Tốc độ và sự lựa chọn

Thứ Năm, 26/05/2022, 09:33

Nếu để ý kĩ các thông tin, bạn sẽ thấy: chỉ trong tháng 4 năm 2022, doanh số thị trường ôtô Việt Nam đã đạt tới con số: 51.745 xe. Như vậy, tính ra cứ mỗi phút, một chiếc ôtô mới lại tìm thấy được chủ nhân của mình. Đó không chỉ là một tốc độ mà nó còn nói lên nhịp sống và tốc độ tăng trưởng. Bất giác, người viết có một suy cảm về câu chuyện của tốc độ và những gì đọng lại sau những thông số ấy. Tốc độ đang là cảnh giới của con người hôm nay.

Cách đây chưa lâu, tại SEA Games 31, kình ngư Phạm Thanh Bảo của đoàn thể thao Việt Nam đã giành huy chương Vàng và phá kỷ lục SEA Games với thành tích 1 phút 1 giây 17 ở nội dung bơi ếch 50m. Điều đáng nói là, phải mất 13 năm, chàng trai gốc Bến Tre này mới vượt được người đàn anh Nguyễn Hữu Việt (tại SEA Games 2009 với thành tích: 1 phút 1 giây 60) để rút ngắn được 0,43 giây trên đường đua xanh. Có lẽ, để bớt đi được 0,43 giây ngắn ngủi đó, bơi lội Việt Nam đã phải mất hơn một thập niên gieo trồng, chăm chút với một định hướng và kiên định với lối đi của mình. 0,43 giây phải chăng còn là nấc thang cheo leo thách thức bất kì một vận động viên nào đã đam mê đường đua xanh và có khát vọng đoạt tấm huy chương cao quý.

su dung.jpg -0
Sử dụng phương pháp dạy học hợp lý làm gia tăng sự tương tác hai chiều trong giờ học.

Nhưng, nếu đem so sánh những con số thực, những tốc độ cụ thể ấy với quá trình vượt lên trong sự cạnh tranh vô hình, chiến thắng chính mình thì còn có nhiều cuộc chạy đua âm thầm nhưng không kém phần thú vị khác nữa. Khi ứng dụng chuyển đổi số Coop.66 được Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đưa đến các HTX, để các HTX bắt nhịp vào cuộc sống số cũng là khi người nông dân đã biến thành những “vận động viên” trên đấu trường là ruộng vườn của mình. Họ là đội chủ nhà, là người tạo ra sân chơi và đang đối diện với những thử thách như là những đối thủ vô hình.

Ông Võ Văn Trưng, ở xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp là một ví dụ như thế. Ông đã “mạnh dạn chi hơn 600 triệu đồng để thực hiện mô hình trồng dưa lưới nhà kính theo công nghệ tưới của Israel. Ưu điểm của công nghệ này là tiết kiệm được 80% lượng nước tưới, 50% chi phí nhân công lao động và hạn chế được dịch bệnh đến 90%. Để tiện cho việc đi lại và chăm sóc dưa, ông Trưng cho lắp thêm hệ thống kiểm tra dinh dưỡng cho cây dưa lưới. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, ông có thể quản lý được quá trình sinh trưởng và phát triển của cả vườn dù đang ở bất cứ đâu”. (theo Thuý An - Báo QĐND).

Tốc độ mà ông Võ Văn Trưng và nhiều nông dân khác đang có được đến từ sự đổi mới bằng việc ứng dụng công nghệ 4.0. Cùng với đó là cách tư duy mới, hy vọng vào chính sự chuẩn chỉ, khoa học của mình thay vì chỉ biết trông chờ vào sự may rủi của thiên nhiên. Ngày nay, trong lĩnh vực nông nghiệp, nếu chỉ dựa vào tình yêu đất đai, vào sự cần cù, khát vọng tăng trưởng mà thiếu đi sự đổi mới thì chúng ta sẽ rất khó đạt được hiệu quả mong muốn.

Trong cuộc sống, không phải lúc nào tốc độ cũng đến từ việc nỗ lực trên đường đua, vút lên từ bệ phóng. Đôi khi, mọi việc còn khó khăn, gian nan hơn khi phải bắt tay vào việc tháo gỡ những vướng mắc, trở ngại để có thể băng băng về đích.

Còn nhớ, khi đánh giá về việc thực hiện mục tiêu phát triển đến 2030, tầm nhìn đến 2045 của Thủ đô Hà Nội, chúng ta nhận ra nhiệm vụ cần tháo gỡ những khó khăn, vướng mặc như: “Hạ tầng kinh tế, xã hội phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, xây dựng, phát triển đô thị, trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường còn hạn chế; phát triển kinh tế, xã hội, phát triển đô thị chưa toàn diện, thiếu đồng bộ; nhiều dự án lớn chậm được triển khai, gây lãng phí nguồn lực; việc quy hoạch xây dựng các đô thị vệ tinh không đạt kế hoạch. Phát triển văn hoá, xã hội, xây dựng con người chưa thực sự tương xứng với vai trò, vị thế, tiềm năng và nền tảng lịch sử - văn hoá ngàn năm văn hiến của Thủ đô. Hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở còn nhiều bất cập. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên một số địa bàn vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Liên kết, hợp tác giữa Thủ đô với các địa phương trong vùng và cả nước chưa hiệu quả” (theo Tư Giang - Lan Anh - Báo điện tử Vietnamnet).

đọc chậm trong thời đại tốc độ-nguồn diemsach.info.jpg -0
Đọc chậm trong thời đại tốc độ.

Kể từ năm 1986, khi nhà báo Carlo Petrini khởi xướng phong trào “ăn chậm” nhằm phản đối kế hoạch mở một nhà hàng McDonald ở trung tâm Rome, đến nay có hơn 110.000 thành viên từ 83 nước đã đăng ký thành viên của hiệp hội “ăn chậm” do Petrini sáng lập. Từ đó, xuất hiện thêm nhiều khái niệm “chậm”, cho thấy ở chiều ngược lại: con người lại đang nỗ lực để níu lại một nhịp sống vô cảm.

Bạn thử nghĩ xem: Khi một “dàn nhạc cổ điển của Nhật Bản đã chơi Bản giao hưởng số 5 của Beethoven nhanh hơn nguyên bản tới 4 phút 15 giây. Một vở kịch của Ibsen ngày xưa dài 4 tiếng thì bây giờ các nghệ sĩ Na Uy chỉ cần diễn trong vòng 2 tiếng”; hay: “thuốc lá thay chỗ cho tẩu, thư điện tử thay thư tay. Ngay xung quanh chúng ta cũng đang xuất hiện nhiều sự nhanh gấp như: “Chuyện tình thần tốc' của cặp đôi cưới sau 7 ngày gặp gỡ”; “Lạm dụng mẹo khi luyện thi IELTS”; “Mặt trái của việc giới trẻ chuộng thời trang nhanh”; “Mặt trái của việc giảm cân quá nhanh”…

Vậy tại sao sau bao nỗ lực để cải tiến tốc độ của cuộc sống, con người lại cần sống chậm lại như thế? Liệu sống chậm có phải là cách đẩy lùi lịch sử, phản khoa học hay không? Điều này đã được nhà báo Carl Honoré lí giải: "Triết lý Chậm không phải là làm mọi thứ với tốc độ như một con ốc sên. Đó là tìm cách làm mọi thứ với tốc độ phù hợp. Tiết kiệm hàng giờ và phút thay vì chỉ đếm chúng". Ngẫm ra, “sống chậm” ấy cũng là một tốc độ mà chúng ta phải nỗ lực rất nhiều mới đạt đến được, để có một ý thức “chậm” với đúng nghĩa của nó.

mặt trái của fast fashion (thời trang nhanh)-nguồn ảnh doanhnhansaigon.jpg -0
Mặt trái của fast fashion (thời trang nhanh).

Nói đến đây, người viết liên tưởng đến những đối trọng của “nhanh” như: “giáo dục chậm” (Giáo dục chậm tập trung phát triển mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh. Chúng tôi dành nhiều thời gian hơn để thảo luận, phản ánh và học chuyên sâu” - theo Mike Grenier - Anh); “Du lịch chậm” (du lịch vơi mục đích nghỉ ngơi, thư giãn và tận hưởng chất lượng cuộc sống); “đọc sách chậm”… Tác giả Slow Reading trong cuốn “Đọc Chậm” (xuất bản 2009) cho rằng: “Nếu bạn muốn học hỏi sâu sắc từ một cuốn sách, nếu bạn muốn thấu hiểu nó từ nội tâm của mình, để hòa quyện tâm tư của mình với ý tưởng của tác giả và biến nó thành một trải nghiệm của riêng mình, thì bạn phải đọc nó từ từ”…

Khách quan mà nói, trong thời đại mà các quy trình, cự ly, thao tác… ngày càng được rút gọn, các kho dữ liệu được tích hợp, bao quát các lĩnh vực trong cuộc sống, nếu mỗi con người không thật sự quyết liệt thay đổi, cơ hội “sống chậm” ngày càng nhỏ đi. Nếu không sống chậm đúng nghĩa, con người sẽ khó đạt đến những nấc thang mới trong sự phát triển một cách bền vững.

Có lẽ, hơn lúc nào hết, một tốc độ sống kĩ, sống có chất lượng, một cách ứng xử nhân văn, thân thiện không chỉ giữa người với người mà còn cả ở giữa con người với môi trường, với tài nguyên số và với cả chính bản thân mình là điều hết sức cần thiết trong thời đại hôm nay… tất cả phụ thuộc vào sự lựa chọn của chúng ta.

Mai Phương
.
.