Ổn định để phát triển

Thứ Năm, 11/08/2022, 10:49

Cuối tháng 7, khi trực tiếp khảo sát hiện trường Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp người được phía nhà thầu thuê bảo vệ kho vật tư này và sau đó đã nêu vấn đề trong cuộc họp với các bên liên quan: “Người bảo vệ ở kho cũng bày tỏ xót ruột với thực trạng dự án, chỉ mong muốn giải quyết việc này cho sớm. Người dân còn như vậy, thì chúng ta ngồi đây phải thấy trách nhiệm của mình thế nào".

Dự án nói trên khởi công từ năm 2007 nhưng kéo dài tới nay chưa hoàn thành.

Như chúng ta đã biết, chỉ nói riêng ngành Công thương đã có tới 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả. Dù Bộ Chính trị đã cho chủ trương và Chính phủ qua các thời kỳ đã tập trung xử lý, nhưng đến nay vẫn chỉ mới xử lý được 5 dự án. Trong 7 dự án còn lại, 2 dự án đã có phương án xử lý, còn 5 dự án đang tiếp tục tìm phương án, trong đó Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên được đánh giá thuộc diện phức tạp, khó xử lý nhất.

image.png -0
Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát, kiểm tra từng hạng mục dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên. Ảnh: TTXVN

Gang thép Thái Nguyên có truyền thống lịch sử lâu đời, từng là biểu tượng của công nghiệp nặng nước nhà và nhiều lần được đón Bác Hồ về thăm. Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên vì vậy không những có ý nghĩa về mặt kinh tế, góp phần phục vụ chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tiếp tục xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, mà còn là tình cảm của nhân dân đối với các thế hệ đã hy sinh cho sự phát triển của ngành công nghiệp luyện kim.

Việc chậm trễ về tiến độ ở dự án này gây ra thiệt hại lớn về kinh tế khi tổng mức đầu tư ban đầu là 3.800 tỷ đồng đã phải nâng lên mức 8.100 tỷ đồng vào năm 2013, mà bây giờ muốn hoàn thành thì chắc chắn phải tốn kém nhiều nữa.

Chuyện tương tự cũng đang diễn ra ở dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội. Dự án này động thổ từ năm 2008, khởi công năm 2010 với dự kiến hoàn thành năm 2015 nhưng đến nay,tiến độ dự án mới đạt khoảng 75% và tổng số vốn đầu tư cũng đã đội lên gấp đôi so với ban đầu, lên hơn 34.000 tỷ đồng.

Tình thế buộc Thủ tướng phải tung ra “cú đấm thép” bằng việc quyết định sẽ không vay thêm vốn ODA (do thủ tục phức tạp) mà xuất ngân sách Nhà nước để phấn đấu trong năm 2022 hoàn thành đoạn trên cao và rút ngắn một nửa thời gian thi công đoạn đi ngầm của dự án Nhổn - Ga Hà Nội.

Việc để chậm trễ tiến độ gây ra thiệt hại lớn về kinh tế thì không chỉ xảy ra ở Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên hay dự án Nhổn - Ga Hà Nội mà ở dự án Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) hay dự án tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (TP Hồ Chí Minh) và nhiều dự án khác, kể cả dự án được xác định là trọng điểm.

Chậm trễ tiến độ thi công, tất nhiên có lúc là do nguyên nhân khách quan bất khả kháng, nằm ngoài tất cả mọi khả năng tiên liệu của con người và tính toán của máy móc, nhưng rất cần nói thẳng với nhau về những nguyên nhân chủ quan từ công tác tham mưu, dự báo và trách nhiệm của chủ đầu tư cũng như các bên liên quan đã dẫn đến tình trạng dự án được trình và quyết rất nhanh, chỉ tiến độ là chậm?

Chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện vào hôm 6/8/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ xác định "4 ổn định", bao gồm: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; ổn định các loại thị trường tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và giá cả, thị trường các loại hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống người dân; ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Trong 4 mục tiêu nêu trên thì “ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn” là mục tiêu ưu tiên, xuyên suốt. Muốn vậy thì việc nỗ lực khai thông sự chậm trễ tiến độ ở các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm của quốc gia sẽ không chỉ giảm thiểu các thiệt hại về kinh tế mà còn có tác dụng rất lớn trong việc đảm bảo thực hiện được mục tiêu “ưu tiên, xuyên suốt” này.

Lương Duy Cường
.
.