Xây dựng phong cách người Công an cách mạng theo lời dạy của Bác Hồ

Thứ Ba, 13/03/2018, 13:39
Đối với CAND, từ mỗi cán bộ chiến sỹ đến toàn thể đội ngũ đông đảo đóng vai trò nòng cốt trong lực lượng vũ trang để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ và bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân, việc học tập và làm theo Sáu điều Bác Hồ dạy không chỉ thể hiện ý thức và bản lĩnh chính trị, mà còn là tình cảm cách mạng, thúc đẩy hành động sáng tạo, trở thành một nhu cầu văn hóa, tự nguyện, tự giác, bền bỉ trong đời sống hàng ngày.


Triết lý sống và hành động của người Công an cách mạng từ lâu đã được khẳng định, được tôi luyện trong thực tiễn đấu tranh gian khổ, hy sinh, vượt qua mọi thử thách hiểm nguy trong chiến tranh giải phóng chống mọi kẻ thù xâm lược cũng như trong hòa bình, xây dựng và trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế hiện nay.

Bất cứ trong hoàn cảnh nào, triết lý “CAND vì nước quên thân vì dân phục vụ” vẫn không ngừng được nêu cao. Sáu điều Bác Hồ dạy Công an đã thể hiện và cụ thể hóa một cách sinh động triết lý đó.

Toàn lực lượng CAND đang đẩy mạnh cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an cách mạng Bản lĩnh - Nhân văn-Vì nhân dân phục vụ”. Đây là một việc làm rất thiết thực trong xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh, hiện đại, góp phần thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị khóa XII “Học tập và làm theo tư tưởng - đạo đức - phong cách Hồ Chí Minh”.

Công an TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam trao trả tài sản bị mất cho người nước ngoài.

Do đó, việc thấm nhuần sâu sắc và thực hành triệt để Sáu  điều Bác Hồ dạy CAND để rèn luyện tư cách người Công an cách mạng vào lúc này phải được coi là một nhiệm vụ chính trị trọng yếu của toàn lực lượng, của mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, trước hết là các tổ chức đảng, của mỗi cán bộ chỉ huy và chiến sĩ Công an, đặc biệt đề cao trách nhiệm, nêu gương của người đứng đầu, của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong toàn lực lượng.

Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Sáu điều Bác Hồ dạy CAND trong tình hình, bối cảnh hiện nay, có thể nói sẽ tạo ra nguồn xung lực tinh thần mạnh mẽ góp phần phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ với 27 biểu hiện mà Đảng đã vạch ra trong Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII.

Làm được như vậy, cán bộ đảng viên và chiến sỹ trong lực lượng CAND của chúng ta sẽ có sức mạnh tự bảo vệ mình trước những thách thức và nguy cơ đang phải đối mặt hàng ngày bởi tác động mặt trái của kinh tế thị trường, của mở cửa và hội nhập, của vấn nạn quan liêu, tham nhũng, của mọi tiêu cực và tệ nạn xã hội do chủ nghĩa cá nhân -“giặc nội xâm” nguy hiểm nhất gây ra.

Đó cũng là đóng góp của lực lượng CAND vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng Cộng sản cầm quyền thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, ngang tầm nhiệm vụ, như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã nêu ra.

Để xây dựng phong cách người Công an cách mạng “Bản lĩnh - Nhân văn -Vì nhân dân phục vụ” theo Tư tưởng - Đạo đức -  Phong cách Hồ Chí Minh thể hiện tập trung, cô đọng trong Sáu lời dạy của Người, cần nghiên cứu thấm nhuần nội dung những lời dạy ấy, từ đó vận dụng sáng tạo vào thực tiễn hoạt động của lực lượng, vào công tác chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ chiến sỹ Công an với những đặc trưng, đặc thù của nó.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt lên hàng đầu yêu cầu rèn luyện đạo đức: “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính”. Đạo đức là gốc của nhân cách. Người coi đạo đức cũng là gốc, là nền tảng của tư cách người Công an cách mạng. Người thường dùng “tư cách” hay “tính cách” để biểu đạt quan niệm về nhân cách. Bốn đức để làm người: cần, kiệm, liêm, chính là bốn phẩm chất của đạo đức cách mạng, của tư cách người Công an cách mạng.

Người đã từng nhấn mạnh, thiếu một đức thì không thành người. Có đủ cả bốn đức mới là người hoàn toàn. Có cần, kiệm, liêm thì mới chính được. Muốn có đủ cần, kiệm, liêm, chính phải phấn đấu, rèn luyện, thực hành suốt đời, phải suốt đời nêu cao dũng khí quét sạch chủ nghĩa cá nhân, ra sức nâng cao đạo đức cách mạng.

Ở đời, ai cũng là người thường, không có ai là thần thánh cả. “Nhân vô thập toàn”, ai cũng có cái hay, cái tốt mà cũng có cả cái xấu, cái ác như tính tham, lòng tham, vị kỷ, vụ lợi, không dễ gì vượt qua vòng Danh - Lợi. Cảm nhận sâu sắc điều đó, Người căn dặn chúng ta đấu tranh suốt đời chống chủ nghĩa cá nhân như một thứ giặc ở trong lòng sẽ có không ít sự đau đớn ở trong lòng.

Chỉ có rèn luyện, tự rèn luyện, tự thực hành cần, kiệm, liêm, chính một cách bền bỉ, với mục đích, động cơ trong sáng vì nước, vì dân, đặt lợi ích chung của nhân dân, của dân tộc lên trên hết, trước hết “dĩ công vi thượng” thì mới có thể tận tâm tận lực trong công tác hằng ngày, không hiếu danh, không ham lợi.

Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương trong sạch, thanh cao về đạo đức, tuyệt đối không màng danh lợi, suốt đời chỉ tranh đấu cho độc lập tự do, cho hạnh phúc của dân, chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm cho nước được độc lập, dân có tự do, đồng bào, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, được học hành. 24 năm liền (1945 - 1969) làm Chủ tịch nước, nhận trọng trách do dân tín nhiệm, ủy thác, Người không bao giờ coi mình là lãnh tụ mà chỉ như một người lính vâng lệnh quốc dân ra trận, suốt đời tận tụy phục vụ nhân dân.

Cả cuộc đời, Người dâng hiến cho nhân dân và dân tộc như một sự hóa thân, quên mình, thanh thản đứng ngoài vòng danh lợi. Người căn dặn cán bộ chiến sỹ, nhất là thanh niên, đã làm cách mạng để phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì chỉ có một điều ham muốn: ham học, ham làm, ham tiến bộ, ngoài ra không có ham muốn nào khác. Không ham tiền tài, không tham địa vị, không mong hưởng lạc sung sướng cho riêng mình.

Cảnh sát tuần tra bằng xe đạp ở Đồng Tháp, hình ảnh tạo thân thiện trong nhân dân.

Sức mạnh ấy không chỉ là ý chí, nghị lực, bản lĩnh của người cách mạng suốt đời chiến đấu cho Độc lập -Tự do - Hạnh phúc của nhân dân mà còn có sức đẩy sâu xa của đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, của tình cảm yêu nước thương dân vô hạn, của niềm tin mãnh liệt vào vai trò của dân, sức sáng tạo của dân, nhờ đó suốt đời tin cậy vào dân và gắn bó máu thịt với dân.

Đạo đức cần, kiệm, liêm, chính mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu gương mẫu mực làm nên giá trị của nhân cách như một giá trị văn hóa ở đời và làm người để thân dân và thực hành dân chủ, để chính tâm thực hành đạo đức cách mạng, mọi việc lớn, nhỏ ta làm đều vì dân chứ không vì mình, do đó phải quang minh chính đại.

Người đặt lên hàng đầu và đòi hỏi rất cao, mỗi người, trong đó có Công an cách mạng phải tự mình cần, kiệm, liêm, chính là vì vậy. Không có đạo đức cách mạng trong sáng thì không thể trọn đời trung với nước, hiếu với dân, dù có tài giỏi mấy cũng không thể lãnh đạo được nhân dân.

Chỉ riêng một chữ “cần” cũng toát lên bao ý nghĩa. Đó là một trong những đức quý báu để tu dưỡng tâm tính và quan trọng hơn để thực hành, để hành động và nêu gương. Đó không chỉ là siêng năng, cần mẫn trong công việc mà còn là trách nhiệm tự giác, không lười biếng, không thoái thác công việc, không chọn việc dễ, bỏ việc khó. Không chỉ “cần” trong làm việc theo chức trách, bổn phận mà còn phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ để làm việc ngày một tốt hơn.

Chỉ riêng việc học, học suốt đời, tự học suốt đời của Bác cũng đã là một tấm gương cảm động cho mỗi cán bộ chiến sỹ Công an chúng ta phải suy ngẫm để noi theo, làm theo. Cần lao (lao động, làm việc) - Cần học (học tập) và Cần chính (trong chính sự, trong công vụ, phải đề cao kỷ luật công vụ và đạo đức công chức), đó là những nội dung chính yếu của chữ “cần” trong tư tưởng của Bác mà Người truyền dẫn đến chúng ta.

Người Công an cách mạng không chỉ “cần” mà còn phải “kiệm”, để tiết kiệm như một lối sống văn minh. Nó khác với keo kiệt, bủn xỉn là một thói xấu. Không chỉ tiết kiệm trong tiêu dùng, trong sinh hoạt, không lãng phí dẫn đến tham ô, phải ý thức rõ “mỗi đồng tiền, bát gạo mà ta tiêu dùng đều từ công sức của dân làm ra, đều là mồ hôi nước mắt của dân làm nên”. Thương dân thì phải tiết kiệm.

Lãng phí là không thương dân. Người còn nói, dân đóng thuế để chính phủ có tiền trả lương cho ta. Lười biếng, không làm việc để phục vụ dân là lừa gạt dân chúng. Thật là sâu sắc trong chỉ dẫn có ý nghĩa thức tỉnh của Người.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, có cần, có kiệm thì mới có liêm, tức là liêm khiết, trong sạch và có chính, tức là chính trực, ngay thẳng, công tâm. Người cách mạng phải xa lạ với mọi hành vi bất liêm, bất chính mà cũng là bất nghĩa. Phải trừng trị tất cả những kẻ bất liêm, bất chính, bất kể chúng là ai, giữ cương vị gì.

Giờ đây, lời dạy của Người với đạo đức là hàng đầu vẫn còn mãi tác dụng tỏa sáng, thúc đẩy và cả cảnh báo cho mỗi người, mỗi công việc, mỗi tổ chức, nhất là khi chúng ta đang quyết tâm chỉnh đốn Đảng, đang chú trọng kiến tạo Chính phủ liêm chính.

Bộ máy tổ chức Công an và người Công an trong bộ máy đó vào lúc này càng phải ra sức thực hành cần, kiệm, liêm, chính để Công an thực sự là bạn của dân, vì nước quên thân, vì dân phục vụ. Thực hiện được đạo đức cách mạng là điều căn bản nhất, là tạo được nền tảng đạo đức vững chắc nhất để thực hiện các yêu cầu, trong các mối quan hệ với những chuẩn mực tương ứng được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra hết sức rõ ràng, chuẩn xác và sâu sắc về ý nghĩa. Đó là:

“ - Đối với tự mình, phải

cần, kiệm, liêm, chính

- Đối với đồng sự, phải

thân ái giúp đỡ

- Đối với Chính phủ, phải

tuyệt đối trung thành

- Đối với nhân dân, phải

kính trọng, lễ phép

- Đối với công việc, phải

tận tụy

- Đối với địch, phải

cương quyết, khôn khéo”

Điều đáng lưu ý là ở chỗ, trong lời dạy của Người bao hàm những chỉ dẫn cho cán bộ chiến sỹ Công an cả thái độ, hành vi, tác phong, phong cách trong ứng xử với các mối quan hệ, các đối tượng, các chủ thể. Đặc biệt là yêu cầu về “tuyệt đối trung thành” với Chính phủ, bao hàm trong đó cả trung thành với Đảng vì Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ. Trong hoàn cảnh năm 1948, khi Đảng chưa ra công khai trở lại, nói chính phủ, nói nhà nước đã hàm ý nói tới Đảng. Một giá trị đặc sắc về văn hóa đạo đức, văn hóa chính trị mà cán bộ chiến sỹ Công an phải thấm nhuần, đó là quan hệ giữa Công an với nhân dân, Công an phải kính trọng, lễ phép với dân. Đây không chỉ là yêu cầu về đạo đức, về đạo đức trong chính trị mà Công an phải thể hiện mẫu mực theo gương Bác mà còn là một thước đo về văn hóa chính trị dân chủ - nhân văn, một chỉ báo xã hội quan trọng cho thấy bản chất của CAND, Công an cách mạng.

Còn có thể thấy trong Sáu điều Bác dạy CAND nét phong cách tinh tế, uyển chuyển của Người khi đề cập tới ứng xử của Công an trong từng hoàn cảnh, từng công việc, từng đối tượng khác nhau, với chính mình thì phải trung thực, đề cao đạo đức, lại phải tận tụy trong công việc; với đồng sự, đồng nghiệp phải có tình thân ái, quan tâm, giúp đỡ, vị tha nhân ái nhưng với địch phải cương quyết, khôn khéo, cả mưu lược lẫn phương pháp.

Tóm lại, chỉ qua một đoạn văn ngắn với sáu mệnh đề, gói gọn trong 51 chữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra các mối quan hệ, các đối tượng và chủ thể, các nguyên tắc, phương châm chỉ đạo, các yêu cầu về chuẩn mực, bao quát các bình diện đạo đức, chính trị, xã hội, văn hóa, liên quan trực tiếp tới rèn luyện tư cách của người Công an cách mạng.

70 năm đã trôi qua, nhưng những chỉ dẫn quan trọng của Người từ Sáu điều dạy đó vẫn còn nguyên giá trị và ý nghĩa, vẫn có tính thời sự và hiện đại. Xây dựng phong cách người Công an cách mạng bản lĩnh - nhân văn vì nhân dân phục vụ cần phải thấm nhuần và thực hiện Sáu điều dạy đó của Người. Đó thực sự là kim chỉ nam hành động, là triết lý khoa học - cách mạng và nhân văn, là thông điệp xây dựng lực lượng CAND trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu mới, nhiệm vụ mới dưới ánh sáng Tư tưởng - Đạo đức - Phong cách Hồ Chí Minh.

GS.TS Hoàng Chí Bảo (Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương)
.
.