Cành cọ vàng năm 2021: Những kỷ lục và giải thưởng đặc biệt kỳ lạ

Chủ Nhật, 19/09/2021, 09:25

Mặc cho đại dịch COVID -19 hoành hoành khắp nơi và để lại những hậu quả đau thương cho người dân trên toàn thế giới thì sự kiện liên hoan phim Cannes trung tuần tháng 7 vừa qua vẫn là sự kiện hot nhất và được giới mộ điệu bộ môn nghệ thuật thứ 7 chờ đợi. Dù giãn cách, các biện pháp phòng dịch vô cùng khắt khe, song thế giới hình như đã quá mệt mỏi bởi sự căng thẳng của đại dịch và sự nhàm chán bí bách của đời sống giãn cách 5K nên các khách mời trên thế giới vẫn cố gắng đến mức cao nhất khi có mặt tại thảm đỏ Cannes để minh chứng sự sống và khát vọng nghệ thuật chưa bao giờ thôi bùng cháy mãnh liệt. 

Đại hội “khạc nhổ” và màn vỗ tay bất tận

Liên hoan phim Cannes lần thứ 74 diễn ra từ ngày 6 đến 17-7-2021 đã đưa Cannes trở lại sau một năm 2020 vắng bóng. Trong lịch sử, Cannes có 5 lần bị hoãn: Lần thứ nhất do Thế chiến 2 vào năm 1939; lần thứ 2, 3 vì lý do tài chính vào năm 1948 và 1950; lần thứ 4 do biểu tình trên khắp nước Pháp vào năm 1968 và lần thứ 5 do đại dịch COVID-19 vào năm 2020. Tất nhiên, không nằm ngoài dự kiến, Liên hoan Cannes lần này không thể sôi động bằng những năm trước đó do dịch dã. Nhiều quốc gia vẫn đang phải phong tỏa, giãn cách, hạn chế bay do COVID-19. Tại liên hoan kỳ này, do dịch bệnh căng thẳng nên các nhà làm phim và diễn viên châu Á hầu như tham gia rất ít.

Cannes diễn ra giữa thời dịch. Các quốc gia châu Âu đã ổn hơn nhờ có kế hoạch tiêm vaccine, và đương nhiên những khách mời cũng đã không bỏ lỡ cơ hội đến với sự kiện hót nhất trong làng giải trí thời điểm này để thay đổi không khí, khoe đẳng cấp thời trang và được gặp gỡ với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trên khắp thế giới. Trong những trang phục lộng lẫy nhất, các khách mời không đeo khẩu trang trên thảm đỏ hay trong các sự kiện ngoài trời nhưng vẫn được yêu cầu đeo khẩu trang tại các sự kiện trong nhà.

Điểm chú ý nhất trong kỳ liên hoan Cannes lần này là các phát ngôn bạo miệng, tràng pháo tay kéo dài gần 10 phút và kỳ lạ nhất là màn nhổ nước bọt để chống dịch gây tranh cãi. Cụ thể là các khách mời được ép phải nhổ nước bọt đã khiến cho các phóng viên của BBC ví von “Cannes đã biến thành đại hội khạc nhổ". Các khách mời đến Cannes xuất hiện trong trang phục lộng lẫy và diện mạo chỉn chu nhất, nhưng đều phải qua khâu xét nghiệm COVID-19 liên tục bằng nước bọt khá phiền toái. Họ được phát cho một chiếc lọ và được yêu cầu nhổ nước bọt đầy lọ. Tưởng chừng đơn giản, nhiệm vụ này lại làm khó nhiều khách mời vì họ không tài nào nhổ nổi số nước bọt cần thiết. Dù sao, đây là thời dịch, mọi nguyên tắc chống dịch phải được tuân thủ, thế nên màn nhổ nước bọt chống dịch này đã tốn không ít giấy mực của cánh báo chí.

Dù bộ phim đoạt Cành cọ vàng gây tranh cãi, và cả tính xứng đáng của giải thưởng cũng vậy, nhưng Cannes luôn là thánh đường của những màn vinh danh điện ảnh nức lòng, không chỉ với những người thắng giải. Tràng pháo tay 4 phút cho “Flag Day”, 5 phút cho “Aline”, 9 phút cho “The French Dispatch”.  Những màn vỗ tay vinh danh bất tận khiến cho tài tử Matt Damon đã khóc khi bộ phim “Stillwater” của anh nhận được tràng pháo tay 5 phút, khi tất cả khán phòng đều đứng lên và hướng mắt về phía đoàn làm phim.

Chưa hết,  khán giả vừa vỗ tay vừa đổ dồn ánh mắt về phía đạo diễn Apichatpong Weerasethakul và diễn viên Tilda Swinton - bộ đôi "trong mơ" đã làm nên phim “Memoria” - để lắng nghe từng lời họ nói. Điều đáng nói những màn vỗ tay bất tận ở Cannes thường bị cho là quá dài, nhưng đáng giá và gây xúc động đến từng giây đối với các nhà làm phim. Đó là khoảnh khắc ai cũng có thể rơi nước mắt vì sự vinh danh thuần khiết với công sức và tài năng của họ. Như đã nói, "giải thưởng" ở Cannes không chỉ là giải thưởng có thể sờ nắm được, mà còn là những khoảnh khắc đắm chìm trong sự vinh danh lộng lẫy của điện ảnh.

Bộ phim gây sốc nhất đoạt giải Cành cọ vàng

Giới phê bình điện ảnh lẫn báo chí chuyên môn sẽ còn tốn rất nhiều giấy mực và tranh cãi về bộ phim “Titane”- cô gái mang thai với xe hơi", một bộ phim được cho là kỳ quái nhất khi ẵm giải thưởng danh giá Cành cọ vàng 2021. Phim “Titane” của đạo diễn người Pháp Julia Ducournau đoạt Cành cọ vàng với nội dung gây chia rẽ giới phê bình. Ducournau làm nên lịch sử khi là người phụ nữ thứ hai giành giải thưởng danh giá này.

Cành cọ vàng năm 202: Những kỷ lục và giải thưởng đặc biệt kỳ lạ -0
Hình ảnh trong phim "Titane", bộ phim đoạt giải Cành cọ vàng gây nhiều tranh cãi - Ảnh: CNN.

Bỏ rơi những ứng cử viên đình đám được công chúng đặt nhiều kỳ vọng trên đường đua về đích như “Paris, 13th District” của Jacques Audiard, “Three Floors” của Nanni Moretti (từng giành Cành cọ vàng), “France” của Bruno Dumont. Hay bộ phim được những người theo dõi liên hoan Cannes chắc chắn là ứng cử viên nặng kí nhất cho Cành cọ vàng 2021 là “Farhadi” của nhà làm phim rất được mến mộ là đạo diễn Iran Asghar. Bộ phim “Titane” của Julia Ducournau lên ngôi vương miện trong sự ngỡ ngàng của công chúng. Đây là bộ phim thứ hai của Ducournau và là bộ phim đầu tiên của cô tranh giải tại Cannes.

“Titane” là bộ phim mang phong cách cực đoan, siêu nhiên kể về cô gái mang tên Alexia (do diễn viên Agathe Rouselle đóng). Một cô bé từng bị tai nạn ôtô khi còn nhỏ, được gắn một tấm titanium trong đầu. Khi lớn lên, cô có mối quan hệ kỳ lạ với những chiếc ôtô. Là một vũ công khiêu dâm, cô bị hấp dẫn bởi những chiếc ôtô, cô có khoái cảm với xe hơi và một chiếc Cadillac cổ điển đã khiến cô mang thai.

Khi bộ phim được chiếu lên, nhiều người đã rời khán phòng để phản đối bộ phim. Trang Yahoo viết rằng khi bộ phim ngưng chiếu, nhiều người ra khỏi rạp và ca ngợi đây là “bộ phim vĩ đại” thì có người lại chê bai bộ phim “Là thứ tồi tệ nhất tôi từng xem ở Cannes”. Phim chia rẽ giới phê bình thành hai phe ủng hộ và phản đối, nhưng ban giám khảo quyết định trao cho “Titane” giải thưởng cao quý nhất Liên hoan phim Cannes 2021. Nhưng ngay cả những người phản đối cho là phim có phần kỳ quái và ngớ ngẩn, họ đều phải thừa nhận tài nghệ của đạo diễn Julia Ducournau và cho rằng họ đang chứng kiến sự khởi đầu của một sự nghiệp điện ảnh vĩ đại.

Hãng BBC đánh giá “Titane” là "bộ phim gây sốc nhất năm 2021". Tờ báo viết: "Bộ phim mới của Julia Ducournau là một phim hài đầy ác mộng nhưng cũng rất tinh nghịch về tình dục, bạo lực, ánh sáng tái nhợt và âm nhạc dồn dập. “Titane” khiến nhiều người "la hét, nhăn mặt, rên rỉ hay cười khó chịu hơn bất cứ bộ phim nào tại Liên hoan phim Cannes năm nay".

Từ tác phẩm đầu tay “Raw” đến “Titane”, Ducournau ghi dấu ấn là nhà làm phim theo phong cách cực đoan (extreme), lối làm phim thường sử dụng các yếu tố bạo lực, tra tấn và quan hệ tình dục có tính cực đoan.

Các giải thưởng khác của Liên hoan phim Cannes 2021

Cành cọ vàng năm 202: Những kỷ lục và giải thưởng đặc biệt kỳ lạ -0
Đạo diễn Asghar Farhadi (người Iran) giành giải Grand Prix cho phim "A Hero" - Ảnh: FRANCE 24.

Giải thưởng Grand Prix của Cannes năm nay thuộc về 2 bộ phim: “A Hero” của Asghar Farhadi và “Compartment No.6” của Juho Kusomanen. Asghar Farhadi là nhà làm phim Iran 2 lần đoạt giải Oscar. Phim mới “A Hero” của anh nói về một tù nhân sắp đến ngày được trả tự do bỗng gặp một số chuyện kỳ lạ. Còn “Compartment No.6” được so sánh với bộ phim “Before Sunrise” vì kể về một cuộc gặp tình cờ dễ thương trên tàu.

Giải Ban giám khảo cũng thuộc về 2 phim: “Memoria” của đạo diễn Thái Lan Apichatpong Weerasethakul và “Ahed's Knee” của đạo diễn người Israel Nadav Lapid. Giải Đạo diễn xuất sắc thuộc về đạo diễn người Pháp Leos Carax với bộ phim ca nhạc mở màn “Annette”, do 2 ngôi sao Adam Driver và Marion Cotillard đóng chính. Giải Kịch bản xuất sắc thuộc về nhà làm phim Nhật Bản Ryusuke Hamaguchi với phim “Drive My Car”, chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn Haruki Murakami. Giải Nam diễn viên xuất sắc thuộc về Caleb Landry Jones trong phim “Nitram”, còn Nữ diễn viên xuất sắc được trao cho Renate Reinsve trong phim “The Worst Person in the World”.

Giải Cành cọ vàng cho phim đầu tay thuộc về nhà làm phim Antoneta Alamat Kusijanovic cho bộ phim “Murina”.

Thủy Giang (Tổng hợp)
.
.