Ứng dụng văn hóa truyền thống trong nghệ thuật đương đại:

Đừng kiềng canh nóng mà thổi rau nguội

Thứ Bảy, 18/04/2020, 07:55
Ra mắt MV "Kẻ cắp gặp bà già", ca sĩ Hoàng Thùy Linh nhanh chóng bị một số khán giả khép tội: mặc áo dài nhưng không mặc quần. Khổ nỗi, xem xét kỹ, trang phục đó không phải là áo dài mà là thiết kế phối trộn trang phục của nhiều nước Á Đông. Vụ việc này là một điển hình cho thấy sự khắt khe đến mức cực đoan của công chúng đối với việc ứng dụng văn hóa truyền thống trong nghệ thuật đương đại.


Từ MV "Bánh trôi nước", đến nay, có thể nói Hoàng Thùy Linh trở thành gương mặt nữ ghi dấu ấn ở thể loại world music đậm màu sắc dân gian đương đại với loạt MV ăn khách như "Tứ phủ", "Để Mị nói cho mà nghe", "Duyên âm"... Tính dân gian đương đại không chỉ thể hiện ở giai điệu, lời ca (nhạc EDM, pop, rap kết hợp cùng hò, vè, điệu lý, thơ ca dân tộc...) mà còn thể hiện ở mặt hình ảnh, bối cảnh, trang phục...

Chất liệu văn hóa của 54 dân tộc anh em được cô phối trộn nhuần nhuyễn với thẩm mỹ hiện đại tạo nên các tác phẩm vừa quen vừa lạ. Khán giả, đặc biệt là giới trẻ, cảm thấy thú vị khi Hoàng Thùy Linh mặc chân váy xòe dân tộc Mông nhưng lại đi giày thể thao phối cùng áo phông năng động, cổ đeo trang sức của dân tộc Tày, đầu búi kiểu dân tộc Thái...

Trang phục của ca sĩ Hoàng Thùy Linh trong MV "Kẻ cắp gặp bà già" bị khán giả chỉ trích dữ dội vì họ nhầm tưởng là áo dài.

Cách cô ứng dụng tranh dân gian Đông Hồ, trò chơi cờ người, đập niêu, tín ngưỡng thờ Mẫu, tục ăn trầu... vào sản phẩm âm nhạc cũng tạo nên sắc thái lạ lẫm, cuốn hút. Mỗi lần tung sản phẩm mới, Hoàng Thùy Linh đều gây bão với cộng đồng yêu nhạc.

Vừa qua, "Để Mị nói cho mà nghe" càn quét loạt giải thưởng của Làn sóng xanh lẫn giải Cống hiến một cách thuyết phục bởi những sản phẩm âm nhạc vừa đậm đặc bản sắc văn hóa, vừa đậm tính giải trí như thế quả là hiếm hoi.

Ra mắt đầu tháng 4, "Kẻ cắp gặp bà già" là MV nối tiếp chuỗi dự án world music của ca sĩ Hoàng Thùy Linh. Tuy nhiên, MV sớm vấp phải thị phi. Trang phục in họa tiết truyền thống trong phần vũ đạo có phom dáng na ná áo dài nên dư luận kết luận ngay đó là áo dài cách tân.

Một fanpage về thời trang nhanh chóng so sánh hình ảnh Hoàng Thùy Linh với hình ảnh cô ca sĩ Kacey Musgraves từng mặc áo dài Việt Nam nhưng không mặc quần hồi tháng 10-2019 để ám chỉ Hoàng Thùy Linh cũng không khác gì nữ ca sĩ người Mỹ kia. Lập tức, hàng ngàn ý kiến vào nhục mạ, chửi rủa Hoàng Thùy Linh, chỉ trích cô là "người làm về văn hóa Việt Nam lại xé toạc văn hóa Việt Nam", "xúc phạm áo dài". Thậm chí, có người còn kêu gọi tẩy chay "Kẻ cắp gặp bà già".

Phải đến khi các nhà thiết kế lên tiếng thì mọi chuyện mới ngả ngũ. Stylist Hoàng Ku - người phụ trách trang phục cho MV, khẳng định bộ trang phục trên không phải là áo dài cách tân mà là bộ váy xẻ đùi cao, liền bao tay, in họa tiết tranh Hàng Trống để mang cảm giác vừa quen vừa lạ.

Kiểu xẻ cao như thế giúp ca sĩ dễ nhảy, nhất là vũ đạo kiểu đứng tấn. Dưới góc độ chuyên môn, nhà thiết kế áo dài Sĩ Hoàng cũng chung nhận định: "Áo dài thì xẻ đến ngang eo, lưng quần, chứ không có áo dài nào xẻ ngang đùi cả, mặc dù phần đùi xẻ rất là cao như thiết kế này. Ngoài ra, những kiểu dáng may của áo đầm, áo dạ hội phương Tây hoặc sườn xám của Trung Quốc vẫn có cái na ná giống áo dài, ôm phần thân trên và phần ở dưới, người ta may dài, có khi xẻ một bên hoặc hai bên".

Ứng dụng văn hóa truyền thống vào sản phẩm nghệ thuật đương đại chưa bao giờ là điều dễ dàng với nghệ sĩ Việt. Số nghệ sĩ mạnh dạn thử nghiệm dòng này đếm trên đầu ngón tay: Hoàng Thùy Linh, Bích Phương, Đức Phúc, Bùi Lan Hương, Đoàn Thúy Trang...

Cũng dễ hiểu khi kho tàng văn hóa dân tộc là niềm tự hào của đất nước, của mọi người dân. Khi đưa kho tàng ấy vào những loại hình nghệ thuật hiện đại, thậm chí chỉ là lấy cảm hứng hay vay mượn, nghệ sĩ phải vượt qua gác chắn khắt khe của công chúng. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay, phải thừa nhận rằng đã có không ít biểu tượng văn hóa bị sử dụng sai ý nghĩa, cách tân quá đà đến mức phản văn hóa, lai căng, thậm chí là xúc phạm đến tính thiêng liêng.

Cách đây vài năm, dư luận một phen nháo nhào khi các chàng trai nhóm F-Band vô tư dùng chiếc khăn Piêu đội đầu của dân tộc Thái làm khố trong chương trình "Nhân tố bí ẩn". Còn ca sĩ Hà Linh lại gây khó chịu khi mặc trang phục cổ trang Trung Quốc để hát quan họ Bắc Ninh.

Dường như những "cú sốc" đó khiến công chúng dè chừng, xét nét hơn với các sản phẩm nghệ thuật sử dụng vốn cổ. Họ xét nét đến mức mắc luôn chứng "kiềng canh rau nóng thổi cả rau nguội", chuyện chưa rõ đúng sai đã "ném đá" tới tấp, quy chụp nghệ sĩ phá nát văn hóa truyền thống.

Nhiều người mang suy nghĩ: nếu ứng dụng văn hóa truyền thống thì phải truyền tải cho chính xác trăm phần trăm, như thế mới là giữ gìn và phát huy giá trị của nó. Mang suy nghĩ này nên hễ thấy nghệ sĩ nào tung hứng, pha trộn cái cũ với cái mới là họ giãy nảy, lên án kịch liệt. Trước đây, Hoàng Thùy Linh từng gặp ý kiến chê bai khi ra mắt MV "Tứ phủ" và "Để Mị nói cho mà nghe". Họ cho rằng Hoàng Thùy Linh tạo hình, trang điểm không giống với cô Bơ trong đạo Mẫu.

Ca sỹ Bích Phương đưa trò chơi dân gian "Ô ăn quan" vào MV "Bùa yêu".

Dạo "Để Mị nói cho mà nghe" làm mưa làm gió, một khán giả lớn tuổi cực lực lên án trang phục của Hoàng Thùy Linh. Ông cho rằng trang phục đó không phải là đồ dân tộc Mông chính hiệu. Việc Linh dùng vợt tennis đánh quả pao cũng bị ông chỉ trích: "Chẳng ai đánh pao như thế. Đồng bào miền núi chỉ ném pao thôi". Vị này không hiểu rằng, MV "Để Mị nói cho mà nghe" là một sản phẩm nghệ thuật đương đại và mang cả "vũ trụ văn học" gồm các nhân vật lão Hạc, chị Dậu, Xuân tóc đỏ, Thị Nở, Chí Phèo...

MV khắc họa sự vùng lên của Mị để hướng tới một con đường thênh thang tự do, hạnh phúc. Việc Mị dùng vợt tennis đánh quả pao dứt khoát nằm ở phân đoạn cô làm quen với Xuân tóc đỏ (Xuân tóc đỏ vốn được mệnh danh là giáo sư quần vợt). Đây là sự phối trộn cả hai tác phẩm văn học nhằm thể hiện khí chất mạnh mẽ, hiện đại của Mị.

Đưa văn hóa truyền thống vào sản phẩm nghệ thuật hiện đại là điều đáng khuyến khích. Bởi đó là cách làm hay và hiệu quả để vốn quý dân tộc được hồi sinh, phát triển trong nhịp sống đương thời. Đó cũng là cách người nghệ sĩ tôn vinh bản sắc phong phú, đa dạng của đất nước, khẳng định căn cước văn hóa bản địa, đồng thời gợi mở cho người trẻ tò mò tìm về nguồn cội.

Nhà thiết kế Sĩ Hoàng cho rằng khán giả cần cởi mở hơn với những sản phẩm nghệ thuật như thế và nên xem xét thấu đáo, kỹ lưỡng trước khi phát ngôn chứ đừng vội vàng lên án nghệ sĩ. Bởi đã là sáng tạo thì cần có sự mới lạ, hấp dẫn, đã là gợi mở thì chỉ chấm phá những nét cơ bản. Nếu bê y nguyên từ đời sống vào thì còn gì là sáng tạo nghệ thuật. Miễn sao sự sáng tạo đó có giới hạn, không đánh mất nét đẹp nguyên bản của biểu tượng văn hóa.

Bên cạnh đó, người nghệ sĩ phải hiểu biết, đủ tâm và tầm để kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại. Nói về điều này, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Ngọc, Trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh đúc rút: "Trong khai thác ứng dụng biểu tượng văn hóa truyền thống, chúng ta cần nắm được nhận thức, ý niệm về giá trị hình tượng, biểu tượng, để rồi tìm ra hình thức, biểu tượng mới hợp thời. Xưa, cha ông ta cũng từng sáng tạo theo cách đó nên mới có sự chuyển biến phong cách, hình tượng qua từng thời kỳ. Do vậy, học ở truyền thống là học "cái thần" chứ không chỉ ở "cái hình".

Mai Quỳnh Nga
.
.