"Bão ngầm" không tô hồng hình tượng người lính

Thứ Bảy, 28/05/2022, 10:47

Bộ phim "Bão ngầm" đang gây bão trên mạng xã hội bởi những tranh cãi nảy lửa giữa hai luồng khán giả, một bên háo hức đợi đến “giờ vàng”, còn một bên đang rất băn khoăn, thậm chí có xu hướng bức xúc khi cho rằng: Hình tượng người lính hình sự trong "Bão ngầm" có gì đó "sai sai" khi tác giả kịch bản để cho nhân vật chính - một trinh sát nội tuyến - cho phép mình "thả lỏng" tình cảm với một nữ đồng nghiệp, khi vừa chia tay cuộc tình trước (cũng với một nữ đồng nghiệp) không lâu.

Những cái "sai sai" đó được chính tác giả kịch bản - nhà văn Công an Trung tá Đào Trung Hiếu - lý giải: "Bão ngầm" là bộ phim tôn trọng hiện thực và mong muốn phản ánh chân thực đời sống trong lĩnh vực an ninh trật tự đến khán giả. "Bão ngầm" không “lên gân, lên cốt” hay “tô son” cho hình tượng người lính.

Vượt ra khỏi những quan niệm chật hẹp

Lần đầu tiên có một bộ phim về đề tài Cảnh sát hình sự khiến khán giả "choáng" khi nghe cách xưng hô của các nhân vật trong phim. Thủ trưởng đơn vị xưng "mày tao" và gọi cán bộ dưới quyền là "thằng". Phải khẳng định, trước nay, đối với dòng phim được coi là nghiêm ngắn, điều này rất hiếm xảy ra. Khán giả vốn đã quen với việc xưng hô đúng điều lệnh một cách máy móc khô cứng giữa các vị lãnh đạo với lính tráng. Đó là mô típ chung: Hình tượng người Công an hiện lên tròn trịa, hoàn hảo không tì vết. Nhiều phim đã xuất hiện những anh Công an nghiêm nghị như thầy giáo làng, vô cùng mô phạm.

trung tá- nhà văn đào trung hiếu.jpg -0
Trung tá - nhà văn Đào Trung Hiếu.

Nhà văn, Trung tá Đào Trung Hiếu nói rằng, khi bắt tay viết kịch bản, anh đã hình dung ra phản ứng của khán giả. Bởi vậy, anh muốn vượt ra khỏi những quan niệm xưa cũ về hình tượng người chiến sĩ Công an.

"Những gì chúng tôi kể trên phim là hiện thực đời sống, là sinh hoạt đời thường của lính. Thực tế, chúng tôi chỉ gọi nhau là đồng chí khi đi họp hay trong những dịp trang trọng, còn trong sinh hoạt hàng ngày, chúng tôi vẫn xưng hô với nhau rất tự nhiên, gần gũi như bao người khác. Tuy nhiên, tôi viết thoại bám sát hiện thực, mô tả đúng những gì mà chúng tôi trải qua. Tôi không có ý định tô vẽ, thoa son trát phấn cho nhân vật của mình. Tôi chỉ muốn phản ánh một phần hiện thực sinh động và chân thực nhất, đời nhất.

Nhân vật của tôi hiện lên không quá cao siêu. Ví như trinh sát Đào Hải Triều là người lính rất giỏi nhưng trong đời thực thì lại vô cùng khờ khạo… Anh ta cũng rất “người” khi mắc phải những sai lầm. Cô trinh sát Hạ Lam cũng vậy, trong cô đã xuất hiện cơn "bão ngầm" khi trái tim rung rinh rất nữ nhi thường tình. Cô đã bỏ một anh lính Hải Triều khô khan, gì cũng biết mỗi tâm lý phụ nữ là không biết, để nghiêng về một anh bác sĩ đẹp trai, nhiều tiền, nhẹ nhàng, tình cảm, trong khi chính anh bác sĩ này là đối tượng mà Hạ Lam được giao nhiệm vụ tiếp cận trong chuyên án. Ngoài đời có tình huống đó không, có chứ, tất nhiên không phải là phổ biến, nhưng thực tế có những tình huống mà người chiến sĩ đã lung lay trước cám dỗ, trước vật chất, trước tình cảm, và họ đã gục ngã" - nhà văn Đào Trung Hiếu chia sẻ.

Trước hết phải khẳng định, "Bão ngầm" là tác phẩm văn học trinh thám hình sự mang tính hư cấu. Nghĩa là chuyện phim không phải là dựa theo một vụ án có thật, mà là sự sáng tạo, tưởng tượng. Khi chuyển thể câu chuyện trong tiểu thuyết thành kịch bản phim cùng tên, nhà văn Đào Trung Hiếu đã phát triển thêm nhiều nội dung mới không có trong tiểu thuyết, nhưng vẫn là hư cấu.

Theo như anh từng chia sẻ, chất liệu xây dựng nên tiểu thuyết và kịch là những sự việc, hiện tượng có thật, đã từng xảy ra đối với anh, với đồng đội, hoặc trong môi trường công tác của anh trong hành trình trực tiếp cầm súng đấu tranh với tội phạm gần 20 năm qua. Nói cách khác, hiện thực đời sống trong lĩnh vực an ninh trật tự đã được nhà văn văn học hóa, điện ảnh hóa. Chẳng hạn như việc đánh án, những sự sa ngã, mưu hèn kế bẩn, hay chiến công… đều phảng phất điều đã xảy ra. Thậm chí các nhân vật trong phim cũng được anh xây dựng dựa trên những nguyên mẫu có thật.

Như nhân vật Đào Hải Triều. Trong số phận, cá tính của nhân vật này, có một phần của chính tác giả. Bởi vì Đào Trung Hiếu đã từng là một trinh sát hình sự trong nhiều năm, đã làm những nhiệm vụ như Hải Triều nên mới có chất liệu và cảm xúc thật để viết ra nhân vật này. Chuyện người lính đứng trước sự lựa chọn, ranh giới đúng sai cũng là những điều chính bản thân nhà văn đã từng trải qua. Điều đó lý giải một trinh sát Hải Triều cũng từng có lúc vượt qua khỏi giới hạn, để rồi "mang tiếng" với đồng nghiệp khi bị nhận xét là kẻ "không ra gì", còn với khán giả thì Hải Triều không những bị "ném đá" dữ dội mà còn chia làm hai phe "ném đá" lẫn nhau.

phim hình sự bão ngầm.png -0
Phim hình sự “Bão ngầm”.

Ít khi nào mà nhân vật chính trong phim có lúc lại bị ghét như trong "Bão ngầm" - Đó cũng là cách mà Đào Trung Hiếu muốn vượt ra khỏi những quan niệm xưa cũ khi làm phim về hình tượng người lính. Có yêu có ghét, có xấu có tốt, vì vốn dĩ con người ta nhân vô thập toàn, anh quan niệm, cách phản ánh toàn diện về nhân vật giúp khán giả tiệm cận hơn và đưa nhân vật từ trong phim bước ra gần gũi đời sống hiện thực hơn.

"Bão ngầm" trong mỗi con người đều xảy ra hằng ngày

Lý giải cho nhân vật Hạ Lam, nữ trinh sát trẻ mới ra trường, thiếu bản lĩnh, không vượt qua được cám dỗ, nhà văn Đào Trung Hiếu kể rằng, hồi anh còn làm việc ở Đội Điều tra trọng án, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP Hà Nội, có thời gian phải đi thuê nhà vì không có tiền mua nhà riêng. Ngôi nhà chừng 20m2 cho ba người, nhiều đêm anh phải thức viết báo để có thêm thu nhập trả tiền nhà. Thời điểm đó, được giao nhiệm vụ thụ lý một vụ trọng án, người nhà bị can thông qua một người bạn của anh “bắn tiếng” rằng, nếu con họ thoát án tử, thì sẽ sang tên cho anh ngôi nhà trên phố Bạch Mai. Tất nhiên, Đào Trung Hiếu từ chối thẳng thừng vì lương tâm nghề nghiệp không cho phép làm sai lệch hồ sơ.

"Nhưng quyết định ấy cũng phải trải qua nhiều suy tư. Trải qua những cung bậc cảm xúc đắn đo, lựa chọn, nên tôi mới viết về cuộc đấu tranh tư tưởng trong nội tâm người lính khi phải lựa chọn trung thành hay phản bội, phụng công hay tư lợi, thông qua nhân vật Thiếu uý Vũ Hạ Lam" - nhà văn Đào Trung Hiếu chia sẻ.

Vì vậy, trong phim "Bão ngầm", mặc dù với chủ đề là tôn vinh người lính trinh sát với chiến công và hy sinh thầm lặng của họ, nhưng nhân vật chính không hề được tác giả cũng như đạo diễn tô vẽ, thần thánh hoá, vì bản thân người viết kịch bản cũng từng là người lính, với đầy đủ các sắc thái tâm lý ái, ố, hỷ, nộ như bất kỳ người nào. Hằng ngày, chính bên trong mỗi người như nữ trinh sát Hạ Lam  cũng xảy ra những cuộc đấu tranh giữa tốt và xấu, thiện và ác.

"Đồng đội tôi cũng vậy, có người thành anh hùng, nhưng cũng có người bị khởi tố trong công cuộc chỉnh đốn Đảng, bài trừ tham nhũng, tiêu cực… là minh chứng thuyết phục nhất cho vấn đề này. Hơn nữa, ngay trong mỗi người cũng đã chứa đựng những mặt đối lập, thì trong nội bộ cơ quan tổ chức đương nhiên tồn tại điều này. Phủ nhận nó là phản bội tinh thần duy vật trong triết học Mác xít, rằng luôn tồn tại cuộc đấu tranh giữa các mặt đối lập, thường gọi là quy luật mâu thuẫn. Nếu không có ác, sẽ không có thiện và cuộc đấu tranh giữa chúng để kể. Cái ác càng dữ dội thì cái thiện càng mạnh mẽ và tạo nên sức hấp dẫn của xung đột. Kể một câu chuyện thuyết phục là phải dám đối mặt, dám đối kháng với những quan niệm chật hẹp, phải sáng tạo với biên độ tư duy rộng hơn, chân thực với đời sống hơn" - nhà văn Đào Trung Hiếu nói.

Với một bộ phim được dư luận quan tâm như "Bão ngầm", khen chê cũng là lẽ thường tình, nhưng không thể phủ nhận tư tưởng chủ đề của phim là tôn vinh chiến công của lực lượng Công an trong đấu tranh với tội phạm và đấu tranh làm trong sạch nội bộ. Câu chuyện phim còn là cuộc chiến đấu làm trong sạch nội bộ và cuộc chiến đấu ở đáy sâu tâm lý nội tâm người lính khi đứng trước những sự lựa chọn. Những điều đó đang diễn ra hàng ngày hàng giờ.

Theo tác giả, anh chỉ đơn giản là một người kể hiện thực, không đặt ra cho mình trách nhiệm phải tô màu hiện thực hay làm sai lệch hiện tượng nào đó theo hướng tích cực hoặc tiêu cực. Nhiều người lính đã vượt lên cám dỗ, thử thách và ghi dấu ấn chiến công, đó là bảo vệ bình yên cuộc sống cho nhân dân. Có lẽ, đó mới là điều tác giả muốn kể.

Hiền Đinh
.
.