Bóng đá và câu chuyện xây dựng pháp luật

Thứ Năm, 20/04/2023, 06:51

Tuần qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên họp thứ 22, cho ý kiến một số nội dung chuẩn bị Kỳ họp thứ 5. Dự kiến, Quốc hội sẽ thông qua 7 luật và 4 nghị quyết có tính quy phạm pháp luật, chưa kể nghị quyết chung của kỳ họp. Ngoài ra, Quốc hội sẽ cho ý kiến 9 dự án luật khác.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng: "Nếu gấp quá sẽ không đảm bảo và chất lượng bị hạn chế. Do đó, sẽ theo tinh thần những nội dung không đảm bảo chất lượng và quy trình thì đến phút bù giờ vẫn phải bỏ lại".

"Phút bù giờ" là cụm từ mà chúng ta thường được nghe trong các trận bóng đá. Đây là những phút sẽ được trọng tài cộng thêm để bù đắp cho thời gian mất đi vì thay người, là thời gian để các bác sĩ, nhân viên y tế chữa trị chấn thương cho cầu thủ hay lỗi câu giờ… Thời gian bù giờ thường diễn ra đầy kịch tính, căng thẳng, các cầu thủ và toàn đội bóng thường nỗ lực hết mình để có thể chuyển bại thành thắng, chuyển khóc thành cười, biến nỗi buồn thành niềm vui chiến thắng.

Bóng đá và câu chuyện xây dựng pháp luật -0
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tuy nhiên, trong công tác xây dựng pháp luật thì khác. Trong bóng đá, thua chưa phải là dở, thắng chưa hẳn là hay. Thất bại sẽ giúp rút ra được những khuyết điểm, những bài học lớn để dồn tất cả sự tập trung cho trận đấu tiếp theo, vì vậy nó sẽ mang lại điều tốt cho đội bóng trong tương lai. Nhưng pháp luật xa rời thực tế, những chính sách thiếu tính khả thi không chỉ gây lãng phí, tạo ra tâm lý nhờn luật; công lý, công bằng không được thực thi sẽ gây bất ổn cho xã hội, hậu quả của nó gây ra khó có thể đong đếm hết được và không dễ gì khắc phục trong ngày một, ngày hai.

"Pháp luật ở trên trời, còn cuộc đời ở dưới đất" là câu nói ví von về tình trạng nhiều dự án luật thiếu thực tế, xa rời đời sống, thậm chí có quy định cản trở sự phát triển hay biểu hiện của "lợi ích nhóm"... Những quy định "vô thưởng, vô phạt" vẫn thường hay xuất hiện và nhận sự chỉ trích của dư luận, chẳng những không giải quyết được gì cho quản lý nhà nước, thúc đẩy nếp sống văn minh, tiến bộ xã hội mà chỉ làm cho cán bộ, công chức và người dân thêm tốn thời gian, báo chí tốn thêm giấy mực vì những quy định "trời ơi", như: Quy định xử phạt các hành vi "nịnh bợ, lấy lòng cấp trên vì động cơ không trong sáng" của công chức, viên chức; sinh viên sư phạm sẽ bị buộc thôi học nếu bán dâm đến lần thứ 4; danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán và nguyên liệu được phép lưu hành tại Việt Nam thì lợn không được ăn rau chuối, bèo tây, thỏ không được ăn cà rốt…

Do không khả thi nên nhiều quy định có cũng như không, tạo ra tình trạng "nhờn" luật của cả người dân và cán bộ thực thi. Lần này công dân không chấp hành cũng không sao, thì lần sau họ cũng có thể sẽ không chấp hành. Một người không chấp hành, nhiều người cũng sẽ không chấp hành. Cứ như vậy, dần dần làm ý thức pháp luật của người dân bị xói mòn từ bên trong. Không chỉ người dân không chấp hành mà nguy hiểm hơn là cả người có trách nhiệm phải thực thi công vụ cũng coi việc không thực thi đó như chuyện đương nhiên.

Bên cạnh đó, có không ít dự án luật chưa đạt chất lượng, luật vừa mới ban hành 1-2 năm đã phải xem xét sửa đổi, bổ sung; có tình trạng luật lúc đầu chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều nhưng sau đó lại thành luật sửa đổi. Luật thường xuyên phải thay đổi như vậy là do cuộc sống thay đổi quá nhanh hay do chất lượng xây dựng luật?

Chúng ta đang trên bước đường xây dựng nhà nước pháp quyền theo hướng không một cá nhân nào, dù là cán bộ cấp cao hay công dân, được đứng trên luật pháp. Pháp quyền, như vậy, không phải là nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, mà là nhà nước bị pháp luật quản lý. Xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật phải xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, không cầu toàn nhưng không nóng vội; những gì đã chín, đã rõ, có tính ổn định thì luật hóa.

Người dân cũng cần thay đổi tư duy về việc làm luật, thay vì suy nghĩ "để Nhà nước làm luật" thì cần suy nghĩ "làm luật vì quyền lợi hợp pháp của mình". Khi có quy trình lấy đóng góp ý kiến của người dân đối với các dự án luật thì chính họ phải hăng hái hưởng ứng, nhiệt liệt bàn bạc, trước hết vì luật làm ra là để bảo vệ quyền lợi của chính mình, sau đó mới là lợi ích quốc gia dân tộc. Chính sự giám sát, phản biện ngay từ khâu đầu vào của người dân là một giải pháp quan trọng để luật mới ban hành mang hơi thở của cuộc sống.

"Phút bù giờ" không phải cứ cố là thành công, nhất là việc xây dựng và ban hành pháp luật. Rất cần sự vào cuộc chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan, tổ chức và người dân trong quá trình xây dựng và ban hành chính sách. Có như vậy mới có thể hạn chế những tồn tại, hạn chế mà chúng ta đang mắc phải và mong muốn hạn chế tình trạng chính sách, pháp luật vừa ban hành chưa lâu đã phải sửa đổi, bổ sung hoặc bị nhân dân và đối tượng tác động phản ứng. Khi pháp luật được thượng tôn; có công lý, công bằng thì xã hội sẽ bình yên và phát triển.

Cù Tất Dũng
.
.