Làm mới bolero, nên không?

Thứ Năm, 26/09/2019, 09:20
Khi bolero có dấu hiệu bão hòa, nhiều nghệ sĩ tìm cách khoác áo mới cho dòng nhạc này. Từ thay đổi cách hát đến bổ sung thêm sáng tác mới, những cố gắng vẫn chưa thu lại mấy quả ngọt.


Muôn kiểu làm mới bolero

Hồi sinh mạnh mẽ từ cuộc thi "Solo cùng bolero" năm 2014, đến nay, phải thừa nhận rằng dòng nhạc bolero đang giảm dần sức nóng. Tuy nhiên, những ca sĩ chuyên hoạt động trong dòng nhạc này vẫn bền bỉ gắn bó vì nó luôn có một lượng khán giả ổn định. Ở địa hạt truyền hình, các chương trình thi hát về bolero dù có lượt rating giảm dần nhưng vẫn diễn ra đều đặn hàng năm như: "Tình bolero", "Duyên dáng bolero", "Kịch cùng bolero", "Thần tượng bolero", "Người hát tình ca", "Tuyệt đỉnh song ca"...

Không chỉ trên màn ảnh nhỏ, bolero còn tìm được mảnh đất hứa ở YouTube. Không có lượt view ngất ngưởng như các ca khúc nhạc trẻ, nhưng trung bình các clip bolero đều đạt vài trăm ngàn lượt view. Đây còn là mảnh đất màu mỡ để hàng loạt tên tuổi ca sĩ chuyên và không chuyên trưng trổ tài năng.

Nhiều nghệ sĩ tạo nên hiện tượng và có được lượng người hâm mộ "khủng" như: Jang Mi, Quỳnh Trang, Thúy Huyền, Thúy Hằng, Quang Lập... Ngay cả những giọng ca nhí theo đuổi dòng nhạc này cũng gặt hái thành công như Phương Mỹ Chi, Hồ Văn Cường, Thiện Nhân, Thiên Nhâm... Năm 2018, giải Pops Awards trao giải "Giọng ca bolero triển vọng" cho ca sĩ trẻ Quỳnh Trang là khích lệ rất lớn đối với đời sống bolero trên không gian mạng.

Nhạc sĩ Hamlet Trương có nhiều sáng tác mới cho dòng nhạc bolero như "Lan và Điệp 4", "Ra bờ sông"...

Lý giải về sức sống bền bỉ của dòng nhạc này, nhạc sĩ Tô Thanh Tùng từng khẳng định: "Các bài hát bolero có ca từ bình dân, mộc mạc, dễ hiểu và lời hay ý đẹp. Giai điệu dễ đi vào lòng người nên nó được người ta ưa chuộng là chuyện đương nhiên. Từ lúc ra đời vào thập niên 50 của thế kỷ trước, ở đời thường, nó vẫn âm ỉ sống, có điều kiện thuận lợi thì nó sẽ bùng nổ mạnh mẽ trở lại".

Sức sống của bolero còn cuốn hút cả những ca sĩ vốn chuyên trị nhạc trẻ, giao hưởng thính phòng, nhạc đỏ... Ở dòng nhạc trẻ có Phan Đinh Tùng, Lưu Chí Vỹ, Quách Tuấn Du, Phương Thanh, Phương Vy, Uyên Trang, Trà Ngọc Hằng... Nhạc đỏ, nhạc tiền chiến có Đức Tuấn. Thậm chí, ca sĩ Lan Anh vốn được biết đến là giọng ca chủ lực của dòng nhạc thính phòng cũng thử sức với bolero.

Mang sẵn trong mình chất nhạc sở trường, khi chinh phục bolero, họ thường mang phong cách này để làm mới dòng nhạc vàng. Đức Tuấn từng hát "Hoa trinh nữ", "Lâu đài tình ái"... của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh theo phong cách Jazz, Pop, Soul. Lưu Chí Vỹ thì remix với dòng nhạc sôi động. Mới đây, giọng ca thính phòng cổ điển Lan Anh ra album "Chuyện tình bolero" với những ca khúc quen thuộc như "Phận gái thuyền quyên", "Phượng buồn", "Thành phố buồn"...

Trước đó chị từng hát "Thao thức vì em", "Không bao giờ quên anh" với sự phối khí của dàn nhạc giao hưởng.  Còn quán quân "Duyên dáng bolero" - ca sĩ Trần Mỹ Ngọc thì sắp tung album "Chuyện hợp tan" mang phong cách Rumba Latin.

Ngoài hát bolero theo phong cách lạ lẫm, nhiều ca khúc bolero mới cũng lần lượt ra đời. Những nhạc sĩ thường xuyên sáng tác có Minh Vy (Nhớ quê, Ngoại ơi con về...), Bùi Quang Ân (Canh ngoại nấu, Kiếp hoa phai, Tình yêu hoa bướm...), Hamlet Trương (Lan và Điệp 4, Ra bờ sông..). Các cuộc thi về bolero như "Solo cùng bolero" cũng phát động sáng tác ca khúc mới. Số ca khúc mới giúp dòng nhạc này bớt nhàm chán, bổ sung vào kho tàng ca khúc để nghệ sĩ thể hiện. Họ cố gắng tìm tòi và phát huy cái hay, cái đẹp của dòng nhạc này.

Giới hạn nào cho sự cách tân?

Trước hiện tượng "nhà nhà hát bolero, người người hát bolero", các ca sĩ lặp lại cách hát của nhau khiến người nghe nhàm chán. Nói về lứa ca sĩ trẻ hát bolero hiện nay, ca sĩ Ánh Tuyết kêu lên: "Tôi không tài nào phân biệt được họ vì các bạn ấy hát quá giống nhau.  Nhiều bạn còn bắt chước cách hát của thế hệ trước đó mà không tạo dựng được phong cách, màu sắc riêng". Thế nên, làm mới bolero trở thành yếu tố cạnh tranh hàng đầu với những gương mặt mới mẻ nhưng sở hữu chất giọng không lấy gì khác biệt, nổi trội.

Nhiều người cho rằng bolero là dòng nhạc của hoài niệm. Do đó, khi làm mới nó thì phải cực kỳ cẩn trọng. Bởi không chỉ dòng nhạc bolero mà ngay cả những ca khúc đi cùng năm tháng thuộc dòng nhạc đỏ, nhạc tiền chiến... khi được khoác lớp áo mới cũng vấp phải không ít nghi ngại.

Hiểu được phản ứng của dư luận, ca sĩ Đức Tuấn cho hay: "Khi tôi quyết định hát bolero kiểu Mỹ cho album "Một ngày ta được yêu", tôi đã định sẵn đối tượng khán giả mà mình hướng đến những người hiện đại, cởi mở và có tư duy âm nhạc không định kiến".

Giải thích về việc phối thử bolero với nhạc giao hưởng, ca sĩ Lan Anh cho biết: "Người ta vẫn thường phối ca khúc dân gian Việt Nam với dàn nhạc giao hưởng. Trong khi đó, bolero có xuất phát từ phương Tây thì nó lại càng gần gũi với nhạc giao hưởng. Vậy tại sao lại không được kết hợp chúng?".

Ca sĩ Trần Mỹ Ngọc kết hợp bolero với nhạc Rumba Latin. 

Thực tế, vẻ trữ tình, tự sự và da diết của bolero ít nhiều bị các ca sĩ giết chết khi mạo hiểm cách tân. Ca sĩ Quách Tuấn Du một phen khiến dư luận bất bình khi phối bolero với dòng nhạc EDM sôi động, giật sốc.

Chưa kể, anh còn đem bolero vào bể bơi, để cho những cô gái ăn mặc mát mẻ uốn éo trên nền nhạc. Không chỉ phối với nhạc nền mà sự thay đổi trong cách nhấn nhá cũng đủ sức khiến bolero không còn hình hài của nó. Ca sĩ H.X từng hát giật cục, ngắt nghỉ lộn xộn khiến hai nhạc phẩm đình đám "Chuyện hẹn hò", "Chuyện người trinh nữ tên Thi" trở thành thảm họa.

Đứng về phía những người không ủng hộ việc làm mới bolero bằng kiểu hát phá cách, ca sĩ Thúy Huyền phân tích: "Nhạc bolero giống như một loại đồ cổ quý giá. Đã là đồ cổ mà chúng ta cố làm mới thì chắc chắn nó không còn giá trị nữa.Vì thế theo tôi, nhiệm vụ của ca sĩ hát bolero là hãy bảo tồn được bản sắc của dòng nhạc này như thuở sơ khai ra nó. Thấy vậy chứ nhạc bolero xưa là cả một kho tàng mà chúng ta chưa khai thác hết. Cũng như với nhạc cổ điển, người ta vẫn hát như thế bao đời nay mà giá trị của nó vẫn không thay đổi. Còn việc phát triển và sáng tạo hãy để các ca sĩ nhạc nhẹ, nhạc trẻ thoả sức bay bổng sẽ phù hợp hơn".

Theo nhiều người, thổi làn gió lạ cho bolero cần có sự thấu hiểu đặc trưng của dòng nhạc này để làm sao vẫn giữ nguyên được đặc trưng ấy trong lớp vỏ mới. Lớp vỏ mới chỉ như cái cớ, là hình thức bề ngoài để vẻ tinh túy của bolero được tôn thêm rực rỡ. Cái mới mẻ chỉ đóng vai trò điểm xuyến, là gia vị trên cốt cách xưa cũ. Đây chính là điều làm nên thành công cho những gương mặt ngọc nữ mới của dòng nhạc bolero như Jang Mi, Quỳnh Trang, Tố My, Giang Hồng Ngọc... Jang Mi mang cho bolero vẻ nhẹ nhàng, trong sáng bằng giọng hát như thiên thần. Quỳnh Trang lại như thiên sứ u buồn, giọng trong mà trầm mặc. Tố My thì da diết, đằm thắm.

Riêng ở lĩnh vực sáng tác, hằng năm, các nhạc phẩm bolero mới ra đời không phải là ít. Tuy nhiên, số ca khúc chất lượng và có sức lan tỏa còn khá khiêm tốn. Một ca sĩ xin giấu tên cho rằng, có lẽ các nhạc sĩ ngày nay sống trong thời đại đủ đầy vật chất, nhịp sống quá nhanh nên ca khúc của họ chưa đủ sự sâu lắng, dạt dào như bậc tiền bối. Nhiều ca khúc vẫn lặp lại những điều mà các nhạc sĩ cha anh đã khai thác. Thậm chí, nội dung đôi khi gượng gạo, khiên cưỡng do không hợp thời, chẳng hạn như khai thác đề tài nghèo, người con gái bị ép lấy chồng sớm...

 Vốn sống của nhiều nhạc sĩ trẻ chưa dày dặn nên ca khúc trở nên hời hợt. Trước kho ca khúc mới quá ít ỏi và kém chất lượng, các ca sĩ lại quay về với ca khúc cũ. Số khác cố gắng tìm tòi nhạc phẩm sáng tác trước năm 1975 và xin cấp phép để nó được giới thiệu rộng rãi đến công chúng. Dù biết đây không phải là con đường dài lâu nhưng trong thời gian chờ đợi những ca khúc mới đột phá tương tự như "Duyên phận", "Lan và Điệp 4"... xuất hiện, các ca sĩ đành tạm thời "ăn mày dĩ vãng".

Phan Thi Uyên
.
.