Nhạc kịch Broardway trên sân khấu Việt: Thêm những cánh én báo tin vui...

Thứ Bảy, 03/09/2016, 09:51
“Chuyện tình nàng Giáng Hương”, “Ben Hur” (tựa đề tiếng Việt: “Trái tim rực lửa”, “Góc phố danh vọng”, “Đêm hè sau cuối” phiên bản mới... là một số dự án nhạc kịch Broardway “made in Việt Nam” sẽ được ra mắt khán giả trong thời gian tới đây. Phải thừa nhận rằng, nhạc kịch Broardway ngày càng trở nên quen thuộc với khán giả. Tuy nhiên, để xây dựng được một nền nhạc kịch Broardway thuần Việt vẫn là câu chuyện dài ở phía trước.


Kỳ vọng vào những dự án mới

Đạo diễn 9X Nguyễn Phi Phi An sẽ trở lại sân khấu thủ đô vào tháng 9 tới đây bằng hai vở nhạc kịch được làm mới là “Góc phố danh vọng” và “Đêm hè sau cuối”. Cùng với đó, vở nhạc kịch “mới toanh” là “Mộng ước không xa vời” dự kiến sẽ được ra mắt vào đầu năm 2017. Khán giả thủ đô, đặc biệt là khán giả trẻ háo hức mong chờ vào những tác phẩm được gọi là “ca nhạc kể chuyện” của Nguyễn Phi Phi An. 

Còn nhớ, cách đây vài năm, khi “Góc phố danh vọng” và “Đêm hè sau cuối” lần đầu tiên “trình làng”, đã mang đến cho khán giả những cung bậc cảm xúc từ một loại hình nghệ thuật mới mà khán giả thủ đô chưa từng được thưởng thức trước đó. Nguyễn Phi Phi An hy vọng rằng, những tác phẩm nhạc kịch lần này sẽ được khán giả đón nhận mặc dù biết rằng, vài năm trước, nhạc kịch mang phong cách broardway trên sân khấu Việt là “hàng hot”, nhưng thời điểm này không còn là “hàng hiếm”.

So với sân khấu phía Bắc, nhạc kịch broadway ở phía Nam sôi động hơn rất nhiều. Dự án nhạc kịch “Ben Hur - Trái tim rực lửa”đang gây được sự chú ý với khoản kinh phí đầu tư lên đến 10 tỷ đồng. “Ben Hur – Trái tim rực lửa” xây dựng dựa trên tiểu thuyết “A tale of Chris” của tác giả William Wyler, từng được dàn dựng trên sân khấu một số quốc gia châu Âu.

Một cảnh trong vở nhạc kịch “Tấm Cám” ra mắt vào dịp Tết Nguyên đán vừa qua.

Với sự góp mặt của những tên tuổi lớn trong làng giải trí Việt như nhạc sĩ Đức Trí, biên đạo múa Tấn Lộc cùng các thành viên trong gia đình NSƯT Đoàn Bá (nguyên Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang), “Ben Hur” được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá mới cho nhạc kịch broadway trên sân khấu Việt khi ra mắt vào đầu năm 2017.

Một vở nhạc kịch nữa lấy cảm hứng từ câu chuyện “Từ Thức gặp tiên” là “Chuyện tình nàng Giáng Hương” (Biên kịch và Tổng đạo diễn: Trần Nguyễn Thiên Hương; Đạo diễn âm nhạc: Nguyễn Công Phương Nam; Đạo diễn sân khấu: Sylvain Merille; Cố vấn chuyên môn: Nhạc trưởng NSƯT Hoàng Điệp; Biên đạo Anh Nguyên; Thiết kế sân khấu Nguyễn Tâm Thiền) cũng dự kiến ra mắt vào đầu tháng 10-2016.

Vòng casting diễn ra cuối tháng 5-2016 thu hút khá đông nghệ sỹ chuyên và không chuyên đến thử vai. Ban Tổ chức đã lựa chọn được 30 nghệ sỹ tài năng nhất tham gia dự án, trong đó, vai Từ Thức sẽ do ca sĩ Đức Tuấn thủ vai, vai nàng Giáng Hương do nghệ sỹ Hoàng Kim và Thanh Nguyên thể hiện. Theo tiết lộ của Ban Tổ chức, “Chuyện tình nàng Giáng Hương” sẽ được xâu chuỗi bằng những bản tình ca lãng mạn của các nhạc sỹ Việt Nam như Ngô Thụy Miên, Phạm Duy, Văn Cao… “Chuyện tình nàng Giáng Hương” được kỳ vọng sẽ tạo “dấu ấn khó phai” trong lòng khán giả.

Trước đó, hồi đầu năm nay, hai vở nhạc kịch là “Trót yêu” của sân khấu Thế giới trẻ và “Tấm Cám” của nhóm Buffalo nhận được phản hồi tích cực của khán giả. Nếu “Tấm Cám” khai thác một câu chuyện cổ tích vốn đã được nhiều thế hệ thuộc lòng thì “Trót yêu” lại kể câu chuyện tình yêu với nhiều cung bậc cảm xúc của người trẻ trong thời đại mới.

Nhiều khán giả đồng tình cho rằng, với cách thể hiện mới mẻ, sinh động, “Trót yêu”và “Tấm Cám” là những điểm sáng trên sân khấu phía Nam trong dịp Tết Nguyên đán 2016. Ngoài ra, nhóm Buffalo cũng có công lớn trong việc đưa nhạc kịch đến gần hơn với công chúng khi tham gia chương trình “Cười xuyên Việt – Tiếu lâm hội” 2016 (Đài Truyền hình Vĩnh Long) và trở thành một trong hai quán quân của chương trình này.

Những vở nhạc – hài kịch của Buffalo, điển hình như tiểu phẩm “Đoàn lô tô Năm Phượng” (dựa trên câu chuyện có thật trong bộ phim tài liệu “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”) đã gây ấn tượng khi vừa mang đến tiếng cười sảng khoái vừa mang đến những giây phút xúc động cho khán giả.

Vẫn còn muôn vàn khó khăn

Hiện có hai dòng chảy chính trong việc xây dựng nhạc kịch broadway trên sân khấu Việt. Một là, Việt hóa những tác phẩm nhạc kịch lừng danh trên thế giới. Hai là, xây dựng những vở nhạc kịch hoàn toàn thuần Việt, dựa trên những câu chuyện thuần Việt.

Tôi ủng hộ hướng đi thứ hai vì cho rằng, nhạc kịch Việt muốn phát triển và đi đường dài cần có bản sắc và phong cách riêng. Nếu chỉ đơn thuần mua bản quyền từ những vở nhạc kịch của nước ngoài thì dù có Việt hóa tài tình đến đâu thì chúng ta cũng khó “qua” được phiên bản gốc.

Vở nhạc kịch “Chuyện tình nàng Giáng Hương” sẽ ra mắt khán giả vào tháng 10 tới đây.

Đó là chưa kể đến chuyện dễ rơi vào tình trạng khập khiễng giữa câu chuyện với tình tiết ngoại và lời thoại, lời ca Việt. Việc xây dựng một vở nhạc kịch thuần Việt từ “a-z” đặt ra nhiều thách thức, có phần mạo hiểm về khả năng thành công của vở diễn.

Nhạc sĩ Đức Trí từng chia sẻ, đại ý rằng, anh muốn nhạc kịch Việt phải bứt ra khỏi những khuôn mẫu của broardway ở Mỹ hay Anh. Học cách diễn đạt của phương Tây, tức là cách diễn một vở nhạc kịch nhưng diễn đạt theo cách của mình, theo ngôn ngữ Việt. Đây là một hướng đi đúng, dù còn nhiều thách thức nhưng cần thiết để xây dựng nhạc kịch broadway mang bản sắc Việt.

Có thể nói rằng, nhạc kịch “Góc phố danh vọng” (2012) và “Chicago” (2013, nhóm Buffalo) đánh dấu sự xuất hiện của nhạc kịch broadway trên sân khấu Việt. Tuy nhiên, kể từ thời điểm đó đến nay, nhạc kịch broadway vẫn chưa trở thành một dòng chảy nổi bật và ổn định vì nhiều rào cản.

Nhạc kịch là một loại hình tổng hợp nhiều bộ môn nghệ thuật khác nhau như kịch, âm nhạc, vũ đạo… có thể thỏa mãn cả phần “nghe” và “nhìn”, rất phù hợp với thị hiếu khán giả trong bối cảnh hiện nay. Vì là sự “tích hợp” của nhiều loại hình nghệ thuật nên nhạc kịch có những đòi hỏi khắt khe về sân khấu, âm thanh, ánh sáng mà phần lớn sân khấu Việt chưa thể đáp ứng.

Nhà sản xuất “Ben Hur – Trái tim rực lửa” cho hay, toàn bộ trang phục, đạo cụ, cùng nhiều thiết bị sẽ được mua từ nước ngoài để vở diễn “đúng chuẩn broadway”. Tuy nhiên, nhiều người nhận định, đạo diễn Đoàn Bá chi 10 tỷ đồng để xây dựng một vở nhạc kịch trên sân khấu Việt hiện nay là “cú mạo hiểm” và “nắm chắc thất bại về doanh thu” vì mỗi vé bán ra chỉ được vài trăm ngàn đồng.

Một vấn đề mang tính “cốt tử” cho sự thành công của nhạc kịch broardway là diễn viên. Diễn viên nhạc kịch cần hội tụ nhiều kỹ năng ca hát, diễn xuất, nhảy múa. Trong khi Việt Nam chưa có chuyên ngành đào tạo diễn viên nhạc kịch thì những đợt casting diễn viên luôn là một thử thách lớn.

“Góc phố danh vọng” đã xảy ra tình trạng hai diễn viên chính vào vai Rodolph và Roxanne “có hình mà không có tiếng” phải “mượn” giọng hát của diễn viên khác. Tương tự như vậy, phần nhạc nền của vở nhạc kịch “Tấm Cám” được thu trước trong khi cả phần nhạc và phần tiếng trong nhạc kịch “Trót yêu” đều được thu trước. Điều này khiến khán giả cảm thấy hụt hẫng bởi với nhạc kịch, khả năng trình diễn “live” của diễn viên là một lợi thế cũng là đặc trưng cơ bản của loại hình nghệ thuật này. Chính khả năng diễn “live” tạo cảm hứng cho diễn viên và khiến khán giả luôn cảm nhận được sự tươi mới ngay cả khi đã xem đi, xem lại vở diễn nhiều lần.

Nhạc kịch broadway trên sân khấu Việt có một lợi thế rất lớn đó là tình yêu, sự kỳ vọng của khán giả. Những viên gạch đầu tiên của loại hình nghệ thuật mới mẻ này đã được đặt xuống. Tuy nhiên, để xây dựng lên đó những “tòa nhà cao tầng”, các cơ quan chức năng cần xây dựng chiến lược phát triển dài hơi. Trước tiên, phải ưu tiên xây dựng đội ngũ làm nhạc kịch từ đạo diễn, diễn viên, biên đạo đến âm nhạc, thiết kế mỹ thuật… Có như vậy, nhạc kịch mới có nền tảng vững chắc để phát triển lâu dài.

Tường Phạm
.
.