Thời của kịch truyền hình

Thứ Năm, 21/10/2021, 15:39

Nội dung tẻ nhạt, thiếu vắng diễn viên ngôi sao khiến sân khấu kịch truyền hình một thời bị khán giả ghẻ lạnh. Hai năm trở lại đây, khi người dân chọn ở nhà nhiều hơn ra đường để tránh dịch thì kịch truyền hình được dịp hồi sinh mạnh mẽ.

Nắm bắt được nhu cầu giải trí mùa dịch của người dân, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh (HTV) nhanh nhạy đặt hàng nhiều vở kịch nói đặc sắc để phát sóng trong những ngày giãn cách xã hội. Các vở kịch không chỉ mang lại phút thư giãn cho người dân mà còn là công cụ tuyên truyền hữu hiệu về công tác phòng, chống dịch. Nổi bật nhất của kịch truyền hình trên sóng HTV có chuyên mục "Chuyện bốn mùa", "Siêu thị cười" và mới ra mắt là "Hài kịch 5 phút".

Kịch ở "Chuyện bốn mùa" có thời lượng khoảng 60 phút/tập. Các vở hội tụ đủ yếu tố bi và hài, xen lẫn những thông điệp sâu sắc về nhân tình thế thái, tình làng nghĩa xóm. Bên cạnh câu chuyện tình người, các vấn đề dân sinh, xã hội cũng được cập nhật qua lăng kính sân khấu như cách nuôi dạy con thời hiện đại; nạn lừa đảo chữa bệnh, xem bói trên mạng; nạn rượu chè, bài bạc, đua xe… Những vở đạt lượng rating (lượng người xem) cao có thể kể đến "Khu phố 4G", "Xem bói online", "Nhà tôi ba đời", "Cha nuôi con nuôi", "Nhậu sinh thái", "Nước đục thả câu", "Hoa phong ba", "Nhà phải có nóc", "Con heo đất", "Quan mùi may áo", "Phép tính trong tình yêu"… 

1 hai kich 5 phut.jpg -0
Hiệu ứng kỹ xảo được sử dụng trong chuyên mục "Hài kịch 5 phút".

"Siêu thị cười" và "Hài kịch 5 phút" lại chuyên về mảng miếng hài hước để châm chích thói hư tật xấu. Kịch ở "Siêu thị cười" chỉ có độ dài khoảng 30 phút/tập. Sau giây phút cười thả ga, khán giả có dịp nhìn lại cuộc sống quanh mình mà ngẫm cái sự đời. Đề tài của "Siêu thị cười" đa dạng, sâu sát vấn đề thời sự hằng ngày như: nạn tung tin giả tràn lan mạng xã hội khiến dân chúng hoang mang (vở "Tin giả phạt thật"), nhận phải hàng kém chất lượng khi mua sắm online (vở "Bán hàng online")…

Là tân binh nhưng "Hài kịch 5 phút" nhanh chóng chiếm ưu thế trên màn ảnh nhỏ. Những tiểu phẩm hài ngắn gọn, chỉ vỏn vẹn 5 phút nhưng mang nhiều thông điệp ý nghĩa và tiếng cười sảng khoái cho khán giả. Đạo diễn Hoàng Duẩn, một trong những nghệ sĩ tham gia dàn dựng tiểu phẩm cho chuyên mục "Hài kịch 5 phút", cho biết chuyên mục này gồm 20 tiểu phẩm. Đề tài chủ yếu xoay quanh đời sống người dân trong mùa dịch, qua đó tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng dịch cho mọi người. Đó cũng là liều thuốc bổ động viên người dân lạc quan vượt qua khó khăn, vượt qua dịch bệnh.

Tiểu phẩm nổi bật có: "Tưởng không vui... vui không tưởng", "Nhậu online", "Khúc ca ơn đời", "Không gian này là của ai?", "Đánh cờ online", "Đi câu cá"… Các tiểu phẩm thể hiện góc nhìn chân thực, hóm hỉnh của ekip thực hiện về mọi ngóc ngách của cuộc sống đương thời, từ đó dùng tiếng cười nhẹ nhàng phê phán thói hư, tật xấu của một bộ phận người dân trong dịch COVID.

Ngoài nội dung phong phú, kịch bản nâng cao tính thời sự và văn học, nguyên nhân khiến kịch truyền hình được khán giả ưu ái trở lại còn nằm ở dàn diễn viên và hình thức thể hiện. Trước khi dịch COVID bùng phát, ai cũng đinh ninh kịch truyền hình sẽ sớm bị khai tử. Sự cạnh tranh khốc liệt của các loại hình giải trí hấp dẫn khác khiến thời hoàng kim của kịch truyền hình nhanh chóng qua mau. Thể loại này bỗng hóa thành ông già chậm chạp và lạc hậu với nội dung hời hợt, tẻ nhạt. Lượng người xem xuống thấp kỷ lục khiến nhiều nhà đài phải cắt sóng.

Giai đoạn 2010 - 2019, phim ảnh, gameshow phát triển cực thịnh khiến lực lượng diễn viên sân khấu nổi tiếng ồ ạt đầu quân. Quay xong, tranh thủ "chạy show" cho sân khấu cũng đủ khiến họ mệt bở hơi tai, thời gian đâu mà đi diễn cho kịch truyền hình. Vừa đóng phim vừa đóng kịch, tập dượt ít nên nghệ sĩ diễn vô hồn, thiếu tương tác. Để "chữa cháy", kịch truyền hình toàn gom diễn viên ít tên tuổi hoặc sinh viên sân khấu mới ra trường. Người viết kịch bản cũng chẳng mặn mà để đầu tư khi nhuận bút của thể loại khác hấp dẫn hơn. NSND Trần Minh Ngọc than thở, có một dạo để cho nhanh, nhà đài vác máy quay tới tận sàn diễn ghi hình. Nhưng như thế không thể gọi là kịch truyền hình vì ngôn ngữ truyền hình hoàn toàn khác với ngôn ngữ sàn diễn. Cách làm theo kiểu ăn xổi như thế chỉ khiến kịch truyền hình đã ế lại càng ế.

Hai năm nay, các sân khấu kịch nói tại TP Hồ Chí Minh rơi vào tình cảnh "đóng băng" vì dịch. Lĩnh vực điện ảnh, phim truyền hình cũng không khá khẩm gì hơn. Từ diễn viên, đạo diễn, biên kịch đến nhân viên hậu đài đều ngồi trên đống lửa khi mất cần câu cơm. Để mưu sinh, họ lăn lộn qua đủ thứ nghề. Người bán hàng online, người đi làm công nhân, người làm shipper (người giao hàng)… Thế nên khi kịch truyền hình được nhà đài chú tâm sản xuất, anh em nghệ sĩ ai cũng vui mừng vì họ đã có đất dụng võ.

2 vo di cau ca.jpg -0
Vở "Đi câu cá" đề cập nhiều vấn đề thời sự mùa dịch COVID-19.

Kịch truyền hình lâu nay thiếu vắng nghệ sĩ ngôi sao - yếu tố chính thu hút người xem, thì nay quy tụ đông đủ gương mặt nổi tiếng như Tấn Beo, Ngọc Trinh, Hạnh Thúy, Quỳnh Hương… Những cây bút, đạo diễn tên tuổi của sân khấu cũng chuyển sang trợ lực cho thể loại này như biên kịch Vương Huyền Cơ, Trần Văn Hưng, Như Ý, Trần Khương Duy, đạo diễn Hoàng Duẩn, Thu Hồng, Thái Kim Tùng, Quốc Thịnh…  Sự tham gia của các đạo diễn từ phim ảnh qua cũng giúp sân khấu truyền hình thêm đa sắc. Đạo diễn, biên kịch lẫn diễn viên có nhiều thời gian rảnh rỗi nên họ trau chuốt kỹ lưỡng cho từng vở kịch. Những buổi tập dượt để chuẩn bị ghi hình cũng được diễn viên, đạo diễn chăm chút từng li từng tí. Cảm xúc vở diễn vì thế được đẩy lên đầy đặn, trọn vẹn. Dịch khiến việc ghi hình ít nhiều bị ảnh hưởng nhưng anh em nghệ sĩ đều cố gắng làm tốt thông điệp 5K, xé lẻ ekip theo ngày để vừa đảm bảo an toàn, vừa kịp tiến độ sản xuất.

Sự đổi mới về hình thức thể hiện cũng là một bước tiến quan trọng giúp kịch truyền hình dần trở lại thời hoàng kim. Trước đây, không gian của kịch truyền hình chỉ gắn trong trường quay với cảnh trí, đạo cụ giả tạo và thô kệch. Bây giờ, nhiều cảnh quay đã được nhà đài ghi hình ngoài trời khiến cho không gian kịch sống động, gần gũi với khán giả hơn. Các công nghệ, kỹ xảo tiên tiến cũng được áp dụng khiến hình ảnh, ánh sáng, âm thanh của kịch truyền hình mang đậm yếu tố thật và đẹp.

Chứng kiến sự khởi sắc của kịch truyền hình trong thời gian gần đây, đạo diễn, NSND Trần Minh Ngọc nhận định: "Thời điểm hiện nay chính là cơ hội rất tốt để người làm kịch truyền hình mạnh dạn thử nghiệm, đổi mới cách thức thể hiện giúp loại hình này đi được đường dài trong tương lai. Bởi sau dịch, người dân đi làm trở lại, việc níu giữ họ trước màn ảnh nhỏ là điều không dễ".

Tuy đã được khán giả quan tâm theo dõi nhưng thời gian phát sóng của kịch truyền hình vẫn là một trở ngại khiến giới chuyên môn lo lắng. Nhìn lại lịch chiếu của HTV mới thấy hình như kịch truyền hình đang thử thách lòng ái mộ của khán giả. Lịch chiếu toàn phát vào giữa ban chiều như 14 giờ, 15 giờ hoặc khuya lơ khuya lắc như 23 giờ, 23 giờ 30 phút, 1 giờ sáng… Có chuyên mục lại phát không đều đặn nên khán giả khó nắm lịch.

"Vẫn biết nội dung hay thì khán giả sẽ chịu khó đón xem nhưng giờ giấc phát sóng tréo ngoe thì hiếm ai kiên trì theo dõi được lâu. Chỉ mong nhà đài ưu ái xếp lịch chiếu đẹp đẹp một chút xíu thì nghệ sĩ mới hào hứng tham gia. Có vậy chuyện kịch truyền hình lấy lại phong độ thuở nào chỉ là nay mai" - diễn viên trẻ Viên Sơn mong mỏi.

Mai Quỳnh Nga
.
.