Nhạc sĩ Dân Huyền:

Người đầu tiên viết bài hát về Lăng Bác Hồ

Thứ Năm, 28/05/2015, 08:30
Có lẽ là hơi… thừa nếu đặt câu hỏi cho nhạc sĩ Dân Huyền rằng ông yêu và đến với dân ca từ khi nào, bởi đã là người Việt Nam thì hầu như đều biết và thuộc một vài điệu dân ca nào đó. Huống hồ ông lại được sinh ra trên mảnh đất xứ Nghệ giàu truyền thống yêu nước và đậm đà những câu hò ví giặm...

Không riêng những khán thính giả của Đài Tiếng nói Việt Nam mà đông đảo người yêu dân ca trên khắp mọi miền Tổ quốc từ nhiều năm nay đã rất quen thuộc với tên tuổi của nhạc sĩ Dân Huyền. Gần 80 tuổi, tác giả của hàng nghìn lời ca ngọt ngào, đậm say tình người ấy vẫn làm việc không ngừng nghỉ ở nhiều lĩnh vực: sáng tác nhạc, làm thơ, viết câu đố, viết báo... Và đặc biệt, ông vẫn thủy chung dành trọn tâm huyết, sức lực để gìn giữ, nâng niu những làn điệu dân ca, như giữ gìn một viên ngọc sáng, một nguồn chảy tinh khiết giữa cuộc sống hiện đại đầy hối hả này.

Chúng tôi tới thăm nhạc sĩ Dân Huyền tại căn phòng tầng 4 của Khu tập thể Đài Tiếng nói Việt Nam trên đường Giải Phóng, Hà Nội, nơi ông cùng gia đình sống mấy chục năm qua. Căn nhà ngay đầu hồi, lộng gió và luôn tràn ngập những thanh âm của đời sống. Trong đó có cả những thanh âm đoàn tàu ngày đêm mà với nhạc sĩ Dân Huyền thì giờ đây đã trở nên gần gũi và thân thuộc. Nhiều khi, giữa đêm khuya, tiếng còi tàu hú dài lại gợi ông nhớ đến một miền quê nào đó, nơi ông từng đặt chân đến, từng ghi dấu ấn trong ông bằng những làn điệu dân ca đậm nghĩa vẹn tình.

Có lẽ là hơi… thừa nếu đặt câu hỏi cho nhạc sĩ Dân Huyền rằng ông yêu và đến với dân ca từ khi nào, bởi đã là người Việt Nam thì hầu như đều biết và thuộc một vài điệu dân ca nào đó. Huống hồ ông lại được sinh ra trên mảnh đất xứ Nghệ giàu truyền thống yêu nước và đậm đà những câu hò ví giặm. Lớn lên trong một gia đình mà ông nội là người làm thơ hay, bà nội thuộc, hát hay nhiều làn điệu dân ca của vùng quê Nghệ Tĩnh đã nuôi dưỡng tâm hồn yêu nghệ thuật của nhạc sĩ Dân Huyền ngay từ tấm bé. Để rồi 16 tuổi, Dân Huyền đã trở thành nhạc công kéo violon của Đoàn Văn công Liên khu 4.

Nhạc sĩ Dân Huyền chia sẻ, ngay từ những tháng ngày này, ông đã có điều kiện đi tìm hiểu và sưu tầm dân ca. NSND Đào Mộng Long khi ấy là trưởng đoàn rất tạo điều kiện cho Dân Huyền sáng tác viết nhạc. "Ngày ấy không có máy ghi âm, đi tới đâu nghe được một bài dân ca hay, tôi đều ghi lời vào sổ tay và nhớ giai điệu trong đầu.

Sau này, khi về công tác tại Ty Văn hóa Nghệ An rồi Ban Dân ca Đài Tiếng nói Việt Nam thì tôi càng có điều kiện phát huy tình yêu, niềm đam mê của mình. Cũng vì đặc thù công việc mà tôi may mắn được đi khắp cả nước tìm hiểu các làn điệu dân ca của các vùng, miền khác nhau" - nhạc sĩ Dân Huyền bộc bạch.

Là người con xứ Nghệ, nhạc sĩ Dân Huyền rất vui mừng và tự hào khi gần đây dân ca ví giặm của Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhưng trong niềm vui chung ấy, ít ai biết rằng, chính nhạc sĩ Dân Huyền là người đầu tiên mang dân ca Nghệ Tĩnh về Đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng cho đông đảo khán thính giả trên cả nước.

Ông kể: "Năm 1967, khi tôi vừa chuyển công tác về Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam thì đúng lúc này, đoàn Văn công Nghệ Tĩnh ra tập huấn ở Hà Nội. Tôi đến xem và thu thanh 3 bài dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh là "Thần sấm ngã", "Đôi bồ dân công" và "Dâng Người câu ví đất Hồng Lam" mang về Đài. Sau khi nghe xong, Giám đốc Trần Lâm khen ngợi: "Dân ca Nghệ Tĩnh hay quá!" và bảo tôi làm sao thu được lời cổ để phát cho bà con nghe. Khi có các đoàn Văn công Quân khu 4, Văn công Tỉnh đội Nghệ Tĩnh ra Hà Nội, tôi đưa các bài mình đã biên soạn và nhờ các nghệ sĩ Lệ Thanh, Ngọc Sở, Minh Huệ, Quốc Chung, Tiến Dũng… mỗi người hát 1- 2 bài.

Sau này, mỗi lần các đoàn văn công, các đội văn nghệ thuộc vùng Khu 4 ra Hà Nội, tôi đều thu âm theo kiểu đó. Rồi tiếp tục phát triển những câu hát ngắn ấy trở thành một bài riêng và kết quả là chúng tôi có tới cả trăm bài như thế, thường xuyên phát sóng trong các chương trình Dân ca và nhạc cổ truyền".

Với nhạc sĩ Dân Huyền, dường như yêu có nghĩa là cho đi mà đôi khi không màng đến những được mất, thua thiệt. Đó cũng là tâm niệm của ông khi giữ cương vị chủ nhiệm "Câu lạc bộ đàn và hát dân ca" (CLB) của Đài Tiếng nói Việt Nam suốt mấy chục năm qua. Trong giai đoạn bội thực các chương trình ca nhạc trên sóng phát thanh, Đài truyền hình, trong sự ảnh hưởng của rất nhiều xu hướng âm nhạc quốc tế thì để "CLB đàn và hát dân ca" có chỗ đứng trong lòng công chúng là một điều không hề dễ dàng.

Là một trong những người đặt viên gạch đầu tiên cho sự ra đời của CLB và 18 năm qua vẫn tiếp tục điều hành, duy trì hoạt động là từng ấy năm mà những người nặng lòng với dân ca, yêu dân ca và mong muốn dân ca vẫn tiếp tục trong dòng chảy hiện đại của đời sống vượt qua muôn vàn khó khăn. Từ chuyện kinh phí, ban đầu CLB được Đài Tiếng nói Việt Nam tài trợ kinh phí hoạt động là 2 triệu đồng/ tháng nhưng sau 2 năm thì khoản viện trợ này không còn nữa. CLB phải đi vào cơ chế tự hoạt động. Nhưng khó khăn đến mấy, 18 năm qua, CLB vẫn duy trì được lịch hoạt động đều đặn vào sáng Chủ nhật hằng tuần. Ban chủ nhiệm CLB mời các NSND, NSƯT đến dạy hát dân ca cho các học viên có nhu cầu hoặc đôi khi những người yêu dân ca đến hát cho nhau nghe.

Trái với những lo lắng lâu nay rằng dường như dân ca ngày càng ít có chỗ đứng trong lòng giới trẻ, nhạc sĩ Dân Huyền lại không hề bi quan: "Nói rằng khán giả của CLB ít người trẻ là hoàn toàn chính xác bởi vì không phải lứa tuổi nào cũng thích dân ca.

Theo quan sát của tôi thì để thích và yêu dân ca thường ở độ tuổi trên 40. Khi ấy con người ta đã có những trải nghiệm và mong muốn quay về tuổi thơ, tuổi trẻ. Và đôi khi, chỉ một câu hát dân ca đủ để gợi lại trong họ những rung động đầu đời, những tình cảm trong sáng ban đầu. Theo tôi, đừng yêu cầu những điều quá to tát. Tôi thường nói với những học viên đến với CLB rằng: Bạn cứ đến đây, không hát thì nghe. Dân ca sẽ giúp các bạn quên hết được những điều bực bội, muộn phiền trong đời sống và sẽ tạo cảm hứng vui tươi, trong trẻo cho một tuần làm việc mới… Điều quan trọng là chúng ta có một cách nào đó để sáng tác thêm lời mới, cải tiến cách biểu diễn để thế hệ trẻ dễ tiếp cận với dân ca hơn. Nhưng dù sửa hay viết lời mới cho dân ca thì luôn phải đảm bảo quy tắc: làm hay dân ca chứ không được làm hỏng, phải giữ được vần điệu của dân ca".

Nhạc sĩ Dân Huyền là một người đa tài. Ngoài việc được biết đến như "người của dân ca" thì ông còn sáng tác nhạc, làm thơ, viết câu đố, viết báo… Trong đó, mảng ca khúc của ông được đông đảo khán giả và người trong nghề đánh giá cao. Ngồi trò chuyện cùng nhạc sĩ Dân Huyền trong một sáng tháng Năm, không thể không nhắc tới ca khúc tiêu biểu trong cuộc đời sáng tác của ông là "Bên Lăng Bác Hồ". Ông đã sáng tác ca khúc này vào tháng 10/1974 sau khi cùng đoàn văn nghệ sĩ Đài Tiếng nói Việt Nam đến thăm công trường xây dựng Lăng Bác.

Trước cảnh lao động khẩn trương, nhộn nhịp của hàng ngàn cán bộ, công nhân trên công trường, ông đã hình dung ra trước mắt mình những đoàn người về đây viếng Bác. Trong đó, đặc biệt là đồng bào, đồng chí ở miền Nam, sau ngày đất nước thống nhất sẽ ra thăm Thủ đô và vào Lăng viếng Bác. Ông tâm sự, khi đặt bút viết những giai điệu đầu tiên của ca khúc, trong ông luôn văng vẳng câu nói của Bác: "Miền Nam trong trái tim tôi" cùng 2 câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: "Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà/ Miền Nam mong Bác nỗi mong cha". Và, những ca từ giản dị, xúc động cùng giai điệu mang đậm âm hưởng dân ca đã ra đời: "Niềm ao ước bấy lâu nay đã thỏa nỗi chờ mong/ Trời Ba Đình xanh trong tỏa hương sắc sen hồng/ Về thăm Bác hôm nay bao niềm thương xao xuyến trong lòng/ Xin kính dâng Người nghĩa tình sâu nặng của núi sông…".

Ngay trong chương trình ca nhạc ngày 19/51975, bài hát đã được nghệ sĩ Kiều Hưng thể hiện nhanh chóng chiếm được tình cảm của đông đảo khán giả. Đây là bài hát viết về Lăng Bác sớm nhất và trong ngày khánh thành Lăng (27/8/1975) đã được chọn là ca khúc chính thức. Giờ đây, bài hát vẫn thường xuyên được phát trong Khu di tích Lăng Bác - Phủ Chủ tịch để phục vụ du khách tới tham quan…

Với nhạc sĩ Dân Huyền, khi sáng tác ca khúc về Bác Hồ, ngoài tình cảm thiêng liêng của một người con đất Việt dành cho vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc thì còn là cảm xúc riêng, sự tự hào, yêu kính của một người con xứ Nghệ. Sau này, ông còn có thêm những sáng tác về Bác như "Khóm trúc Bác Hồ", "Nhớ hội làng Sen", "Bác để tình thương cho chúng con"… Nhạc sĩ Dân Huyền quan niệm, khi sáng tác về Người, ông luôn muốn chọn những góc nhìn gần gũi, bình dị cùng giai điệu dễ nhớ, dễ thuộc…

Về hưu đã 15 năm nhưng nhạc sĩ Dân Huyền không chọn cách nghỉ ngơi như nhiều người. Ông vẫn thường xuyên đi tới các tỉnh để hướng dẫn đàn, hát dân ca, chấm thi tại các liên hoan văn nghệ… Một tập thơ, mấy tập câu đố cùng rất nhiều bài báo viết hằng ngày… cho thấy sức làm việc đáng kính nể của người nhạc sĩ đã bước qua tuổi thất thập này. Đặc biệt, sự thành thạo công nghệ vi tính của nhạc sĩ Dân Huyền là câu chuyện nhiều bạn bè nhắc đến. Có lẽ, với nhạc sĩ Dân Huyền, chính sự bận rộn ấy đã giúp ông luôn giữ được một trí tuệ minh mẫn, một trái tim trẻ trung, nhân từ và đầy ắp nhiệt thành với đời sống. 

Thảo Duyên
.
.