“Vẻ đẹp thi ca” đánh thức miền Đông đất đỏ
Nhằm khơi dậy tiềm lực văn hóa, Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh Đông Nam Bộ mấy năm qua liên tục luân phiên tổ chức các cuộc thi âm nhạc, nhiếp ảnh, mỹ thuật, truyện ngắn... và mới đây là cuộc thi thơ đầu tiên khá thành công khi phát hiện nhiều cây bút mới bên cạnh những tác giả kỳ cựu tiếp tục khẳng định mình. Vẻ đẹp thi ca đã "đánh thức" đời sống tinh thần của miền Đông đất đỏ "gian lao anh dũng".
Cuộc thi sáng tác Thơ khu vực Đông Nam Bộ lần thứ I năm 2024 do Hội VHNT tỉnh Bình Thuận đăng cai tổ chức. Đây là cuộc thi mở rộng dành cho các tác giả trên địa bàn 6 tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ: Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu và các tỉnh lân cận là Ninh Thuận, Lâm Đồng, Đắk Nông. Lễ trao giải đã diễn ra tại thành phố Phan Thiết cuối tháng 9/2024, gồm: 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 5 giải khuyến khích.
Các tác giả kỳ cựu tiếp tục khẳng định
Quy tụ phần lớn các cây bút đã thành danh của 9 tỉnh nêu trên, giải thưởng cuộc thi thơ cũng phần nào phản ánh đúng đời sống sáng tạo thi ca của mỗi tỉnh. Tác giả Bùi Ngọc Phúc ở Bà Rịa - Vũng Tàu đoạt giải nhì với chùm hai tác phẩm: "Viết phía sau tháp Pô Sah Inư", "Hoa bí vàng và anh lính Trường Sa". Vẫn là ngọn tháp cổ quen thuộc ngàn đời, vẫn là những viên gạch đỏ như son, vẫn là những bức tượng thần thiêng, vẫn là những cô gái Chăm duyên dáng, vẫn là những tiếng đàn tiếng kèn giàu bản sắc,… nhưng qua cảm quan của nhà thơ trong một chiều hoàng hôn đã hiện lên với vẻ đẹp diệu kỳ khác biệt:
Không có hoàng hôn nào đẹp như hoàng hôn chiều này
Vẫn đỏ như son từng viên gạch xây, từng viên gạch lát
Và mây trắng, và bạt ngàn thanh long, thanh long
Trước khi đâm bông đã tự hóa rồng.
Hiện thực soi chiếu qua tâm hồn thi sĩ đã dâng lên một vẻ đẹp siêu nhiên như những cây thanh long "Trước khi đâm bông đã tự hóa rồng" và ngọn tháp Po Sah Inư "Qua trăm năm, nghìn năm vẫn một nụ hoa khổng lồ, sừng sững".
Đã có nhiều thơ viết về hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Tổ quốc, nhưng với bài thơ "Hoa bí vàng và anh lính Trường Sa" của Bùi Ngọc Phúc lại có cách liên tưởng khá độc đáo: "Có phải ngôi sao trên mũ anh xuống làm hoa bí/ Hay hoa bí kết sắc vàng lên những ngôi sao/ Giữa nắng nóng như thiêu như đốt/ Lòng rưng rưng những dây bí dây bầu".
Bí bầu mọc từ san hô quấn quýt lấy nhau và sẻ chia với người lính từng hớp nước giữa phong ba gian khó. Bí bầu cũng là hình ảnh tượng trưng của đất liền, của quê hương mà trong những giây phút mềm lòng nhớ thương: "Có anh lính ghé môi hôn hoa bí vàng và bật khóc/ Vọng quê nhà bầu, bí trập trùng xa".
Cùng đoạt giải nhì là tác giả Đàm Chu Văn ở Đồng Nai với chùm hai bài thơ "Già làng Năm Nổi" và "Uống rượu cần ở Tà Lài". Đây là một tên tuổi quen thuộc trên thi đàn từng có nhiều tác phẩm được bạn đọc cả nước biết đến.
"Vít cần ta uống song đôi/ Hình như ánh mắt bờ môi rất gần". Không gian núi rừng vừa thực vừa hư đầy huyền bí xuyên thấu bài thơ lục bát nhuần nhuyễn ám gợi. Và trong hương rừng, men rừng, tiếng rừng, trăng rừng, suối rừng,… hiện lên hình ảnh sơn nữ đương xuân:
Rối tung hương tóc la đà
Rối tung câu chuyện rừng xa rẫy gần
Em còn trẻ mấy lần xuân
Mắt rung rinh nắng, bần thần sương sa
Bàn tay dệt cửi thêu thùa
Chăm con con lớn, trỉa mùa mùa sây.
Nếu bài thơ "Uống rượu cần ở Tà Lài" viết bằng thể thơ lục bát truyền thống và không gian thẩm mỹ có thể gợi lên bất kỳ núi rừng nào trên đất nước này chứ không riêng Tà Lài, thì "Già làng Năm Nổi" được Đàm Chu Văn viết bằng thơ văn xuôi hiện đại, câu dài, hơi hướm sử thi và câu chuyện hoàn toàn là "đặc sản" miền Đông Nam Bộ:
"Cây cổ thụ cuối cùng của làng Chơ Ro Phú Lý đã chìm bóng nơi xa xăm ngàn thẳm/ Ông vừa giã biệt ngôi làng bậm bẹ tiếng con nít học nói, bậm bịch bước chân chạy nhảy, thực hiện chuyến ngược nguồn/ Ghé vai xốc lại dây gùi, rựa, rìu, chà gạt vẹt mòn xủng xoảng, trĩu nặng liêu xiêu bước chân tuổi tác/ Thoáng ngơ ngác mơ hồ tiếng mễn nai tao tác, mỏng vương vọng âm âm đại ngàn/ Hướng phía xanh xưa thoăn thoắt bước chân trẻ trai".
Chẳng gắn bó, am hiểu về lịch sử, văn hóa, thiên nhiên, con người đất Đồng Nai, miền Đông Nam Bộ mà già làng Năm Nổi huyền thoại của dân tộc Chơ Ro là một trong những hình ảnh tiêu biểu thì nhà thơ Đàm Chu Văn khó tái dựng được một thi tứ như vậy. Già làng Năm Nổi đã vĩnh viễn "chìm bóng nơi xa xăm ngàn thẳm", nhưng qua bài thơ hình ảnh ông vẫn sống mãi cùng núi rừng thiêng liêng mà đời ông gắn bó, và bước chân ông như vẫn chập chờn đi về cùng muông thú cỏ cây: "Con sóc non vừa quen nhịp chuyền cành, đã nhập bước giao thông, liên lạc/ Con rắn lục, con cọp rừng hiểm ác, bước chân nhanh lòng chẳng chùn lòng".
Ngoài hai tác giả Bùi Ngọc Phúc và Đàm Chu Văn, cuộc thi còn là dịp để những cây bút có vị thế khác tiếp tục khẳng định tình yêu, bản lĩnh và năng lực của mình với con đường sáng tạo thi ca. Đó là Nguyễn Duy Sinh (giải ba) và Đoàn Vũ (giải khuyến khích) ở Bình Thuận, Trần Thị Bảo Thư (giải ba) ở Đồng Nai, Nguyễn Tấn On (giải ba) ở Lâm Đồng…
Những nhân tố mới giàu triển vọng
Dấu ấn quan trọng nhất của Cuộc thi sáng tác Thơ khu vực Đông Nam bộ lần thứ I là phát hiện được những cây bút mới giàu tiềm năng, đặc biệt là tác giả được trao giải nhất Nguyễn Vũ An Hòa ở Bình Thuận với hai bài thơ "Người quê tôi" và "Đá khóc". Mới gần 30 tuổi, chưa hề xuất hiện trên thi đàn, nên khi cái tên Nguyễn Vũ An Hòa được xướng lên, cả khán phòng đều ngơ ngác, ngay cả những văn nghệ sĩ của Bình Thuận cũng chưa biết tên biết mặt.
Nguyễn Vũ An Hòa cho biết bài thơ "Người quê tôi" được viết từ hình ảnh của người cha làm thợ hồ vất vả ở miền biển quê hương. Từ một con người cụ thể bài thơ khái quát đời sống của nhiều số phận người dân ven biển bao thế hệ đầy xúc động: "Bọn trẻ chúng tôi/ Đói, nhấp mùi cá tanh/ Khát, ực hơi biển lạnh/ Gầy nhẳng và gai góc/ Như xương rồng vươn cành đến trời xanh/ Mài ánh nắng nuôi bông hoa trắng/ Mẹ cõng mặt trời thì con cõng mẹ/ Cha vác cuộc đời, con sẽ vác cha/ Ngày mà bông hoa kết quả/ Cả nhà cùng no/ Ngọt/ Không chỉ một đời".
Bài thơ được viết một cách tự nhiên như bật ca từ tâm thức khi xúc cảm dâng trào. Nhưng vẫn rất điêu luyện. Cái điêu luyện không phải do cố ý làm dáng bằng kỹ thuật mà nó cũng tự nhiên "Như xương rồng vươn cành đến trời xanh/ Mài ánh nắng nuôi bông hoa trắng" nên thơ và độc đáo.
Vẻ đẹp và sự điêu luyện tự nhiên trời cho ấy của Nguyễn Vũ An Hòa cũng thể hiện trong bài "Đá khóc". Từ lúc ra đời đá đã gắn liền với suối, ôm suối, uống suối và đá trở thành ngôi nhà cho cá cua, nâng bước chân người. Khi bị khô cạn con suối hóa biệt tăm thì cá cua cũng dần biết mất, chỉ có đá vẫn nằm trơ làm bỏng chân người, đá bị oán trách "sao quá ung dung" và có phải "Phận vô tri nên hưởng thái bình?". Nhưng mấy ai biết đá có nỗi đau riêng và tiếng khóc của đá nào mấy ai hay:
Có ai biết mới chớm bình minh
Đá phơi thân mình
Gom hơi nóng biến thành giọt lệ
Nhớ những bóng hình
Khóc cho ngày gặp lại
Ngày nước mắt đã trở thành sông.
Cùng với Nguyễn Vũ An Hòa còn có Vu Trầm ở Bình Thuận, Hồng Nhạn ở Đồng Nai, Nguyễn Minh Ngọc Hà ở Bình Dương đều được nhận giải khuyến khích, được xem như những cây bút trẻ nhiều triển vọng được phát hiện từ cuộc thi. Trong đó, tác giả Hồng Nhạn (tên thật Lê Thị Hồng Nhạn) ở Định Quán, Đồng Nai mặc dù chỉ được trao giải khuyến khích nhưng bài thơ "Mùa hoa điều nở" của cô khá ấn tượng: "Nắng lửa miền Đông và hoa điều bung nở/ Trái đỏ vàng níu tuổi thơ một thuở/ Que kem bốn mùa dịu mát mùa sang".
Hình ảnh hoa trái điều như sợi chỉ đỏ xuyên suốt bài thơ, tạo nên tứ thơ vừa chặt chẽ vừa sinh động có sức quyến rũ người đọc. Cây điều gắn với đời người. Hoa trái điều cùng con người lớn lên, trưởng thành, đi xa và… mong ngóng ngày trở về với lòng biết ơn. Và lẽ tất nhiên, vườn điều tuổi thơ chính là điểm tựa, nguồn sống được nuôi dưỡng từ "Chai sần tay cha/ Lom khom lưng mẹ/ Nứt nẻ bóng thời gian" để cho các con học hành nơi phố thị phương xa "nuôi ước vọng" đời mình nhưng lòng vẫn canh cánh nỗi cố hương:
Thương trái điều thu nắng để đậm nhân
Rồi lặng lẽ góc vườn hóa thân chờ đợi
Men tình nồng vun bón vụ mùa sau
Mùa hoa điều về, ký ức gọi nhau…