Bộ phim "Trạng Tí phiêu lưu ký" trước khi chiếu tết đã vướng mắc bản quyền

Thứ Sáu, 15/01/2021, 10:30
Ngô Thanh Vân vừa công bố khởi chiếu bộ phim Trạng Tí phiêu lưu ký vào ngày 12/2/2021 (mùng 1 Tết Tân Sửu) thì gặp vướng mắc về bản quyền. Bởi lẽ, bộ phim “Trạng Tí phiêu liêu ký” được làm từ bộ tranh truyện “Thần đồng đất Việt” từng diễn ra cuộc chiến pháp lý giữa họa sĩ Lê Linh và Công ty Phan Thị.


Ngô Thanh Vân không chỉ là một diễn viên nổi tiếng được xưng tụng “đả nữ” của màn ảnh Việt, mà còn là một nhà sản xuất “mát tay”. Ngô Thanh Vân đã đầu tư làm nhiều bộ phim ăn khách như “Tấm Cám - chuyện chưa kể”, “Cô Ba Sài Gòn”, “Về quê ăn Tết”, “Hai Phượng”…  

Ngô Thanh Vân hợp tác với đạo diễn Phan Gia Nhật Linh để thực hiện bộ phim “Trạng Tí phiêu lưu ký” với hy vọng sẽ có một tác phẩm cổ tích dành cho thiếu nhi. Vì vậy, Ngô Thanh Vân không ngần ngại bỏ ra một khoản tiền khá lớn để có bối cảnh và trang phục gây ấn tượng mạnh mẽ.

Bộ phim “Trạng Tí phiêu lưu ký” xoay quanh bốn nhân vật trẻ con là Tí, Sửu, Dần, Mẹo. Ngoài bốn diễn viên nhí đảm nhận bốn vai chính là Hữu Khang, Bảo Tiên, Vương Hoàng Long và Đức Anh, bộ phim “Trạng Tí phiêu lưu ký” còn có sự góp mặt của nhiều diễn viên được yêu thích như Nghệ sĩ Nhân dân Trung Anh, Nghệ sĩ Ưu tú Quang Thắng, Phi Phụng, Oanh Kiều, Hiếu Hiền, Xuân Nghị… 

Ngô Thanh Vân khẳng định bộ phim “Trạng Tí phiêu lưu ký” là dự án tốn kém nhất của mình từ trước đến nay. Sau nhiều lần thương thảo với đơn vị phát hành, bộ phim “Trạng Tí phiêu lưu ký” được ấn định khởi chiếu vào ngày 12/2/2021, tức mùng 1 Tết Tân Sửu. Tuy nhiên, khi vừa có lịch ra rạp, thì bộ phim “Trạng Trí phiêu lưu ký” lại phải đối mặt với rắc rối bản quyền.

Bộ phim “Trạng Tí phiêu lưu ký” dự kiến ra rạp mùng 1 Tết Tân Sửu. 

Bộ phim “Trạng Tí phiêu lưu ký” được dựa theo bộ truyện tranh “Thần đồng đất Việt”. Bốn nhân vật Tí, Sửu, Dần, Mẹo đều tuân thủ tích cách và hành động từ bộ truyện tranh “Thần đồng đất Việt”. Ngô Thanh Vân mua bản quyền “Thần đồng đất Việt” từ Công ty Phan Thị, nhưng hiện nay người sở hữu hình ảnh Tí, Sửu, Dần, Mẹo là họa sĩ Lê Linh. 

Vướng mắc bản quyền của bộ phim “Trạng Tí phiêu lưu ký” hoàn toàn ở thế bị động, vì bộ truyện tranh “Thần đồng đất Việt” là cuộc chiến pháp lý dằng dai giữa Công ty Phan Thị và họa sĩ Lê Linh. Sau 12 năm tranh chấp quyết liệt thì cuối 2019, Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh đã ra phán quyết công nhận họa sĩ Lê Linh là tác giả duy nhất của 4 hình tượng Tí, Sửu, Dần, Mẹo trong bộ truyện tranh “Thần đồng đất Việt, còn Công ty Phan Thị chỉ là chủ sở hữu.

Bộ phim “Trạng Tí phiêu lưu ký” đưa bốn nhân vật Tí, Sửu, Dần, Mẹo lên màn ảnh, mà không có ý kiến đồng ý của họa sĩ Lê Linh, thì có vi phạm bản quyền không? Phía Ngô Thanh Vân cũng ý thức được điều này, nên khi vụ kiện tác quyền bộ truyện tranh “Thần đồng đất Việt” ngã ngũ, thì ê-kíp làm phim “Trạng Tí phiêu lưu ký” đã chủ động liên hệ với họa sĩ Lê Linh để thỏa thuận. 

Tuy nhiên, họa sĩ Lê Linh đã từ chối mọi đề nghị về quyền lợi do Ngô Thanh Vân đưa ra. Nếu họa sĩ Lê Linh có những hành động pháp lý cực đoan, thì bộ phim “Trạng Tí phiêu lưu ký” cũng sẽ rơi vào chuyến phiêu lưu khác.  

Rất thiện chí, Ngô Thanh Vân cho rằng: “Tôi làm việc với bên Công ty Phan Thị hết 2 năm để có thể mua được bản quyền, lúc đó là năm 2016. Đến năm 2018 mới đi đến thỏa thuận cho tôi mua 5 tập truyện để làm phim. Lúc này, là nhà sản xuất, tôi mua tác quyền từ người sở hữu bộ truyện và nội dung câu chuyện trong thời gian đó. Lúc ấy, tôi vẫn không biết gì đến việc tranh chấp giữa công ty phát hành truyện và tác giả sáng tác. Nội dung tôi có mua và trả tiền theo đúng Luật Sở hữu trí tuệ, nên việc người nào tố tôi ăn cắp là không đúng”.

Vụ kiện bản quyền bộ truyện tranh “Thần đồng đất Việt” rất ầm ĩ. Là một ngôi sao trong giới show biz, mà Ngô Thanh Vân nói không hay biết gì thì e chừng cũng khó thuyết phục công chúng. Thế nhưng, điều đáng mừng là họa sĩ Lê Linh vẫn chưa bày tỏ thái độ bất bình gì. 

Họa sĩ Lê Linh cho biết: “Khi phiên tòa đang diễn ra, chị Ngô Thanh Vân có cho người tới nói chuyện nhưng tôi đang bận đấu với Công ty Phan Thị nên không có thời gian suy nghĩ chuyện khác. Sau khi phiên tòa kết thúc, tôi cũng từ chối vì lý do nếu tôi nhận quyền lợi thì khác nào làm lợi cho Công ty Phan Thị, mà Công ty Phan Thị đang mắc nợ tôi quá nhiều. Hơn nữa, tuy tên tôi được ghi rất rõ trên truyện cũng như trên giấy tờ pháp lý của Công ty Phan Thị, nhưng mãi sau này chị Ngô Thanh Vân mới liên hệ thì cũng hơi lạ lùng. Theo tôi, việc đó chỉ mang tính thủ tục, đối phó công luận... nên làm việc với chị Ngô Thanh Vân cũng chẳng có ý nghĩa gì”.

Diễn viên Ngô Thanh Vân.

Khi được hỏi về mối quan hệ còn nhiều nghi ngại giữa bộ phim “Trạng Tí phiêu lưu ký” và bộ truyện tranh “Thần đồng đất Việt” , họa sĩ Lê Linh chia sẻ: “Bây giờ có đề nghị gì thì cũng đâu có ý nghĩa. Bộ phim đã được họ làm xong từ lâu rồi. Đối với một người làm sáng tạo, một sản phẩm để phục vụ công chúng muốn tôi tham gia, góp ý... thì nên mời từ đầu để mình thực sự có đóng góp nhất định. Còn đối với “Trạng Tí phiêu lưu ký”, tôi không có chút đóng góp nào nên cũng không liên quan hay có ý kiến gì về bộ phim”. 

Tuy nhiên, khi nhớ lại hành trình dằng dặc kiện tụng của mình với Công ty Phan Thị mà bản quyền làm phim “Trạng Tí phiêu lưu ký” lại nằm ngoài tầm kiểm soát, họa sĩ Lê Linh cảm thán: “Bắt tay hợp tác tạo ra một siêu phẩm điện ảnh thì sao, thành công rực rỡ thì sao... Tiền bản quyền cũng sẽ lại tuôn vào túi bọn ác khiến cho chúng vốn đã mạnh lại càng thêm mạnh... Nghĩ đến chặng đường 12 năm khổ ải, tôi thấy không có một chút động lực nào cho việc cộng tác".

Trên nhiều diễn đàn điện ảnh, công chúng tỏ ra bất mãn với góc khuất bản quyền của bộ phim “Trạng Tí phiêu lưu ký”. Thế nhưng, giới luật sư có cách nhìn hoàn toàn khác. 

Theo quy định của pháp luật, quyền tác giả đối với tác phẩm bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Chủ sở hữu quyền tác giả có quyền làm tác phẩm phái sinh. Khoản 8 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ quy định: “Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn”. Do đó, chuyển thể là một hình thức của tác phẩm phái sinh và đây là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả. 

Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định, chủ sở hữu quyền tác giả có thể là cá nhân, tổ chức mà không nhất thiết phải là tác giả. Đối với hợp đồng mua bản quyền chuyển thể giữa nhà sản xuất phim “Trạng Tí phiêu lưu lý” và Công ty Phan Thị, thì đây là hợp đồng độc lập của các tổ chức với nhau. 

Nếu đối tượng của hợp đồng là tác phẩm chuyển thể từ các tác phẩm truyện tranh thì cần xác định tác phẩm truyện tranh gốc có thuộc quyền sở hữu của Công ty Phan Thị hay không. Trường hợp, tác phẩm gốc do Công ty Phan Thị là chủ sở hữu thì đơn vị này hoàn toàn có quyền làm tác phẩm phái sinh, tức là chuyển thể sang hình thức kịch bản phim, sau đó hoàn toàn có thể chuyển nhượng, cho phép... tổ chức, cá nhân khác sử dụng kịch bản này. 

Chỉ cần lưu ý, việc làm tác phẩm phái sinh phải đảm bảo không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm gốc, tức là đảm bảo quyền nhân thân của tác giả.

Gia Quan
.
.