Nhà thơ thương binh Đỗ Việt Dũng:

Vẫn giữ tinh thần anh bộ đội Cụ Hồ

Thứ Sáu, 15/05/2015, 08:15
Ở tuổi 62, so với bạn bè cùng trang lứa thì sức khỏe của nhà thơ thương binh Đỗ Việt Dũng, người đã gắn liền tên tuổi với nhiều bài thơ được phổ nhạc như "Khách đến chơi nhà", "Tiếng hát Trương Chi"... có phần giảm sút đi khá nhiều. 

Quả thật, tôi đã có đôi lần xuống thăm ông đang cấp cứu trong bệnh viện với căn bệnh nan y nhưng chưa bao giờ thấy ông bi quan và phiền muộn. Hình như ở con người này, tình yêu đất nước đã trở thành thứ thần dược thực sự chứ không chỉ dừng lại ở những câu thơ. Nếu không phải thế thì làm sao vừa là thương binh, vừa bị nhiễm chất độc da cam lại đã từng bị ung thư vòm họng, rồi tai biến, đột quỵ... mà khi ngồi đối diện với ông, chúng tôi không hề nghĩ rằng đấy là một bệnh nhân.

Giữa không khí của những ngày tháng tư lịch sử, chúng tôi đã cùng nhà thơ thương binh Đỗ Việt Dũng ôn lại những ký ức chiến tranh đầy hào hùng của những tháng năm cả dân tộc tham gia chống Mỹ, cứu nước.

Hồi ức về túi tử sĩ

Thuở thiếu thời, Đỗ Việt Dũng rất mê đọc sách và đã đọc hết 13 tập của truyện "Tam Quốc Diễn Nghĩa". Điều ông rất tâm đắc là trong các tướng lĩnh có tên tuổi, có "lý lịch" của ba nước Ngụy, Thục, Ngô từ đầu đến cuối truyện thì duy nhất chỉ có Bàng Đức - tướng của nước Ngụy đã dám mang áo quan vào trận trong hồi "Bàng Đức mang áo quan quyết trận tử chiến, Quan Công khơi dòng nước tràn ngập bảy quân". Đây thực sự là hành động thể hiện sự dũng cảm đầy chí khí của một vị tướng khiến ông ngày đêm ngưỡng mộ.

Đến tuổi trưởng thành, năm 1970, trước tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, mặc dù vừa phải trải qua nỗi đau chịu tang mẹ nhưng ông vẫn quyết tâm làm đơn xin lên đường nhập ngũ. Người thanh niên ấy ra đi mang theo tình yêu Tổ quốc, quyết tâm góp phần sức lực nhỏ bé của mình để đi đến thắng lợi cuối cùng, thống nhất đất nước.

Từ giã miền quê Đông Linh, xã Đại Thắng, huyện Vụ Bản, Nam Định, ông tham gia huấn luyện tại Như Xuân, Thanh Hóa. Sau 3 tháng, ông được bổ sung vào đơn vị chiến đấu tham gia các trận đánh tại khu vực Nam Lào. Trước khi lên đường vào chiến trường, ngoài các vật dụng phục vụ cho hành quân và chiến đấu như gạo, cuốc xẻng, quần áo, giày, tất… cán bộ quân nhu còn phát cho mỗi tân binh một chiếc túi nilong màu xanh lá cây được gọi là túi tử sĩ.

Có lẽ, đây là vật dụng mà khi nhắc đến không đồng đội nào của ông có thể quên được. "Đó là chiếc túi mà đồng đội hướng dẫn cho nhau cách biến thành phao khi qua sông. Và, đó cũng là chiếc túi sẽ biến thành chiếc áo quan cho chính mình khi hy sinh", nhà thơ thương binh Đỗ Việt Dũng nhớ lại.

Ngẫm lại, thời Tam Quốc, chỉ có một vị tướng dám mang chiếc áo quan cho mình vào trận đã là một hình ảnh bất tử thì thời kỳ bom đạn khốc liệt ấy, hàng triệu thanh niên Việt Nam đã dám mang chiếc áo quan cho chính mình vào trận. Thật không còn minh chứng nào sống động hơn cho nhiệt huyết tuổi trẻ và lòng yêu nước của lứa thanh niên như nhà thơ Đỗ Việt Dũng bấy giờ.

Sau khi cùng đồng đội tham gia các trận đánh tại Nam Lào, đơn vị của nhà thơ Đỗ Việt Dũng được lệnh rút ra đóng quân tại Kỳ Tây, Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Cuối năm 1971, ông lại tiếp tục chiến dịch Tây Nguyên. Những trận đánh khốc liệt như trận đánh Khe Sanh, Cửa Việt, Thành cổ Quảng Trị, chứng kiến những cảnh sinh ly tử biệt, dường như, suy nghĩ về cái chết, sự hy sinh của những chiến binh như ông còn nhẹ hơn cả sợi lông hồng. Ông cùng đồng đội xông pha trên các trận tuyến, không quản hy sinh gian khó đã cùng quân và dân ta đưa cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi cuối cùng năm 1975, thống nhất đất nước.

Hiện nay, dấu tích chiến tranh vẫn còn sót lại trên cơ thể nhà thơ thương binh Đỗ Việt Dũng. Đó là những mảnh đạn chiến tranh, là thứ chất độc da cam mà khi trái gió trở trời liên tục "phá phách". Thế nhưng, đối với ông và hàng triệu đồng đội thì "tình yêu đất nước" chính là phương thuốc diệu kỳ để xoa dịu mọi cơn đau:

Đồng đội anh, mù mắt, cụt chân
Thương tích ấy thời gian nào xóa được
Chỉ có trái tim tình yêu đất nước
Là phương thuốc diệu kỳ, dịu bớt cơn đau

("Gương mặt chiến tranh" - thơ Đỗ Việt Dũng)

Doanh nhân nặng lòng với đồng đội

Hiện nay, với tinh thần lạc quan, bệnh tật dường như không thể quật ngã được nhà thơ thương binh Đỗ Việt Dũng. Là thương binh loại 2/4, sức khỏe tuy giảm sút nhiều nhưng người ta vẫn thấy ông làm thơ, viết kịch bản cho các chương trình văn hóa, văn nghệ rồi làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thương binh Thành Đô.

Khi chúng tôi đến gặp cũng là lúc ông vừa ở bệnh viện trở về. Năm vừa qua ông bị đột quỵ não rồi phổi tắc nghẽn mạn tính. Cũng may các giáo sư, bác sĩ là đồng đội của ông ở Viện Quân y 103 đã tận tình cứu chữa nên ông đã vượt qua bệnh tật. Nhưng bây giờ ông đã gầy yếu đi nhiều. Ấy thế mà vừa về đến nhà ông đã lao ngay vào công việc để chuẩn bị cho đoàn Cựu chiến binh C18- E48-F320 đi thăm lại chiến trường xưa. Và còn một việc mà ông cùng tập thể cán bộ công nhân viên Công ty Thương binh Thành Đô đang phối hợp với các đơn vị bạn để tổ chức chương trình tri ân đồng đội nhân dịp 27-7 năm 2015. Ông còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, tri ân đồng đội như tạo công ăn việc làm cho con cháu của đồng đội mình, tặng quà các gia đình thương binh, liệt sỹ vào dịp 27-7, Tết Nguyên đán…

Khi trò chuyện với chúng tôi, ông cũng bộc bạch tâm trạng và những bất cập của chính sách hiện nay. Ông bảo lẽ ra những trường hợp vừa thương binh vừa nhiễm chất độc da cam thì phải cộng tỷ lệ thương tật của cả hai loại ấy vào. Nếu vượt quá 81% thì phải được hưởng chế độ đặc biệt, có người chăm sóc, như thế mới công bằng. Bởi lẽ, những người như ông đi chiến đấu ở chiến trường, giặc Mỹ rải chất độc da cam vừa để tiêu diệt những cánh rừng, những dòng suối và dễ bề phát hiện lực lượng của bộ đội ta. Vì thế theo ông, chất độc da cam cũng là một loại vũ khí của kẻ thù mà ông và nhiều đồng đội khác đã bị nhiễm. Bởi vậy, sao lại gọi là nạn nhân da cam.

Ông bảo: "Chúng tôi đi đánh giặc chứ có đi chơi đâu, chỉ những đồng bào ta sinh sống ở vùng mà bị địch rải chất độc da cam, rồi bị ảnh hưởng và thế hệ con cháu bị di chứng thì mới gọi là nạn nhân chứ. Còn những người lính đi chiến đấu mà bị nhiễm chất độc da cam không thể gọi là nạn nhân được".

Còn một điều nữa mà ông và bao nhiêu đồng đội hiện nay đang bị thiệt thòi bởi khi bị thương, ra quân không ai dám khai thương tật nặng, vì lúc đó, nếu thương binh nặng là không cơ quan nào dám nhận. Bởi thế, để dễ có công ăn việc làm, ông và bao nhiêu đồng đội đã giấu đi những vết thương nặng, ví dụ, bom nổ gần bị chấn thương sọ não hoặc bị sức ép thì dễ giấu đi bởi những tổn thương này không để lại vết sẹo. Đến bây giờ khi có tuổi, các vết thương ấy mới hoành hành, thật là khổ sở. Mà muốn khám lại để nâng bậc xếp hạng thì hồ sơ thương tật lại không có những vết thương kia, thành ra đành chịu.

Khi chúng tôi thực hiện bài viết này cũng là lúc ông vừa trở về từ bệnh viện sau đợt điều trị căn bệnh ung thư xương. Hỏi lý do vì sao sức khỏe không cho phép mà ông vẫn có thể làm được nhiều thứ cống hiến cho cuộc đời thì ông chỉ đọc mấy câu thơ:

Đã bao người viết bản tình ca
Chưa có mối tình nào đẹp như anh với chị
Điều không thể vẫn trở thành có thể

Đơn giản thôi:

Họ là lính Cụ Hồ

("Họ là lính Cụ Hồ" - thơ Đỗ Việt Dũng) 

Thanh Hải
.
.