Công nghiệp văn hóa là khâu đột phá trong phát triển văn hóa

Thứ Bảy, 27/11/2021, 12:49

Năm 2016, tại lễ bế mạc của Olympic Rio 2016, khán giả bất ngờ và thích thú khi Thủ tướng Nhật Bản lúc bấy giờ -  Shinzo Abe khoác lên mình bộ trang phục của nhân vật trò chơi điện tử huyền thoại Super Mario - vốn được coi là biểu tượng xuất khẩu văn hóa lớn nhất của Nhật Bản.

Ngoài sự hứng thú tạo ra cho khán giả khắp nơi trên thế giới khi nhận ra hình ảnh quen thuộc của chú thợ sửa ống nước Super Mario, việc xuất hiện của Thủ tướng Shinzo Abe còn gián tiếp đem lại hàng tỷ USD cho hãng sản xuất trò chơi điện tử Nintendo.

Công nghiệp văn hóa là khâu đột phá trong phát triển văn hóa -0
Làm thế nào để phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển xứng tầm với tiềm năng chúng ta đang có.

Không phải ngẫu nhiên mà Nhật Bản nổi tiếng với các sản phẩm văn hóa liên quan đến hoạt hình, trò chơi hay truyện tranh, mà tất cả đều nằm trong chiến lược xuất khẩu văn hóa, đẩy mạnh công nghiệp văn hóa của đất nước mặt trời mọc - chính sách "Cool Japan". Ở Hàn Quốc, năm 2020, công nghiệp văn hóa đã thắng lợi khi bộ phim "Ký sinh trùng" đoạt giải Oscar với bốn tượng vàng ở các hạng mục "Kịch bản gốc xuất sắc nhất", "Phim quốc tế xuất sắc nhất", "Đạo diễn xuất sắc nhất", và giải thưởng lớn "Phim hay nhất".  Trước khi đạt thành quả đầy bất ngờ này, "Ký sinh trùng" đã được mời tham dự 57 liên hoan phim quốc tế và được trao 55 giải thưởng chính. Trên chặng đường chinh phục Oscar, "Ký sinh trùng"  đã đạt  30 triệu USD doanh thu trên đất Mỹ (trên tổng số 160 triệu USD trên toàn thế giới). Sự thành công của phim "Ký sinh trùng" không chỉ là sự thành công của tài năng cá nhân, mà đó còn là thành quả của chính sách đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa của Hàn Quốc trong suốt hơn hai thập kỷ.

Ở Việt Nam, ngành công nghiệp văn hóa có chủ trương phát triển khá sớm nhưng cho đến nay, chúng ta chưa đạt được những thành tựu như kỳ vọng. Ai cũng hiểu, công nghiệp văn hóa là một cơ hội để Việt Nam khai thác các giá trị văn hóa, biến văn hóa thành các sản phẩm có giá trị, mang lại nguồn lợi lớn về kinh tế. Vì thế, trước thềm Hội nghị Văn hóa Toàn quốc được tổ chức vào ngày 24-11, PGS, TS. Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định: Công nghiệp văn hóa  được coi là khâu đột phá trong quá trình phát triển văn hóa, và rộng hơn là phát triển của kinh tế đất nước một cách bền vững và có bản sắc.

PGS. TS. Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Phát triển công nghiệp văn hóa cần sự chung sức của toàn xã hội

pgs,ts bùi hoài sơn-.jpg -0
PGS. TS. Bùi Hoài Sơn

- Ông có đánh giá như thế nào về sự phát triển công nghiệp văn hóa ở nước ta trong thời gian qua?

+ Tốc độ phát triển công nghiệp văn hóa bao giờ cũng gấp 1,5 - 2 lần so với tốc độ phát triển chung của đất nước. Chính vì thế, đây là một lĩnh vực được các nước coi trọng, coi như một khâu đột phá. Nó là một xu thế lớn trong quá trình phát triển không chỉ văn hóa mà cho kinh tế của các quốc gia. Đó là lý do tại sao năm 2005, khi Unesco ra công ước về bảo vệ sự đa dạng của các tiểu văn hóa thì các quốc gia đầu tư nhiều hơn cho văn hóa, đầu tư nhiều hơn cho sáng tạo và tập trung nhiều hơn cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Chúng ta cũng gia nhập công ước này rất sớm, từ năm 2007, tuy nhiên chúng ta vẫn chưa làm được gì nhiều để phát triển văn hóa tại Việt Nam.

- Rõ ràng, chúng ta có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp văn hóa. Theo ông, những lợi thế đó là gì?

+ Đầu tiên, chúng ta cũng phải nhấn mạnh rằng, Việt Nam có rất nhiều thuận lợi trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Các ngành công nghiệp văn hóa được cấu thành bởi bốn yếu tố quan trọng. Thứ nhất là tài năng sáng tạo, thứ 2 là vốn văn hóa, tiềm năng văn hóa của đất nước và thứ 3 là công nghệ, thứ 4 là kỹ năng kinh doanh. Hai yếu tố đầu tiên và cũng là hai yếu tố quan trọng nhất, chúng ta có rất nhiều thuận lợi. Dân tộc của chúng ta có rất nhiều tài năng sáng tạo. Trong bất kỳ một lĩnh vực nào chúng ta cũng có tài năng. Trong âm nhạc, mỹ thuật, thiết kế, thời trang… vấn đề là làm sao chúng ta có một môi trường, có chính sách để hỗ trợ các tài năng sáng tạo này mang lại những lợi ích cho đất nước mà thôi. Tiềm năng văn hóa, trong 4 nghìn năm lịch sử chúng ta có rất nhiều tiềm năng văn hóa vật thể, phi vật thể. Có rất nhiều câu chuyện, truyền thuyết là những chất liệu chúng ta có thể sử dụng để khẳng định giá trị văn hóa Việt Nam, khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam, từ đó tạo nên các sản phẩm văn hóa, những sản phẩm hàng hóa và tạo nên những giá trị gia tăng. Chúng ta có chỗ đứng tốt hơn về mặt văn hóa trên thế giới thì chúng ta đồng thời sẽ có chỗ đứng tốt hơn trong những vấn đề khác trên thế giới. Chúng ta cũng có một quyết tâm chính trị rất lớn để phát triển công nghiệp văn hóa. Trong Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 11, chúng ta cũng đã nhắc tới nhiệm vụ thứ 5 là nhiệm vụ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đi đôi với hoàn thiện thị trường văn hóa. Sau đó 2 năm, năm 2016 chúng ta có chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó có các chỉ tiêu rất cụ thể cho từng mốc 2020 và 2030.

- Như ông nói, vấn đề xây dựng công nghiệp văn hóa được xác định tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Tuy nhiên, cho đến nay, công nghiệp văn hóa vẫn chưa phát triển tương xứng với tài nguyên/ tiềm năng của đất nước, nếu không nói là vẫn còn lạc hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Ông có thể lý giải nguyên nhân vì sao?

+ Điều quan trọng đầu tiên vẫn đến từ ý thức, nhận thức của chúng ta về tầm quan trọng của công nghiệp văn hóa trong xã hội. Rõ ràng, chúng ta có quan điểm của Đảng, chúng ta có chiến lược của Chính phủ. Tuy nhiên, quan điểm của Đảng và Chính phủ chưa đến được với toàn xã hội. Đặc biệt, rất nhiều lãnh đạo trong lĩnh vực văn hóa và lãnh đạo ở các địa phương chưa nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của công nghiệp văn hóa, để từ đó chúng ta sử dụng văn hóa, đầu tư cho văn hóa để vừa có những lợi ích về mặt kinh tế, vừa tạo ra những lợi ích lan tỏa khác về chính trị, xã hội, thương hiệu của địa phương và của quốc gia. Nếu chúng ta có một nhận thức tốt hơn về vị trí, vai trò của văn hóa trong sự phát triển của đất nước thì chắc chắn nhận thức này sẽ chuyển thành hành động.

Thứ 2 nữa là chúng ta chưa có những hệ thống chính sách phù hợp cho sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Rõ ràng, để phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam, chúng ta phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sáng tạo, chúng ta phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp liên quan đến sáng tạo để họ có thể phát huy hơn nữa bối cảnh sáng tạo. Những cơ chế về thuế, về đất đai hay là địa vị pháp lý còn nhiều vướng mắc. Chúng ta thấy nhiều khi sự thành công của một bộ phim có tác dụng rất lớn… "Ký sinh trùng" của Hàn Quốc chẳng hạn, nó không chỉ là niềm tự hào của châu Á, mà còn tạo ra nhiều tác động lan tỏa cho nền kinh tế, xã hội Hàn Quốc… Riêng ban nhạc BTS của Hàn Quốc, năm 2018 đã đem lại khoản thu gián tiếp cho Hàn Quốc hơn 3,4 tỷ USD… Những kinh nghiệm quốc tế như thế tại sao lại không trở thành kinh nghiệm cho chúng ta...

Chúng ta còn những khoảng trống trong giáo dục sáng tạo, giáo dục sáng tạo này không chỉ ở bậc phổ thông mà còn ở bậc đại học, trường nghệ thuật nữa.

- Vậy theo ông, làm thế nào thu hút đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa để khai thác tối đa những lợi thế mà chúng ta đang có?

+ Để thu hút nguồn lực, chúng ta cần có những chính sách về thuế, làm sao có những giảm trừ trước thuế cho những đầu tư trong lĩnh vực văn hóa, từ đó tạo thêm động lực cho các thành phần kinh doanh, các Mạnh Thường Quân trong xã hội đầu tư nhiều hơn cho văn hóa. Vì chúng ta biết rằng, khi chúng ta có được sự đầu tư cho họ, khi văn hóa được đầu tư nhiều hơn, được chú ý hơn thì văn hóa cũng sẽ được phát triển.

Về mặt luật, chúng ta cũng cần có luật liên quan đến hiến tặng và tài trợ, hỗ trợ cho văn hóa nghệ thuật. Làm sao chúng ta có thể hỗ trợ cho một bảo tàng, hỗ trợ cho một nhà hát, hỗ trợ cho một thư viện… Chúng ta cần phải có một luật liên quan rộng lớn hơn về hiến tặng và tài trợ, từ đó mới thu hút được sự quan tâm của nhiều người, huy động nguồn lực của toàn xã hội phát triển văn hóa. Văn hóa không phải là công việc của những nhà quản lý văn hóa hay cho một nhóm người nào cụ thể, mà cần có sự chung tay, chung sức của toàn xã hội. Làm được điều đó, chúng ta sẽ phát triển được công nghiệp văn hóa.

- Cảm ơn ông!.

PGS.TS Vũ Thị Phương Hậu - Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Cần đẩy mạnh thị trường nội địa để phát triển công nghiệp văn hóa

pgs, ts vũ thị phương hậu.jpg -0
PGS.TS Vũ Thị Phương Hậu

- Công nghiệp văn hóa ở Việt Nam có nhiều tiềm năng, nhưng thực tế, thị trường nội địa của chúng ta chưa đủ, nếu không nói là còn yếu để tạo điều kiện cho ngành công nghiệp sáng tạo phát triển. Bà có đánh giá gì về điều này?

+ Đây là một trong ba vấn đề chúng ta cần quan tâm (vấn đề thứ nhất là nhận thức, vấn đề thứ 2 là khung pháp lý). Rõ ràng, thị trường nội địa để phát triển công nghiệp văn hóa ở nước ta đang còn yếu. Thị trường nội địa này yếu còn thể hiện ở những vi phạm pháp luật, đặc biệt là vi phạm bản quyền trong sáng tạo, trong việc phổ biến, tiêu dùng những sản phẩm công nghiệp văn hóa. Thị trường công nghiệp văn hóa nội địa yếu còn thể hiện ở việc mức chi tiêu cho các sản phẩm công nghiệp văn hóa toàn xã hội của chúng ta vẫn còn thấp. Nếu chi tiêu dành cho thị trường văn hóa thấp như vậy sẽ không tạo ra động lực cho các doanh nghiệp tham gia vào thị trường văn hóa. Công nghiệp văn hóa phát triển phải tuân theo quy luật thị trường, quy luật cung cầu. Khi cầu ít thì nguồn cung cũng sẽ ít đi. Thị trường nội địa yếu còn thể hiện ở mô hình hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa chưa phong phú và thường đang ở cấp độ nhỏ lẻ, manh mún. Chưa có sự kết nối tạo thành một sự sáng tạo trên phạm vi cả vùng chứ chưa nói đến phạm vi cả nước.

Một hạn chế và cũng là thách thức rất lớn nữa là trong lúc chúng ta đang tìm đường để phát triển công nghiệp văn hóa thì công nghiệp văn hóa của các nước đã rất phát triển rồi. Cho nên trong quá trình chúng ta hội nhập sâu vào thế giới như thế này thì các sản phẩm văn hóa của các nước đang chiếm lĩnh thị trường văn hóa của nước ta.

- Vậy theo bà, làm thế nào để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa với một thị trường còn nhiều hạn chế như vậy?

+ Để thu hút đầu tư, vấn đề quan trọng là chúng ta phải thay đổi về mặt chính sách. Một phương diện chính sách đầu tiên là chúng ta phải tạo ra được động lực kinh tế để thu hút các doanh nghiệp. Ví dụ như giảm lãi suất ngân hàng, chi phí cho thuê mặt bằng, hỗ trợ cả phương diện pháp lý để các nhà đầu tư xây dựng những mô hình phù hợp với hình thức kinh doanh, tổ chức của những doanh nghiệp đó. Bên cạnh những động lực kinh tế, chúng ta cần có cả động lực tinh thần, chúng ta phải khuyến khích và động viên, ghi nhận những đóng góp của các doanh nghiệp…

- Cảm ơn bà!.

Ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch Tập đoàn Lê Group: Việt Nam chưa có thói quen trả tiền để mua những sản phẩm sáng tạo

ông lê quốc vinh.jpg -0
Ông Lê Quốc Vinh​​.

- Theo ông, vì sao hiện nay, ở Việt Nam, các sản phẩm của ngành công nghiệp sáng tạo vẫn chưa đa dạng và phát triển?

+ Ở Việt Nam chúng ta chưa có thói quen trả tiền để mua giá trị sáng tạo, đặc biệt là sản phẩm trừu tượng như một ý tưởng quảng cáo hay một bài viết, ý tưởng sáng tạo một bộ phim… Khi mà chúng ta chưa coi nó là một sản phẩm thị trường thì việc định giá cho những sản phẩm đấy thường vấp phải những nhận thức khác nhau và phần lớn thị trường trả cho những giá trị đó tùy theo mức độ trưởng thành của doanh nghiệp hay mức độ nổi tiếng của người sáng tạo, chứ không phải vì bản thân sản phẩm. Ngay cả trong những văn bản chính thức của cơ quan nhà nước, việc định giá sản phẩm vẫn xếp giá trị sáng tạo, cá nhân con người ở những barem khó hiểu, khó hình dung. Ví dụ họ sẽ tính đổ đồng tất cả mọi người giống nhau cho những người lao động sáng tạo. Đó là những cái chưa chuẩn mực. Chúng ta biết sản phẩm sáng tạo của một nghệ sỹ nổi tiếng mặc dù thời gian công sức bỏ ra có thể ít hơn nhưng giá trị của họ lại rất là lớn… Thế nên ở nước ta hiện nay phổ biến tình trạng ăn cắp ý tưởng, nhái sản phẩm của nhau, những vụ kiện tụng bản quyền tác giả, sở hữu trí tuệ ngày càng nhiều.

Khi nhà nước coi văn hóa là một ngành kinh tế và bắt đầu có khái niệm đặt hàng sản xuất thì chúng ta gặp phải vấn đề, làm thế nào để thu hút đầu tư. Ngành công nghiệp văn hóa mặc dù tiềm năng rất lớn, chúng ta xác định đến năm 2030, tổng GDP của ngành công nghiệp văn hóa đạt tới 7% GDP của cả nước, đây là một con số rất lớn, thế nhưng các doanh nghiệp đang vô cùng nhỏ bé vì nhận thức của thị trường chưa cao. Hệ thống pháp lý để hỗ trợ và bảo vệ doanh nghiệp tập trung vào công nghiệp sáng tạo chưa cao. Cho nên các doanh nghiệp vẫn bị thu hút vào các ngành kinh tế khác thiếu bền vững hơn ví dụ như bất động sản. Ví dụ một doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vào cao ốc cho thuê văn phòng, còn việc đầu tư cho một nhà hát thường không được quan tâm, đấy là những khó khăn cơ bản.

- Tài nguyên cốt lõi của công nghiệp văn hóa là sở hữu trí tuệ, nhưng hiện nay, vấn đề sở hữu trí tuệ ở Việt Nam còn nhiều bất cập. Theo ông, chúng ta nên có những giải pháp gì để làm lành mạnh hóa thị trường này?

+ Mặc dù chúng ta có đầy đủ hệ thống pháp lý liên quan đến sở hữu trí tuệ và quyền tác giả nhưng hiện nay, việc thực thi chưa đạt chuẩn mực quốc tế. Các vụ kiện nhiều lên nhưng sự tham gia của hệ thống pháp luật không sát. Rất nhiều vụ việc khi đưa ra tòa vẫn gây ra nhiều tranh cãi. Chúng ta có nên đầu tư vào lĩnh vực này hay không và đầu tư theo hướng như thế nào vẫn là bài toán cần bàn. Đầu tư vào con người, đầu tư vào đào tạo, đầu tư vào nền tảng thị trường, đặc biệt là các hệ thống pháp lý để bảo hộ sự sáng tạo của cá nhân con người, đó là những vấn đề rất quan trọng. Nó cũng là những rào cản căn bản mà tôi nghĩ rằng, mặc dù chúng ta đã có một chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa nhưng tính thực thi nó chưa cao… Tôi nghĩ bây giờ công chúng đã bắt đầu có ý thức rồi, mong muốn có, khả năng hiểu biết về tiềm lực của ngành văn hóa nhưng làm thế nào để có hành động thiết thực. Ví dụ, Hà Nội đã trở thành thành phố sáng tạo cách đây 2 năm và được Unesco công nhận nhưng cơ bản vẫn nằm trên giấy tờ, trong những cuộc họp của chính quyền. Bởi thành phố còn phải đối mặt với quá nhiều vấn đề, quá nhiều cân nhắc cũng như sự thận trọng để triển khai những sáng tạo mới. Trong khi các doanh nghiệp xin hợp tác với thành phố rất hạn chế. Hay những sản phẩm của thành phố hiện nay vẫn chưa mạnh dạn có sáng tạo mới. Rõ ràng, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm.

- Cảm ơn ông!.

Hạnh Thủy - Việt Hà (thực hiện)
.
.