Đừng để khẩu hiệu chỉ là lời nói suông

Thứ Năm, 02/12/2021, 10:50

Tại Hội thảo giáo dục Việt Nam năm 2021 "Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo" do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức, GS Trần Ngọc Thêm, Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng cần chấm dứt khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo, vì nó mang nặng tính phục tùng và không còn phù hợp với giáo dục Việt Nam hiện nay.

Ý kiến này đã gây ra nhiều tranh cãi, mỗi người hiểu theo một nghĩa khác nhau, nhưng đa phần cho rằng quan điểm này là không hợp lý, thiếu thuyết phục.

Dân tộc Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, cho nên nền giáo dục của chúng ta vì thế cũng liên tục có sự chuyển tiếp những tư tưởng, triết lý giáo dục. Từ một nền giáo dục phong kiến Nho giáo, nặng về khoa cử với mục tiêu "Học để làm quan", thì “Tiên học lễ, hậu học văn” là tư tưởng phản ánh thứ tự ưu tiên giữa đạo đức và văn hóa trong giáo dục. Đến thời kỳ Pháp thuộc, giáo dục cai trị được thay đổi từ “Học để làm quan” sang “Học để làm công chức phục vụ chính quyền thuộc địa”. Đối lập với đó, lực lượng trí sĩ, sĩ phu yêu nước đưa ra tư tưởng “giáo dục yêu nước”, với mục tiêu giành độc lập dân tộc. Dưới chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến trước thời kỳ đổi mới nền giáo dục của chúng ta có nhiều thay đổi, với nhiều tư tưởng, quan điểm giáo dục xuất hiện, như: “Xây dựng một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam”, “Học đi đôi với hành”, “Giáo dục kết hợp với lao động sản xuất”, “Học mãi để tiến bộ”, “Học suốt đời”, “Xây dựng xã hội học tập”.

Bước vào công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, mục tiêu của giáo dục Việt Nam là: Giáo dục nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài để xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh... Bên cạnh đó cũng có thêm nhiều khẩu hiệu mới: “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Môi trường học tập định hướng thành công”, “Học thật, thi thật, nhân tài thật”... Những khẩu hiệu này đều sát hợp với yêu cầu, mục đích dạy và học, nhưng vẫn không làm thay đổi bản chất vấn đề, mà đều đề cao đạo đức, lễ nghĩa, phát huy được năng lực của học sinh để trở thành những công dân có ích cho gia đình và xã hội.

Chính vì tính chất chuyển tiếp, luôn có sự kế thừa và phát triển thì khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" không nhất thiết phải bỏ, chấm dứt sử dụng, mà nên bổ sung, sáng tạo, phát triển để chữ "lễ" và chữ “văn” được hiểu ở nghĩa rộng hơn, phù hợp với thực tiễn, giúp cho học trò sáng tạo hơn, khai phóng hơn là được. Quan trọng là phải thực hiện chứ đừng để khẩu hiệu chỉ là lời nói suông.

Xã hội đang ngày một phát triển, quan niệm về giáo dục vì thế cũng cần đổi mới cho phù hợp với tiêu chí của đời sống hiện đại. Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập quốc tế trên mọi lĩnh vực theo quan điểm kế thừa và phát huy những giá trị quý báu của dân tộc, đồng thời tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của nhân loại là rất sáng suốt. Triết lý giáo dục dù nội dung thế nào đi chăng nữa thì vẫn xoay quanh mục tiêu lớn nhất là góp phần hình thành nên những thế hệ con người Việt Nam phát triển hài hòa giữa trí tuệ và nhân cách, biết tư duy sáng tạo nhưng đồng thời cũng phải thấu hiểu đạo lý, biết cách yêu thương, sẵn sàng cống hiến trí tuệ và sức lực của mình cho sự phát triển của đất nước.

Cù Tất Dũng
.
.