ cũng như trong công tác, trong đời sống thường nhật của mỗi lãnh đạo, chỉ huy cũng như cán bộ, chiến sĩ (CBCS), nhưng họ đã vượt qua chính mình, không có trường hợp bị sa ngã… Và ngày nay, thế hệ đương thời vẫn đã và đang tiếp tục phấn đấu rèn giũa, trau dồi nghiệp vụ, nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật và ứng dụng khoa học công nghệ; sáng tạo và quyết liệt trong công tác, chiến đấu; tiếp tục bồi đắp truyền thống của lực lượng đã được các thế hệ cha anh xây dựng ngày một rực rỡ thêm. 

Theo dòng hồi ức, Trung tướng Nguyễn Đình Thuận chia sẻ, ngay sau Cách mạng Tháng Tám 1945, công tác bảo vệ kinh tế đã được hình thành thuộc Ty Bảo vệ chính trị, Nha Công an Trung ương. Ngày 13/5/1953, Phòng Bảo vệ kinh tế (nay là Cục ANKT) chính thức ra đời. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ rồi khi đất nước hoà bình, nền kinh tế phát triển, chuyển sang bước phát triển mới trên con đường hội nhập sâu rộng, đa phương, đa chiều…, CBCS Cục ANKT lại không ngừng đổi mới tư duy nghiệp vụ, thúc đẩy công tác ANKT phát triển ngang tầm với sự phát triển của nền kinh tế.

7-2.jpg -0
Trung tướng Nguyễn Đình Thuận, Cục trưởng Cục An ninh kinh tế chỉ đạo triển khai công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại.

2. Một trong những dấu ấn nổi bật của Cục ANKT được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công an ghi nhận, đánh giá cao là việc đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham mưu với Đảng, Nhà nước và Bộ Công an các chủ trương, chính sách pháp luật và chương trình, kế hoạch trong công tác bảo đảm ANKT. Trong những năm qua,  đơn vị đã kịp thời tham mưu lãnh đạo Bộ Công an báo cáo, tham mưu chiến lược với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ các yếu tố tác động trong và ngoài nước, các nguy cơ gây bất ổn về ANKT; tình hình, vụ việc phức tạp trên các lĩnh vực của nền kinh tế... ; đề xuất các chủ trương, chính sách, giải pháp phù hợp, nhằm giữ vững ANKT, bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia.

Đáng chú ý, trong quá trình đàm phán, thực thi các Hiệp định thương mại tự do, trọng tâm là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA)). Khi đó, các nước đặt ra nhiều điều khoản phức tạp, tác động, ảnh hưởng đến Việt Nam về kinh tế, chính trị, đối ngoại, lĩnh vực phi thương mại… Với vai trò là lực lượng nòng cốt, Cục ANKT đã thường xuyên, chủ động nắm tình hình, xây dựng các phương án bảo đảm an ninh trong quá trình đàm phán, thực thi; làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật nhà nước; không ký kết Hiệp định bằng mọi giá, góp phần vào việc đàm phán thành công, bảo đảm an ninh, lợi ích quốc gia, phục vụ phát triển và hội nhập kinh tế của đất nước.

7-3.jpg -0
Cục An ninh kinh tế tổ chức các hoạt động thiện nguyện tại Hà Nam.

Đã trực tiếp tham mưu và phối hợp với các đơn vị, bộ, ngành kinh tế tham mưu với lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Bộ Công an ban hành nhiều văn bản quan trọng về công tác đảm bảo ANKT. Điển hình trong số đó là Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 5/1/2017 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm ANKT trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế”. Đây là Chỉ thị đầu tiên của Bộ Chính trị về lĩnh vực bảo vệ ANKT, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để lực lượng CAND nói chung, lực lượng ANKT nói riêng triển khai thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao, các bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác bảo đảm ANKT, trong quá trình quản lý, phát triển kinh tế với bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, toàn diện, góp phần đảm bảo an ninh, lợi ích quốc gia.

Bên cạnh đó, lực lượng ANKT còn chủ động nghiên cứu, kịp thời phát hiện và tham mưu sửa đổi, bổ sung, khắc phục những sơ hở, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, khó khăn, vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và ngăn chặn kịp thời các nguy cơ về ANKT...

Cùng với đó, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng ANKT đã tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ; xác lập trên 1.750 chuyên án, vụ việc; kết quả công tác trinh sát là tiền đề quan trọng để cơ quan điều tra khởi tố trên 1.000 vụ án, khởi tố hàng nghìn bị can; thu hồi hàng chục nghìn tỷ đồng, hàng trăm triệu đô la Mỹ, hàng trăm kilogam vàng… Các chuyên án đã đột phá trúng vào xu hướng tội phạm kinh tế đang diễn ra, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công an đánh giá cao, dư luận ủng hộ. Không dừng lại ở đó, qua đấu tranh chuyên án, vụ việc, lực lượng ANKT đã đúc rút những bài học thực tiễn sâu sắc để tham mưu với lãnh đạo Đảng, Nhà nước hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách liên quan đến đảm bảo ANKT, trong điều kiện thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế.

Liên quan đến tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, CBCS Cục ANKT đã phát hiện và trực tiếp tổ chức đấu tranh với nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng có sự móc nối giữa nội bộ với các đối tượng ngoài xã hội, gây thiệt hại nặng nề về tài sản, ảnh hưởng tới uy tín của Đảng, Chính phủ. Đây có thể được coi là “dạng tội phạm chính sách”, điển hình như các vụ Tamexco, Công ty Thương mại và Dịch vụ dầu khí Đồng Tháp, vụ Epco Minh Phụng; vụ Tân Trường Sanh, vụ buôn lậu vàng, ngoại tệ qua biên giới bắt 53 đối tượng, thu 519kg vàng, 1,1 triệu USD và 6,6 tỷ đồng.

Liên quan đến tội phạm tham nhũng trong dự án kinh tế có liên quan đến yếu tố nước ngoài, đã đấu tranh, bóc gỡ các vụ án trong ngành dầu khí, dệt may, thuốc lá, cấp hạn ngạch quota hàng dệt may đi Mỹ ở Bộ Thương mại; các vụ lừa đảo trong xuất khẩu lao động, vay vốn ngân hàng, lừa đảo trong môi giới dự án, các vụ giả C/O, vụ Núi Pháo, vụ Jetstar Pacific, tập trung đấu tranh vụ án Vinashin, vụ Công ty Thực phẩm miền Bắc… 

Xuân Mai
.
.