Hợp tác quốc tế: Cơ hội mới cho các đạo diễn điện ảnh trẻ Việt Nam

Thứ Sáu, 06/05/2022, 10:00

Cuối tháng 4/2022, được sự đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA) phối hợp với Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPA) tổ chức Hội thảo làm phim (Film pitching). Kết quả, phim ngắn "Trường học Ma mút" đã giành giải nhất tại cuộc thi "Hội thảo làm phim - Film Pitching".

Đây là một tín hiệu đáng mừng cho các đạo diễn trẻ Việt Nam trên con đường kiếm tìm những dự án làm phim để đưa hình ảnh nước Việt Nam cũng như chất xám của các đạo diễn trẻ ra thế giới...

Cũng trong khuôn khổ chương trình, 10 dự án của 10 tác giả/nhóm tác giả đã vượt qua vòng sơ loại sẽ tham dự vòng pitching để tuyển chọn ra tác giả xuất sắc nhất tham gia khóa học ngắn về làm phim tại Hoa Kỳ với những nhà làm phim nổi tiếng thế giới.

Theo TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch VFDA chia sẻ: Cuộc thi "Phim ngắn Màn ảnh xanh" là hoạt động thiết thực nhằm hưởng ứng "Chiến dịch Màn ảnh xanh Việt Nam": Đường đến phát triển bền vững mà Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam phát động vào tháng 1/2022. Các phim dự thi phải được sản xuất sau ngày 5/1/2022, chưa dự thi bất cứ cuộc thi nào khác. Cuộc thi phát động sau hai năm đã nhận được 41 ý tưởng/dự án phim. Hội đồng sơ tuyển của VFDA đã chấm và chọn ra 10 dự án vào chung khảo.

3.jpg -0
TS Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam chia sẻ tại buổi Pitching.

"Mỗi bộ phim của nhóm tác giả/tác giả đều khởi đầu từ ý tưởng mới, hay, độc đáo và đảm bảo một phần quan trọng trong thành công của bộ phim. Ban tổ chức hy vọng cuộc thi sẽ phát hiện ra tài năng mới cho điện ảnh Việt Nam. Cuộc thi cũng là cơ hội để các bạn trẻ yêu điện ảnh có cơ hội tiếp xúc và học hỏi từ các chuyên gia Hoa Kỳ và Việt Nam; đồng thời học hỏi lẫn nhau. Mong muốn hơn, trong những dự án phim này sẽ có bộ phim hay trên màn ảnh, ra rạp để đến với đông đảo khán giả".

Lần tìm kiếm tài năng điện ảnh này, các tác giả tham gia cuộc thi tuổi đời còn rất trẻ, chủ yếu thuộc thế hệ 9X; nhiều người từng có kinh nghiệm tham gia các cuộc thi trong nước và quốc tế. Tại vòng chung khảo, nhóm tác giả/tác giả đã thuyết trình dự án của mình để lựa chọn ra dự án xuất sắc nhất. 10 dự án phim có nội dung phong phú, đa dạng chủ đề về tình yêu, cuộc sống, văn hóa, ẩm thực, như: "Địa và nàng" lấy nghệ thuật diễn xướng bóng rỗi làm yếu tố xuyên suốt; "Đêm ả đào"; "Trường học Ma mút"; "Đàn bà thời đại"… Bên cạnh đó cũng có những chủ đề mang hơi thở cuộc sống hiện tại như "Nhiệm vụ 2020", đề cập đến những khoảnh khắc đáng nhớ của người dân Việt Nam và thế giới trong đại dịch COVID-19…

Cuộc thi được coi là cơ hội tốt để nhà làm phim, đặc biệt là các nhà làm phim trẻ trau dồi kinh nghiệm, mở rộng mạng lưới kết nối và thể hiện bản thân. Người tham gia cuộc thi có thể chuyển tải câu chuyện bình dị nhưng truyền cảm hứng trong cuộc sống, hoặc một câu chuyện có ý nghĩa thời sự mạnh mẽ về tác động từ những lựa chọn, quyết định của con người tới môi trường. Thời lượng phim dự thi dưới 10 phút và After credit dưới 1 phút có hình ảnh hậu trường áp dụng các biện pháp xanh trong quá trình sản xuất (chai nước tái chế, cấp dưỡng không hộp xốp, trang thiết bị làm phim thân thiện với môi trường…).

Ông Stephen P. Jenner - Giám đốc khu vực phụ trách Truyền thông khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPA-I) chia sẻ với các tác giả dự án phim trước khi họ có màn tự thuyết trình: "Hy vọng người chiến thắng sau khóa học tại Mỹ có thể học hỏi phần nào cách làm phim của Hollywood và đem về Việt Nam để thực hiện. Các bạn đừng coi mình là thí sinh và đây là cuộc thi mà chúng ta là đồng nghiệp và chúng tôi mong muốn được đồng hành cùng các bạn".

Bà Ngô Thị Bích Hạnh - Phó Chủ tịch Công ty TNHH Bình Hạnh Đan (BHD), thành viên Ban giám khảo chia sẻ: "Khi nhìn các nhà làm phim trẻ bảo vệ ý tưởng của mình ở vòng thi này, tôi cảm thấy yên tâm và vui mừng hơn khi thấy một lớp trẻ giỏi giang, luôn hướng về cội nguồn và nỗi lo ngại về giới trẻ "mất gốc" như nhiều ý kiến cực đoan nói về giới trẻ bây giờ đã hoàn toàn tan biến. Tôi thực sự phải cảm ơn các bạn vì những câu chuyện thú vị cũng như cách nhìn của các bạn về văn hóa của Việt Nam".

untitled-1.jpg -0
Các thành viên của 10 dự án phim tham gia trong chương trình.

TS. Ngô Phương Lan cũng chia sẻ: "Mỗi bộ phim đều khởi đầu từ ý tưởng và có ý tưởng mới, hay, độc đáo là đảm bảo một phần quan trọng trong thành công của bộ phim. Chúng tôi hy vọng cuộc thi sẽ phát hiện ra tài năng mới cho điện ảnh Việt Nam. Cuộc thi cũng là cơ hội để các bạn trẻ yêu Điện ảnh có cơ hội tiếp xúc và học hỏi từ các chuyên gia Mỹ và Việt Nam, đồng thời học hỏi lẫn nhau. Tôi rất mong muốn sẽ có những dự án phim trong 10 dự án hôm nay trở thành những bộ phim hay trên màn ảnh chứ không chỉ nằm trên giấy".

Sau 10 màn tự bảo vệ và thuyết phục Ban giám khảo, dự án "Trường học Ma mút" của tác giả Ngân Zeta đã thuyết phục được Ban giám khảo của vòng thi pitching, giành tấm vé đến Mỹ để thực hiện ước mơ đưa bộ phim của mình từ trang giấy lên màn ảnh. Dự án "Tự lực văn đoàn" của tác giả Đoàn Tất Đạt đoạt giải nhì với phần thưởng là một bộ công cụ làm phim trên điện thoại từ Ban tổ chức.

Hội thảo làm phim - Film Pitching do VFDA phối hợp với Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPA) và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các bạn trẻ và giới làm phim. Sự tham gia trực tiếp của các chuyên gia đến từ Mỹ vào Ban Giám khảo chứng minh hoạt động điện ảnh ở Việt Nam đã trở lại bình thường sau hai năm trầm lắng, đứt đoạn vì đại dịch COVID-19.

Vừa qua, bộ phim truyền hình Mỹ "Du lịch đến tình yêu" (A Tourist's Guide to Love) đã được Bộ VHTTDL cấp phép trở thành phim nước ngoài đầu tiên quay tại Việt Nam kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu. Phim khai thác những nét văn hóa đặc sắc, danh lam thắng cảnh trên dải đất hình chữ S, "Du lịch đến tình yêu" được kỳ vọng sẽ là một kênh quảng bá du lịch hiệu quả nhằm thu hút khách quốc tế đến với Việt Nam. Phim cũng được quay ở nhiều địa danh nổi tiếng của Việt Nam. Qua con mắt của các nhân vật trong phim, khán giả toàn cầu sẽ mãn nhãn với những nét hấp dẫn trong nhịp sống sôi động của TP Hồ Chí Minh, những cảnh quan thiên nhiên của Đà Nẵng, không khí hoài cổ của Hội An, núi đồi hùng vĩ của Hà Giang và vẻ đẹp giao thoa giữa quá khứ và hiện tại của Hà Nội. Bộ phim ghi nhận sự tham gia của hơn 200 nhân sự địa phương và nhà cung ứng. "Du lịch đến tình yêu" cũng có sự xuất hiện của một số diễn viên người Việt như Trúc Trần, NSƯT Lê Thiện…

Tại buổi làm việc mới đây giữa Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông và ông Dean Garfield, Phó Chủ tịch toàn cầu về Chính sách công (Tập đoàn Netflix), lãnh đạo Bộ VHTTDL đánh giá cao những hoạt động hợp tác giữa Netflix với một số đối tác của Việt Nam, đồng thời mong muốn có thêm nhiều hoạt động hơn nữa nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp sản xuất phim tại Việt Nam.

Có thể nói, việc hợp tác làm phim giữa Việt Nam và các nước nhiều năm qua chưa đạt được những bước phát triển đột phá. Trong khi đó, những nền điện ảnh lớn trên thế giới và trong khu vực đều có chính sách ưu đãi cho các dự án làm phim dưới nhiều hình thức. Hy vọng thời gian tới, khi Luật Điện ảnh sửa đổi với những điều khoản đơn giản hóa thủ tục cấp phép và những chính sách ưu đãi cho các đoàn làm phim quốc tế được Quốc hội thông qua (dự kiến tháng 10/2022, có hiệu lực vào quý I năm 2023) sẽ tạo động lực thúc đẩy ngành công nghiệp điện ảnh của Việt Nam phát triển. Chính vì thế, các đạo diễn trẻ trong nước cũng có quyền hy vọng về những hợp tác sản xuất phim và cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho nước ngoài là một trong những vấn đề quan trọng để hiện thực hóa ước vọng đưa công nghiệp điện ảnh Việt Nam cất cánh…

Trần Mỹ Hiền
.
.