Thị trường nhạc Việt nửa đầu năm 2022: Vẫn buồn vui đan xen

Thứ Tư, 01/06/2022, 14:23

Dù mới trải qua gần 6 tháng đầu năm nhưng thị trường âm nhạc Việt đã cho thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ sau hơn 2 năm “án binh bất động” vì dịch bệnh COVID - 19. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm nhấn tích cực, đời sống nhạc Việt vẫn tồn tại những sự việc đáng tiếc.

Có thể nói, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, giờ đây, đường đua nhạc Việt trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Các chương trình với quy mô lớn nhỏ được tổ chức ở nhiều thành phố lớn trên khắp cả nước như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Đà Nẵng, Huế... Hàng loạt ca sĩ từ quen thuộc cho đến xa lạ đều thay nhau ra mắt album, MV… Vì những lẽ đó, ca nhạc vẫn luôn khẳng định là một trong số ít lĩnh vực nhanh nhạy, dễ thích ứng và sôi động nhất của đời sống văn hóa nghệ thuật. Thị trường âm nhạc Việt Nam trở nên đa dạng hơn bao giờ hết khi xuất hiện một loạt tên tuổi mới với vô vàn phong cách âm nhạc khác nhau.

Một điểm nổi bật trong đời sống nhạc Việt nửa đầu năm 2022 phải nhắc tới sự thắng thế của dòng nhạc underground (dòng nhạc của ca sĩ tự do). Xuất hiện từ khi công nghệ phát triển, dòng nhạc này càng khẳng định ưu điểm của mình trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành. Và đến nay, khi cuộc sống đã trở về trạng thái bình thường mới thì một thế hệ ca sĩ thuộc dòng underground vẫn tiếp tục được ưa chuộng, dần chiếm lĩnh các bảng xếp hạng âm nhạc.

trucnhancasi.jpeg -0
Hình ảnh đầy màu sắc trong MV “Có không giữ mất đừng tìm” của Trúc Nhân.

Đã qua rồi thời kỳ cứ ca sĩ nổi tiếng (mainstream) hay ca sĩ chuyên nghiệp ra mắt sản phẩm là dễ dàng được chú ý hay tạo thành bản hit. Mà bản hit có thể thuộc về bất kỳ một tên tuổi ca sĩ nào. Có khi khán giả còn lần đầu tiên nghe thấy tên ca sĩ ấy. Nhưng khi ca khúc của họ đã thành hit, “làm mưa làm gió” trên các trang mạng trực tuyến, các bảng xếp hạng cũng có nghĩa họ có thể đe dọa vị trí của bất kỳ ca sĩ nổi tiếng nào.

Với thời đại công nghệ như hiện nay thì từ nổi tiếng trên mạng đến ngôi sao sân khấu cũng khá nhanh. Bởi chỉ cần ca khúc được nghe, chia sẻ nhiều trên mạng sẽ đồng nghĩa với việc các ông bầu tự tìm đến. Sở dĩ có tình trạng này bởi thói quen nghe nhạc của khán giả trẻ, lực lượng chiếm số lượng đông đảo đã thay đổi.

Những ca khúc như “Ai chung tình được mãi” (Đinh Tùng Huy), “Đế vương” (Đình Dũng), “Ngọt ngào đến thế cũng tan thành mây” (Khang Việt) … đều là những bản hit được vang lên ở khắp mọi nền tảng xã hội, bảng xếp hạng nhờ công thức này. Từ những ca khúc nổi tiếng này, một loạt ca sĩ cover lại cũng nhanh chóng được công chúng trẻ biết tới. Một trong số những giọng ca ấy phải kể tới Hương Ly. Giọng ca này đã thu hút người nghe bằng một loạt những bản hit như “Là ai từ bỏ, là ai vô tình”, “Thế thái”, “Nếu có kiếp sau”…

Chính vì thế công thức cho sự nổi tiếng của ca sĩ ngày nay cũng rất khác trước đây. Có khi, chỉ cần có 1 ngày là từ một cái tên chưa được ai biết đến có thể nổi như cồn trên mạng. Thời đại nhạc số cũng đồng nghĩa với việc những lượt nghe, lượt xem, lượt chia sẻ, lượt yêu thích… thể hiện mức độ lan tỏa của ca khúc. Từ đó, định nghĩa về ca khúc nổi tiếng ở giai đoạn này cũng có nhiều thay đổi so với giai đoạn trước. Nếu như trước đây, một ca khúc được yêu thích là gần như sẽ tồn tại mãi trong đời sống tinh thần của người yêu nhạc. Còn những ca khúc thuộc hàng top hit hiện nay ngoài việc có thể bị đánh bật khỏi vị trí bất cứ khi nào bởi một ca khúc hợp trend khác còn có thể bị quên lãng sau một thời gian.

Rõ ràng, ở một khía cạnh nào đó, phải chấp nhận một sự thật là dòng nhạc “bình dân” đang thống trị thị trường nhạc số. Những ca khúc chỉ đơn thuần là dễ nghe, dễ thuộc, đặc biệt là nói về tình yêu luôn được công chúng trẻ đón nhận hào hứng. Khán giả không quá đòi hỏi phải có những tìm tòi hay sáng tạo, chính vì thế, số lượng ca khúc thuộc hàng “hit” khá nhiều nhưng nếu tìm chất lượng nghệ thuật hay điều giúp nhạc Việt nâng tầm thì rất ít sản phẩm có được.

Các chuyên gia trong lĩnh vực âm nhạc cho rằng, đa số khán giả trẻ hiện nay nghe theo trào lưu chính vì vậy xu hướng nghệ thuật không phải là yếu tố hàng đầu. Khi có quá nhiều người cùng nghe một sản phẩm thì có thể sản phẩm đó đánh trúng thị hiếu chứ không phải mang tính nghệ thuật cao hay có đóng góp với đời sống âm nhạc.

hình ảnh trong mv đi trong mùa hè của đen vâu.jpg -0
Hình ảnh trong MV “Đi trong mùa hè” của Đen Vâu.

Trong một thị trường âm nhạc khá sôi động và có phần hỗn độn như hiện nay với sự xuất hiện liên tục của những ca khúc mới, ca sĩ mới thì những người yêu nhạc Việt vẫn tìm được những điểm sáng đáng lạc quan. Vẫn có những ca khúc mang đậm tinh thần sáng tạo và dấu ấn cá nhân nghệ sĩ tài năng ở đó. Một trong những ca khúc ấy phải kể tới MV “Có không giữ mất đừng tìm” của Trúc Nhân. Kể từ MV đầu tiên “Thật bất ngờ” đến nay, Trúc Nhân chưa khi nào khiến khán giả của mình thất vọng vì sự sáng tạo đầy ắp của mình. Các MV của Trúc Nhân đều mang phong cách hài hước, hóm hỉnh và cuốn hút từ âm nhạc tới hình ảnh.

Thêm một dấu ấn tích cực của đời sống âm nhạc nửa đầu năm nay chính là sự yêu mến của khán giả dành cho MV “Về nghe mẹ ru” với sự kết hợp giữa NSND Bạch Tuyết và Hoàng Dũng. Đây là dự án do NSND Bạch Tuyết khởi xướng nhân dịp bà trở lại làm giám khảo cuộc thi vinh danh nghệ thuật cải lương “Trăm năm ánh Việt”. Hay MV “Một ngày tôi quên hết” (sáng tác Hứa Kim Tuyền) thể hiện qua giọng hát của danh ca Cẩm Vân cũng đã khiến công chúng rưng rưng. Điều đó cho thấy, bên cạnh những “ca khúc bình dân” theo xu hướng của giới trẻ, thì vẫn có những sản phẩm âm nhạc chinh phục khán giả bằng vẻ đẹp của giai điệu và nội dung sâu sắc.

Bên cạnh những dấu ấn lạc quan, thị trường âm nhạc 6 tháng đầu năm vẫn chứa đựng một số chuyện chưa vui. Là một ca sĩ nổi tiếng nên những sản phẩm âm nhạc của Sơn Tùng - MTP luôn có được sự đón nhận hào hứng từ người hâm mộ. Tuy nhiên, MV “Theres no one at all” ra mắt cuối tháng 4 của ca sĩ này đã gây tranh luận dữ dội trên mạng xã hội ngay từ khi xuất hiện. Đa phần ý kiến cho rằng, trong giai đoạn có khá nhiều sự việc đau lòng liên quan đến hành vi tự tử ở giới trẻ, MV đã thiếu tính giáo dục cần thiết và có thể ảnh hưởng tiêu cực tới khán giả trẻ.

Cuối cùng, bên cạnh mức phạt tiền 70 triệu đồng, Sơn Tùng - MTP phải thực hiện những quy định bắt buộc như thiêu hủy bản ghi hình, tháo gỡ MV trên nền tảng youtube... Rõ ràng, với một ca sĩ có lượng fan trẻ tuổi đông đảo như Sơn Tùng - MTP thì đó thực sự là một bài học về sự nhạy cảm và trách nhiệm công dân của nghệ sĩ trong mỗi sản phẩm nghệ thuật.

Dù không chịu hậu quả nặng nề như Sơn Tùng - MTP, nhưng những phản ứng của khán giả với MV “Đi trong mùa hè” gần đây của Đen Vâu cũng là một bài học cho chàng rapper cá tính này. Dù được ra mắt đúng thời điểm Việt Nam đăng cai sự kiện SEA Games 31 và với mục đích cổ vũ đội tuyển bóng đá nhưng Đen Vâu lại bị khán giả “bắt lỗi” vì trong ca khúc đó có không ít câu từ cho thấy sự cổ xúy cho thói vũ phu, vi phạm bình đẳng giới, coi thường phụ nữ… Ngay sau đó, Đen Vâu đã lên tiếng xin lỗi những khán giả và rút kinh nghiệm vì sự thiếu cẩn thận của mình.

Một sự việc khiến đời sống âm nhạc kém vui hơn phải kể tới những lùm xùm giữa ca sĩ Đông Nhi và fan của mình. Cuối tháng 4, khi phát hành MV “Đôi mi em đang u sầu”, trước những góp ý của khán giả về sản phẩm, Đông Nhi đã có những tranh cãi, thậm chí ứng xử thiếu tinh tế với chính người hâm mộ của mình. Điều này đã dẫn đến một làn sóng quay lưng lớn chưa từng có trong cộng đồng fan của một ca sĩ. Sự việc này cho thấy rất cần những ứng xử văn minh từ những người làm nghệ thuật.

Gắn liền và có vai trò quan trọng với cuộc sống tinh thần của con người, đời sống âm nhạc Việt luôn mang một bức tranh đa sắc và vô cùng sôi động. Khán giả nào cũng có thể tìm thấy những giai điệu phù hợp với sở thích, tâm trạng của mình. Với một thị trường mở, nhiều cơ hội nhưng cũng đầy cạnh tranh như hiện nay thì để tồn tại được trong lòng công chúng lâu dài, nghệ sĩ phải có được những sản phẩm âm nhạc chất lượng từ ý thức lao động nghệ thuật nghiêm túc.

Khánh Thảo
.
.