Vì sao ăn khách: Hai bộ phim chiếu Tết năm 2023

Thứ Năm, 16/02/2023, 11:18

Tính đến ngày 10/2/2023 bộ phim đình đám “Nhà bà Nữ” của Trấn Thành đã cán mốc 400 tỷ và dự đoán con số này vẫn tiếp tục tăng, thậm chí có thể xô đổ kỷ lục phim Việt Nam có doanh thu cao nhất là “Bố già” (2022) của cùng một tác giả. Đứng thứ hai là “Chị chị em em 2” của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng hiện cũng đạt doanh thu 100 tỷ.

Đây có thể coi như một khởi đầu suôn sẻ cho phim Việt sau một năm ảm đạm. Cùng điểm qua một vài đặc điểm của hai bộ phim trên để lý giải cho hiện tượng này.

Mặc dù là một bộ phim ăn khách nhất hiện tại nhưng "Nhà bà Nữ" đang gây ra nhiều tranh cãi về chất lượng của phim không xứng tầm với doanh thu. Điểm cộng đầu tiên của phim là nội dung giản dị, dễ hiểu, gần gũi với đại chúng. Bối cảnh của phim chủ yếu diễn ra tại nhà bà Nữ - người phụ nữ bán bánh canh cua - một gia đình với ba thế hệ sinh sống và chủ yếu là nữ. Từ đây những mâu thuẫn về tính cách, về lối sống cũng như khoảng cách giữa những thế hệ đã tạo nên những xung đột để rồi cuối phim mỗi người đều tự rút ra bài học cho bản thân mình và nhận ra giá trị của hai tiếng gia đình.

Những mâu thuẫn ấy giống như những lát cắt mà người xem có thể bắt gặp chúng ở bất cứ gia đình nào, ở bất cứ đâu trong cuộc sống hàng ngày. Chính vì vậy phim thu hút được nhiều đối tượng khán giả. Từ các bà nội trợ, tiểu thương đến những nhân viên văn phòng và cả học sinh, sinh viên. Họ đến rạp để tìm thấy một phần của bản thân mình qua các nhân vật trong phim. Một bà ngoại xì tin thương cháu nhưng bất lực, một bà mẹ đơn thân hà khắc trong vai trò trụ cột gia đình, anh con rể mặc cảm với thân phận “chui gầm chạn”, một cô sinh viên mơ mộng và bồng bột…

image001.jpg -0
Poster phim "Nhà bà Nữ".

Một yếu tố nữa là phim đã bắt nhịp được với cuộc sống thường ngày. Trong thời đại truyền thông và mạng xã hội phát triển như hiện nay những trào lưu như livestream bán hàng trên mạng, các TikToker xục xạo tận hang cùng ngõ hẻm đưa tin, trend “nhìn sang trái” của giới trẻ ... được đưa vào phim tạo nên sự gần gũi với người xem, đặc biệt là khán giả trẻ.

Vai trò của truyền thông góp phần quan trọng vào việc mang khán giả đến rạp. Trấn Thành vốn là một nghệ sĩ đa tài, có sức ảnh hưởng lớn, thêm vào đó là hiệu ứng của phim "Bố già" phát hành năm 2022 đã khiến khán giả muốn tiếp tục đi xem "Nhà bà Nữ". Bên cạnh đó song song với lịch phát hành trên khắp cả nước, êkíp làm phim còn có chương trình cinetour dày đặc để quảng bá phim và giao lưu cùng khán giả. Ngoài ra phim tạo được hiệu ứng truyền thông theo kiểu truyền miệng rỉ tai và cũng nhận được rất nhiều những lời khen từ những KOL có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội.

Doanh thu đáng tự hào như vậy nhưng chất lượng của phim cũng có rất nhiều điểm trừ.

Điện ảnh với đặc trưng là dùng hình ảnh để diễn tả thay ngôn ngữ nhưng “Nhà bà Nữ” chủ yếu thiên về thoại để giải quyết tất cả những gì liên quan đến đời sống của nhân vật. Đời sống ấy không được biểu lộ bằng ánh mắt, cử chỉ, hành động hay cao hơn là bằng những khuôn hình giàu tính ẩn dụ. Người xem hiểu câu chuyện và nhân vật thông qua những gì nghe chứ không phải những gì nhìn thấy.

Các nhân vật trong phim được xây dựng phi logic và khiên cưỡng, chưa có đời sống nội tâm đủ sâu nên tính cách mờ nhạt. Nhân vật Nhi trước ở với mẹ là một cô gái mơ mộng, đáng yêu. Tuy thích nghệ thuật nhưng cô vẫn vâng lời mẹ theo học ngành kinh tế. Vậy mà chỉ trong một vài tháng bỏ nhà ra ở riêng với bạn trai cô bỗng trở thành người đàn bà ngang ngược, nanh nọc và nói năng thô lỗ không kém gì mẹ. Các nhà làm phim đã đặt nhân vật vào những tình huống và bắt họ phải hành động như vậy chứ không phải để nhân vật sống đời sống tự nhiên. Nhân vật Phú Nhuận (con rể bà Nữ) cũng vậy, người xem không thấy ở anh sự dồn nén do phải chịu đựng, sự khát khao được sống một cuộc sống bình thường với đủ những cung bậc tình cảm cũng như thói hư tật xấu (thích ăn nhậu cùng bạn bè)... mà từ đầu đến cuối người xem chỉ thấy Phú Nhuận hiền lành, chịu khó phục tùng mệnh lệnh của gia đình vợ. Vậy đâu là động cơ để anh ngoại tình?...

Cách kể chuyện trong phim không mạch lạc, tuy cấu trúc phim theo kiểu tự sự qua góc nhìn của Nhi, các sự kiện diễn ra theo trục thời gian là các tháng trong năm. Nhưng những mốc thời gian ấy chỉ đơn giản là chiều dài của câu chuyện chứ không gắn với bất kỳ sự kiện nào trong diễn biến phim. Nó khiến phim lỏng lẻo, không có sự liên kết giữa các sự kiện. Điều này chứng tỏ khả năng kể chuyện của đạo diễn vẫn còn nhiều hạn chế.

Ít ồn ào hơn “Nhà bà Nữ”, “Chị chị em em 2” lấy chất liệu là giai thoại về hai mỹ nhân miền Nam xưa là Ba Trà và Tư Nhị. Bối cảnh chính của phim là Sài Gòn những năm đầu thế kỷ XX mà ở đó hai nhân vật chính tranh giành, toan tính và lật đổ nhau chỉ vì danh hiệu Đệ nhất mỹ nhân, Vũ Ngọc Đãng đã mang đến cho người xem một bữa tiệc thị giác xa hoa. Những khuôn hình được trau chuốt tỉ mỉ, một không gian được phục dựng cầu kỳ, phô diễn một thế giới hào nhoáng, xa hoa và phù phiếm như chính cái danh hiệu Đệ nhất mỹ nhân chỉ nhằm thu hút và móc túi đàn ông.

Ở góc độ “nhìn” phim đáp ứng được thị hiếu thẩm mỹ của khán giả “người đẹp, nhà sang” nhưng cũng chính vì tính duy mỹ ấy mà đôi khi “cái đẹp” phản tác dụng. Vẻ đẹp của Tư Nhị (Ngọc Trinh) lạc lõng giữa những người lao động nghèo trong con hẻm tối tăm, dơ dáy. Vì quá tham “một gương mặt luôn đẹp” mà khi từ lúc còn là gái làng chơi đến khi trở thành Đệ nhị mỹ nhân, Tư Nhị vẫn không khác trước là mấy, có chăng chỉ là những bộ cánh xa hoa mà cô khoác lên người.

Đầu tư về bối cảnh cầu kì là vậy nhưng phim lại mắc một vài lỗi về trang phục. Các nhân vật khá tùy tiện trong việc đeo trang sức, phụ kiện (vòng tay, móng tay…). Vũ Ngọc Đãng thể hiện thế mạnh ở những cảnh lớn nhưng lại yếu ở việc dàn cảnh ở những trường đoạn miêu tả sự chuyển biến tâm lý nhân vật.

Sự bẽ bàng của cô gái điếm Nhị khi ế khách, sự ngượng ngùng của những mỹ nhân hạng trung khi ve vãn công tử bất thành hay sự bàng hoàng của Ba Trà khi phát hiện ra âm mưu của Tư Nhị… thay vì miêu tả tâm trạng nhân vật bằng những cú máy trung hoặc cận cảnh thì đạo diễn lại xử lý bằng cách sắp xếp các chuyển động nhân vật như dàn cảnh trên sân khấu. Thêm vào đó là cách diễn cường điệu của một số vai phụ khiến cho khán giả có cảm giác đang xem một vở kịch chứ không phải đang chứng kiến một câu chuyện bằng hình ảnh.

Điểm yếu nhất của phim có lẽ nằm ở kịch bản, tính cách các nhân vật không đồng nhất. Đệ nhất mỹ nhân có cả tiền bạc và danh vọng, ngạo mạn và thông minh đến mức nghĩ ra được mưu kế ve sầu thoát xác nhưng lại dễ dàng hết lần này đến lần khác rơi vào bẫy của cô gái làng chơi chỉ quen trộm cắp vặt và chửi bậy. Để làm tiền đề cho những cú lội ngược dòng luân phiên giữa hai nữ chính, biên kịch cố tình “bỏ quên” hoặc xử lý dễ dãi nhiều chi tiết và nhân vật khiến cho câu chuyện trở nên lỏng lẻo và thiếu sự thuyết phục.

Độc giả sẽ đặt câu hỏi: tại sao với những điểm trừ như vậy mà hai tác phẩm điện ảnh trên vẫn thu hút người xem và đạt doanh thu cao? Câu trả lời đến từ chính thị hiếu của khán giả. So với sự nghèo nàn về đề tài và thể loại, sự hời hợt về nội dùng và sự vụng về trong cách diễn tả của những bộ phim trước đó thì “Nhà bà Nữ” và “Chị chị em em 2” là những món ăn mới và lạ khiến khán giả tò mò và thích thú.

Sau hai năm căng thẳng vì đại dịch COVID-19 người xem không còn mặn mà với những bộ phim kinh dị rùng rợn tra tấn thị giác và thính giác người xem như “Cù lao xác sống”; “Đảo độc đắc - Tử mẫu thiên linh cái”. Lại càng không hào hứng với một xã hội bức bối ngột ngạt chỉ toàn nghiện hút, chém giết …giống phim xã hội đen Hồng Kông những năm 80 của thế kỷ XX được tái hiện trong “Thanh Sói”.

Họ không chấp nhận sự cẩu thả, sơ sài như “Huyền sử vua Đinh”, cũng không đủ kiên nhẫn để vào rạp giải mã những ẩn ức tình cảm trong “Tro tàn rực rỡ”… Cái khán giả cần là một chút thư giãn nhẹ nhàng, một vài tiếng cười dí dỏm hoặc chỉ đơn giản là được ngắm một vườn hoa lung linh rực rỡ với đủ loại sắc màu để tạm quên đi những khó khăn thường nhật. Và thật may là họ có thể tìm thấy những thứ đó trong “Nhà bà Nữ” và “Chị chị em em 2”.

Làm phim có doanh thu cao là mục đích của nhà sản xuất. Phim được người xem đón nhận là ước mơ của đạo diễn bởi nó khẳng định tài năng và khả năng nắm bắt thị hiếu khán giả của những người tạo ra nó. Xong bất kỳ một sự sáng tạo hay một tác phẩm nghệ thuật nào cũng đều phải hướng tới những giá trị nhân văn, nó không chỉ mang tính giải trí mà còn có chức năng định hướng thẩm mĩ và nâng cao nhận thức.

Nhà văn Hạ Nguyên đã cho rằng: nếu chỉ tập trung vào câu chuyện hơn tâm lý nhân vật, thì các nhà làm phim sẽ đưa thị hiếu thẩm mĩ của một bộ phận khán giả xuống thấp hơn. Con số 400 tỉ là tín hiệu đáng mừng cho điện ảnh Việt, một thành tích đáng được khích lệ. Nhưng nó sẽ còn đáng trân trọng hơn nữa khi những con số đó đạt được bằng chính sự khát khao cống hiến cho cộng động những tác phẩm mang giá trị nghệ thuật đích thực.

Bùi Hồng Gấm
.
.