Nghệ sĩ Thanh Phong: Đưa dân ca vào hình tượng người chiến sĩ CAND

Thứ Năm, 10/02/2022, 08:24

Đưa dân ca vào hình tượng người chiến sĩ CAND là công việc không dễ, đòi hỏi cần có sự đầu tư công sức, trí tuệ, hiểu biết và tình yêu lớn với ngành. Có một người nghệ sĩ đã và đang miệt mài theo đuổi con đường ấy, đó là nghệ sĩ trẻ Thanh Phong (hiện là Trưởng đoàn nghệ thuật UNESCO Di sản dân ca xứ Nghệ tại Hà Nội, biên tập viên phụ trách mảng dân ca ví, giặm - Ban Âm nhạc VOV3 - Đài Tiếng nói Việt Nam).

"Hoàng tử" ví, giặm xứ Nghệ -  nghệ sĩ Thanh Phong sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật ở thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An), cha mẹ của anh là những nghệ sĩ trong lực lượng vũ trang, bởi thế trong anh luôn bỏng cháy chất lính. Vốn là nghệ sĩ theo mảng âm nhạc dân tộc, anh luôn đau đáu được đưa những câu dân ca vào trong các vở diễn để góp phần làm rõ hơn, sáng hơn, đẹp hơn hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ" trong lòng nhân dân.

thanh phong 2.jpg -0
Nghệ sĩ Thanh Phong.

Cơ duyên đầu tiên đến với anh là vào năm 2017, trong đợt thi đua học tập và kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ gửi "6 điều dạy lực lượng Công an nhân dân". Khi đó anh đã viết kịch bản và làm đạo diễn dàn dựng cho vở ca kịch "Đi trong màu nắng" tại Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an). Vở kịch lấy bối cảnh từ năm 1945 khi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập trong nắng Ba Đình lịch sử, trong đó có nắng trong màu áo vàng của các chiến sĩ Cảnh vệ tháp tùng Bác ra lễ đài.

Vở kịch "Đi trong màu nắng" có 3 phần, phần 1 nói về cảnh Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, bên cạnh có lực lượng Công an tháp tùng; phần 2 nói về hình ảnh người chiến sĩ Công an làm nhiệm vụ trên tuyến đường sắt; phần 3 nói về Cảnh sát giao thông đường thủy. "Tôi chủ ý đặt nhan đề vở kịch nên thơ, mềm mại bởi màu áo vàng của lực lượng là do đích thân Bác Hồ chọn. Màu áo ấy cũng là màu của nắng quê hương hết đỗi thân tình, gần gũi và ấm áp. Chung cuộc vở diễn đã giành giải Bạc và nhận được Giấy khen của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông", nam nghệ sĩ Thanh Phong hồ hởi cho biết.

Rồi trong đợt bão lũ tại miền Trung gần đây, nghệ sĩ Thanh Phong cũng đã viết kịch bản và dàn dựng vở kịch "Nước mắt miền Trung" cho cán bộ, chiến sĩ, học viên Học viện Chính trị CAND. Vở kịch nói về ngày tháng miền Trung chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, những chiến sĩ Công an nhân dân, học viên đang học tập tại các nhà trường CAND đã không quản ngại khó khăn, vất vả, hy sinh để đi vào vùng lũ. Có rất nhiều câu chuyện cảm động trong thực tế đã được nghệ sĩ Thanh Phong khéo léo đan cài vào trong vở diễn một cách hài hòa, hợp lý, toát lên thông điệp nhân văn của vở kịch.

Hay gần đây, Thanh Phong đã viết kịch bản và dàn dựng vở "Lá chắn bình yên" cho các cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Hà Nam và được các chiến sĩ cùng nhân dân hồ hởi đón nhận. Anh chia sẻ, vở diễn ca ngợi các chiến sĩ Công an là lực lượng tiên phong trong tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh COVID -19. Anh đã bật khóc khi thấy các chiến sĩ vừa tham gia vai diễn vừa làm nhiệm vụ chốt chặn tại các điểm phòng, chống COVID-19. Theo nam nghệ sĩ thì trong vở diễn, hình ảnh bao trùm là chiếc lá màu xanh, đó là màu của khát vọng tương lai, màu của hy vọng về ngày đất nước chiến thắng đại dịch.

Một chương trình khác cũng để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người nghệ sĩ xứ Nghệ, đó là chương trình ca nhạc tại Đại hội Phụ nữ Cục Hậu cần - Đại hội được chọn làm đại hội điểm của Đại hội Phụ nữ Bộ Công an. Bằng sự tinh tế của mình, Thanh Phong đã đưa câu chuyện có thật trong thời gian vừa qua, đó là việc các chiến sĩ Công an giúp người dân tiêu thụ nông sản trong "mùa" COVID-19. Hành động nhỏ ấy đã làm tô thắm thêm tình nghĩa giữa lực lượng Công an với nhân dân và khi được truyền tải lên sân khấu đã nhận được những tràng pháo tay không ngớt của khán giả.

thanh phong 3.jpg -0
Nghệ sĩ Thanh Phong (phải) hướng dẫn ca sĩ tập luyện.

Theo nghệ sĩ Thanh Phong thì anh cảm thấy hạnh phúc khi được gần và làm việc với các chiến sĩ Công an nhân dân. Được hiểu về công việc, nội tâm, tính cách, tâm tư, tình cảm của các chiến sĩ đã giúp anh có thêm chất liệu để viết kịch bản về người Công an hay hơn, đời hơn, gần gũi hơn. "Người chiến sĩ Công an với công việc thì cương quyết nhưng với nhân dân thì luôn là người gần gũi, hiền lành như những người con trong một gia đình vậy. Cứ mỗi lần đến một đơn vị trong lực lượng Công an nhân dân, tôi lại thêm yêu hơn các chiến sĩ và càng quyết tâm để đưa hình ảnh của họ lên sâu khấu một cách chân thật nhất", nam nghệ sĩ cho biết.

Tuy nhiên, xây dựng hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân trên sân khấu đã khó, lồng ghép những câu dân ca vào lời thoại của nhân vật lại càng khó khăn hơn. Nhưng với sự bền bỉ, quyết tâm, Thanh Phong đã chinh phục được khán giả trong các vở diễn anh viết kịch bản và dàn dựng. Anh chia sẻ, bản thân học được nhiều điều từ các chiến sĩ, như việc học tính kỷ luật, đúng giờ, tác phong nhanh nhẹn, rồi trong cách viết nắn nót, gãy gọn hơn để phù hợp với tiếng nói, phong cách của người chiến sĩ Công an nhân dân. "Là một nghệ sĩ, tôi luôn có chút mơ mộng, "phiêu" trong công việc nhưng khi làm việc với các chiến sĩ Công an nhân dân, tôi được rèn luyện rất nhiều từ lời ăn tiếng nói đến cách ứng xử", Thanh Phong nhấn mạnh.

Bản thân không làm việc trong lực lượng Công an nên Thanh Phong không có nhiều kiến thức trong cách suy nghĩ, ứng xử, nhãn quan như của một người chiến sĩ Công an thực thụ. Đó là khó khăn lớn nhất của anh khi tham gia viết kịch bản và dàn dựng về người chiến sĩ Công an nhân dân. Hơn nữa, điều anh trăn trở là dân ca thì mềm mại, mượt mà, thuyết phục được người nghe nhưng nó cũng có yếu điểm là mềm mại quá, liệu có đủ yếu tố nghệ thuật khắc họa hình tượng người chiến sĩ Công an hay không? Làm sao dựng hình tượng Công an gần với đời sống, có độ cảm nhận, rung động để khán giả thấy vui vẻ và vỡ òa trong hạnh phúc. Có thể nói những vở diễn đã qua bàn tay viết kịch bản và dàn dựng của anh ra mắt công chúng trong thời gian vừa qua đã là câu trả lời đích xác nhất. Tuy nhiên, Thanh Phong hiểu rằng, ngủ quên trên chiến thắng sẽ là thất bại. Anh luôn sẵn sàng trong tâm thế nhập cuộc và chịu khó tìm tòi, đổi mới để "món ăn" nghệ thuật luôn mới mẻ, hấp dẫn, phù hợp với mọi tầng lớp, lứa tuổi.

Vừa qua, khi phóng sự gần 30 phút giới thiệu chân dung "Nghệ sĩ Thanh Phong - Bình yên sau lá chắn" được phát sóng trên kênh VTV1 trong chương trình "Văn hóa Công an nhân dân" do Truyền hình CANDANTV sản xuất, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã nhận ra "người quen". Họ đã gửi lời chúc mừng đến người nghệ sĩ mà mình yêu mến, trân trọng. Trong đó có một chiến sĩ đã nhắn tin cho anh rằng: "Trong những ngày cuối năm nhiều bộn bề, được thấy Thanh Phong trên truyền hình chia sẻ về tình yêu với lực lượng Công an nhân dân, tự nhiên tôi thấy yêu hơn ngành mà mình đang theo đuổi".

Khi chia sẻ với tôi câu chuyện này, Thanh Phong vui mừng tin tưởng rằng, những gì mình đã và đang đóng góp cho lực lượng Công an nhân dân đã đi vào lòng khán giả. Thiết nghĩ, với một người nghệ sĩ còn gì cao quý hơn, hạnh phúc hơn khi được khán giả "nhớ tên quen mặt".

Ngô Khiêm
.
.