Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn-Túy Loan:

Người dân khắc khoải chờ tái định cư

Thứ Bảy, 24/09/2016, 11:00
Triển khai dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn La Sơn-Túy Loan, tại thôn Tà Lang Giàn Bí, thuộc xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, đã phải thu hồi, giải tỏa đất, nhà của hơn 20 hộ dân đồng bào dân tộc Cơ Tu, để bàn giao mặt thi công dự án.

Trong  quá trình thu hồi, giải tỏa, cũng đã xảy ra tình trạng một số hộ dân lúc đầu không chịu di dời, bàn giao mặt bằng, gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Chính quyền và ngành chức năng đã phải dùng mọi hình thức tuyên truyền, giải quyết nhiều chính sách, người dân mới hiểu và bàn giao mặt bằng cho dự án. Thế nhưng, thời gian qua, sau khi người dân đã nhường đất cho dự án thì một vấn đề khác lại nảy sinh.

Nhiều hộ đã di dời giải tỏa phải sống tạm bợ trong những lều lán che tạm; hoặc ở nhờ, ở tạm các gia đình người thân vô cùng bất tiện trong sinh hoạt… vì chưa được nhận đất tái định cư (TĐC) để làm nhà ổn định cuộc sống mới.

Dự án khu TĐC ở Tà Lang Giàn Bí, xã Hòa Bắc đã quy hoạch nhưng không biết bao giờ mới triển khai.

Chiều 22-9, trong cơn mưa như trút nước, chúng tôi về thôn Tà Lang. Ngồi bó gối trong căn lán cất tạm bằng vật liệu từ nhà cũ sau khi giải tỏa cách đây hơn 2 tháng, anh Nguyễn Văn Dũng, một hộ dân tại đây, thở dài: “Gay go quá anh ạ, nếu mưa kéo dài vài ngày nữa, chắc gia đình tôi phải đi kiếm chỗ nào trú tạm, chứ thấm ướt hết rồi…”.

Anh Dũng cho biết, gia đình anh nhận được 300 triệu đồng từ việc đền bù 700m² cả đất vườn và đất ở cũ và nhà cửa. Số tiền này, anh cất kỹ để dành khi nào nhận đất TĐC làm nhà mới. Chưa có đất để nhận, gia đình anh tận dụng ván gỗ và tôn cũ che tạm căn lán hơn 15m² trên vạt đất mượn của bố mẹ anh để ở tạm...

Trong số các hộ dân thuộc diện giải tỏa nhường đất cho dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn – Túy Loan, có nhiều hộ cũng làm lán để ở tạm, như gia đình anh Phan Văn Hùng, chị Phan Thị Thơ…

Cuộc sống tạm bợ của các hộ này thật sự khó khăn vì không có nước sạch dùng để sinh hoạt. “Trước đây chưa giải tỏa còn có nguồn nước công cộng Nhà nước đầu tư cho thôn kéo ống về tận nhà. Nay làm lán ở tạm, xa nguồn nước, phải xuống tận khe suối cách nhà gần 1 cây số gánh về sinh hoạt, vừa không đảm bảo vệ sinh, vừa không đủ nước dùng, vì mùa nắng khe suối cũng khô cạn…”, chị Thơ than vãn.

Tuy nhiên, làm được lán ở tạm, cuộc sống có khó khăn, nhưng vẫn còn “độc lập” hơn nhiều hộ khác. Những hộ gia đình sau khi giải tỏa dọn đến sống nhờ gia đình bố mẹ, anh em, người quen, phải chen chúc sống trong những ngôi nhà nhỏ hẹp (vì hầu hết nhà đồng bào Cơ Tu đều rất nhỏ, chỉ khoảng hơn 25m²), vô cùng bất tiện trong sinh hoạt. Nhiều gia đình muốn làm lán ra ở tạm, nhưng không có đất, đành chịu cảnh sống chen chúc.

Anh Hùng bày tỏ: “Chúng tôi tưởng di dời giải tỏa xong sẽ nhận đất TĐC ngay, ai ngờ bây giờ đã gần 3 tháng rồi vẫn chưa nghe thông báo chi cả, không biết chúng tôi phải chờ đến bao giờ? Sống cảnh tạm bợ thế này cực quá!...”.

Qua trao đổi, ông Thái Văn Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho biết, chính quyền xã Hòa Bắc cũng đã nghe nhiều ý kiến của bà con về vấn đề TĐC.

Trước đây, khi một số hộ còn băn khoăn, chưa chịu di dời giải tỏa để lấy mặt bằng cho dự án, chính quyền TP Đà Nẵng đã có chính sách hỗ trợ, đối với các hộ đăng ký nhận đất tái định cư sẽ hỗ trợ 140 triệu đồng trên một lô đất 500m² và 90 triệu đồng tiền thuế đất, hầu hết bà con đều đăng ký nhận đất TĐC.

Thành phố cũng đã quy hoạch hơn 8 ha, tại thôn Giàn Bí để xây dựng cơ sở hạ tầng, bố trí đất TĐC cho các hộ giải tỏa của dự án đường La Sơn-Túy Loan.

Công tác đền bù, giải tỏa khu TĐC đã xong, nhưng không hiểu vì sao đến nay vẫn chưa tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng.  

UBND xã cũng chưa có một thông tin nào về tiến độ của dự án này, bao giờ triển khai, đơn vị nào thi công... thành ra không thể nào trả lời cho người dân biết được, bao giờ mới được nhận đất TĐC.

Do đó, đề nghị UBND TP Đà Nẵng và ngành chức năng sớm triển khai dự án TĐC để người dân ổn định cuộc sống trong thời gian sớm nhất.

Hồng Thanh
.
.