Sức trẻ làm nên diện mạo mới của điện ảnh Việt?

Thứ Năm, 14/06/2018, 08:50
Những gương mặt mới của điện ảnh liên tục xuất hiện với cấp độ dày đặc. Không chỉ mới và trẻ ở khâu kịch bản, đề tài, ở tên tuổi đạo diễn mà ngay cả dàn diễn viên cũng toàn cái tên lạ huơ lạ hoắc. Không ngoa khi nói rằng: năm 2018  là mùa phim của người trẻ.


Với hơn 10 phim ra rạp vào mùa hè này, những cái tên trình làng đa số là gương mặt lần đầu chạm ngõ điện ảnh. Từ các đạo diễn 8x, 9x như Cao Thúy Nhi, Nguyễn Hữu Hoàng, Kawaii Tuấn Anh, Duy Joseph, Roland Nguyễn Nhân... đến các diễn viên như Jang Mi, Phương Anh Đào, Wean Lê, Thùy Linh... đều mới toanh. Họ thực sự đã tạo nên một diện mạo trẻ trung hơn, hấp dẫn hơn ở cách diễn xuất lẫn cách thức làm phim khác lạ.

Đang công chiếu, "Nhắm mắt thấy mùa hè" là bộ phim độc lập đầu tay của đạo diễn Cao Thúy Nhi. Câu chuyện kể về hành trình tìm cha của  Nhật Hạ (do Phương Anh Đào thủ vai) tại một thị trấn nhỏ ở Hokkaido, Nhật Bản. Tại đây, cô gặp sự giúp đỡ và đồng hành của chàng trai Akira (Takafumi Akutsu thủ vai) lạnh lùng nhưng chân thành, luôn âm thầm bên cô. 

Đó không chỉ là câu chuyện tình yêu đẹp, đầy sâu lắng mà còn là tình cha con thiêng liêng. Phim lấy nước mắt khán giả ở những cung bậc cảm xúc tinh tế lồng trong khung hình vàng cam ấm áp tình người. Bằng sự tận tụy, nhiệt huyết, "Nhắm mắt thấy mùa hè" quả là bộ phim của tuổi trẻ "đáng để dành cả đời để làm một bộ phim như thế rồi thôi" như đạo diễn Cao Thúy Nhi tâm niệm.

"Trường học bá vương" rất khác biệt so với các bộ phim cùng khai thác đề tài học đường.

Nếu năm ngoái, cái tên Phương Anh Đào còn xa lạ với đông đảo khán giả thì năm nay, cô tỏa sáng rực rỡ với loạt phim "Nhắm mắt thấy mùa hè", "Em gái mưa" (đang công chiếu) và sắp tới là "Chàng vợ của em". Ngoài Phương Anh Đào, "Em gái mưa" của đạo diễn trẻ Kawaii Tuấn Anh còn có những gương mặt lần đầu thử sức với nghệ thuật thứ 7 như Lê Thùy Linh, Mai Tài Phến, Tiến Vũ...

Khai thác đề tài học đường nhưng "Trường học bá vương" của đạo diễn Duy Joseph lại mang màu sắc nổi loạn. Đó là ngôi trường của những học sinh cá biệt, thích thể hiện chính mình qua những trò nghịch ngợm không giống ai. Vai chính được giao cho diễn viên mới tinh: rapper Wean Lê. "Tìm vợ cho bà" cũng là nơi để Jang Mi - cô nàng nổi đình nổi đám khi cover các ca khúc bolero trên YouTube - thử sức trước ống kính.

Một thị trường điện ảnh phát triển lành mạnh rõ ràng phải phong phú đề tài, thể loại. Tuổi trẻ dám nghĩ dám làm, không ít người mạnh dạn phá vỡ khung an toàn gồm những phim thuộc dòng ngôn tình, thanh xuân, hài hước... để dấn thân vào những đề tài khó nhằn cho bộ phim đầu tay. Dòng hình sự, tâm lý tội phạm là một trong những đề tài khó như thế. 

Song, đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng vô cùng háo hức với "Ống kính sát nhân" để kịp ra rạp vào cuối tháng 6 này. Thử thách đặt ra với Hoàng là làm sao "Ống kính sát nhân" trở nên khó đoán, ám ảnh và thoát hẳn cái bóng quá lớn của nhiều bộ phim "bom tấn" nước ngoài.

Phim kinh dị Việt Nam luôn thua thảm hại ở phòng vé. Vậy mà đạo diễn Roland Nguyễn Nhân lại tiếp tục trung thành với dòng phim này. "Dream Man - Lời kết bạn chết chóc"  gây chú ý bởi khai thác câu chuyện rùng rợn về thế giới ảo trên mạng xã hội, qua đó đi sâu vào sự cô đơn của người trẻ hiện nay. Và như xu hướng chung, các vai diễn quan trọng đều giao phó cho dàn diễn viên khiến khán giả tò mò như Thanh Tú, Thanh Duy, Anh Tú... 

Bộ phim tạo được sự kỳ vọng của công chúng vì Roland Nguyễn Nhân từng có thời gian làm phim tại Mỹ - xứ sở của phim kinh dị. Cũng khai thác đề tài kinh dị, nhưng đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp lại muốn "Trái tim quái vật" kết hợp thêm thể loại hình sự tội phạm, tâm lý tình cảm. 

"Quả là quá nhiều khó khăn mà tôi phải đối mặt khi kết hợp nhiều thể loại. Nhưng tôi muốn thử thách bản thân với những điều khác biệt, sáng tạo. Tôi muốn học tập đạo diễn Boong Joon-Ho, người tạo ra những thước phim vừa làm khán giả sợ, vừa làm họ khóc, rồi cười. Ông là bậc thầy pha trộn các thể loại" - anh chia sẻ.

Leon Quang Lê cùng nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc xây dựng kịch bản "Song Lang". Đây là bộ phim thể hiện tình yêu cải lương do chính anh đạo diễn để ra mắt vào dịp kỷ niệm 100 năm ra đời bộ môn nghệ thuật độc đáo này. Những thân phận lao động da đen nhập cư bất hợp pháp ở TP Hồ Chí Minh lại được Lê Bảo, chàng trai trẻ 9x, đưa vào "Vị". 

Để mưu sinh, họ phải làm nghề mát xa dạo hoặc làm trai bao. Phim của Lê Bảo, từ phim ngắn tới phim dài đều ngồn ngộn hơi thở cuộc sống đương đại, gần gũi mà giản dị, đập vào mắt ta hằng ngày hằng giờ. Cảnh phim trôi chậm, ít cắt cảnh, góc máy tối giản ... khiến người xem cảm thấy cái bí bách, chán ngán của thân phận con người. Lòng lắng lại để dằn vặt và tự vấn cho sự tồn tại của những kiếp người trôi nổi giữa cuộc đời này.

Diễn viên Phương Anh Đào được đánh giá cao bởi lối diễn chân thật, cảm xúc trong "Nhắm mắt thấy mùa hè".

Dòng phim tuổi thanh xuân, ngôn tình lên ngôi trong những năm gần đây là một trong những động lực thúc đẩy các nhà làm phim trẻ dấn thân. Thành công của "12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy", "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", "Em chưa 18", "Tháng năm rực rỡ"... đã chứng minh điều đó. 

Những diễn viên như Jun Vũ, BB Trần, Thanh Mỹ, Kaity Nguyễn, Kiều Trinh... và ngay cả đạo diễn (như đạo diễn Vũ Ngọc Phượng ) là những gương mặt mới toanh nhưng họ nhanh chóng chinh phục khán giả. Với đề tài thanh xuân, ngôn tình, ekip trẻ là lợi thế để nó dễ dàng tiếp cận khán giả trẻ - lực lượng khán giả chủ lực của rạp phim.

Xưa rồi quan niệm phải có ngôi sao thì phim mới ăn khách. Bởi rất nhiều phim có "át chủ bài" Trường Giang, Hoài Linh, Trấn Thành, Thái Hòa... như "Mỹ nhân, già gân và găng tơ", "Trùm cỏ", "Fan cuồng"... nhưng đều "ngã ngựa". Những nghệ sĩ trên tuy tài năng nhưng vì cường độ xuất hiện của họ quá nhiều, duyên nghề bị khai thác cạn kiệt nên khán giả bắt đầu ngán ngẩm. 

Chuyện mời ngôi sao ở các lĩnh vực khác như ca nhạc, thời trang, thể thao... bất chấp họ có biết diễn hay không cũng đi vào dĩ vãng. Cắt nghĩa vì sao lại chọn những gương mặt mới cho "Em gái mưa", đạo diễn Kawaii Tuấn Anh lý giải: "Gương mặt tươi mới, lạ lẫm biết diễn xuất tốt giúp bộ phim nâng cao chất lượng. Chọn diễn viên mới có lợi thế giúp khán giả có niềm tin vào câu chuyện và dễ thổn thức cùng nhân vật. Phần nữa cát xê trả cho diễn viên mới thường "nhẹ đô" hơn so với việc mời ngôi sao". 

Những  nghệ sĩ kỳ cựu giờ đây chỉ đóng vai trò bệ đỡ hỗ trợ cho diễn viên trẻ tỏa sáng. Chẳng hạn trong "Em gái mưa", bên cạnh dàn diễn viên mới là sự góp mặt của danh hài Việt Hương và Trung Dân. "Chàng vợ của em" thì có Thái Hòa và Hứa Vĩ Văn...

Bên cạnh đó, sự phát triển ồ ạt của thị trường điện ảnh trong nước giúp dự án của người trẻ có cơ hội hiện thực hóa. 10 năm trước, mấy ai dám nghĩ phim Việt sẽ chạm mốc trăm tỷ.  Đến giờ đã có đến 4 phim làm được gồm "Em chưa 18", "Để Mai tính 2", "Siêu sao siêu ngố", "Em là bà nội của anh". 10 năm trước, cũng chẳng ai dám nghĩ một năm phim Việt lại tung ra gần 50 phim. Bây giờ con số đó đang có triển vọng tăng thêm. Thị trường điện ảnh Việt Nam quả là còn vô vàn mảnh đất trống cần người khai phá. 

Tuổi trẻ lại chẳng ngại thử nghiệm những điều mạo hiểm, khác biệt. Đương nhiên để nhà sản xuất gật đầu, dốc tiền đầu tư, các nhà làm phim phải chứng minh thực lực của mình.  Để có kinh phí làm những cảnh quay demo (cảnh quay nháp) gửi đến nhà tài trợ,  Cao Thúy Nhi liều lĩnh đem sổ đỏ nhà ra ngân hàng. 

Và sự nhiệt tâm, chân thành đến quyết liệt ấy của cả ekip trẻ đã làm nên một "Nhắm mắt thấy mùa hè" như mong đợi. Không chỉ tìm kiếm nguồn tài trợ trong nước, tuổi trẻ bây giờ còn mạnh dạn tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài. Để có tiền quay "Vị", Lê Bảo rong ruổi qua nhiều nước. Mới đây, như để đền đáp cho ba năm nỗ lực không ngừng nghỉ, anh được nhận thêm gần 60.000 euro của một tổ chức làm phim tại Ý.

Với những ý tưởng lạ lẫm, táo bạo, thế hệ mới của làng điện ảnh được khán giả đặt rất nhiều kỳ vọng. Ở quy luật tất yếu "tre già măng mọc", người ta mong mỏi sự kế thừa này sẽ tạo ra cơ hội đột phá, như một lớp "tre" đầy kiêu hãnh giúp nền điện ảnh nước nhà sang trang. Bởi khán giả Việt chưa bao giờ quay lưng lại với điện ảnh nước nhà. Họ chỉ quay lưng với những bộ phim làm chưa tới, chưa đạt và đầy mùi rẻ rúng của "mì ăn liền".

Mai Quỳnh Nga
.
.