Cuộc chiến không của riêng ai

Thứ Hai, 18/03/2019, 08:37
New Zealand vừa trải qua “những ngày đen tối” khi 50 người thiệt mạng trong hai vụ xả súng tại các đền thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch hôm 15-3.


Vụ việc đã rung lên hồi chuông cảnh tỉnh về hệ tư tưởng cực đoan và bạo lực đang lan rộng trong thế kỷ XXI. Điều này càng trở nên đáng sợ khi nó xảy ra tại New Zealand - một quốc gia chưa từng chứng kiến một vụ xả súng hàng loạt nào trong hơn 20 năm qua, cũng như hiếm khi có mối liên kết nào với chủ nghĩa cực đoan.

Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, cho dù cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã bị đánh bại ở Iraq và Syria, nhưng tư tưởng cực đoan thánh chiến thì vẫn còn nguyên. Tư tưởng này tồn tại, len lỏi và không có một quốc gia nào có thể khẳng định rằng, mình đứng ngoài khả năng bị tấn công khủng bố. New Zealand là một quốc gia phát triển, cuộc sống người dân thanh bình, vậy mà vẫn bị một vụ khủng bố thảm sát như vậy.

Những năm vừa qua, đặc biệt là từ năm 2011, cộng đồng quốc tế đã chung sức trong cuộc chiến chống khủng bố, thể hiện thông qua hai liên minh dẫn đầu là Mỹ và Nga và đã mang lại hiệu quả thực tế là việc IS bị đánh tan. Nhưng đó chỉ là đánh tan cái trung tâm chỉ huy sức mạnh mang tính gọi là nhà nước, còn tư tưởng thánh chiến cực đoan thì vẫn tồn tại. Do đó, để trừng trị cái ác, để loại bỏ các phần tử khủng bố, những hành động khủng bố dã man, cộng đồng quốc tế phải đoàn kết, hợp tác với nhau chặt chẽ hơn nữa.

Đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân vụ xả súng ở Christchurch, New Zealand, ngày 16-3. Ảnh: THX.

Qua vụ việc này, lực lượng an ninh các nước cần phải rút ra bài học kinh nghiệm. Nhìn từ vụ việc xảy ra tại New Zealand cho thấy, cho dù New Zealand là một quốc gia thanh bình, có lực lượng an ninh, cảnh sát hoạt động hiệu quả, nhưng cũng bộc lộ những sơ hở, thiếu sót, bất cập, đặc biệt là trong công tác quản lý những người nhập cư có vấn đề.

Ngày 17-3, New Zealand đã tổ chức tang lễ cho 50 nạn nhân, gồm cả trẻ em thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố tại thánh đường Hồi giáo ở thành phố Christchurch, vụ thảm sát bằng súng được xem là đẫm máu nhất trong lịch sử nước này.

Ngay từ sáng sớm, cả đất nước New Zealand chìm trong không khí tang thương. Những đoàn người nối đuôi nhau, xếp hàng dài trước các đài tưởng niệm tạm thời, được dựng lên quanh thành phố Christchurch. Trong khi đó, hàng nghìn người đã tham gia các buổi cầu nguyện cho những nạn nhân xấu số tại các đền thờ khu vực. Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã đến nhiều địa điểm của thành phố Christchurch để chia buồn cùng cộng đồng người Hồi giáo. Tại Trung tâm Tái định cư cho người tị nạn Canterbury, bà Ardern khẳng định, New Zealand là một khối thống nhất và cùng nhau chia sẻ nỗi đau buồn to lớn này.

Bên cạnh bầu không khí tang thương bao trùm lên đất nước, những thông điệp về tình yêu, hòa bình và đoàn kết đang được người dân New Zealand truyền tải đến cộng đồng người Hồi giáo. Hình ảnh dòng người dài mang theo hoa đặt bên ngoài 2 nhà thờ Hồi giáo để cầu nguyện cho những nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố kinh hoàng tồi tệ nhất thời bình tại New Zealand, mang nặng ưu phiền. Những bài hát, những lời cầu nguyện đang vang lên xung quanh hai nhà thờ – nơi xảy ra thảm kịch đau lòng.

Nhiều đoàn người New Zealand đã tới thăm cộng đồng người Hồi giáo tại các khu phố - gần nơi xảy ra vụ xả súng, để chia sẻ sự mất mát, chia sẻ nỗi đau với những gia đình mất đi người thân và để gạt đi nỗi lo sợ về sự thù ghét tôn giáo. Còn trên các diễn đàn mạng trực tuyến, nhiều người New Zealand hôm nay đã có những hành động thiết thực khi chia sẻ những thông tin về đồ ăn mà Hồi giáo cho phép tín đồ sử dụng, giúp các nhóm cứu trợ, nhân đạo có thể dễ dàng hỗ trợ đồ ăn cho những người bị ảnh hưởng trong vụ khủng bố.

Những tấm thiệp in dòng chữ như: “Tình yêu luôn chiến thắng sự thù ghét” cũng đã được người dân New Zealand truyền tải tới những người Hồi giáo tại đất nước vốn rất yên bình này. Thông điệp “đoàn kết và thống nhất” cũng đã được đích thân Thủ tướng Jacinda Ardern chia sẻ khi có mặt tại nơi xảy ra vụ xả súng. “Tất cả New Zealand, tất cả chúng ta đang cùng chung một nỗi buồn. Vì vậy, thay mặt cho người dân New Zealand, tôi muốn truyền đi  thông điệp của tình yêu thương và sự hỗ trợ tới cộng đồng người Hồi giáo”, bà nói.

Trong một động thái chưa từng có, cùng ngày, các tập đoàn viễn thông New Zealand, gồm các nhà cung cấp mạng lớn như Spark, Vodafone, V Focus và 2degrees, thông báo sẽ nỗ lực hết sức để ngăn chặn các clip đăng các cảnh quay vụ tấn công khủng bố ở thành phố Christchurch trên các trang web trong nước.

Theo Giám đốc điều hành Diễn đàn viễn thông New Zealand, Geof Thorn, các nhà mạng đang hợp tác cùng nhau, để đảm bảo không còn clip bạo lực nào liên quan đến vụ tấn công khủng bố trên xuất hiện trên màn hình của người dân “xứ Kiwi”. Sự phẫn nộ trước hành động khủng bố và niềm tiếc thương đã lan tới rất nhiều các quốc gia khác, quê hương của những nạn nhân trong vụ thảm sát, như Ấn Độ, Bangladesh, Afghanistan, Ai Cập, Saudi Arabia, Indonesia, Jordan, Pakistan và Fiji...

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.