Cẩn thận bão hòa

Thứ Năm, 26/05/2022, 09:23

Một liveshow riêng luôn là mơ ước của những ai theo nghiệp ca sĩ ở Việt Nam nhiều năm qua. Nếu điểm danh hàng loạt ca sĩ đã có chút ít tên tuổi, chúng ta sẽ nhận thấy rằng không ít người vẫn chưa từng có một liveshow riêng nào.

Cơ bản, nhiều người sẽ nghĩ rằng đầu tư cho một liveshow quá tốn kém, khả năng thu hồi vốn không cao nếu như tên tuổi ca sĩ không thực sự đình đám. Nhưng còn một yếu tố chuyên môn khác ít người để ý. Đó chính là nhạc mục của ca sĩ. Nói nôm na, nó chính là vốn liếng hành nghề của họ. Họ có trong tay bao nhiêu ca khúc gắn với tên mình đã là một câu hỏi khó. Trong số các ca khúc ấy, họ có được bao nhiêu ca khúc “nghe là dính” để đủ sức tạo nên lực hút cho liveshow riêng của mình lại là một câu hỏi khó hơn nữa. Nhạc mục còn mỏng, chắc chắn ca sĩ chưa dám nghĩ đến liveshow riêng.

Cẩn thận bão hòa -0

Sau đại dịch COVID, sự bùng nổ của các sân khấu nhỏ, các liveshow cỡ nhỏ đã và đang cho thấy tín hiệu hồi sinh mạnh mẽ của thị trường âm nhạc. Những địa điểm tổ chức mini liveshow nổi danh như “Mây Lang Thang” (cả ở Đà Lạt lẫn TP Hồ Chí Minh), “Lululola” hoặc các chuỗi chương trình như “In the Moonlight”, “The Show” vv và vv đã dần quen thuộc với khán giả, đồng thời cũng là điểm hẹn của những ca sĩ mới có, cũ có, gạo cội có.

Ca sĩ vào guồng chạy show liên tục, giống y như kiểu “ăn trả bữa” sau cơn bạo bệnh vậy. Chuyện một ca sĩ ngấp nghé hạng A thu nhập mỗi tháng lên tới 7-8 trăm triệu từ tiền hát các show như vậy đã khiến không ít người kinh ngạc. Nhưng cũng chính từ kiểu chạy show tranh thủ kiếm tiền này đã bắt đầu nảy sinh một nguy cơ: sân khấu trình diễn ca nhạc rất dễ đạt tới điểm bão hòa khi nhạc mục của các ca sĩ gần như không hề thay đổi.

Không có gì là lạ lùng khi một ca sĩ mới 2 tuần trước đó hát ở một địa điểm như “Mây Lang Thang” đã tiếp tục góp mặt ở một địa điểm được xem là cạnh tranh khác như “Lululola” với cùng một nội dung chương trình giống y chang. Thậm chí, ngay cả ảnh poster quảng cáo nhiều khi cũng không thay đổi. Và một khi xuất hiện quá nhiều, với cùng một nội dung cũ kỹ đến nhàm chán như vậy, ca sĩ rất có khả năng sẽ mất dần khán giả sau khi đã kiếm được kha khá tiền thù lao.

Vấn đề nằm ở chỗ sức chạy show và mật độ chạy show hơi tham lam đã khiến không ít ca sĩ bỏ quên phần tái tạo, tức là tìm kiếm các ca khúc mới để làm giàu thêm nhạc mục của mình, đồng thời xây dựng một kịch bản xuất hiện khác biệt so với các lần xuất hiện trước đó. Một nhà sản xuất âm nhạc đã có ý kiến đại ý rằng, cách làm ăn xổi này thực chất rất có hại, và không thể hiện sự tôn trọng khán giả lẫn nhà sản xuất chương trình. Mang một chương trình y như đúc từ sân khấu này sang sân khấu cạnh tranh khác, chính ca sĩ đã làm khó cho nhà tổ chức rất nhiều. Và dần dần, họ lại đang tự biến các mini show vốn dĩ được xem là mới lạ hôm nay xích gần về hơn với thời kỳ phòng trà của mười mấy năm trước mà vô tình quên mất rằng chính điều đó đã là thứ giết chết sân khấu phòng trà.

Tăng cường tái đầu tư là điều rất nên làm và không phải ca sĩ nào cũng có ý thức tốt trong chuyện này. Số hiếm có sự đầu tư nghiêm túc như vậy đều cho thấy họ chọn tần suất xuất hiện rất kỹ lưỡng đồng thời mỗi lần họ xuất hiện là một lần thực sự mang lại cảm giác khác biệt cho khán giả trung thành của mình. Còn số đông, họ vẫn theo chủ nghĩa “gặt tiền” một cách liều lĩnh khi đánh cược bằng chính sự lâu bền trong sự nghiệp của mình.

Văn Đoàn
.
.