Những vật cản trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba

Thứ Hai, 22/02/2016, 06:01
Từ ngày 21 đến 23-3 tới, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ thực hiện chuyến thăm lịch sử đầu tiên tới Cuba sau 88 năm, kể từ khi Tổng thống Mỹ Calvin Coolidge thăm Cuba vào tháng 1-1928. 


Chuyến thăm Cuba của Tổng thống Obama sẽ là một bước tiếp theo quan trọng trong quan hệ giữa 2 nước, đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ Mỹ - Cuba sau hơn nửa thế kỷ đối đầu. Tuy nhiên, không có con đường nào trải đầy hoa hồng, và tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước cũng vậy.

Kể từ tháng 12-2014 khi nhà lãnh đạo Mỹ và Cuba tuyên bố khởi động tiến trình bình thường hóa quan hệ tới nay, quan hệ hai nước đã phát triển nhanh chóng, hai bên có nhiều hành động để hóa giải những hiềm khích trước kia, như cuộc gặp mang tính lịch sử giữa Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Obama tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ Latinh hồi tháng 4-2015, Mỹ tuyên bố sẽ đưa Cuba ra khỏi “danh sách khủng bố”, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez tới Mỹ tham gia lễ thượng cờ mở lại Đại sứ quán Cuba tại Mỹ hôm 20-7-2015, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tham dự lễ thượng cờ mở lại Đại sứ quán Mỹ tại Cuba hôm 14-8-2015…

Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến cho Cuba và Mỹ gần đây không ngừng trao đổi với nhau nằm ở chỗ hai bên đều hiểu rõ rằng, hai năm qua là thời kỳ cơ hội then chốt, thậm chí là thời kỳ cơ hội vàng để làm ấm quan hệ hai nước, nên không được bỏ lỡ. Tuy nhiên, cho dù xu thế lớn của sự bình thường hóa quan hệ Cuba – Mỹ trong dài hạn là không thể đảo ngược, nhưng cùng với hàng loạt “hành động bắt buộc” được thực hiện, nên trong ngắn hạn, sự phát triển của quan hệ song phương có thể sẽ chuyển từ xu thế “nhanh chóng” trước đây sang “chậm chạp”.

Có nhiều yếu tố tạo nên xu thế này. Thứ nhất, yếu tố nhà lãnh đạo và nhóm quyết sách có lợi cho việc bình thường hóa nhanh chóng của Mỹ đang giảm xuống. Nếu tổng thống tiếp theo của Mỹ trì hoãn không giải quyết thì tính không xác thực của triển vọng bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba sẽ tăng lên. Điều này có thể thấy được qua thái độ của những ứng cử viên đảng Cộng hòa đang tham gia cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 khi họ đều phản đối đối với sự ấm lên trong quan hệ Mỹ - Cuba. 

Ví dụ, ứng viên Jeb Bush, cựu Thống đốc bang Florida và cũng là em trai cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush, không chỉ phản đối việc Tổng thống Obama coi thường “hiện trạng nhân quyền và tự do Cuba” mà còn cho rằng, Mỹ không giành được lợi ích gì từ trong đàm phán. Thậm chí ông JebBush còn tuyên bố, sau khi được bầu làm tổng thống sẽ đóng cửa Đại sứ quán Mỹ tại Cuba. Và không chỉ có ứng viên này, một khi ứng viên gốc Cuba Marco Rubia lên cầm quyền ở Mỹ, quan hệ Mỹ - Cuba rất có thể rơi vào trì trệ, thậm chí xuất hiện thụt lùi ngắn hạn.

Từ đó cho thấy, nếu đảng Cộng hòa lên cầm quyền vào năm sau, chính sách của đảng này rất có thể sẽ cứng rắn hơn so với Chính quyền Tổng thống Obama. Tuy nhiên, trái lại với đảng Cộng hòa, ứng viên Hillary Clinton của đảng Dân chủ lại nhiều lần bày tỏ ủng hộ Tổng thống Obama làm ấm quan hệ với Cuba. Không chỉ có thế, bà Clinton còn kêu gọi Quốc hội Mỹ xóa bỏ trừng phạt đối với Cuba.

Cái bắt tay thân thiện Mỹ - Cuba ngày 29-9-2015.  

Yếu tố thứ hai là, lực lượng đối lập trong Quốc hội Mỹ đang lấy đảng Cộng hòa làm chủ yếu trở thành lực lượng chính cản trở tiến trình bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba. Một mặt, trong ngắn hạn, Quốc hội Mỹ rất khó có thể xóa bỏ trừng phạt đối với Cuba, điều mà bấy lâu nay Cuba yêu cầu. Mặt khác, từ phương diện hành động cụ thể cho thấy, Quốc hội Mỹ có thể gây phiền phức trong vấn đề nguồn vốn và bổ nhiệm đại sứ của đại sứ quán, cản trở sự thúc đẩy nhanh chóng của tiến trình bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba.

Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell từng nói rằng, Thượng viện chưa chắc đã thông qua đề xuất của Tổng thống Obama về Đại sứ Mỹ tại Cuba. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, ứng viên tranh cử Tổng thống là Ted Cruz, Lindsay Graham… cũng khẳng định sẽ ngăn cản Quốc hội phê chuẩn đầu tư nguồn lực cho Đại sứ Mỹ tại Cuba, đồng thời cũng sẽ phản đối bất kỳ đề xuất nào của tổng thống về đại sứ của Mỹ tại Cuba trong phiên điều trần do Thượng viện tổ chức, trừ khi Chính quyền Tổng thống Obama có thể khiến cho Cuba xóa bỏ hạn chế đối với các quan chức ngoại giao Mỹ đi lại trong nước của nước này, đồng thời đảm bảo tự do chính trị nhiều hơn.

Vật cản thứ ba là sự thiếu hụt lòng tin và vẫn tồn tại sự cảnh giác giữa Mỹ và Cuba. Trong tuyên bố bắt đầu tiến trình bình thường hóa quan hệ song phương ngày 17-12-2014, Tổng thống Obama cho rằng, việc Mỹ điều chỉnh chính sách đối với Cuba không xuất phát từ lý do khiến cho người khác phải để ý, mà là gửi gắm hi vọng vào việc thông qua sự thay đổi về phương thức để thực hiện các mục tiêu của Mỹ.

Trong chuyến thăm Cuba tháng 1-2015, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Tây Bán cầu Roberta Jacobson đã “tranh thủ thời gian” để gặp gỡ nhiều nhà bất đồng chính kiến Cuba, để bày tỏ ủng hộ tiến trình dân chủ Cuba. Tương tự, trong thời gian thăm Cuba, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đã cổ xúy “dân chủ kiểu Mỹ”, công kích tình trạng nhân quyền của Cuba, kêu gọi Cuba đẩy nhanh “tiến trình cải cách chính trị”…

Về phía Cuba, trong tuyên bố ngày 20-12-2014 khi bắt đầu tiến trình bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba, Chủ tịch Raul Castro khẳng định “Cuba sẽ không từ bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa”, đồng thời kêu gọi Mỹ “thừa nhận sự khác biệt cùng văn minh chung sống”, từ bỏ ý định cải tạo Cuba. Tiếp đó, trong bức thư gửi Tổng thống Obama ngày 30-6-2015, trước khi hai nước khôi phục quan hệ ngoại giao, Chủ tịch Raul Castro tái khẳng định, “việc Cuba làm ấm quan hệ với Mỹ dựa vào Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Vienna, tiền đề là hai nước tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp công việc nội bộ của nhau”.

Khổng Hà
.
.