Bài cuối: Trăn trở cùng số phận của những bệnh nhân

Chủ Nhật, 28/02/2016, 10:23
Trong giây phút phải đối mặt giữa sự sống và cái chết, chỉ có những cán bộ Công an ở cận kề. Ngoài việc chăm sóc y tế, các cán bộ còn là sự động viên giúp phạm nhận xác định tư tưởng, yên tâm chữa bệnh


“Có một ca cấp cứu ở Phân trại số 2, đề nghị được hỗ trợ y tế”, sau cuộc điện thoại ngắn ngủi trao đổi thông tin, Thiếu tá Phạm Thị Thanh Hương, Đội trưởng Đội Y tế và Bảo vệ môi trường, Trại giam Hồng Ca, Tổng cục Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an cùng đồng đội gấp rút có mặt tại phân trại. Phạm nhân là người đàn ông đã bước vào cái tuổi xưa nay hiếm, ông Sa Văn Ướng bị bắt về tội hiếp dâm…

1. Sa Văn Ướng vào trại trong thể trạng gầy gò, ốm yếu. Ngoài căn bệnh kinh niên của tuổi già, người đàn ông này còn mắc bệnh cao huyết áp, viêm phổi. Phạm nhân không biết nói tiếng phổ thông, tai lại nghễnh ngãng nên việc khám, chữa bệnh của các y, bác sỹ trong Trại giam Hồng Ca thường ngày phải nhờ đến sự giúp đỡ của một phiên dịch người vùng cao…

Hàng ngày, việc chăm sóc sức khỏe y tế của phạm nhân Ướng được cán bộ Đội Y tế và Bảo vệ môi trường chú trọng đặc biệt. Từ việc ăn uống đảm bảo chế độ dinh dưỡng đến việc vệ sinh thân thể để phòng ngừa bệnh tật… tất cả đều được các y, bác sỹ của trại chỉ bảo tận tình cho phạm nhân. “Vất vả nhất là những ngày trái nắng trở trời như hôm nay”, Thiếu tá Hương tâm sự.

Một đêm, phạm nhân Ướng phải gọi y tế đến vài lần, có khi chỉ với một lý do giản đơn là chân, tay đau nhức. Ngoài trường hợp của Ướng, chị và đồng đội còn phải xử lý nhiều ca bệnh khác trong đêm nhưng cứ nhận thông tin là họ lập tức có mặt ở phân trại.

Cán bộ y tế Trại giam Hồng Ca kiểm tra sức khỏe cho phạm nhân.

Nhìn cách chị và đồng đội là Thiếu úy Đinh Trọng Hoàng chăm sóc các phạm nhân, chúng tôi phần nào thấu hiểu những vất vả của cán bộ làm công tác y tế trại  giam. Ướng kêu la không ngừng, ông ta liên tục kêu gào thảm thiết rồi đòi được đi cấp cứu, đòi được ra ngoài phân trại. Sau khi thực hiện việc kiểm tra sức khỏe, Thiếu tá Hương dùng những lời lẽ nhẹ nhàng, kiên trì động viên, phân tích cho ông hiểu bệnh tật của mình. 

Vừa nhẹ nhàng vừa cương quyết, phạm nhân Ướng sau đó đã ngừng kêu la, đồng ý với việc uống thuốc. Khi Thiếu tá Hương vừa hoàn tất việc xử lý một ca bệnh thì tiếng chuông điện thoại lại reo lên, chị và đồng đội lại tất tả lên đường làm nhiệm vụ…

Tâm sự với chúng tôi, Thiếu tá Hương bộc bạch: Mỗi đêm, trung bình cán bộ Đội Y tế và Bảo vệ môi trường phải xử lý hàng chục vụ việc tương tự. Cả đội chỉ có hơn chục người nên những cán bộ nữ cũng không được ưu ái gì hơn, cũng phải trực chiến như cán bộ nam…

Những trường hợp nhẹ được cán bộ y tế sơ cứu ngay tại trạm; trường hợp nặng hơn thì được chuyển ra ngoài điều trị, đảm bảo những điều kiện tốt nhất cho các phạm nhân. Vất vả nhất là những đồng chí có con còn nhỏ, chồng lại công tác cùng đơn vị, có lúc cả hai vợ chồng cùng vào ca trực.

2. Theo tiếng gọi của tình yêu, hơn 8 năm trước, cô nhân viên y tế xã Văn Chấn (Yên Bái), Phạm Thị Thanh Hương theo chồng về công tác tại Đội Y tế và Bảo vệ môi trường Trại giam Hồng Ca. Còn với Thiếu úy Đinh Trọng Hoàng, cái duyên đến với nghề y cũng khá bất ngờ. Ban đầu, Hoàng làm công tác bảo vệ… sau đó do yêu cầu công tác đã được cử đi học trung cấp y. 

Cũng như đồng đội của mình, những ngày đầu chân ướt, chân ráo nhận nhiệm vụ, Hương và Hoàng không khỏi bỡ ngỡ trước công việc hàng ngày phải đối mặt. Nếu như ở bên ngoài, bệnh nhân hầu như tuân thủ nghiêm ngặt sự chỉ định của bác sỹ thì ở đây ngược lại. Có những phạm nhân từ chối điều trị hoặc tìm cách đối phó với các cán bộ làm công tác y tế. 

Trường hợp của phạm nhân Đỗ Ngọc Hùng là một điển hình. Hùng sinh năm 1974, ở xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn, Yên Bái, bị bắt về tội mua bán trái phép chất ma túy, án phạt 30 năm tù lại mang trên người căn bệnh thế kỷ. Tình cảnh của Hùng khá thương tâm, anh ta bị gia đình gần như bỏ rơi suốt một thời gian dài không có người thăm nom. Trong hoàn cảnh ấy, Hùng dễ nảy sinh tâm lý tiêu cực, dù đã được cán bộ quản giáo thường xuyên giáo dục. Khi các cán bộ y tế chưa tiếp cận, Hùng thường xuyên bỏ ăn, anh ta càng chán nản hơn khi biết đã mang trong người căn bệnh thế kỷ. 

Cùng với việc chăm sóc y tế, Hương cùng Hoàng còn phải điều trị tâm bệnh cho Hùng. Chính anh chị đề xuất, xin cho Hùng mỗi ngày được hỗ trợ thêm 8 nghìn đồng tiền ăn. Những tình cảm chân thành của chị Hương và Hoàng đã giúp bệnh nhân Hùng yên tâm điều trị bệnh. Sau một thời gian dài được chăm sóc y tế và điều trị, sức khỏe của phạm nhân Hùng đã dần ổn định. Hùng hiện giờ đã trở thành người giúp việc cho các cán bộ Đội Y tế và Bảo vệ môi trường, chăm sóc cho các phạm nhân có cùng cảnh ngộ.

Trại giam Hồng Ca cũng có những đặc thù riêng, phạm nhân đang cải tạo đều là nam giới, với đủ các tội danh từ trộm cắp tài sản đến mua bán trái phép chất ma túy. Trong số đó, còn có cả những đối tượng mang án chung thân về các tội danh đặc biệt nghiêm trọng, bị cả xã hội lên án như giết người, cướp tài sản. Ngoài các bản án của pháp luật, nhiều đối tượng còn mang trên người những căn bệnh đặc biệt nguy hiểm như HIV/ AIDS… 

Họ có đủ các thủ đoạn khác nhau để đối phó như ôm bụng rồi quằn quại kêu đau đớn, một số còn tìm cách tự gây thương tích cho mình. Không ít trong số đó là các phạm nhân người dân tộc thiểu số, ngoài sự bất đồng về ngôn ngữ còn là sự hạn chế về trình độ nhận thức, cán bộ hỏi một đằng, phạm nhân trả lời một nẻo.

Thiếu tá Hương cho biết: Những năm trở lại đây, trong phân trại có đến 60 trường hợp nhiễm lao; hơn 100 phạm nhân mang trong người căn bệnh thế kỷ. Trong giây phút phải đối mặt giữa sự sống và cái chết, chỉ có những cán bộ Công an ở cận kề. Ngoài việc chăm sóc y tế còn là sự động viên, giúp họ xác định được tư tưởng, có tội phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của họ đã gây ra, đồng thời yên tâm chữa bệnh.

Xuân Mai
.
.