Tiếp thêm "năng lượng mới" cho văn học nhà trường

Thứ Năm, 11/08/2022, 11:24

Tuần đầu tháng 8 vừa qua, Khoa Viết văn - Báo chí (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) đã tổ chức thành công “Lớp tập huấn chuyên môn: Gặp gỡ các nhà văn có tác phẩm trong chương trình phổ thông”. Với 39 học viên là các thầy giáo, cô giáo dạy văn đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước, lớp tập huấn được kỳ vọng như một “kênh tham khảo” để tiếp thêm nguồn “năng lượng mới” cho việc dạy và học văn trong nhà trường phổ thông hiện nay.

Đây là lần thứ 3 Khoa Viết văn - Báo chí (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) tổ chức lớp tập huấn với chủ đề này với số lượng học viên đông nhất. Hai lần trước, lần lượt vào các năm 2012 (hơn 30 học viên) và 2018 (gần 30 học viên). Đến với “Lớp tập huấn chuyên môn: Gặp gỡ các nhà văn có tác phẩm trong chương trình phổ thông” năm nay không chỉ có các thầy cô giáo chủ yếu đến từ các tỉnh thành phía Bắc như các năm trước, mà có sự góp mặt của các giáo viên dạy văn trên ở cả 3 miền đất nước như Hà Nội, Phú Thọ, Thái Nguyên, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Gia Lai, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh.

1.jpg -0
Các học viên trong lớp tập huấn chụp ảnh kỷ niệm.

Điều này đã ít nhiều chứng tỏ ý nghĩa, sức lan tỏa của lớp tập huấn về văn học này đã thu hút sự quan tâm của các thầy cô đang đứng lớp. Đồng thời, việc đông đảo các học viên phải “tự túc” để tham gia lớp tập huấn, nhất là các học viên đến từ các vùng miền xa xôi cũng cho thấy rằng, nhiều thầy cô giáo dạy văn vẫn luôn có một tình yêu lớn dành cho văn chương, cho công việc dạy văn của mình.

Cho dù việc dạy văn trong nhà trường hiện nay gặp nhiều khó khăn do quan niệm xã hội, do áp lực của việc thi cử, cách lựa chọn nghề nghiệp của học sinh…, song nhiều thầy cô giáo vẫn chấp nhận khó khăn, gian khổ thậm chí cả những thiệt thòi để có thể có thêm những kiến thức trực quan, sinh động từ các nhà văn, nhà thơ nhằm phục vụ cho bài giảng của mình, đem đến cho học sinh những cảm xúc mới, sự thấu hiểu và truyền tải thông điệp về tình yêu văn chương.

PGS.TS Ngô Văn Giá - nguyên Trưởng khoa Viết văn - Báo chí (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) cho biết: Ngay từ thời còn là Trường Viết văn Nguyễn Du, các bậc tiền bối như thầy Hoàng Ngọc Hiến, thầy Phạm Vĩnh Cư… đã từng tổ chức các lớp bồi dưỡng cho các giáo viên chuyên văn toàn quốc và được các giáo viên rất nhiệt tình hưởng ứng, tạo ra điểm nhấn tích cực trong hoạt động chuyên môn của nhà trường.

Sau này, khi Trường Viết văn Nguyễn Du chỉ còn là một khoa thuộc Trường Đại học Văn hóa, PGS.TS Ngô Văn Giá về làm Trưởng khoa vẫn với mong muốn tiếp nối truyền thống này đã rất nỗ lực, vất vả trong việc kết nối giáo viên, mời giảng viên, lên chương trình… để tổ chức được các lớp tập huấn như đã nói ở trên.

Ở lần thứ 3 này, lớp tập huấn đã có sự tham gia của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, có các tác phẩm được đưa vào nhà trường phổ thông (đặc biệt là chương trình sách giáo khoa mới) đã tham gia đứng lớp để thuyết trình, trao đổi, giao lưu với các học viên như: nhà thơ Hữu Thỉnh với chuyên đề: “Hành trình thơ Hữu Thỉnh - một tham chiếu để hiểu “Sang thu”, “Chiều sông Thương”, “Đường tới thành phố”; nhà thơ Trần Đăng Khoa với chuyên đề “Thơ thiếu nhi do thiếu nhi viết và thơ thiếu nhi của người lớn viết cho thiếu nhi”; nhà thơ Vũ Quần Phương với chuyên đề “Kỹ năng đọc một bài thơ”; nhà thơ Nguyễn Quang Thiều với chuyên đề “Con đường của thơ ca - con đường của cái đẹp”; nhà văn Lê Minh Khuê với chuyên đề “Những ngôi sao xa xôi” -  ngày ấy, bây giờ”; nhà văn Sương Nguyệt Minh với chuyên đề “Tiếp nhận tác phẩm “Người ở bến sông Châu”; nhà văn Đỗ Bích Thúy với chuyên đề “Tôi đã trở về trên núi cao” (hay là thế giới nghệ thuật của nhà văn) và truyện ngắn “Chiếc vòng hạt cườm màu xám”.

Ngoài ra, lớp tập huấn còn có sự góp mặt của các nhà phê bình văn học có uy tín hiện nay như: PGS. TS Ngô Văn Giá với chuyên đề “Một số vấn đề thời sự văn học liên quan đến văn học nhà trường”; TS. Mai Anh Tuấn với chuyên đề “Nguyễn Huy Thiệp với “Muối của rừng”, TS. Trần Ngọc Hiếu với chuyên đề “Dạy học văn từ tư duy phản biện”.

Đợt tập huấn này được các thầy cô giáo hào hứng tham gia, vì thiết kế nội dung chương trình lên lớp của các giảng viên đã cập nhật, gần gũi với bộ sách giáo khoa mới. Các “giảng viên” đều là các tác giả có tác phẩm đã hoặc mới đưa vào chương trình phổ thông qua các bộ sách “Cánh diều”, “Kết nối tri thức và cuộc sống”. Ngoài các thầy cô giáo dạy văn ở các nhà trường, lớp học còn có sự tham gia “dự thính" của sinh viên khoa Văn một số trường đại học, một số cán bộ ở các đơn vị nghiên cứu…

Lần thứ 2 tham gia lớp tập huấn chuyên môn này, cô giáo Đoàn Thị Hải Lý - Tổ trưởng tổ chuyên môn, giáo viên ngữ văn tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Tôi tham gia khóa tập huấn thứ 2 được tổ chức năm 2018 và vẫn háo hức với khóa thứ 3 này. Bởi vì, tôi thấy lớp tập huấn này rất có ý nghĩa cho công việc giảng dạy của tôi. Đây cũng là cuộc gặp gỡ vượt ra khỏi nội dung chương trình ban đầu, mở ra nhiều chiều tiếp cận ngoài văn bản trong sách giáo khoa. Tôi và các đồng nghiệp của mình cũng có cơ hội chia sẻ về công việc, nghề nghiệp trong không gian của văn chương, với nhiều tiếng nói của nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình. Chúng tôi cũng được đối thoại với các tác giả với những câu hỏi, những băn khoăn, được nêu vấn đề và được các tác giả chia sẻ khá tường tận. Các nhà văn, nhà thơ đã đem đến cho chúng tôi rất nhiều điều mới mẻ, bổ ích và đây là cơ hội tiếp xúc không hề dễ dàng trong cuộc đời làm giáo viên dạy văn của chúng tôi, đặc biệt là những giáo viên ở xa Thủ đô. Vì thế, tôi thật sự cảm thấy mình được “đánh thức”, có thêm nguồn năng lượng mới. Tôi rất mong những lớp tập huấn bổ ích cho công việc dạy và học văn như thế này sẽ được tổ chức thường xuyên hơn!”.

PGS.TS Ngô Văn Giá - nguyên Trưởng khoa Viết văn - Báo chí (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội):

Tiếp thêm

Tổ chức những lớp như thế này qua thời gian cũng đưa lại cho tôi những cảm xúc rưng rưng khi vắng bóng những nhà văn thân thiết. Ở các lớp tập huấn được tổ chức trước đây, có sự tham gia của các nhà văn gạo cội như cụ Tô Hoài, thế hệ sau một chút như Y Phương, Nguyễn Huy Thiệp, Chu Văn Sơn… thì đến lần tổ chức này đã mất cả rồi. Một số nhà văn, nhà thơ tiếp tục trở lại với lớp như anh Hữu Thỉnh, Vũ Quần Phương, Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa… Năm nay thấy sức khỏe anh Hữu Thỉnh, anh Vũ Quần Phương cũng đã bắt đầu yếu rồi, không biết còn trở lại lớp được mấy lần nữa.

Các nhà văn tham gia giảng dạy cho lớp tập huấn năm nay cũng rất bất ngờ và xúc động trước tâm huyết và tình cảm của các thầy cô giáo đến từ các nơi xa xôi như Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Gia Lai, Quảng Ngãi. Họ đã vượt qua nhiều trở ngại, khó khăn, tự bỏ tiền túi ra để tập trung ở đây đều là vì tình yêu dành cho văn chương cho công việc dạy học của mình, vì tình cảm yêu mến dành cho các nhà văn.

Sở dĩ, lớp tập huấn này có sức hấp dẫn với các thầy cô giáo ở mọi miền đất nước như năm nay, đó là họ đến đây để có cơ hội gặp gỡ các nhà văn, được trò chuyện, có cơ hội hiểu được đời sống tinh thần, lao động bếp núc của các nhà văn. Qua đó, có thể bổ sung kiến thức cho việc tiếp cận văn bản, giúp các thầy cô có thêm những câu chuyện bên lề, những ví dụ sinh động trong quá trình giảng dạy trên lớp, đồng thời truyền cho học sinh cảm hứng sáng tạo và từ đó có thể “kích hoạt” tình yêu văn chương cho các thế hệ học trò.

Theo tôi, điều này là hết sức quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh dạy - học - thi môn văn khá “thực dụng” như hiện nay. Nếu như bằng cách nào đó, các lớp như thế này được duy trì, thì nó giống như một cách để giành lại tình yêu đối với bộ môn văn trong nhà trường. Có được những đứa trẻ hướng về văn chương, là hướng về sự nhân văn, hướng về sự tử tế, hướng về tiếng Việt. Việc tổ chức lớp học thường niên thì rất khó để làm được, nhưng sau này nếu có thể tìm kiếm nguồn tài trợ để lan tỏa ý nghĩa xã hội của những lớp học kiểu này thì theo tôi đó là việc làm hết sức ý nghĩa…

Nguyệt Hà
.
.