Nhà văn Học Phi: Cố gắng để là một người già dễ chịu

Thứ Ba, 17/05/2011, 14:00
Tính theo tuổi ta, nhà văn Học Phi năm nay đã 99 tuổi. Ông sinh năm Quý Sửu (1913), hiện đang là nhà văn có tuổi đời và tuổi Đảng (78 tuổi Đảng) cao nhất Hội Nhà văn Việt Nam. Mới đây, lão nhà văn đã có kịch bản sân khấu "Hai người mẹ" tham dự cuộc thi viết kịch bản sân khấu của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, trở thành tác giả cao tuổi nhất có kịch bản dự thi. Vị "trưởng lão" của Hội Nhà văn bảo: "Ngày nào tôi cũng làm việc, cũng viết một cái gì đó. Khi không làm việc, tôi rất buồn...".

Nhà văn Học Phi bị căn bệnh thoái hóa cột sống, cộng với thoát vị đĩa đệm dẫn đến liệt nửa người đã dăm năm nay. Từ đó, chiếc xe lăn trở thành vật bất ly thân của ông. Nhưng ông bảo, thế vẫn còn may chán, bởi đôi tay vẫn còn lanh lẹ, đầu óc còn minh mẫn. Chỉ có điều mấy tháng nay, tai ông trở nên nghễnh ngãng, còn mắt thì đến đeo kính cũng không còn tác dụng nữa. Ông bảo: "Thế là đúng quy luật, chứ cách đây ít năm, khi ngoài 80 tuổi tôi vẫn đi xe đạp ầm ầm khiến có người bảo tôi: "Con người này dường như cưỡng lại những quy luật của thời gian", nhưng bây giờ thì đúng quy luật rồi đấy. "Sinh, lão, bệnh, tử", rồi ai cũng phải về cõi ấy cả thôi…".

Việc không nghe được rõ điều người khác nói cũng là một cái phiền, nhưng trước đây nhà văn Học Phi từng có một người bạn bị điếc sớm là cụ Lê Giản, nên ông rất có "kinh nghiệm". Ông bảo: "Với người nghễnh ngãng, không cần phải nói quá to mà quan trọng là phải nói chậm, rõ. Với giọng nữ như các cô thì nói tôi còn nghe được, chứ thằng Phi, thằng Lai giọng đàn ông ồm ồm nói là tôi không nghe được gì. Không nghe được chúng nó lại càng quát to hơn, mà càng quát to thì tôi lại càng không nghe được. Khổ thế!". "Thằng Phi", "thằng Lai" mà nhà văn Học Phi nhắc đến ở trên chính là nhà văn Hồng Phi và nhà văn Chu Lai - vốn là hai cái tên không hề xa lạ với giới văn chương kịch nghệ. Thừa hưởng "gien di truyền" từ cha, họ đều là những nhà văn say mê sân khấu và không thể phủ nhận cha con họ đã có những đóng góp đáng kể cho nền sân khấu nước nhà.

Nhà văn Học Phi hiện sống cùng gia đình người cháu nội ở khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính. Phải ngồi xe lăn nên việc ở chung cư sẽ tiện lợi cho việc sinh hoạt, di chuyển, chăm sóc của ông.

Căn phòng của ông có hai cửa sổ mở ra mặt thoáng nên cũng chan hòa ánh sáng, tiện cho việc viết lách mà không cần tới đèn điện. Ở tuổi 99, nhà văn Học Phi vẫn giữ được sự lạc quan, yêu đời và luôn tếu táo kể về bản thân. Ông bảo: "Tôi tuổi Quý Sửu nên vất vả như trâu, suốt đời cày cuốc mà thôi!". Câu chuyện của tôi và ông cứ lan man chẳng có chủ đề nào cụ thể, từ chuyện 3 lần ông bị bắt bớ, tù đày từ thời tiền khởi nghĩa đến chuyện ăn, chuyện ngủ của một người mắc bệnh già. Nhìn ông đủ biết, tuổi trẻ ông hẳn là một thanh niên sức vóc, nhanh nhẹn và bảnh trai. Ông thủng thẳng: "Hồi còn trẻ tôi khỏe lắm nên đến giờ cũng mới được như thế này chứ. Nhờ giời, tôi ăn uống vẫn còn thấy ngon. Và dù đêm nào cũng phải dậy nhiều lần nhưng vẫn ngủ lại được. Nhưng mừng nhất là vẫn chưa bị lẫn dù cũng quên nhiều, chứ nhiều người già bị lẫn cũng khổ lắm. Tôi vẫn rèn luyện trí nhớ hàng ngày bằng cách nhớ lại những câu chuyện cũ, những người bạn xa gần. Có khi đang ngồi viết nhưng đến một chữ định diễn đạt mà nghĩ mãi không ra, tôi vẫn kiên trì cho đến khi tìm ra thì thôi…".

Dù tuổi đã cao nhưng đến nay lão nhà văn Học Phi vẫn giữ thói quen hút thuốc lá mỗi ngày… 5 điếu vì ông bảo, nếu ngồi không thì rất buồn. Ngày nào ông cũng ngồi vào bàn viết một cái gì đó. Ông viết trên giấy trắng khổ A4 không cần dòng kẻ nhưng vẫn tương đối thẳng hàng ngay lối. Viết xong, ông nhờ cháu gái đem tới một cô đánh máy ở gần nhà đánh vi tính hộ. Năm ngoái, ông xuất bản tiểu thuyết "Đi tìm mái ấm gia đình" và trở thành nhà văn cao tuổi nhất ở Việt Nam có tiểu thuyết mới được xuất bản. Nói rồi, ông cho tôi xem bản thảo truyện ngắn "Con nhà địa chủ" vừa đánh vi tính xong còn thơm mùi mực. Tôi hỏi thêm về kịch bản "Hai người mẹ" ông gửi dự thi cuộc thi Sáng tác kịch bản sân khấu của Hội Nghệ sĩ Sân khấu thì ông cười tủm tỉm: "Đấy là thằng Chu Lai nó cứ bảo đưa đây cho con thì tôi đưa cho nó thôi, chứ tôi giờ thì thiết gì thi thố nữa đâu". Ông tiết lộ thêm: "Tôi vừa viết "một lô" truyện ngắn, nhưng truyện ngắn của tôi lại thường… khá dài, khoảng 10.000 chữ cơ, nên các báo Trung ương ít khi đăng lắm. Vì thế tôi thường phải gửi cho các tạp chí văn nghệ của các địa phương. Hôm nay, tôi bắt đầu viết một kịch bản phim có tên "Cô thợ mỏ". Tôi cứ viết để đấy thôi, chứ chưa nghĩ đến chuyện dựng phim. Tôi viết đầu tiên là cho đỡ buồn thôi, chứ viết kịch bản phim không phải là nghề của tôi. Tôi mới chỉ có một kịch bản phim được dựng, có tên "Minh Nguyệt". Phim được giải thưởng cách đây mấy năm. Với lại, tôi chỉ toàn viết về những thứ xưa cũ nên các đạo diễn bây giờ không "mặn mà" đâu. Nhưng đó là công việc của thế hệ chúng tôi mà. Vì vậy, vở nào, phim nào được dựng tôi cũng theo sát đạo diễn, khi cần là phải "cãi nhau" với họ. Phải cãi cho ra vấn đề chứ, nếu không họ lại… phá hỏng mất kịch bản của mình. Ví dụ vở "Ni cô Đàm Vân" của tôi được khoảng 15 đoàn dựng đấy, và hình như với lần dựng nào cũng phải… cãi nhau với đạo diễn mới xong".

Nhà văn Học Phi tâm sự rằng "ngoảnh đi ngoảnh lại, bạn văn giờ còn mỗi Tô Hoài nhưng lâu lắm rồi cũng không gặp. Còn cánh trẻ thì họ chẳng thiết gì chơi với mình, đâm ra nếu khi thức mà không viết thì cũng không biết làm gì". Ông bảo, đến nay ông đã viết khoảng 30 kịch bản sân khấu, 10 tiểu thuyết và 3 tập truyện ngắn. Tiểu thuyết của ông thường nặng tính tư liệu, trong đó có nhiều trang giống như hồi ký về những năm tháng cách mạng sục sôi của chính ông. Kịch bản sân khấu mới là nơi gửi gắm nhiều trăn trở của ông. Đến nay ông vẫn được xem là nhà biên kịch kỳ cựu với những vở diễn đã ghi dấu ấn khó phai trong đời sống sân khấu cách mạng Việt Nam. Đã nhiều năm tháng trôi qua, nhưng những vở như "Xung đột", "Chị Hòa", "Một  đảng viên", "Người kỹ nữ ở Đông Quan", "Mở đường", "Ni cô Đàm Vân"… vẫn là những vở diễn độc đáo, mang nét riêng của Học Phi. Đến nay, nhà văn Học Phi đã được Đảng và Nhà nước trao tặng những phần thưởng cao quý như Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (năm 1996) và Huân chương Độc lập hạng Nhất.

Cuộc đời trải gần trăm năm của nhà văn Học Phi có nhiều niềm vui, nỗi buồn: 3 lần bị bắt bớ tù đày và lần đầu tiên bị bắt, ông mới 15 tuổi. Ông có 2 người con trai là liệt sĩ, ngoài ra còn có hai người con bị giặc sát hại trong kháng chiến chống Pháp. Ông từng đảm nhận những chức vụ: Chủ tịch UBND Cách mạng tỉnh Hưng Yên, Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Ông là một người giản dị, vui vẻ, dễ tính và luôn giữ được sự lạc quan để con cháu không có cảm giác đang có một người già ốm trong nhà. Tôi đã từng biết nhiều người già khó tính, "làm nũng" con cháu nhưng với nhà văn Học Phi, có vẻ như điều này chưa từng xảy ra. Có lẽ bởi ông là người đã trải qua nhiều biến cố trong cuộc đời, nên ông đã học được cách bình thản với mọi điều xảy đến với mình. Chị Hằng - một người giúp việc của nhà văn Học Phi giãi bày: "Tôi chăm sóc cụ đã 6 năm nay nên rất gắn bó và thương cụ. Tuy từng là "quan" nhưng cụ là người rất vui vẻ, hòa đồng, rất quần chúng và quý mến mọi người. Vì vậy, nhiều người trả lương cao hơn để tôi đến giúp họ nhưng tôi không đi đấy!".

Chị Hằng chăm sóc cụ Học Phi tận tụy như chăm sóc một người cha cùng với lòng kính trọng, quý mến. Bởi vậy, chị tâm nguyện, khi nào cụ còn sống thì chị còn ở đây giúp đỡ mà không đi đâu hết, dù có nhiều lời mời gọi…

Nhà văn Học Phi kể rằng: "Khi còn sống, bà nhà tôi chăm tôi lắm. Bà ấy mất đi, lúc đầu tôi cũng cảm thấy buồn, nhưng lâu dần cũng quen đi. Mình già, nhưng cố gắng để là một người già dễ chịu, không phiền nhiễu đến con cháu". Đã 5 năm nay, nhà văn Học Phi chỉ quanh quẩn trong căn phòng của mình hoặc đi đến…bệnh viện. Những lúc rảnh rỗi, ông thường trầm ngâm nhớ lại những năm tháng tuổi trẻ của mình như một cách rèn luyện trí nhớ. Cũng đã nhiều năm, do sức khỏe yếu, ông không thể về thăm quê nhà ở Tiên Lữ - Hưng Yên. Ông bảo: "Càng già lại càng nhớ quê. Nhớ mà không về được. Nhà ở quê cũng khang trang lắm, lại có không gian, không khí trong lành. Nhưng giờ nhớ chỉ để mà nhớ thôi, chẳng làm gì được…".

Nếu một sáng nào đó, bạn đến thăm lão nhà văn Học Phi, bạn sẽ thấy ông ngồi đó, trong căn phòng ở một khu đô thị đẹp của Hà Nội, trên chiếc xe lăn giờ đã như người bạn tri kỷ, trước chiếc bàn luôn có những bản thảo còn viết dở…

Hà Anh
.
.