Văn học: Nobel và học đường

Thứ Tư, 19/01/2022, 09:13

Trong Lễ phát động cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi, trao giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ nhất do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dự và có những phát biểu động viên. Chia sẻ của Chủ tịch nước được nhắc tới nhiều nhất chính là mong mỏi “một ngày không xa Việt Nam ta sẽ có nhà văn đoạt giải Nobel văn chương, mang về niềm tự hào cho đất nước chúng ta”.

Đó cũng chính là khát khao chung của rất nhiều người Việt và không chỉ đặt lên đôi vai văn chương. Một giải thưởng cao quý như Nobel chính là ghi nhận lớn nhất cho đóng góp vào kho tàng tri thức nhân loại của một dân tộc. Dân tộc nào cũng nuôi dưỡng khát vọng ấy, không phải để ganh đua mà là để khẳng định sự tồn tại của “tôi trong chúng ta”.

Cũng trong cuộc phát động sáng tác này, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đã có phát biểu đại ý rằng: “Trong việc tạo dựng một tâm hồn tốt đẹp, một con người tử tế, một con đường nhân ái, những cuốn sách là vô cùng quan trọng”.

Từ ý này, hãy thử nhìn nhận lại xem con em mình đang được nuôi dưỡng tâm hồn như thế nào. Gần đây, một trường THCS-THPT ở quận Tân Phú - TP Hồ Chí Minh đã đưa lời của bản rap “Mang tiền về cho mẹ” của rapper Đen vâu vào đề thi học kỳ môn văn. Lập tức, học trò của trường đã có những phản ứng rất tích cực và thể hiện sự hào hứng với đề thi này. Thực ra, đây là một việc làm không hề mới. Đã và vẫn có nhiều thầy cô giáo ngữ văn sử dụng những chất liệu rất đời sống, gần gũi với học trò để đưa vào đề thi nhằm thu hút sự quan tâm đến môn văn. Cách làm mềm mại môn văn trên học đường này là rất đáng khen ngợi nhưng nó cũng cho thấy việc tạo sức hấp dẫn cho môn học hiện nay vẫn chỉ là những nỗ lực vô cùng đơn lẻ của các giáo viên chứ chưa hề có sự ra tay của ngành giáo dục.

Chúng ta hãy tự trả lời câu hỏi: “Các bài thơ, văn được chọn lựa vào SGK là vì người lớn thích trẻ em phải học những bài đó hay là vì trẻ em thích được đọc những chất liệu này?”. Sự khô cứng của giáo trình ngữ văn chính là thứ đã không nuôi dưỡng được tâm hồn trẻ thơ, khiến cho trẻ thơ sợ môn văn, ngán ngại môn văn và từ đó dẫn tới câu chuyện rời xa văn hoá đọc. Sách văn chương của Việt Nam chưa có thị trường đủ mạnh, nói nôm na là chưa có một lượng độc giả có lực đọc dồi dào.

Trong bối cảnh như vậy, việc nuôi dưỡng, bồi đắp cho các nhà văn chỉ là cái việc ở đằng ngọn. Người đọc mới là cái gốc. Nếu coi văn chương như cái cây, người đọc là đất và nhà văn chỉ là kẻ làm vườn. Những kẻ làm vườn dù có tài ba đến mấy đi nữa thì cũng không thể trồng nên một cái cây mạnh khoẻ nếu như không có đất. Do đó, bồi dưỡng người đọc mới là công việc cần làm, và phải làm lâu dài. Cơ bản nhất của việc bồi dưỡng người đọc phải đến từ học đường, nơi mà môn ngữ văn phải trở thành một môn học được ưa thích thực sự.

Nếu hỏi các học sinh cấp III về một bài văn, bài thơ mà các em ấn tượng nhất trong sách giáo khoa, rất có khả năng là chỉ có một con số cực hiếm hoi có thể trả lời. Dễ hiểu, các em đã và đang phải tiếp nhận môn văn xét ở một góc độ nào đó còn là khiên cưỡng chứ chưa chắc các em đã “muốn học nó bằng một sự hứng khởi”.

Nói rộng ra thêm nữa, có phải tất cả các bài văn, bài thơ trong SGK đều mang vẻ đẹp văn chương hay không? Dám khẳng định rằng, có một số những bài học trong sách ngữ văn chưa mang nét đẹp văn chương, chưa đủ sức gợi mở tâm hồn cảm thụ văn chương trong học sinh. Một khi đã tồn tại bài học chưa đẹp, chưa gợi được tình yêu môn văn thì khó để chúng ta nuôi dưỡng được cái gốc của tâm hồn.

Vì vậy để hướng tới giấc mơ Nobel, chúng ta hãy bắt đầu với khát vọng thực sự về một tương lai xã hội Việt Nam là một xã hội ưa đọc văn học. Yêu văn học, tất sẽ vươn tới những giấc mơ lớn của văn chương.

Văn Đoàn
.
.