Chống tham nhũng, tiêu cực phải chống từ gốc

Thứ Năm, 18/08/2022, 11:11

Ngày 1-8-2022, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã có Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW về nội dung công tác phòng, chống tiêu cực. Theo đó, đối tượng phòng, chống tiêu cực là cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị.

Hướng dẫn đã nêu rõ 19 hành vi tiêu cực cần tập trung chỉ đạo phòng, chống, bao hàm gần như đầy đủ những thói hư, tật xấu, là nhận thức, thái độ, hành vi không lành mạnh vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc mà không ít cán bộ, đảng viên mắc phải trong suốt thời gian qua. Qua đó, giúp các cán bộ, đảng viên biết được những việc gì không nên làm để giữ mình, sửa mình.

đảng ta kiên quyết đẩy mạnh công tác chống tham nhũng tiêu cực.png -0
“Đảng ta kiên quyết đẩy mạnh công tác chống tham nhũng tiêu cực” - phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Để phát hiện những biểu hiện nhũng nhiễu, lạm quyền, dọa nạt, vòi vĩnh để hòng trục lợi không hề dễ, nhưng những biểu hiện tiêu xài lãng phí, xa hoa, sa đọa, hủ hóa… thì không quá khó. Trong thời gian vừa qua có một số hành động của cán bộ, công chức không phải hành vi tham nhũng, nhưng để lại những hình ảnh xấu xí, gây bức xúc, trở thành "cái gai" trong mắt nhân dân.

Ấy là chuyện ông Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang tổ chức "Tiệc ăn mừng khai trương nhà nuôi chim yến". Còn trong lúc cả nước căng mình chống dịch COVID-19, thực hiện giãn cách xã hội thì ông Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định và ông Cục phó Cục Thuế tỉnh này vẫn thản nhiên đi đánh golf giữa tâm dịch để rồi bị kỷ luật. Còn mới đây, nguyên Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC), tỉnh  Quảng Ninh tổ chức tiệc chia tay "Hai trong một", mời hàng trăm khách ăn uống, vui chơi trên 2 du thuyền 5 sao trên vịnh Hạ Long với mức tiêu tốn lên tới cả tỷ đồng, trong bối cảnh ngành y tế đang gặp rất nhiều khó khăn, khi hàng nghìn y, bác sĩ xin nghỉ việc để tìm một công việc mới bởi đồng lương không đáp ứng đủ nhu cầu cuộc sống...

Rồi những cán bộ có quốc tịch, tài sản ở nước ngoài, biệt phủ, siêu xe, mỗi khi có dịp là hiếu hỷ, tiệc tùng, phô trương tốn kém... Những biểu hiện ấy, khó có thể định lượng được những thiệt hại vật chất, cũng như tinh thần, nhưng nó làm cho hình ảnh cán bộ, đảng viên, thậm chí là uy tín của Đảng cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nguyên nhân gốc rễ của những sai phạm đó là thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức lối sống, vượt qua lằn ranh mỏng manh, tự chuyển biến, tự chuyển hóa, dẫn đến hành vi sai phạm. Và khi cái sai không được phát hiện, ngăn chặn, xử lý đến nơi đến chốn thì vết xe đó nó lặp lại ở những nấc thang mới, tinh vi hơn.

Những cán bộ, đảng viên vi phạm chuẩn mực đạo đức, lối sống phần lớn không phải đều là người xấu ngay từ khi bước vào đội ngũ cán bộ, công chức. Họ cũng đã có những bước nỗ lực phấn đấu, có những đóng góp tích cực, được ghi nhận, được tin tưởng giao phó các vị trí quan trọng trong bộ máy. Nhưng cũng có người ngay từ khi bước vào đội ngũ thì phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống đã có vấn đề, nhưng vì không kịp thời được phát hiện, chấn chỉnh, lại được bao che, nâng đỡ "không trong sáng" nên có cơ hội thăng tiến, để rồi khi đã có quyền lực thì bắt đầu "tác oai, tác quái", gây mất niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, để lại hậu quả lâu dài.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, luận giải rõ: "Không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế, mà quan trọng hơn phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Bởi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thì mới dẫn đến tham nhũng, đây mới là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống".

Liên tục các vụ tiêu cực bị xử lý nghiêm khắc trong thời gian gần đây cho thấy việc phòng, chống sự tha hóa, biến chất trong cán bộ, đảng viên đang được Đảng chú trọng hơn, đặc biệt là từ khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phòng, chống tiêu cực.

Mọi thành công của dân tộc ta đều phải trải qua một quá trình bắt nguồn từ sự đoàn kết, quyết tâm và hành động của toàn dân. Cuộc chiến với "giặc nội xâm" này muốn chiến thắng cũng phải từ dân. Vấn đề tham nhũng, tiêu cực như một cây cổ thụ đang ăn sâu, bám rễ trong đời sống xã hội. Sẽ không có một vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước nào có đủ khả năng và sức lực để tự bứng được gốc cây ấy. Do đó, muốn chống tiêu cực, chống suy thoái về đạo đức, lối sống thì chỉ có sức dân mới có khả năng làm được điều này.

Ngẫm sâu xa, sự giúp đỡ ấy không phải tự nhiên mà có, cũng như cây lá không tự dưng tốt tươi, đó là cả quá trình tích tụ, thẩm thấu giữa ý Đảng với lòng dân, với mục tiêu tất cả vì một đất nước Việt Nam phát triển, hòa bình và thịnh vượng.

Cù Tất Dũng
.
.