Bao giờ người dân sống cạnh mỏ đá vôi Phong Xuân được tái định cư?

Chủ Nhật, 08/10/2023, 07:39

Nhiều năm qua, người dân ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) bị ảnh hưởng bởi hoạt động khai thác mỏ đá vôi của Công ty CP Xi măng Đồng Lâm (gọi tắt Công ty Đồng Lâm) chờ đợi được di dời, bố trí tái định cư (TĐC) để đảm bảo an toàn, ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện TĐC cho người dân Phong Xuân đang gặp nhiều vướng mắc cần sớm được cơ quan chức năng và doanh nghiệp chung tay tháo gỡ.

Mỏ đá vôi Phong Xuân được Công ty Đồng Lâm đưa vào khai thác từ năm 2014 với tổng diện tích hơn 90 ha gồm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 2 có diện tích khoảng 35ha. Để giảm thiểu tác động ảnh hưởng đến đất đai, nhà cửa của người dân nằm trong khu vực lân cận mỏ đá vôi, đơn vị khai thác mỏ đã giảm lượng thuốc nổ tại các khu vực giáp đê bao xuống còn 1,5 tấn/bãi (giảm 50% so với quy định cho phép) và sử dụng phương pháp nổ mìn vi sai phi điện.

7-3.jpg -0
Hoạt động khai thác mỏ đá vôi của Công ty Đồng Lâm ảnh hưởng đời sống người dân ở xã Phong Xuân.

Tuy nhiên trên thực tế, quá trình hoạt động nổ mìn khai thác mỏ đá vôi của Công ty Đồng Lâm đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân ở xã Phong Xuân. Nhiều hộ dân có nhà cửa bị nứt nẻ bờ tường, sân vườn sụt lún, đất vườn, đất trồng lúa mất nước không thể canh tác. Người dân ở thôn Xuân Điền Lộc, xã Phong Xuân bức xúc cho biết, việc nổ mìn khai thác tại mỏ đá vôi gây rung chấn, làm nứt nẻ nhà cửa, ruộng vườn khiến người dân luôn sống trong bất an, lo lắng.

“Nhiều năm trước, gia đình tôi có đất đai bị ảnh hưởng sụt lún do khai thác mỏ đá vôi, không thể sản xuất, canh tác đã được phía doanh nghiệp hỗ trợ, đền bù. Tuy nhiên do nhà nằm cách đê bao số 2 của mỏ đá vôi hơn 270m, vào tháng 9/2020 đã từng xuất hiện hố sụt lún ở khu vực phòng tắm nên phía Công ty Đồng Lâm đã cử cán bộ về kiểm tra hiện trạng và lấp hố sụt lún. Vì thế, tôi và các hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng sụt lún do mỏ đá vôi mong mỏi sớm được di dời ra khỏi vùng ảnh hưởng, được bố trí TĐC để ổn định cuộc sống về lâu dài”, ông Trần Văn Khánh ở thôn Xuân Điền Lộc bày tỏ.

Trước kiến nghị chính đáng của người dân ở xã Phong Xuân, qua nhiều cuộc kiểm tra, cuộc họp giữa các bên liên quan, chính quyền địa phương và Công ty Đồng Lâm thống nhất xây dựng phương án, lập báo cáo đề xuất UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về phương án di dời, bố trí TĐC cho các hộ dân ở Phong Xuân nằm trong vùng có nguy cơ cao sụt lún xung quanh mỏ đá vôi. Theo đó, Công ty Đồng Lâm thống nhất phương án bồi thường, hỗ trợ để di dời 16 hộ dân với 74 nhân khẩu và phương án đầu tư hạ tầng khu TĐC tại Công văn số 4921/UBND-TTPTQĐ ngày 18/11/2022 của UBND huyện Phong Điền.

Công ty Đồng Lâm thống nhất chi từ nguồn vốn doanh nghiệp để thực hiện bồi thường đối với nhà cửa, công trình vật kiến trúc (không bao gồm hạng mục hạ tầng khu TĐC và chi phí thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng) với giá trị khoảng 22 tỷ đồng. Công ty Đồng Lâm đề nghị địa phương bổ sung nguồn ngân sách Nhà nước để đầu tư hạ tầng khu TĐC và phê duyệt chi phí thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 6,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hiện trình tự thu hồi đất và nguồn vốn thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng khu TĐC cho người dân ở xã Phong Xuân bị ảnh hưởng bởi mỏ đá vôi đang gặp một số vướng mắc, khó khăn. Cụ thể, theo UBND huyện Phong Điền, căn cứ theo Khoản 3, Điều 62 Luật Đất đai thì các hộ nằm trong vùng có nguy cơ cao và rất cao sụt lún xung quanh mỏ đá vôi Phong Xuân không thuộc trường hợp do HĐND tỉnh thông qua danh mục thu hồi đất. Vì thế UBND huyện Phong Điền đang… lúng túng trong việc lập hồ sơ phê duyệt dự án để thực hiện công tác lập, công khai và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, TĐC theo trình tự thu hồi đất tại Quyết định số 64/2014/QĐ-UBND ngày 29/5/2014 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Còn về nguồn vốn thực hiện, Công ty Đồng Lâm sẽ chịu chi phí bồi thường đối với đất ở, nhà cửa, công trình, vật kiến trúc với giá trị khoảng 22 tỷ đồng và đề nghị UBND huyện Phong Điền bố trí kinh phí đầu tư hạ tầng khu TĐC khoảng 6,6 tỷ đồng. Trong khi đó, báo cáo của Sở TN&MT gửi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nêu rõ, việc đầu tư hạ tầng khu TĐC di dời các hộ dân bị ảnh hưởng do tình trạng sụt lún tại khu vực quanh mỏ đá vôi của Công ty Đồng Lâm bằng nguồn kinh phí ngân sách là không có cơ sở để thực hiện.

Liên quan đến những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng, bố trí TĐC cho người dân ở xã Phong Xuân bị ảnh hưởng bởi mỏ đá vôi, ông Hồ Đôn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, hiện UBND huyện đã có báo cáo, đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo Công ty Đồng Lâm bố trí kinh phí để triển khai đầu tư hạ tầng khu TĐC và các chi phí khác khoảng 6,6 tỷ đồng. Việc thực hiện bồi thường đất ở, nhà cửa, công trình vật kiến trúc, đề nghị tỉnh cho chủ trương thực hiện theo Nghị định 47/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ. UBND huyện Phong Điền đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Công ty Đồng Lâm bố trí kinh phí để giải phóng mặt bằng hành lang an toàn mỏ đá vôi giai đoạn 2, đảm bảo đúng theo quy định pháp luật.

Anh Khoa
.
.