Biến tướng quảng cáo

Thứ Sáu, 14/01/2022, 10:07

Cách đây chưa lâu, khá nhiều người dùng Facebook giật mình khi trên "dòng tin" (newsfeed) của họ xuất hiện quảng cáo với hình ảnh chủ đạo được sử dụng là chân dung Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Nguồn gốc của quảng cáo này là từ trang (page) có tên KOU3 và nội dung quảng cáo là tuyển nhân sự. Dễ dàng nhận thấy đây là hình ảnh vi phạm, không ít người dùng đã nhấn nút báo cáo sai phạm lên Facebook. Chỉ vài tiếng sau, hình ảnh kia đã bị gỡ bỏ hoàn toàn.

Thực tế, cũng không cần người dùng phải báo cáo thì những quảng cáo kiểu này cũng sẽ không tồn tại quá lâu. Chỉ sau một thời gian ngắn xuất hiện thôi, các công cụ quét của Facebook sẽ phát hiện đây là vi phạm nghiêm trọng và tự phía Facebook sẽ có hướng xử lý. Tuy nhiên, bởi hình ảnh cá nhân của một lãnh đạo Nhà nước là phổ cập nên việc xử lý cũng được tiến hành nhanh chóng, còn các hình ảnh không liên quan tới nhân thân thì lại rất khó.

Điển hình, hiện nay trên Facebook vẫn tồn tại các quảng cáo dịch vụ chạm khắc lưu niệm mà chủ yếu hình ảnh sử dụng là các danh từ chung như "Văn phòng Chính phủ" hay "quà tặng của Chủ tịch nước" vv và vv. Chỉ cần gõ các cụm từ "khắc chữ" và những tên riêng của các cơ quan kể trên vào thanh công cụ tìm kiếm, chúng ta sẽ nhận được rất nhiều kết quả là các quảng cáo mạo danh và sai phạm. Và gần như vẫn chưa có bất kỳ một xử lý nghiêm khắc nào cho các hành vi quảng cáo biến tướng này.

Hoạt động quảng cáo rượu, bia, thuốc lá… đã bị pháp luật ngăn cấm từ rất lâu để phù hợp với thông lệ chung của quốc tế, nhưng hiện thời, quảng cáo rượu mạnh đang "lộng hành". Nếu mở trang cá nhân của vài ca sỹ tên tuổi hoặc của một sân khấu ca nhạc đang nổi tiếng ở Đà Lạt, chúng ta sẽ nhận ra ngay các logo và tên thương hiệu của vài nhãn hiệu whisky lừng danh. Ví dụ như một đêm diễn mới ngày 8/1/2022 vừa rồi thôi. Trên poster quảng cáo được chạy rần rần trước đó và cả trên thiết kế sân khấu, logo của 1 hãng rượu whisky đang bán chạy xuất hiện nổi bật và rất trang trọng. Câu hỏi đặt ra là: "Tại sao Sở Thông tin - Truyền thông, Sở Công thương và cả Sở Văn hoá - Thể thao của một tỉnh lớn như Lâm Đồng lại để tình trạng này diễn ra thường xuyên với mật độ hàng tuần như vậy?".

Đặc biệt, với hoạt động dùng người dẫn dắt dư luận (KOLs) làm đối tác quảng bá đang phổ biến suốt nhiều năm qua, các đăng tải liên quan đến rượu mạnh xuất hiện đều đặn trên tài khoản cá nhân của rất nhiều người nổi tiếng, từ đạo diễn cho tới ca sỹ; từ diễn viên cho tới nhân vật giải trí đình đám. Theo cung cấp của một đơn vị truyền thông tên tuổi, chi phí cho mỗi đăng tải như vậy trung bình cũng phải dao động từ 20 đến 40 triệu đồng. Cũng có trường hợp ký hợp đồng đại sứ theo năm và ngoài tiền đại sứ thương hiệu, mỗi bài đăng được đổi lại trực tiếp bằng sản phẩm.

Đó là còn chưa kể tới một lượng thông tin quảng cáo cực lớn và thường xuyên đến từ các nội dung video giải trí với hình ảnh sản phẩm được cố ý sử dụng trực tiếp trên hình (PPL). Rõ ràng, trước mắt, xét về luật, đã có rất nhiều vi phạm ngang nhiên và thứ hai, xét về thuế, đã và đang tồn tại rất nhiều trường hợp trốn thuế thu nhập từ quảng cáo trá hình và biến tướng kiểu này.

Bây giờ, nếu có điều chỉnh Luật Quảng cáo thì cũng đã quá muộn so với sự thay đổi của ngành này, nhưng thà muộn còn hơn không. Dễ hiểu, khi có điều chỉnh luật, lúc ấy sẽ có chế tài và chắc chắn, các quảng cáo biến tướng sẽ bị hạn chế đi rất nhiều.

Văn  Đoàn
.
.