Khai hội ở ngôi chùa cổ nhất miền Trung

Chủ Nhật, 05/02/2023, 17:34

Di tích lịch sử Quốc gia chùa Hoằng Phúc là một trong những ngôi chùa cổ nhất miền Trung được hình thành cách đây hơn 700 năm. Năm 1301 Phật hoàng Trần Nhân Tông trong chuyến kinh lý phía Nam đã đến ở và truyền giảng giáo lý Phật giáo ở chùa Hoằng Phúc.

Ngày 5/2, chùa Hoằng Phúc tọa lạc tại thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình chính thức khai hội. Chùa Hoằng Phúc được xếp hạng là Di tích lịch sử Quốc gia. Chùa Hoằng Phúc là một trong những ngôi chùa cổ nhất miền Trung, được xây dựng cách đây hơn 700 năm, khởi nguồn có tên là Am Tri Kiến. Trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023, hàng vạn người trong cả nước đã đến Quảng Bình du lịch tâm linh để cầu phúc, cầu tài, cầu lộc đầu năm ở chùa Hoằng Phúc.

Khai hội di tích lịch sử quốc gia ở ngôi chùa cổ nhất miền Trung  -0
Chùa Hoằng Phúc có lịch sử trên 700 năm. 

Theo sử cũ, chùa Hoằng Phúc là ngôi chùa được nhiều vị vua, chúa ghé thăm nhất ở miền Trung. Tháng 3 năm 1301 (Tân Sửu), Phật hoàng Trần Nhân Tông trên đường viễn du ghé qua chùa Am Tri Kiến, sau đó ngài đổi tên thành Am Kính Thiên. Năm 1609, trên đường đi qua đất Thuận Hóa, chúa Nguyễn Hoàng cũng đã đến nghỉ tại Am Kính Thiên và sau đó không lâu, chúa Nguyễn Hoàng đã cho dựng chùa lớn ngay trên nền am cũ và đặt tên là Kính Thiên.

Tiếp đó, Năm 1716, chúa Nguyễn Phúc Chu ra thăm chùa Kính Thiên, bèn cho cấp tiền tu sửa, ban cho một biển đề tên chùa “Kính Thiên Tự” và một biển đề đại tự: “Vô song phúc địa” (đất phúc khôn sánh) và ngự chế 5 câu đối treo ở chùa. Năm Minh Mạng thứ hai (1821), trong chuyến ngự giá Bắc Tuần, vua Minh Mạng có ghé thăm chùa Kính Thiên và cho đổi tên chùa là “Hoằng Phúc Tự” (Phúc lớn)...

Khai hội di tích lịch sử quốc gia ở ngôi chùa cổ nhất miền Trung  -0
Lễ tắm Phật trong ngày khai hội chùa Hoằng Phúc. 

Năm 2014, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát tâm đóng góp của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, phật tử và nhân dân, chùa Hoằng Phúc được xây dựng khang trang, bề thế theo lối kiến trúc đời Trần.

Khai hội di tích lịch sử quốc gia ở ngôi chùa cổ nhất miền Trung  -0
Giếng cổ ở chùa Hoằng Phúc.

Lễ hội chùa Hoằng Phúc năm 2023 được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa, tâm linh theo nghi thức Phật giáo như: Lễ rước nước từ vực An Sinh lên chùa; lễ khai ấn; lễ phóng sinh; thuyết pháp và lễ quy y Tam Bảo; lễ cúng Phật cầu Quốc thái dân an; lễ phát lộc, thả hoa đăng. Các hoạt động văn hóa, thể thao độc đáo được tổ chức như: Hò khoan Lệ Thủy; múa vương, tướng, long, hổ; hội bài chòi; đánh đu truyền thống; thi đấu cờ tướng; biểu diễn võ thuật cổ truyền…

Sông Lam-Lam Hồng
.
.