Australia và Trung Quốc khẩu chiến vì nguồn gốc COVID-19

Thứ Hai, 27/04/2020, 20:50
Quan hệ giữa Canberra và Bắc Kinh vốn căng thẳng trong suốt mấy năm gần đây giờ đang có chiều hướng ngày càng xấu thêm khi trong các tuyên bố mới đây, các quan chức cấp cao hai nước liên tiếp chỉ trích qua lại và không có dấu hiệu nhượng bộ liên quan đến vấn đề nguồn gốc của đại dịch COVID-19 và cách xử lí dịch của Trung Quốc.


Tờ The Guardian dẫn số liệu từ Trung Quốc cho biết, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có các cuộc nói chuyện, gửi điện thăm hỏi và lời chia buồn tới nhà lãnh đạo của gần 40 quốc gia và các tổ chức quốc tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. 

Về phần mình, trong tuần trước, Thủ tướng Australia Scott Morrison cũng “khá bận rộn” khi đã có cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo Mỹ, Pháp, Đức và một số quốc gia khác để tìm kiếm sự ủng hộ về sáng kiến mở một cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc dịch COVID-19 và trách nhiệm của các bên liên quan khi để dịch bệnh lây lan trên phạm vi toàn cầu. 

Ngoại trưởng Australia Marise Payne. (Ảnh: Getty)

Tuy nhiên, điều đáng chú ý ở đây là, hai nhà lãnh đạo Australia - Trung Quốc đã không có cuộc gọi nào dành cho nhau và các quan chức cấp cao hai nước liên tục “lời qua tiếng lại”, đây như một dấu hiệu cho thấy quan hệ Bắc Kinh – Canberra đang ngày càng xấu đi.

Lời kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế của Australia hôm 19-4 vừa qua diễn ra trong bối cảnh những chỉ trích ngày càng tăng trong những tuần gần đây từ Tổng thống Donald Trump, khi ông hôm 18-4 đã cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ phải gánh hậu quả nếu “cố ý” gây ra COVID-19. 

Trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề này tại cuộc họp báo thường ngày hôm 20-3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng bày tỏ “sự quan ngại sâu sắc và kiên quyết phản đối việc này”. Phát biểu của phía Australia về việc nghi ngờ tính minh bạch của Trung Quốc là “hoàn toàn không có cơ sở thực tế và nó thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với sự hy sinh của người dân Trung Quốc”, ông Cảnh Sảng nhấn mạnh.

Mới đây nhất, trong một cuộc trả lời phỏng vấn đăng tải ngày 27-4 trên Australia Financial Review (AFR), đại sứ Trung Quốc tại Australia Thành Cạnh Nghiệp nói rằng việc Thủ tướng Australia Scott Morrison thúc đẩy mở một cuộc điều tra quốc tế về COVID-19 là “nguy hiểm”, “mang động cơ chính trị” và sẽ làm giảm nỗ lực chống lại virus. 

Đại sứ Trung Quốc cũng lên tiếng cảnh báo chính phủ Morrison rằng việc theo đuổi một cuộc điều tra toàn cầu về COVID-19 có thể châm ngòi cho làn sóng “tẩy chay” của sinh viên và du khách Trung Quốc tới Australia, đồng thời ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu các nông sản như rượu vang, thịt bò của Australia sang nước này.

“Đó là hình thức xúi giục có chủ đích của một số thế lực ở Washington. Một số người đang cố đổ lỗi cho Trung Quốc vì những vấn đề của họ và làm chệch hướng chú ý. Bởi vậy, với những gì chính phủ Australia đã thực hiện, đề xuất này là hợp tác với các thế lực ở Washington và khởi động chiến dịch chính trị chống lại Trung Quốc”, ông Thành nói. 

Phản pháo ngay sau đó trước những lời đe doạ này, Ngoại trưởng Australia Marise Payne đã chỉ trích nhà ngoại giao Trung Quốc vì đã kết nối vấn đề kinh tế và cuộc điều tra về COVID-19. “Chính phủ Australia bác bỏ bất cứ gợi ý nào rằng đe dọa về kinh tế là cách phản ứng phù hợp đối với một kêu gọi điều tra như vậy, trong khi điều cần thiết là hợp tác toàn cầu”, bà Payne nói.

Đại dịch COVID-19 đã và đang bùng phát trên gần như mọi khu vực trên thế giới gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe và kinh tế. Với thực tại này, nhiều quốc gia đang hướng mũi dùi về phía Trung Quốc - nơi dịch bệnh xuất hiện lần đầu tiên để yêu cầu bồi thường tổn thất thời gian qua. 

Những sự tức giận này đáng lý ra sẽ phải được “kết tủa” thông qua sự ủng hộ rộng rãi và thực chất hơn dành cho sáng kiến của Australia, tuy nhiên điều đó chưa xảy ra.

Điện Elysee ngày 23-4 cho biết, sau cuộc điện đàm với Thủ tướng Australia Scott Morrison bàn về vấn đề COVID-19, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron điều quan trọng hiện nay là các nước phải đồng loạt hành động phòng chống dịch bệnh, trước khi tìm hiểu ai là người có lỗi. "Không có thời gian để nói về điều này. Song ông ấy (Tổng thống Macron) cũng tái khẳng định sự cần thiết của việc minh bạch cho tất cả các bên", quan chức điện Elysee cho biết. 

Về phần mình, Thủ tướng Đức Merkel cho biết cũng đã nói chuyện với người đồng cấp Australia về đại dịch COVID-19. "Vào một thời điểm thích hợp, sẽ cần có phân tích về mọi giai đoạn của dịch. Tất cả chúng ta cần phải biết về những gì đã xảy ra, hậu quả của chúng. Và tất nhiên chúng ta cần sự minh bạch", Phát ngôn viên của chính phủ Đức Steffen Seibert nói. 

Một phát ngôn viên của Thủ tướng Anh Boris Johnson nói rằng sẽ có lúc Anh nhìn lại những bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng này, nhưng giờ các bộ trưởng phải tập trung chống dịch bệnh.

Có thể nói rằng, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới khi đã lây nhiễm tới hơn 3 triệu người và khiến hơn 207.000 người tử vong, động thái trên của Đức, Pháp, Anh cho thấy các nước đều muốn đặt ưu tiên phòng chống dịch lên hàng đầu và để lại những vấn đề thứ yếu lại tới khi dịch bệnh kết thúc.  

“Thật lấy làm lạ khi Australia đã công khai sáng kiến kêu gọi điều tra về nguồn gốc COVID-19 trước khi xây dựng ‘nền móng’ hỗ trợ cho ý tưởng này. Thay vì di chuyển theo từng bước với nhiều quốc gia có cùng chí hướng, Australia chỉ xoay quanh một vài người ủng hộ”, chuyên gia cấp cao Richard McGregor thuộc Viện nghiên cứu Lowy bình luận.

“Hiện tại, Bắc Kinh giống như người cho bạn mượn một cuốn sách mang tên COVID-19 và kêu gọi bạn bỏ qua các chương mở đầu kinh hoàng để lật thẳng đến trang cuối cùng, nơi cả thế giới đang theo dõi ‘người anh hùng’ này tỏa sáng trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Nói cách khác, Bắc Kinh muốn nói về cách Trung Quốc đánh bại virus, chứ không phải cách virus thoát khỏi Vũ Hán vào tháng Một và lan rộng khắp thế giới ra sao”, ông McGregor nhận định, đồng thời cho rằng Bắc Kinh sẵn sàng “đối đầu” với những ai dám đặt câu hỏi về câu chuyện kể của mình.

Cao Trung (Tổng hợp)
.
.