Nghịch lý bất tương xứng

Thứ Sáu, 06/05/2022, 22:21

Sau 20 năm, khi mà điện ảnh Việt Nam đã có những phim doanh thu trăm tỷ, chi phí cho nhạc phim là bao nhiêu? Câu hỏi này rất khó trả lời vì biên độ chi phí cho nhạc phim là rất rộng, tuỳ theo tên tuổi nhạc sĩ, thể loại âm nhạc, mức đầu tư cho phần sản xuất, thu âm và quan trọng hơn nữa là nhà sản xuất, đạo diễn muốn “chơi” tới mức nào.

Gần 20 năm trước, khi nhạc sĩ Đức Trí vừa về nước sau chuyến du học ở Mỹ, báo chí đã đăng một tin được cho là “chấn động”. Đại ý, truyền thông nhấn mạnh vào mức thù lao 100 triệu đồng cho việc sản xuất nhạc phim “Nữ tướng cướp” mà Đức Trí đảm nhiệm là “kỷ lục điện ảnh Việt Nam”. Đúng là kỷ lục thật vì từ trước tới thời điểm ấy, chưa có bộ phim nào phải chi ra tới 100 triệu đồng cho âm nhạc. Nhưng nó cũng là một kỷ lục khá mỉa mai mà chỉ dân trong nghề âm nhạc mới hiểu. 100 triệu cho cả sáng tác, thu âm, hậu kỳ, thù lao nhạc công… thật ra chẳng bõ bèn gì cho cái gọi là “kỷ lục”.

Hôm nay, sau 20 năm, khi mà điện ảnh Việt Nam đã có những phim doanh thu trăm tỷ, chi phí cho nhạc phim là bao nhiêu? Câu hỏi này rất khó trả lời vì biên độ chi phí cho nhạc phim là rất rộng, tuỳ theo tên tuổi nhạc sĩ, thể loại âm nhạc, mức đầu tư cho phần sản xuất, thu âm và quan trọng hơn nữa là nhà sản xuất, đạo diễn muốn “chơi” tới mức nào.

Và biên độ ấy có thể dao động từ 200 triệu cho tới 600 -700 triệu đồng cho một bộ phim. Nhìn vào con số 200 triệu đồng kia, nhiều người không khỏi giật mình. Sau 20 năm, khi mà vật giá thay đổi chóng mặt, chi phí thù lao diễn viên cũng thay đổi chóng mặt, doanh thu một bộ phim cũng tăng theo cấp số nhân thì việc chỉ cần bỏ ra số tiền gấp đôi kỷ lục 20 năm trước vẫn có thể làm được nhạc phim điện ảnh quả thật rất kỳ lạ. Kỳ lạ nhưng lại có thật, và nó vẫn diễn ra hàng năm, với số lượng phim ra rạp đa phần có phần nhạc phim không hề đắt đỏ chút nào.

Một ví dụ không thể không nhắc tới là bộ phim đình đám gần đây, được ca ngợi hết lời và còn có doanh thu phòng vé cũng đáng nể là phim “Đêm tối rực rỡ”. Phim lấy bối cảnh một đám tang nên cỡ 80% nhạc phim lấy nhạc tang lễ thường được sử dụng ngoài đời sống. Còn cỡ 20% còn lại thì được làm mới. Gọi là mới, nhưng thật ra không mới vì trong số 20% số nhạc làm mới này, đạo diễn chọn luôn 2 ca khúc thị trường đang ăn khách là “Yêu như chiến tranh” (Bảo Uyên - ft Jay Kem) và “Chìm sâu” (RPT MCK - ft Trung Trần).

Đặc biệt, bộ phim này còn không có Giám đốc âm nhạc. Toàn bộ phần nhạc, đạo diễn chọn hết và điều đáng nói nhất, trong số 20% nhạc phim làm mới kia, ngoài 2 ca khúc có sẵn thì đạo diễn cũng chơi chiêu có sẵn là mua nhạc mẫu ở các kho thư viện âm nhạc với giá thành chỉ dao động khoảng vài trăm USD.

Nếu “Đêm tối rực rỡ” có thể biện minh vì là phim độc lập, kinh phí eo hẹp nên chi cho nhạc phim cũng tiết kiệm thì các phim ăn khách đình đám khác lại không có gì để biện minh. Đầu tư cho phim cả vài chục tỷ, hướng tới doanh số trăm tỷ, nhưng nhà sản xuất và đạo diễn vẫn chọn phương cách làm nhạc phim theo kiểu “Đêm tối rực rỡ”.

Điều đó cho thấy hai việc. Thứ nhất, họ quá xem thường nhu cầu thưởng thức của khán giả. Nhiều khán giả xem xong một bộ phim vẫn nhắc rất nhiều về ấn tượng nhạc phim. Thứ hai, họ thực tế đang đi lại trên con đường “mì ăn liền” của thập niên 90 với mục đích: nhanh - chi phí rẻ - nhưng bán đắt. Đại đa số các nhạc phim kiểu này đều không có một thứ cơ bản nhất là “nhạc đề” (theme), thứ bắt buộc phải có khi làm các tác phẩm âm nhạc đồ sộ như nhạc phim, nhạc kịch… Đáng buồn, nếu nhà sản xuất và đạo diễn thiếu am hiểu âm nhạc thì không nói. Đằng này, nhiều người trong số họ rất am hiểu nhưng vẫn mặc kệ.

Một ví dụ để tham khảo là một bộ phim độc lập sắp ra mắt của đạo diễn Lưu Huỳnh. Chính ông đã phải chạy vạy nhiều đường để lo bằng được tối thiểu 500 triệu cho nhạc phim, bởi ông cần nhạc phim được thu âm bởi dàn nhạc lớn. Doanh thu phim của ông có thể không lớn nhưng đầu tư nhạc phim lại quá lớn. Đó cũng là một bất tương xứng, nhưng ở chiều ngược lại.

Còn với những phim doanh thu khủng nhưng đầu tư nhạc phim nhếch nhác, sự bất tương xứng ấy cuối cùng cũng chỉ để bật lên một điểm: chính đạo diễn không trân trọng đứa con tinh thần của mình.

Văn Đoàn
.
.