Độc đáo lịch Kiều

Thứ Ba, 14/01/2020, 10:49
Trò chuyện cùng Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Điệp, Giám đốc Trung tâm Dịch thuật, Dịch vụ Văn hóa và Khoa học Công nghệ, tác giả ý tưởng của bộ lịch độc đáo này trong một ngày đầu xuân, mới càng hiểu hơn về những vất vả mà đội ngũ những người thực hiện đã trải qua để có được sản phẩm này...


Một cuốn lịch dùng tới... 9 năm, có thể tra cứu 5 loại lịch: dương lịch, âm lịch, lịch can chi, lịch khí tiết và lịch sao (thập nhị bát tú). Không chỉ có vậy, cuốn lịch còn là một tác phẩm nghệ thuật với 27 bức tranh về "Truyện Kiều". Công trình văn hóa độc đáo đã trở thành một trong những món quà ý nghĩa nhân kỷ niệm 4 ngày lễ lớn về Đại thi hào Nguyễn Du trong thời gian tới: 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất (vào năm 2020) và 260 năm ngày sinh, 205 năm ngày mất (vào năm 2025).

Để bộ lịch Kiều từ ý tưởng tới khi đến được tới mọi nhà là hành trình 10 năm (2008 - 2018) đầy khó khăn. Như chúng ta đã biết, hiện nay, trên thế giới mới xuất hiện một số loại lịch như lịch Tam niên (3 năm), Ngũ niên (5 năm), Lục niên (6 năm), Bát niên (8 năm) nên có thể nói loại lịch Cửu niên (9 năm) như cuốn lịch Kiều lần đầu xuất hiện tại Việt Nam. Bộ lịch này giúp người sử dụng có thể tra cứu và lưu trữ thời gian trong suốt 9 năm (2018 - 2026).

Ngoài ra, chúng ta còn có thể tra cứu 5 loại lịch song hành và chuyển đổi cho nhau: dương lịch, âm lịch, can chi, tiết khí (24 tiết khí của năm) và nhị thập bát tú (28 chòm sao, chọn ngày lành tháng tốt). Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Điệp lý giải về ý nghĩa của lịch cửu niên xuất phát từ quan niệm về con số 9: Cả phương Đông lẫn phương Tây đều ưa chuộng con số này.

Bìa cuốn lịch Kiều.

Theo quan niệm, số 9 mang lại hạnh phúc và trường thọ. Cả bộ dày 56 trang in trên nền giấy couchematt nhập từ Nhật khổ 1,28 x 0,9 m. Đây là loại giấy và mực in được lựa chọn kỹ lưỡng để phù hợp khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam. Tuy nhiên, nét độc đáo nhất mà bộ lịch mang lại thuộc về 27 bức tranh vẽ theo cuộc đời nàng Kiều trong tác phẩm "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du.

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Điệp tâm sự, ý tưởng làm lịch Kiều đã được ông ấp ủ từ khá lâu. Là người say mê "Truyện Kiều", ông luôn đau đáu với nỗi niềm của Nguyễn Du gửi gắm trong tác phẩm "Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khốc Tố Như?" (Không biết ba trăm năm lẻ nữa/ Người đời ai khóc Tố Như chăng?).

"Truyện Kiều" gần gũi với người Việt Nam như thế. Nhiều người mẹ, người bà của từng lẩy Kiều, ru con bằng Kiều. "Truyện Kiều" cũng đã chinh phục thế giới khi được dịch ra tới hơn 40 sinh ngữ. Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Điệp trăn trở  muốn làm một điều gì đó tri ân với đại thi hào Nguyễn Du, muốn đưa "Truyện Kiều" đến gần hơn với đông đảo công chúng hiện nay.

Chủ biên cuốn lịch chia sẻ: "Khó khăn nhất chính là chọn họa sĩ vẽ tranh. Chúng tôi phải tổ chức mời gọi các họa sĩ tham gia, đi vào trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đặt thầy và trò tuy nhiên, vẽ Kiều luôn là một thách thức không nhỏ với các họa sĩ. Có tranh rồi thì công tác tuyển chọn cũng không hề đơn giản. Với phương châm tranh phải trung thành với tác phẩm Truyện Kiều, với thời đại Nguyễn Du đề cập trong tác phẩm, ngoài ra phải có giá trị nghệ thuật cao nên việc tuyển chọn vô cùng khó khăn.

Để bắt tay vào thực hiện, một Hội đồng nghệ thuật duyệt tranh Kiều được thành lập với sự góp mặt của 12 thành viên đều là những tên tuổi lớn ở nhiều lĩnh vực như Họa sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, GS Phong Lê - Chủ tịch hội "Kiều học", GS.NGND Nguyễn Đình Chú, người giảng dạy "Truyện Kiều" nhiều năm qua, nhà phê bình Trần Đình Sử,... Về phần trích dẫn, bản thảo lấy từ bộ "Truyện Kiều" của Hội Kiều học bởi hiện nay có rất nhiều dị bản Truyện Kiều. Bộ sách của này có bản chữ Nôm đối sánh và đã được thẩm định khoa học.

 Để có được 27 bức tranh được lấy cảm hứng từ 162 câu Kiều, Hội đồng nghệ thuật phải duyệt tới hơn 100 bức tranh. Trong số 27 tác phẩm được sử dụng, có sự góp mặt của những họa sĩ nổi tiếng như Mai Long, Lê Trí Dũng.

Đặc biệt, có tới 19 trong tổng số 27 bức thuộc về họa sĩ Trịnh Quang Vũ, 6 bức còn lại của họa sĩ Trương Thảo. Những tác phẩm hội họa này đã giúp người xem khái quát khá đầy đủ cuộc đời truân chuyên của người con gái tài sắc Thúy Kiều. Là bức họa vẻ đẹp chị em Thúy Kiều, Thúy Vân của họa sĩ Lê Trí Dũng; là cuộc gặp gỡ định mệnh giữ Thúy Kiều và Kim Trọng qua nét cọ của họa sĩ Trịnh Quang Vũ...

Những biến cố trong cuộc đời nàng Kiều như Kiều bán mình chuộc cha, tâm trạng Kiều trước lầu Ngưng Bích, Kiều gặp Từ Hải, cảnh đoàn viên... đều được các họa sĩ khắc họa qua ngôn ngữ hội họa đầy biểu cảm, tinh tế. Dưới mỗi bức tranh in trên lịch đều có trích dẫn những câu Kiều hay, phù hợp nội dung. Cẩn trọng, kỹ lưỡng, mỗi bức tranh đều được hội đồng thẩm định xem, cho ý kiến rồi so sánh giữa các bức vẽ cùng chủ đề.

Tiến sĩ Điệp cho rằng, lâu nay một số họa sĩ vẽ Thúy Kiều với trang phục áo mớ bảy mớ ba hay yếm đào nhưng quan điểm của ông cũng như hội đồng thẩm định là khắc họa hình ảnh Thúy Kiều đúng như trong tác phẩm của Nguyễn Du. Trang phục Thúy Kiều mặc phải là trang phục thời Minh. Cây đàn Thúy Kiều đánh cũng không phải là cây đàn 3 dây như lâu nay mọi người thường vẽ...

Để có được bức họa như ý, bản thân các họa sĩ cũng dành nhiều thời gian, tâm huyết. Ví dụ như để có được bức tranh khắc họa cảnh Kiều bán mình chuộc cha, bức về nhân vật Hồ Tôn Hiến... họa sĩ Trịnh Quang Vũ đã phải bay sang Trung Quốc nhiều lần. Nhưng kỷ niệm mà Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Điệp nhớ nhất là việc thẩm định bức tranh tả cảnh nàng Kiều đang tắm, họa cho câu thơ "Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên".

Chân dung Thúy Kiều qua nét vẽ của họa sĩ Trương Thảo.

Có tới 5 họa sĩ cùng tham gia vẽ chủ đề này. Tuy nhiên có người vẽ bồn tắm bằng sắt, có người vẽ bằng nhựa, có người vẽ giá đỡ bồn tắm quá hiện đại... Cuối cùng, tranh của họa sĩ Trương Thảo được chọn không chỉ khắc họa được vẻ đẹp "hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh" của Thúy Kiều mà còn đúng bối cảnh thời Minh.

Tuy nhiên, khi tranh đã được chọn thì lại vấp phải khó khăn khác là cơ quan thẩm quyền chưa cấp phép vì sợ nhạy cảm. "Chúng tôi lại phải đi thực hiện một cuộc điều tra xã hội học xin ý kiến của các giáo viên dạy văn tại các trường học. Tới khi có kết quả là hơn 95%  giáo viên được hỏi cho biết bức tranh ấy hoàn toàn không gợi lên cảm giác dung tục thì bức tranh mới được cấp phép để in" - Tiến sĩ Điệp chia sẻ.

Những vất vả trong suốt hành trình 10 năm của Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Điệp và các cộng sự của cả ê kíp được đáp đền bằng sự thích thú của những người cầm trên tay tập lịch. Chúng tôi được nghe một câu chuyện thú vị mà Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Điệp kể lại. Năm 2018, ông Nguyễn Thanh Sơn, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga tới chào tổng thống Vladimir Putin khi kết thúc nhiệm kỳ. Và lịch Kiều đã được chọn làm món quà cùng Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn tới trao tặng cho Tổng thống.

Theo những người có mặt tại buổi lễ đó kể lại, tổng thống Vladimir Putin đã dừng 35 phút để xem 56 trang lịch cùng nghe phiên dịch sang tiếng Nga. Sau khi xem xong, tổng thống đã ôm cảm ơn Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn và nói "Cảm ơn ngài đã tặng tôi một ấn phẩm giàu bản sắc. Tôi sẽ treo ở dinh tổng thống 9 năm".

Không chỉ dày công với việc lựa chọn tranh in, từng chi tiết nhỏ trên trang lịch cũng được Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Điệp và ê kíp tính toán sao cho thẩm mĩ và thuận tiện nhất. Ví dụ như dùng hình ảnh cây tre giàu ý nghĩa để làm bo lịch.

Ngoài những bức tranh Kiều, cuốn lịch còn in hình ảnh các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quốc gia cùng các di tích lịch sử nổi tiếng trên cả nước. Ông cho rằng, bên cạnh nghệ thuật thì những yếu tố bảo vệ môi trường cũng rất được coi trọng. Thay vì lịch sử dụng một năm, bộ lịch này sử dụng trong vòng 9 năm sẽ vô cùng kinh tế. Ngoài ra, với trọng lượng nhẹ, lịch rất phù hợp cho việc vận chuyển làm quà tặng gửi đi xa... 

Cho tới bây giờ, khi trò chuyện với chúng tôi, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Điệp vẫn nhớ như in những khó khăn khi bắt tay vào thực hiện bộ lịch này. Kinh phí không có, ông đã phải đứng ra mượn anh em bạn bè cả tỷ đồng để chi trả cho tác quyền, nhà in. Thời gian in lịch, ông thức trắng đêm ở nhà in để kiểm tra đảm bảo chất lượng bản in... Nhưng vượt lên những khó khăn ấy, giờ đây với những người góp phần tạo ra cuốn lịch độc đáo đó là niềm vui vì tạo ra một sản phẩm độc đáo, thú vị.

Cuốn lịch không chỉ là món quà ý nghĩa kỷ niệm 255 ngày sinh và 200 năm ngày mất Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du (năm 2020) mà còn góp phần lan tỏa tình yêu văn học, nghệ thuật đến với công chúng.

Thảo Duyên
.
.