Chủ động để “Hành động sớm”!

Thứ Năm, 02/12/2021, 10:28

Xuất hiện lần đầu tại Cộng hoà Botswana (Nam Phi) vào ngày 24/11/2021, với  32 đột biến ở protein gai, Omicron (B.1.1.529) là biến chủng mới nhiều đột biến nhất từ trước đến nay của virus SARS-CoV-2 và được dự báo có thể lây lan nhanh hơn 500% biến chủng Delta, nguy cơ tái nhiễm cao hơn các biến chủng khác.

Một thông tin nữa được phát ra từ cơ quan y tế Anh và rất đáng lưu ý về Omicron, rằng biến thể này có một protein gai đột biến khác đáng kể so với một trong những virus SARS-CoV-2 ban đầu được dùng để phát triển vaccine phòng COVID-19. Điều đó đã làm cho các nhà khoa học trên thế giới phải quan ngại vì mức độ nguy hiểm của Omicron.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phải tổ chức một cuộc họp khẩn vào tối 26/11với các chuyên gia để thảo luận về "siêu biến thể" Omicron. Nhưng, theo phát ngôn viên WHO - Christian Lindmeier nói tại cuộc họp này, thì sẽ mất vài tuần để hiểu về tác động của Omicron. Như vậy, Omicron vẫn đang là ẩn số thách thức toàn cầu trong “cuộc chiến” phòng, chống COVID-19.

image001.jpg -0
Biến chủng của SARS-CoV-2.

Chưa thể nói gì thêm về Omicron, nhưng chúng ta đã thấy ngay phản ứng cụ thể của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Đức tuyên bố cấm hầu hết chuyến bay từ phía Nam châu Phi và "có thể là những quốc gia lân cận".Ý sẽ cấm nhập cảnh đối với người từng đến Nam Phi, Lesotho, Botswana, Zimbabwe, Mozambique, Namibia hoặc Swaziland trong 2 tuần qua. Pháp đình chỉ tất cả chuyến bay đến từ phía Nam châu Phi trong 48 giờ. London (Anh) áp đặt lệnh cấm các chuyến bay từ Nam Phi, Namibia, Botswana, Zimbabwe, Lesentine và Eswatini…

Động thái của những quốc gia này cho thấy họ đang làm những gì có thể theo phương châm đã trở thành bài học đắt giá của “cuộc chiến” chống COVID-19: Cần “hành động sớm".

Omicron chưa xuất hiện ở Việt Nam chúng ta cho đến những ngày cuối cùng của tháng 11/2021, điều đó đã được Bộ Y tế khẳng định. Vậy thì Việt Nam có cần phải “hành động sớm" không? Cần quá đi chứ. Vì không có gì để tin rằng Omicron sẽ không tràn vào Việt Nam như những biến thể trước đó của SARS-CoV-2. Nên nhớ Việt Nam tuy không là nơi khởi phát của biến chủng nào nhưng đã ghi nhận 7 biến chủng của SARS-CoV-2. Riêng trong đợt dịch thứ 5 (từ ngày 27/4 đến nay), Việt Nam đã ghi nhận 2 biến chủng là Delta (B.1.617.2, phát hiện lần đầu tại Ấn Độ) và Alpha (B.1.1.7, phát hiện lần đầu tại Anh).

Thực tế thì Việt Nam đã có những hành động để chủ động đối phó với Omicron. Cụ thể, ngoài việc phối hợp với WHO và các cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế, hôm 28/11, Bộ Y tế đã yêu cầu các viện vệ sinh dịch tễ/Pasteur chủ động thực hiện giải trình tự gen các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, đặc biệt là những trường hợp về từ các quốc gia khu vực Nam Phi; các địa phương tăng cường giám sát nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch COVID-19; đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/đi về từ các quốc gia này.

Ở cấp cao hơn, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo 318/TB-VPCP ngày 27/11/ 2021 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trực tuyến với các địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu, Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID-19; khẩn trương mở rộng điều chế thuốc kháng virus; bảo đảm đủ thuốc điều trị (tự nguyện) cho tất cả người bị nhiễm; rút gọn tối đa các thủ tục hành chính trong phê duyệt, cấp phép nghiên cứu, sản xuất thuốc điều trị, vaccine phòng COVID-19; tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước...

Đó là những lo toan từ phía Nhà nước. Với mỗi người dân, chấp hành nghiêm túc khuyến cáo 5K luôn là việc cần thiết và dễ thực hiện. Không thể chủ quan khi những biến chủng của SARS-CoV-2 vẫn đang diễn biến khó lường trong cả nước. Số ca mắc COVID-19 ở nhiều tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long liên tiếp vượt mọi kịch bản dự kiến; Thủ đô Hà Nội cũng vừa ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới cao nhất kể từ khi có dịch với 301 ca (ngày 28/11), đặc biệt trong đó có tới 141 ca tại cộng đồng; miền Trung vẫn dai dẳng với những ngày tăng giảm thất thường số ca F0, F1...

Không quá lo sợ để rồi phải trả giá đắt cho những quyết định nóng vội. Nhưng với COVID-19, mọi sự chủ động phòng ngừa vẫn đáng được chứng minh là giải pháp hiệu quả nhất khi SARS-CoV-2 vẫn luôn là ẩn số khó lường đối với trí tuệ con người.

Lương Duy Cường
.
.