Tết đoàn viên mùa COVID

Thứ Năm, 20/01/2022, 14:27

Chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Với những người mưu sinh nơi đất khách thì đây có lẽ là thời điểm mong chờ nhất, khao khát được về đoàn tụ với gia đình. Về quê ăn Tết hay ở lại thành phố hiện đang là câu hỏi, là vấn đề nhiều trăn trở, là một quyết định khó khăn của nhiều người dân lao động xa quê.

Sự lo lắng về nguy cơ bị nhiễm bệnh bất cứ lúc nào và về quê có thể mang theo mầm bệnh, gây lây lan cho những người thân đang đè nặng tâm lý của những người con xa xứ,dù ai cũng mong muốn được đoàn tụ cùng gia đình trong không khí ấm áp của ngày xuân.

Chính phủ đã có Công điện yêu cầu ngành Giao thông phải phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, không để xảy ra tình trạng không được về quê ăn Tết do không có tàu, xe; bảo đảm linh hoạt, an toàn và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh... Đến nay, tàu hỏa, hàng không, xe khách… đều ghi nhận số vé giảm mạnh so với bình thường.

tết là thời điểm gia đình sum họp bên nhau nên người việt xa xứ nào cũng mong được trở về quê hương trong dịp tết.jpg -0
Tết là thời điểm gia đình sum họp bên nhau nên người Việt xa xứ nào cũng mong được trở về quê hương trong dịp Tết.

Hầu hết các địa phương đều tạo điều kiện thuận lợi cho người dân từ các nơi về quê đón Tết với khuyến cáo chấp hành tốt các biện pháp phòng dịch. Tuy nhiên, nhiều tỉnh, thành cũng có những quy định, yêu cầu về chuyện người dân ở xa có nên về ăn Tết hay không. Một số địa phương đã phát đi thư ngỏ, khuyến cáo người dân sinh sống ở vùng dịch không về quê trong dịp Tết cổ truyền: Người dân về từ "vùng cam" tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong vòng 7 ngày. Người về từ "vùng đỏ" thì phải cách ly tập trung. Không nên về quê nếu "không thật sự cần thiết"… Những lời kêu gọi kiểu này không tạo cảm xúc tích cực cho xã hội, còn có thể gây tâm lý kỳ thị người ở xa về với quê hương, bản quán.

Tuần qua, một gia đình ở xã Thiệu Phú, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa được vận động và đồng ý cho chính quyền địa phương khoá cổng, giữ chìa khóa, tự cách ly tại nhà để phòng dịch COVID-19, do có người đi làm ăn xa về quê dịp trước Tết. Ngay khi nhận được thông tin này, lãnh đạo huyện Thiệu Hóa đã chỉ đạo xã mở khóa cho người dân. Sự "sáng tạo thái quá" này đã khiến nhiều người bức xúc vì không có quy định nào cho phép khóa cửa nhà dân! Một cách hành xử làm tổn thương chính những người con của quê hương mình. Chính quyền vô cảm với nỗi nhọc nhằn của người lao động xa quê, nhưng cũng có nhiều người cho rằng, biến chủng Omicron xâm nhập với tốc độ lây lan nhanh, tốt nhất không nên về quê ăn Tết. Đâu phải là cái Tết cuối cùng mà cứ phải về mới được hay sao?

Thời điểm này đã rất khác so với năm 2021, khi tỷ lệ tiêm phủ vaccine của Việt Nam đã tăng đáng kể, cả nước đã và đang từng bước thích nghi, sống chung với dịch thay vì đóng cửa, phong tỏa diện rộng như trước. Nhưng chúng ta không vì thế mà chủ quan, lơ là với công tác phòng, chống dịch bệnh. Phòng bệnh phải bảo đảm hiệu quả để giữ gìn sức khỏe cho bản thân mình và những người xung quanh.

Qua hai năm chống dịch, ý thức của người dân đã được nâng lên nhiều. Chắc rằng, nếu thấy không an toàn, họ sẽ không đi đâu nếu không quá cấp bách. Có lẽ chúng ta nên tuyên truyền và công bố rõ ràng, thường xuyên mức độ dịch của các nơi để người dân lựa chọn. Không ai dại gì lại đánh cược sức khỏe, mạng sống của mình chỉ vì mấy ngày vui. Người dân chắc chắn sẽ suy nghĩ kỹ chuyện về quê ăn Tết hay ở lại nơi đang cư trú.

Thay vì vận động người dân không về quê đón Tết, chúng ta nên yêu cầu mọi người thực hiện nghiêm các quy định về công tác phòng chống dịch. Đó là thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế, khai báo y tế đầy đủ, thông tin cho chính quyền địa phương, tránh “tạt ngang, tạt ngửa”; nên chủ động xét nghiệm trước khi về quê để đảm bảo sức khỏe cho bản thân, gia đình, hàng xóm và cộng đồng.Để giảm thiểu lây nhiễm dịch bệnh cho làng xóm thì hạn chế đi chúc Tết vòng quanh, không tổ chức ăn uống linh đình, tụ tập đông người... Các trường hợp không tuân thủ thực hiện, nếu để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Những “thông điệp” này chắc chắn sẽ truyền cảm xúc tích cực cho người dân trong cuộc sống nói chung và trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19 nói riêng.

Đối với mỗi người con đất Việt, Tết là dịp rất quan trọng để thăm nom cha mẹ, đoàn tụ gia đình, cũng là những ngày ngắn ngủi để những người đi học tập, làm ăn xa quê được sống trong không khí ấm áp của mùa xuân. Đây cũng là dịp xốc lại tinh thần sau 1 năm học tập, làm việc vất vả trong điều kiện vừa lao động vừa phòng chống dịch. Chính vì vậy, dù cho lựa chọn đón Tết của mỗi người có khác nhau, nhưng sự tự giác phòng dịch, tuân thủ 5K của mỗi người dân sẽ là lá chắn an toàn đảm bảo một cái Tết đầm ấm, an vui.

Cù Tất Dũng
.
.