Đội bóng bàn CLB sĩ quan Hưu trí CAND: Bóng bàn và "gừng già"

Thứ Năm, 08/10/2020, 09:13
Với những người cán bộ sĩ quan hưu trí Công an nhân dân, nghỉ hưu là bắt đầu cho một cuộc sống mới không kém phần sôi động. Là khi họ có cơ hội được sống đúng với niềm đam mê lành mạnh của mình mà lúc đương chức vì quá bận họ chưa trọn vẹn được. Nghỉ hưu với những sĩ quan hưu trí CAND trong Câu lạc bộ bóng bàn, là hành trình tìm đến thân tâm an lạc.


Nghỉ hưu không phải là trở về một đời sống buông bỏ với thế giới đang hối hả. Nghỉ hưu không có nghĩa là thu mình trong góc nhà bận bịu với cháu con và trở nên yếm thế với thời cuộc. Với  những người cán bộ sĩ quan hưu trí Công an nhân dân, nghỉ hưu là bắt đầu cho một cuộc sống mới không kém phần sôi động. Là khi họ có cơ hội được sống đúng với niềm đam mê lành mạnh của mình mà lúc đương chức vì quá bận họ chưa trọn vẹn được. Nghỉ hưu với những sĩ quan hưu trí CAND trong Câu lạc bộ bóng bàn, là hành trình tìm đến thân tâm an lạc.

Cà phê quen, những tràng cười sảng khoái dưới gốc bằng lăng Đỗ Hành, đó là hai người đàn ông đồng tuế, cùng từng phục vụ trong lực lượng An ninh. Cả hai nay đã hưu nhưng vẫn tráng kiện. Người đầu bạc là nhạc sĩ Đại tá Trương Hùng, người tóc đen là Thượng tá Nguyễn Văn Minh. Trong lực lượng Công an thì Trương Hùng là cái tên quá quen. Người ta nhớ các tác phẩm âm nhạc khá nổi tiếng của anh trong ngành như:  "Những linh hồn xanh", "Bến vắng", "Hạ Long xanh", "Giữ trọn lời thề", "Nhớ biển", "Romance Mưa chiều", "Romance Biển"… tiêu biểu là giao hưởng thơ "Người con gái đất đỏ" giành giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2001. Bản giao hưởng này được nhận Giải thưởng âm nhạc về đề tài Công an Nhân dân. Ca khúc "Giữ trọn lời thề" của anh được vinh dự đứng trong 10 ca khúc truyền thống của lực lượng Công an Nhân dân. Hiện nay, Trương Hùng là Phó chủ tịch Chi hội nhạc sĩ Công an nhân dân.

Nhạc sĩ Trương Hùng (bên trái) giao lưu tại Royla city.

Thượng tá Nguyễn Văn Minh vốn là Phó phòng công tác Chính trị của Cục Hậu Cần CAND nên văn nghệ thể thao cái gì cũng biết đủ dùng.

Đề tài bất tận của họ không phải là âm nhạc mà là bóng bàn, là chuyện vợt ngang vợt dọc. Cặp tri kỷ này tham gia các đội bóng bàn Câu lạc bộ Công an Hưu trí (CLB CAHT). Hưu chẳng bao giờ là "hưu hắt". Không có chuyện cầm sổ hưu rời tập thể rồi tan vào đám đông. Các "cụ hưu" này vẫn hoành tráng trong thế giới riêng của họ. Ông Abraham Lincoln có nói rằng: "Sống ở đời bao nhiêu năm không quan trọng bằng sống được bao nhiêu "đời" trong những năm ấy".

Nếu không có mái tóc bạc thì Trương Hùng nhìn cũng chỉ trạc ngũ tuần. Đôi bạn đều đã 63. Trương Hùng thích lẩy thơ Bác Hồ "Sáu mươi ba tuổi còn xuân chán. So với ông Bành vẫn thiếu niên".

Thời trẻ, Trương Hùng "ẵm" không ít giải bóng bàn của Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân. Vàng, Bạc, Đồng không thiếu giải gì, anh từng vào top 8 vận động viên toàn lực lượng Công an.

Trong những chuyến công tác từ Bắc chí Nam, bên cạnh vai trò giám khảo văn nghệ, dàn dựng chương trình, tổ chức trại sáng tác âm nhạc… thì người ta còn thấy một Trương Hùng giắt vợt, đến tỉnh nào là "đơn đao phó hội" tỉnh đấy. Cán bộ chiến sĩ cơ sở khi biết đoàn công tác có "gã đầu bạc" là ngóng. Nhưng "ăn" được gã nhạc sĩ cầm vợt này cũng "gãy răng".

Giang sơn đâu anh hùng đó. Những tay bóng bàn đường phố dạng "độc cô cầu bại" ở địa phương cũng hứng thú khi gặp được "gã đầu bạc" Trương Hùng. Các quái kiệt "phủi" giời ơi đất hỡi này không ngán trường hợp nào. Họ hay tự luyện cho mình những ngón nghề oái oăm khó nhằn. Có những tay chơi tay khéo đến mức, bỏ vợt, dùng điện thoại Iphone, hòn gạch, bật lửa zippo mà vẫn tiu, đập, xoáy, giật đùng đùng, rất khó chịu.

Anh tài gặp Trương Hùng thì hào hứng bởi "gã đầu bạc" không đánh bóng mà chơi bóng. Trương Hùng bảo thời trẻ thì thích "giật đùng đùng" lắm. Khoẻ mà. Những tay mới vào làng bóng bàn thì thể hiện sao cho giao bóng phải hiểm như Mã Long (Trung Quốc), đàn áp bằng những đường bóng Tô ma hốc (tên lửa tomahawk), rồi thì bạt, xoáy, xước bóng không tưởng… Càng có tuổi càng biết chơi hơn. Nhớ lại tuổi trẻ, Trương Hùng cười lớn, tự giễu mình với giai điệu bài "Đoàn vệ quốc quân": Mình ra thi đấu, mình giật đùng đùng. Mình giao bóng giấu, mình giật khùng khùng thì giải mới to.

Thượng tá Nguyễn Văn Minh không hề giật được giải to giải nhỏ như bạn Đại tá Trương Hùng của mình. Anh tự nhận mình là người chơi bóng xoàng nhất nhưng tình yêu của anh cho bóng bàn thì không ai bằng. Có lần anh ngủ mơ thấy mình thi đấu, mà rồi trong mơ cũng thua.

Giao lưu Câu lạc bộ Công an hưu trí và CLB Royal city.

Đội sói già đàn anh, toàn U 70, U 80 cũng là  thầy, biết chỉ nắn cho đồng đội lên tay. Mất khá nhiều thời gian khổ luyện thì Thượng tá Nguyễn Văn Minh cũng thấy tay "ngoan" hơn nhiều. Anh được các "gừng già" xếp lên hạng B. Minh đánh chân phương nhưng được cái bền bóng. Đánh không cốt lấy thắng mà cốt lấy mồ hôi.

Thượng tá Nguyễn Văn Minh biết làm nên chiến thắng bằng cách khác, đó là tổ chức các giải đấu cho đồng đội lập công, chẳng có thắng lợi nào không bắt đầu từ tổ chức. Thượng tá Nguyễn Văn Minh còn có thêm đam mê nhiếp ảnh,  chụp ảnh phong cảnh. Nghề ảnh là nghề của gia đình anh từ lâu, thời máy ảnh còn hiếm thì ngành hay mời thợ ảnh ngoài hỗ trợ. Nguyễn Văn Minh là tay máy của Viện Khoa học hình sự chụp tất cả những gì được yêu cầu từ hiện trường, vân tay cho tới tử thi. Anh chụp trong mọi thời tiết, độ an toàn cao.

Chơi với đội các cụ hưu, Nguyễn Văn Minh thấy vẫn rất mới mẻ. Chơi với người giỏi, người kém đều giúp anh lên tay ầm ầm. Quả thực là những tay vợt yếu lại có những đường bóng khó đỡ cho dù họ chẳng biết bóng bay đi đâu.

Đại tá Trương Hùng chia sẻ: "Tiếp ý ông Minh thì tôi phải kể chuyện này. Quạ bố sát hạch quạ con về kỹ năng sinh tồn, hỏi: "Cái gì đáng sợ nhất với loài quạ?".  Quạ con trai trưởng bảo: "Thưa cha, mũi tên ạ". Quạ thứ bảo: "Mũi tên vô hại, chỉ có người cung thủ giởi mới đáng sợ". Quạ Út bảo: "Đáng sợ nhất là cung thủ tồi. Cung thủ giỏi biết bách phát bách trúng nên quạ cũng biết cách né. Cung thủ tồi thì không biết mũi tên bay vào đâu nên quạ biết đâu mà tránh". Đấy. Những tay vợt kém lại có thể gây khó những đường bóng giời ơi đất hỡi. Kiếm sắc, kiếm cùn đều có cái hay. Đánh bóng thấy người, nhìn cú giao bóng biết tính tình. Nhìn cái đỡ bóng biết kiểu đối nhân xử thế. Bàn bóng như cuộc đời".

Mỗi tuổi mỗi khác, Đại tá Trương Hùng cho rằng mình luôn thay đổi cách chơi. Anh tâm đắc với câu nói của Bác Hồ về trận mạc có câu thế này: "Đánh mà thắng địch là giỏi. Không đánh mà thắng thì còn giỏi hơn". Câu đấy áp dụng vào đâu cũng đúng kể cả bóng bàn.   Trương Hùng cho rằng không vui gì việc cố sống cố chết "ăn" đối thủ. Mình đánh không nhằm ăn thua mà đánh mơ hồ như không đánh, làm cho đối thủ trái cựa không giở món tủ ra được, tự dẫn vào thế bí thì thế mới là chơi bóng, mới nghệ sĩ.

Đội CLB Công an hưu trí cũng không thiếu "gừng già" như anh Tiền trước làm bên viện Kỹ thuật hoá sinh và tài liệu nghiệp vụ (H.18)  từng đoạt giải ngành, anh Quyết bên Cục Kỹ thuật nghiệp vụ 2 (A.23) cũng đoạt giải ngành với lối đánh tốc độ. Anh Trung cũng thủ chắc, công hay.

Trung tướng Nguyễn Văn Ba, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm được anh em mời làm lãnh đạo đội nhưng anh lắc đầu. Có lẽ anh muốn đã hưu là nghỉ hẳn. Lối đánh của anh Ba chắc chắn, công thủ toàn diện và làm đối thủ rất khó tìm ra sơ hở.

Một tay vợt chắc bóng là chị Thìn, vốn là một giọng ca soprano (nữ cao) gốc nhạc viện, một thời là ca sĩ biên chế đoàn nghệ thuật CAND, rồi chuyển sang làm bảo tàng CAND. Khi giao lưu, ai cũng muốn nghe chị hát "Xa Khơi", rất ngọt ngào như không có dấu vết của tuổi tác.

Cuối tháng 9, đội bóng bàn CLB Công an hưu trí giao lưu với CLB Royal city. CLB Royal có các hảo thủ như anh Hoà bên Xây dựng, anh Hải Giám đốc Bảo hiểm Hà Nội vốn là Công an Phòng cháy chữa cháy sở hữu lối đánh sát đòn. Anh Công trước là trưởng phòng Văn hoá thể thao Cẩm Thủy thi đấu với tâm lý cực lỳ. Đại tá quân đội Đỗ Đăng có lối đánh cơ mưu chắc chắn. Chị Tươi, nguyên cán bộ cấp vụ bên Tòa án Nhân dân Tối đánh không cơ bản nhưng mà chơi hay, gọi là khôn bóng.

Nghe tin giao lưu, Công an phường Thượng Đình đến dự và chúc "các cụ" thành công bằng một lẵng hoa rực rỡ. Hai đội thi đấu sòng phẳng, kẻ 8 lạng người nửa cân, chung cuộc hoà cả làng.

Thay đổi cách tập cũng là một cách nghỉ. Hàng ngày, Thượng tá Nguyễn Văn Minh đều đặn đạp xe từ nhà một vòng Hồ Tây khoảng hơn 20 km. Thời gian còn lại là giao lưu như cà phê với Đại tá Trương Hùng chẳng hạn.

Một ngày với Đại tá về hưu Trương Hùng là sáng ngồi thả hồn với cây piano. Chơi một bản etude  hoặc một giai điệu phác thảo mới nghĩ ra. Cũng có thể cầm cây guitar cổ điển, lùa ngón tremolo bản "Recuerdos de la Alhambra" của Francisco Tárrega miên man trong tĩnh lặng như một người tu hành. Âm nhạc với anh là một cách luyện tâm. Cuối chiều là giờ luyện thân. Luyện thân là gì nếu không phải là xách vợt dạo quanh 4 sàn thi đấu quanh chung cư để tìm cao thủ.

Sàn nào cũng a lô í ới muốn anh đến vì có mặt "gã đầu bạc" là vui như Tết. Vui nhất là ở đâu cũng có các quái kiệt "thập diện mai phục".

Vòng tâm thân an lạc cứ xoay tròn bất tận. Bảo sao U70 mà trẻ thế.

Lê Tâm
.
.